ĐTC chủ sự giờ Kinh Chiều

Thứ bảy - 27/01/2024 07:30 | Tác giả bài viết: Vatican News |   264
Lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ Năm 25/01/2024, tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, Đức Thánh Cha đã chủ sự giờ Kinh Chiều trọng thể lễ Thánh Phaolô tông đồ trở lại, kết thúc Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu. Ngài nhắc lại rằng mọi nỗ lực hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn đều được kêu gọi theo con đường mà Thánh Phaolô đã đi, nghĩa là gạt sang một bên việc coi những ý tưởng của chúng ta là trung tâm, để tìm kiếm tiếng nói của Chúa và để lại sáng kiến và không gian cho Người.
cq5dam thumbnail cropped 750 422
cq5dam thumbnail cropped 750 422

ĐTC chủ sự giờ Kinh Chiều kết thúc Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô hữu lần thứ 57


Tham dự giờ cầu nguyện có Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng trưởng Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu, một số hồng y, giám mục, linh mục và rất đông tín hữu Công giáo và các phái đoàn thuộc các Giáo hội và cộng đoàn Kitô khác nhau. Đặc biệt, hiện diện trong giờ cầu nguyện đại kết tại Đền thờ Thánh Phaolô có Đức Tổng Giám Mục Polykarpos, đại diện Đức Thượng phụ Chính Thống giáo của Constantinople, và Đức giám mục Ian Ernest, đại diện cá nhân Đức tổng giám mục Anh giáo của Canterbury ở Roma.

Trước khi bắt đầu cử hành giờ cầu nguyện, Đức Thánh Cha đã đến trước mộ thánh Phaolô và cầu nguyện trong giây lát.

Lời Chúa trong giờ kinh chiều được trích từ Tin Mừng Luca (10,25-37), trong đó người thông luật hỏi Chúa phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Chúa trả lời là phải sống theo giới luật và đặc biệt yêu mến người thân cận như trong câu chuyện người Samari nhân hậu giúp đỡ người bị cướp đánh.

Sau phần bài đọc, Đức Thánh Cha đã chia sẻ những suy tư, ngài nói rằng trong Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, người thông luật mặc dù gọi Chúa Giêsu là “Thầy”, nhưng không muốn để cho mình được Chúa dạy dỗ, trái lại “muốn thử Người”. Chưa hết, nơi người này còn có một sự giả dối lớn hơn khi ông hỏi “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Thực hành để có được gia nghiệp đời đời, làm để có, đây là một tôn giáo sai lệch, dựa trên sở hữu hơn là ân sủng, xem Thiên Chúa là phương tiện để đạt được những gì mình muốn, không phải vì mục đích để yêu mến hết tâm hồn. Nhưng Chúa Giêsu kiên nhẫn và mời gọi người thông luật tìm câu trả lời trong Lề luật mà ông chính là chuyên gia: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10, 27). Sau đó người này muốn chứng tỏ là mình có lý nên hỏi tiếp “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”.

Sự chia rẽ đến từ ma quỷ

Đức Thánh Cha giải thích: “Nếu câu hỏi đầu tiên có nguy cơ biến Thiên Chúa thành ‘cái tôi’ của chính mình, thì câu hỏi thứ hai tìm cách chia rẽ: chia rẽ những người phải yêu thương và những người có thể dửng dưng. Sự chia rẽ không bao giờ đến từ Thiên Chúa nhưng đến từ ma quỷ. Tuy nhiên ở đây Chúa không trả lời bằng lý thuyết nhưng bằng dụ ngôn người Samari, một câu chuyện cụ thể. Đây cũng là điều chất vấn chúng ta”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ở phần kết câu chuyện Chúa Giêsu không hỏi “Ai là người thân cận của tôi?” nhưng “Tôi đã tỏ ra là người thân cận chưa?”. Thực vậy, chỉ có tình yêu mới trở thành sự phục vụ nhưng không, chỉ có tình yêu mà Chúa Giêsu đã loan báo và đã sống, mới mang các Kitô hữu bị chia rẽ đến gần nhau hơn, hiệp nhất chúng ta. Vì thế chúng ta đừng bao giờ tự hỏi “Ai là người thân cận của tôi?”. Bởi vì mỗi người đã chịu phép rửa đều thuộc về chính Thân Mình Chúa Kitô; và hơn nữa bởi vì mỗi người trên thế giới này đều là anh chị em tôi”.

Câu hỏi của người thông luật “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” cũng là câu hỏi sau đó của Thánh Phaolô trên đường đi Đamát để tìm giết các Kitô hữu và bị quật ngã “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Cv 22, 10). Thánh nhân không hỏi “Con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” nhưng hỏi “Con phải làm gì?”. Ở đây Chúa là mục đích của lời thỉnh cầu, gia nghiệp đích thực. Thánh Phaolô không thay đổi cuộc sống dựa trên mục tiêu của ngài, không trở nên tốt hơn để thực hiện các dự án của mình. Cuộc trở lại của Thánh Phaolô không dựa trên lề luật nhưng thuộc về sự ngoan nguỳ với ý muốn của Thiên Chúa.

Về điểm này Đức Thánh Cha kết luận: “Nếu Thiên Chúa là kho tàng, chương trình Giáo hội của chúng ta chỉ có thể hệ tại ở việc thi hành ý muốn của Người. Và Chúa, vào đêm trước khi hiến mạng sống vì chúng ta đã tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha cho tất cả chúng ta ‘nên một’ (Ga 17, 21). Đó là ý muốn của Người”.

Nỗ lực hiệp nhất theo mẫu gương Thánh Phaolô

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng mọi nỗ lực hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn đều được kêu gọi theo chính con đường mà Thánh Phaolô đã đi, nghĩa là gạt sang một bên việc coi ý tưởng của chúng ta là trung tâm để tìm kiếm tiếng nói của Chúa và để lại sáng kiến và không gian cho Người. Chúng ta cần sự hoán cải này, bởi vì như cách đây 60 năm, Công đồng Vatican II đã nói: “Không có đại kết thực sự nếu không có sự hoán cải nội tâm” (Unitatis redentegratio, 7). Trong lúc cùng nhau cầu nguyện, chúng ta nhận ra rằng mỗi người cần phải hoán cải, để Chúa thay đổi tâm hồn. Đây là con đường: cùng nhau bước đi và phục vụ lẫn nhau, ưu tiên cho việc cầu nguyện.

Theo Đức Thánh Cha, chính vì mong muốn hoán cải tiến tới sự hiệp nhất mà mọi người có mặt tại đây. Ngài bày tỏ lòng biết ơn đại diện của các Giáo hội Kitô đã đến tham dự buổi cầu nguyện đại kết và mời gọi: “Cùng nhau, như anh chị em trong Chúa Kitô, chúng ta cầu nguyện với Thánh Phaolô: ‘Lạy Chúa, chúng con phải làm gì?’ Và khi chúng ta đặt câu hỏi thì thực tế đã có câu trả lời, bởi vì câu trả lời đầu tiên là cầu nguyện. Cầu nguyện cho sự hiệp nhất là nhiệm vụ đầu tiên trong hành trình của chúng ta. Và đó là một nhiệm vụ thánh thiện, bởi vì đó là sự hiệp thông với Chúa, Đấng trước nhất đã cầu nguyện với Chúa Cha cho sự hiệp nhất”.

Để hiệp nhất: cùng đứng dậy, cầu nguyện và bước đi

Đức Thánh Cha kết thúc bài chia sẻ: “‘Lạy Chúa, con phải làm gì? Và Chúa, như Thánh Phaolô thuật lại, đã phán: ‘Hãy đứng dậy, đi vào Đamát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm’. Hãy đứng dậy, Chúa Giêsu nói với mỗi người chúng ta và với sự tìm kiếm sự hiệp nhất của chúng ta. Nhân danh Chúa Kitô chúng ta hãy đứng dậy từ sự mệt mỏi và thói quen của chúng ta, và chúng ta hãy tiếp tục tiến về phía trước vì Người muốn điều đó để ‘thế gian tin’ (Ga 17,21). Vì thế chúng ta hãy cầu nguyện và bước đi, bởi vì đây là điều Chúa muốn nơi chúng ta”.
 

Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây