Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


Về thăm Long Điền

Long Điền là một giáo xứ có thể nói là toàn tòng, thuộc Giáo hạt Phước Long, Giáo phận Ban Mê Thuột; nằm trên địa bàn thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.
Về thăm Long Điền

Về thăm Long Điền

VDB

Long Điền là một giáo xứ có thể nói là toàn tòng, thuộc Giáo hạt Phước Long, Giáo phận Ban Mê Thuột; nằm trên địa bàn thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.

Năm 1954, Cha Đa Minh Trần Khắc Thiệu đưa dân Lương Điền và Cam Lai từ Tiền Hải, Thái Bình di cư vào miền Nam và thành lập Giáo xứ Tân Sơn Nhì tại Sài Gòn. Nhưng ở Tân Sơn Nhì không có việc làm thích nghi nên cuối năm 1957, Cha Đa Minh lại dẫn dắt đoàn chiên ngược lên vùng cao nguyên Bà Rá - Phước Long lập nghiệp làm ăn sinh sống; từ đó hình thành Giáo xứ Long Điền.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm, vất vả hy sinh lo cho cộng đoàn Giáo xứ, cộng với tuổi già, ngày 10.05.1975, Cha Đaminh đã qua đời. Từ đó đến năm 1991, Long Điền không có chủ chăn, đời sống đức tin gặp muôn vàn khó khăn.

Năm 1991, Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ được bổ nhiệm về quản xứ Giáo xứ Long Điền. Ngài đã thổi bùng lên ngọn lửa đức tin nơi đây và nhiều giáo xứ, giáo họ quanh vùng Phước Long.

Hiện nay, Long Điền là một giáo xứ có đời sống đạo vững vàng và phát triển mạnh mẽ. Số giáo dân gần 6.000 người do Cha quản xứ Giuse Trịnh Minh Thanh và Cha Phó xứ FX. Trần Văn Đoàn coi sóc. Long Điền đã có ngôi Thánh đường khang trang, có nhà giáo lý rộng lớn, có nhà xứ tiện dụng để tổ chức những Thánh lễ lớn của Giáo phận, nên chúng tôi thường về thăm.

Ngày 13.11.2016, Lễ trọng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – Bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng tôi lại có dịp đến Long Điền. Thoạt đầu, chúng tôi định đi bằng xe máy, khởi hành từ BMT vào lúc nửa đêm, nhưng anh Cường xung phong đưa anh em đi bằng ôtô, khởi hành sớm hơn vào lúc 3 giờ chiều, nhờ vậy, chuyến đi khá thuận lợi. Đường tốt, xe êm, chợp mắt một lúc đã tới Kiến Đức, dừng lại ở quán bên đường, ăn cháo lót dạ.

Đoạn đường từ cầu Bù Na vào Phước Quả đường xấu, trời tối, lần mò mãi đến 8 giờ đêm mới đến được Long Điền. Đến Long Điền, ghé nhà anh Hoàng Mạnh Trung. Vào nhà đã thấy mâm cỗ dọn sẵn chờ đón anh em.

Anh Trung là cựu chủng sinh Lê Bảo Tịnh, lớp Phanxicô, bị thương năm 1975 do đạn pháo xe tăng T54 bắn vào chủng viện, cùng đợt với Cha giáo Đậu, anh Châu, anh Hằng,… Anh Trung, từ khi mới lọt lòng, cha mẹ đặt tên khai sinh cho anh là Thưởng. Vì thời cuộc, chiến sự nhiễu nhương, có nhiều biến đổi ngoài ý muốn mà đời người không cưỡng lại được, vì thế, khi đi học anh có tên là Hoàng Mạnh Trung. Sau biến cố 1975, về nhà hợp thức hóa giấy tờ cho đúng hộ tịch thì tên anh lại đổi thành Vinh. Nhưng chúng tôi vẫn cứ gọi anh là Trung - Hoàng Mạnh Trung.

Năm 2009, nhân dịp lễ khánh thành nhà thờ Phước Vĩnh, chúng tôi cũng đã ghé lại nhà anh. Hồi đó anh làm nghề may, lấy hiệu là Nhà may Adam. Mấy anh bạn thắc mắc: “trang phục Adam thì cần gì phải may!?”. Sau đó anh bỏ nghề may. Năm ngoái, khi tháp tùng Đức TGM Leopoldo Girelli thăm mục vụ Long Điền, chúng tôi ghé thăm gia đình anh đã chẳng thấy biển hiệu “nhà may Adam” ở mô! Hôm ấy anh cũng đãi một bữa thịnh soạn. Anh khoe mới sinh được cháu trai bụ bẫm 6 tháng tuổi. Vậy là nghiễm nhiên anh đạt kỷ lục: Người có con nhỏ nhất Nhà Họ Lê. Hôm nay, anh cũng đưa cháu bé ra “trình diện”. Cu cậu rất dễ thương, khỏe mạnh, đẹp trai hơn Bố.

Cơm rượu no say. Gần 10 giờ đêm chúng tôi mới vào nhà xứ. Cha quản xứ, Cha phó xứ quan tâm lo lắng, giao cho chúng tôi một căn phòng rộng rãi, tiện nghi. Anh em tắm rửa nghỉ ngơi sau chặng đường dài.

Theo chương trình, mãi đến 10 giờ trưa mới cử hành Thánh lễ và nghi thức Đóng Cửa Thánh, thế nên buổi sáng khá rảnh rỗi. Điểm tâm xong, chúng tôi ghé thăm Ông Bà Cố cha Phan Văn Phúc, cũng là song thân của anh Phan Văn Nhu.

Anh Phan Văn Nhu học cùng lớp anh Trung, lớp Phanxicô, cựu chủng sinh Lê Bảo Tịnh. Gia đình anh hiện đang định cư tại Mỹ. Thời còn ở trong chủng viện, anh Nhu là người hiền lành, dễ mến; anh có nhiều tài, khéo tay hay làm. Ở xứ Cờ Hoa, tài năng của anh được trọng dụng, thu về lợi nhuận khá tốt. Anh cho rằng tất cả đều là hồng ân Chúa ban nên sẵn lòng san sẻ, giúp đỡ nhiều anh em LBT gặp nguy khó và những người nghèo khổ ở quê nhà.

Mới đây, anh Nhu cũng hỗ trợ cho Ban VHTT Giáo phận một phương tiện truyền thông rất giá trị và hữu ích. Nhân tiện dịp này, chúng tôi đến thăm Ông Bà Cố, đồng thời chuyển thư của Cha Trưởng ban cám ơn Ông Bà Cố và gia đình.

Nhà Ông Bà Cố hôm nay khá bừa bộn. Ông bà cho biết đang sửa sang lại để chuẩn bị đón gia đình anh Nhu bên Mỹ về chơi. Chưa kịp trò chuyện gì thì Bà Cố chạy đi đâu ra ngoài, một lúc sau cầm tiền về phát cho anh em chúng tôi mỗi người 100 ngàn đồng, nói là để anh em đi đường uống nước. Không cầm thì Bà Cố giận, nên nhận cho Bà Cố vui, mà mình lại có tiền xài!!!

Tạm biệt Bà Cố, anh em cùng Ông Cố sang nhà cô Mừng (em gái anh Nhu) uống cà phê. Cô Mừng nhận ra ngay khách quen hồi năm ngoái. Cô tíu tít như lâu lắm rồi mới gặp lại người thân. Thật là Mừng!

Nhà Ông Bà Cố anh Nhu ở Long Điền

Anh em  đến thăm Ông Bà Cố anh Nhu ở Long Điền

Bà Cố hào phóng phát tiền cho anh em đi đường uống nước

Anh em  chụp hình lưu niệm cùng Ông Bà Cố anh Nhu

Ghé thăm gia đình cô Mừng (em gái anh Nhu)

Cô Mừng (em gái anh Nhu) tíu tít như lau ngày gặp lại người thân

 

10 giờ Thánh lễ mới bắt đầu. Trời nắng nóng nhưng giáo dân đến tham dự rất đông. Nhiều người ở mãi Đồng Xoài cũng về hiệp thông. Đông là thế mà Thánh lễ diễn ra trang nghiêm, sốt sắng và trật tự.

Lễ xong, chúng tôi dùng cơm trưa với Quý Cha đồng tế, Quý tu sĩ và Quý chức HĐGX. Sau đó, thu dọn hành trang trở về BMT.

Trước khi lên đường, chúng tôi ghé thăm Ông Bà Cố Cha Trần Thế Minh. Ông Bà Cố tính tình cởi mở, vui vẻ, trẻ trung. Hồi năm 2013, Lễ Truyền Dầu tổ chức ở Long Điền, lúc bấy giờ, nhà xứ còn chật hẹp, chúng tôi nghỉ đêm tại nhà Ông Bà Cố. Còn nhớ, tối hôm ấy được Ông Bà Cố đãi một bữa no say, nhớ đời.

Thăm Ông Bà Cố Cha Trần Thế Minh ở Long Điền

 

Chúng tôi còn ghé thăm gia đình cô Hương, một bác sĩ công giáo đạo đức, nhiệt thành công việc nhà Chúa, tích cực trong phong trào Bảo vệ sự sống. Phòng khách nhà cô trang trí đơn giản, ấm cúng, treo khá nhiều Bằng Tri Ân.

Đoạn đường về thênh thang rộng mở, mọi người đều vui, cảm thấy tâm hồn hân hoan thư thái vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cũng vậy, nhưng có lẽ do sức khỏe dạo này sa sút nên lúc xe về đến Bù Đăng thì cảm thấy chóng mặt, buồn nôn; muốn ngủ một giấc nhưng không tài nào chợp mắt được. Ráng chịu đựng để tránh làm phiền đến anh em, nhưng lúc xe dừng lại cũng là lúc không còn giữ mình được nữa, may mà kịp xuống xe, cho ra vệ đường. Những lúc thế này lại nhớ đến vợ, đến con, mong sao mau về tới nhà, nơi ấy sẽ được bình an.

Xe về đến Đak Mil là lúc tôi cảm thấy không còn sức sống, bỗng nhiên trở thành đứa trẻ cần được chăm sóc. Anh em trên xe ai cũng quan tâm, lo lắng: Anh Cường mua nước trà gừng nóng, anh Quang mua thuốc “dỗ” tôi uống. Uống xong, nghỉ ngơi một lúc tôi cảm thấy dễ chịu hơn, không biết là do thuốc hay do cảm xúc, chắc là do cả hai.

Trước đó, anh em dự định sẽ ghé Kim Mai thăm Cha Ninh, có lẽ thấy tôi mệt nên thôi. Xe về gần đến BMT, tôi mừng lắm, nhưng bỗng dưng không làm chủ được bản thân, nôn thốc nôn tháo ra xe, không cách nào kìm nén được. Xác thân rã rượi mà tâm trí bối rối, thật xấu hổ, ngại ngùng. Đến nhà, anh em phải dìu vào…

Như một phép màu, sáng hôm sau thức dậy, tôi thấy cuộc đời tươi mới hẳn, thấy mình vẫn còn một sức sống dồi dào, thấy mình vẫn còn có thể giúp ích cho đời. Thật là hạnh phúc khi quanh ta có anh em; khi mệt mỏi, có một chốn bình yên để nghỉ ngơi; khi khỏe mạnh, có công việc phù hợp để làm.

Tất cả những điều đó đều là hồng ân Chúa ban. Deo gratias!

Cha TĐD Stephano Nguyễn Văn Đậu và Bà Cố anh Nhu tại nhà xứ Long Điền

 

VDB

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây