Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


Học hỏi Lời Chúa

Sau khi đọc Thông cáo của Toà Giám Mục Banmêthuột vừa ra V/v Các nhóm mệnh danh là “Canh tân đặc sủng…” và do nhiều thông tin khác liên quan tới sinh hoạt của các nhóm nói trên, tôi băn khoăn tự hỏi: tại sao người Giáo Dân lại có những lối sống đạo sai lạc truyền thống Giáo lý của Giáo Hội như vậy?
Học hỏi Lời Chúa

HỌC HỎI LỜI CHÚA ĐẾN ĐÂU RỒI?

[05.07.2006 21:43]

Ngày 24 tháng 6 năm 2006 vừa rồi, Toà Giám Mục Banmêthuột vừa ra một Thông cáo: V/v Các nhóm mệnh danh là “Canh tân đặc sủng”.

Sau khi đọc Thông cáo này, và do nhiều thông tin khác liên quan tới sinh hoạt của các nhóm nói trên, tôi băn khoăn tự hỏi: tại sao người giáo dân lại có những lối sống đạo sai lạc truyền thống giáo lý của Giáo Hội như vậy? Tại sao người giáo dân lại dễ tin vào những kiểu sống đạo dị thường như vậy? Và nếu cứ đà sống đạo kiểu đó, thì người tín hữu sẽ biến tướng bản thân Kitô hữu của mình ra dị thường như thế nào? Và Giáo Phận Banmêthuột sẽ khủng hoảng hiệp nhất Ðức tin ra sao?

Thực ra, hiện tượng này đã phát sinh ở một vài nơi trong Giáo Phận, trong Hạt Đaklak, Hạt Quảng Đức… mấy năm nay rồi. Nhưng Giáo Quyền sở tại, cũng như Giáo Phận, đánh giá chưa đúng mức, lại có phần coi nhẹ.

Vào tháng 11.2005, nghe tin một gia đình kia tôi quen biết, có lối sống đạo khác thường như: mẹ, con, cháu bảo nhau không được đi lễ nữa, không được rước lễ nữa, không được gặp gỡ các linh mục nữa, dĩ chí coi các linh mục là hiện thân của Xatan! Rồi chỉ cần ở nhà đọc kinh là được. Tôi có đến tận nhà, gặp bà mẹ, các con gái lớn có chồng con, để hỏi cho ra lẽ… thì đúng thật như người ta đồn. Tôi đã phải mất nhiều giờ để giải thích cho mọi người trong gia đình về sinh hoạt của những nhóm này, đặc biệt là “Thờ Chúa Cha”, mà gia đình đang say mê (trong nhà trữ rất nhiều ảnh “Chúa Cha”, nhiều sách kinh của nhóm). Tôi đã xin hết các hình ảnh này đem về. Sau đó, tôi giúp 2 mẹ con xét mình và xưng tội tại chỗ. Còn con rể thì tôi chưa gặp được. Sau đó, trong một buổi dạy giáo lý chung hàng tuần tại Nhà thờ Toà Giám Mục, tôi đã công khai giải thích cho mọi người về sinh hoạt lạ thường này để cảnh báo về một cách thực hành đạo sai lầm.

Với Thông cáo của Toà Giám Mục, xem ra vấn đề càng trầm trọng hơn, và những người trong những nhóm đó càng đi sâu vào sai lầm, đến nỗi chính quyền tỉnh Đăk Nông đã phải can thiệp vào nội bộ tôn giáo: có những buổi gặp gỡ tra hỏi nhóm, tham khảo ý kiến Toà Giám Mục, và lên tiếng trên đài truyền thanh.

Những cung cách sống đạo sai lầm như thế là đáng tiếc và cần được sửa lại cho đúng đường lối giáo lý của Giáo Hội. Tình trạng như thế cũng là một tiếng chuông cảnh báo cho mọi Kitô hữu thức tỉnh trong việc giữ đạo mà yếu kém giáo lý: thiếu học hỏi giáo lý, và học hỏi không đến nơi đến chốn. Chính một người trong nhóm gọi là “Canh tân đặc sủng” đã nói với Ban Lãnh đạo Tôn giáo Tỉnh Đăk Nông rằng: “Từ nhỏ tôi đã theo đạo… mình theo đạo thì theo vậy thôi nhưng không biết gì hết, khi đi học giáo lý cũng không nhớ gì hết, đến khi lập gia đình thì lo làm ăn, Chủ nhật lại đi lễ…”. Như thế vấn đề nóng bỏng của chúng ta ngày nay trong toàn Giáo Hội là việc dạy giáo lý và học giáo lý. Chúng ta dễ có khuynh hướng thích xây cất đền đài vật chất hơn là xây dựng đền thờ của Chúa Thánh Thần, nghĩa là thiếu đời sống tâm linh trong sáng bởi không hiểu giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, mà các linh mục giáo xứ có trách nhiệm trước tiên và trên hết. Thêm vào đó, các giáo xứ thiếu hẳn các giáo lý viên đã qua những lớp đào tạo chính quy, để cung ứng cho nhu cầu mục vụ các thanh thiếu nhi trong giáo xứ, giáo họ, giáo điểm.

Một năm học hỏi Lời Chúa, không phải chỉ cổ động cho mỗi nhà, mỗi người một sách Tân Ước, nhưng phải là thời gian để học biết cách “Ðọc” Lời Chúa, biết cách “Cầu nguyện” với Lời Chúa, và biết cách “Thực hành” Lời Chúa. Điều này, không dạy và không học, thì không biết được. Các linh mục không chuyên chỉ dạy liên lỉ, và không có giáo lý viên cộng tác vào, thì làm sao biết được, như Thánh Philiphê phó tế hỏi quan Thái giám kia rằng: “Ngài có hiểu điều ngài đọc không?” Ông quan đáp: “Làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải” (Cvtđ. 8,30).

Như vậy, trách người cũng chính là tự trách chính ta vậy, và rồi phải giác ngộ tự bản thân, tự mỗi gia đình, tự mỗi giáo xứ về Giáo lý!

Lm Stêphanô Nguyễn Văn Đậu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây