Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


Kể chuyện ngày xưa với Cao Quý Ngữ

Tình cờ xuống Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi đất lạ người xa, tôi lục tìm trong những địa chỉ của anh em hy vọng sẽ tìm thấy được một người quen.
Kể chuyện ngày xưa với Cao Quý Ngữ

Kể chuyện ngày xưa với Cao Quý Ngữ

[17.03.2013 15:25]

Thỉnh thoảng anh em chúng tôi lại về Sài-gòn, nhất là những khi nhận được tin báo của anh em Lê Bảo Tịnh thông báo về họp mặt. Anh em LBT vùng Đông Nam bộ, duy nhất chỉ có tôi và Ngữ thuộc BRVT tham gia họp mặt thường xuyên với nhóm Sài-gòn. Vợ chồng Cao Quý Ngữ thường ghé xe đón tôi để anh em cùng đi. Quốc lộ 51 nối liền Bà Rịa Vũng Tàu – Sài-gòn hầu như lúc nào xe cộ cũng đông nghẹt, qua khỏi ngã ba Vũng Tàu, giao lộ được nối liền với quốc lộ số 1, lưu lượng xe giao thông tăng lên gấp bội làm cho những con đường rộng bát ngát ở đây trở nên chật chội. Ngồi trên xe chen chúc giữa dòng chảy giao thông, anh em chúng tôi rỗi rãi ôn lại chuyện xưa.

Sau năm 1975, cuộc sống thành thị hầu như bị đảo lộn. Đại đa số các gia đình tìm về nông thôn mưu cầu cuộc sống mới, vui cảnh điền viên nhưng thực chất là để giải quyết đời sống kinh tế vì ở thành thị thời buổi ấy không biết làm gì để sống. Gia đình tôi cũng vậy, rời bỏ thị xã Ban-mê-thuột về miền quê xa xôi Dakmil, cứ tưởng rằng sẽ chôn chân mãi mãi. Đi đâu cũng nghe mọi người nói: “an cư mới lạc nghiệp”.  Quả thật nông thôn êm đềm, no đủ và hạnh phúc. Những ngày sống bình yên nơi quê nhà, tôi không nghĩ rằng có lúc mình sẽ bỏ nơi ấy để ra đi…

Tình cờ xuống Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi đất lạ người xa, tôi lục tìm trong những địa chỉ của anh em hy vọng sẽ tìm thấy được một người quen. Trong danh sách của các lớp trong chủng viện chỉ thấy một cái tên mang dấu ấn Lê Bảo Tịnh duy nhất ở Đá Bạc, Bà Rịa – Vũng Tàu, cái tên Cao Quý Ngữ... Tôi hình dung ra lờ mờ, tên này ngày xưa ở Phan Thiết, một tay bơi có hạng, năm 1970 đã từng làm cho chúng tôi khiếp vía khi đi tắm tại Hồ Trung tâm Thực nghiệp. Trong khi anh em tắm gần bờ, hắn nhảy ra xa và lặn một hơi mất tăm, mọi người nhốn nháo lo âu báo động, chạy dọc trên bờ la nhau í ới. Những chú tiểu, học sinh trung học chưa đủ khôn ngoan để ứng xử trong những trường hợp khẩn cấp, chỉ biết đứng chỉ trỏ dò tìm một vài bọt tăm trên mặt nước, thỉnh thoảng một vài người nói thêm vào những thông tin càng làm cho mọi người khiếp vía như ‘đây là hồ không đáy, lính Mỹ đã từng đem máy đo nhưng không dò ra’. Những suy nghĩ ngô nghê của những tâm hồn non nớt càng làm cho mọi người thêm lo âu. Trong tình thế tưởng chừng như vô vọng, bỗng nhiên hắn nổi lên, đưa tay vuốt mặt, nhe răng cười chế diễu mọi người. Hú hồn!... Sau lần này thì hắn nổi tiếng là Yết Kiêu, tay thợ lăn cừ nhất CV. Té ra hắn vốn là dân  Phan Thiết, từ bé đã từng ngụp lặn trong dòng sông Mường Mán, thượng nguồn của dòng sông Cà-ty chảy qua thành phố Phan Thiết nơi hắn sinh trưởng và lớn lên…

Ngữ kể với tôi, Mường Mán là một trong những địa danh đón tiếp đoàn người di cư 1954, một số người dân hiện ở Châu Sơn, Trung hòa, Dakmil đã từng tạm cư ở đây trước khi về định cư tại Ban-mê-thuột trong những năm diễn ra cuộc di cư vĩ đại 1954. Vì thế những câu chuyện của Trần Khánh Điệp kể về một nơi chôn nhau cắt rốn mà chưa một lần quay trở lại, đó chính là quê hương Mường Mán (còn được gọi là Mương Mán). Năm 1969, Ngữ vào chủng viện, cuối năm 71 anh rời CV trở lại quê nhà. Lúc ấy cha bố Phê-rô Trần Anh Kim mới hỏi sao lại nhà nhanh thế? Anh trả lời: ‘có lẽ tại vì lâu nay cha không lên gặp các cha trên CV nên con phải về sớm’… Những câu chuyện kể của Ngữ về thời niên thiếu làm tôi thích thú.

 Phan Thiết trước đây thuộc giáo phận Nha Trang, đúng ra anh đã đi CV Sao Biển. Đại đa số bạn bè trang lứa của anh  lúc ấy đều tu tại Nha Trang, chỉ có duy nhất mình anh là về BMT. Thời gian trở lại Mường Mán là thời gian cho anh nhiều kỷ niệm khó quên… Dân làm nông thời buổi ấy mặc dầu đang tuổi học sinh nhưng một buổi đi học, một buổi đi làm giúp đỡ gia đình; có lúc thì đi cày, lúc thì đi chăn bò. Lũ trẻ lùa bò vào cánh đồng và tụ tập nhau về phía bìa rừng đùa dỡn và tổ chức những trò chơi. Thỉnh thoảng chúng gặp những chú bộ đội ra liên lạc với những người dân làm rẫy, những cậu bé tinh nghịch theo dõi và biết được một số người dân làm rẫy tại bìa rừng thường mua giúp các chú bộ đội một số nhu yếu phẩm như đường, muối, bánh kẹo và thuốc men… Những cậu bé chăn bò, trong đó có Cao Quý Ngữ chờ khi những người tiếp tế khuất bóng liền mò ra những nơi dấu hàng lục tung và chỉ ăn bánh kẹo mà thôi, sau đó ngụy trang và dấu lại như cũ… Ăn quen được một hai lần, tới lần thứ  ba thì bị bắt quả tang và bị đánh cho một trận. Kể từ đó, những cậu bé chăn bò trở nên e dè hơn, không dám đụng vào các vật phẩm tiếp tế. Vào thời buổi chiến tranh không ai dạy ai nhưng các cậu bé cũng đủ khôn ngoan để giữ kín miệng, chuyện ở ngoài đồng để lại ngoài đồng, chuyện ở nhà cứ để ở nhà… Bây giờ kể lại với nhau, nói chơi đúng là “ăn cơm QG, thờ ma ...”. Chuyện đã qua mấy mươi năm, kể lại vẫn đầy tính hồn nhiên. Về một phương diện nào đó cũng phải công nhận Ngữ là người có công với cách mạng, đã từng trúng tuyển tham gia nghĩa vụ quân sự và đóng quân tại K’rong Păk. Một lần đi công tác tại thị xã BMT, lẻn về dự lễ chủ nhật tại nhà thờ Châu Sơn, khi lên rước lễ, thầy Lê-vi trao Mình thánh hôm đó không ai khác hơn là Nguyễn Xuân Lý cũng phải giật mình ngạc nhiên một vài giây trước thằng bạn cùng lớp với mình đột ngột xuất hiện. Sau Thánh lễ, anh em gặp nhau mừng ra nước mắt…

Ngữ lập gia đình và ra riêng sớm mục đích để giữ đất nếu không sẽ bị sung vào hợp tác xã. Hai vợ chồng tự làm nhà và gầy dựng cuộc sống. Miền Nam, những năm 78 trở về sau gặp nhiều khó khăn, vùng đất Mường Mán, Phan Thiết là một vùng đất cát không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã rời bỏ vùng đất này tới những vùng đất màu mỡ hơn để sinh sống. Gia đình Ngữ lưu lạc vào huyện Châu Thành tỉnh Đồng Nai, sau này là huyện Châu Đức, tỉnh BRVT. Trải qua nhiều truân chuyên, hai vợ chồng đã gầy dựng nên cơ nghiệp ở vùng đất mới. Bây giờ thì công ty chế biến hạt điều của vợ chồng Ngữ đã ăn nên làm ra. Ông bà Giám đốc vẫn giản dị bình thường và luôn mở rộng tấm lòng đón tiếp bạn bè. Về Sài-gòn gặp cha Trần Mạnh Tiến và anh em LBT bàn những dự định chung tay làm việc bác ái, Ngữ hưởng ứng liền; bởi thực tế anh đang hỗ trợ cho nhóm bạn trẻ thuộc giáo xứ Thanh Đa, trong đó có con gái của anh hằng năm tham gia chương trình đến với người nghèo tại các vùng sâu, vùng xa…

 

Trên đường về Ngữ kể lại với tôi những lần về thăm Mường Mán anh luôn có một cảm giác choáng ngợp. Trong những năm gần đây Phan Thiết phát triển mạnh về cây Thanh Long, những thuở đất khô cằn sỏi đá khi xưa giờ được quy hoạch thẳng tắp và những vườn Thanh Long bạt ngàn tạo nên một diện mạo mới nơi quê nhà. Có những gia đình hạ riêng những trạm điện để thắp sáng về ban đêm kích thích cho cây tăng năng suất. Thanh Long được giá, vượt biên giới thâm nhập ra thị trường nước ngoài đã làm cho đời sống của người nông dân thay đổi hẳn. Những ngôi biệt thự, những nhà cao tầng được mệnh danh là nhà Thanh Long đã làm cho Mường Mán có khuôn mặt diễm lệ hơn xưa… Những câu chuyện miên man về một thời niên thiếu làm cho quãng đường dài trở thành ngắn lại cho dầu vẫn có nhiều điều chưa kể hết. Tôi chia tay vợ chồng Ngữ mà trong lòng đầy lưu luyến, hẹn đến lễ Gioan Baotixita, bổn mạng nhóm Sài-gòn, Đông Nam bộ lại gặp nhau nơi Bà Rịa Vũng Tàu.
 

Hoàng Công Nga

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây