Người công chính

Thứ ba - 16/03/2021 11:08 |   1242
Lạy Thánh Giuse Đấng Công chính, xin cầu cho chúng con.
Người công chính

Người công chính

 
 



Lm. G.B. Trần Văn Hào SDB



Nói về Thánh Giuse, chúng ta dễ có nguy cơ ngụy tạo ra một Thánh Giuse theo trí tưởng tượng hay theo cảm tính đạo đức, hơn là chiêm ngắm hình ảnh Thánh Giuse được Kinh thánh nói đến. Thực ra, chúng ta biết rất ít về Ngài, ngoài trừ một vài chi tiết được Thánh sử Matthêu và Luca ghi lại, liên quan đến thời thơ ấu của Đức Giêsu. Tuy nhiên, thánh Matthêu đã quy tóm sự thánh thiện của Thánh Giuse vào một tước hiệu rất đơn giản : ‘Người Công chính’ (Mt 1,19).


Dưới góc độ sử học, chắc chắn chúng ta không thể biết nhiều về Thánh Giuse, ngoại trừ chi tiết cho biết Ngài là con của Giacóp và là chồng của bà Maria, Mẹ Chúa Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô (x.Mt chương 1). Ngoài ra, những điều khác được viết ra nói về Ngài đều gắn kết với cuộc đời của Chúa Giêsu tại Nazareth thủở thiếu thời. Chúng ta không biết Thánh Giuse sinh năm nào, sống được bao nhiêu tuổi và qua đời ở đâu. Vả lại, lúc sinh thời, Thánh Giuse cũng không để lại một trước tác nào để các học giả có thể nghiên cứu linh đạo của Ngài. Các trang Tin mừng tuyệt đối không ghi lại bất cứ câu nói nào của Thánh nhân. Thánh Giuse ít nói, nhưng chắc chắn không phải Ngài bị câm điếc hay mắc chứng trầm cảm. Cũng chẳng phải Ngài là một con người lầm lì hoặc ít giao tế xã hội. Trên hết, sự thinh lặng của Thánh Giuse gắn liền với tước hiệu ‘Người Công chính’ diễn bày một tư thế nội tâm sâu xa, và Giáo hội vẫn sánh ví Ngài như một ‘Người tôi tớ trung thành’. Xin chia sẻ một vài suy tư để chúng ta chiêm ngắm sự thánh thiện của Thánh nhân như một mẫu gương sống nội tâm cách sâu xa.


Thinh lặng để nghe: Nhận ra tiếng Chúa nói.


Thánh Matthêu trình thuật 2 sự kiện: Thần sứ nói với Giuse trong giấc mộng để đón Đức Maria về nhà, sau đó thần sứ cũng báo mộng cho Giuse hãy đưa dẫn cả gia đình trốn sang Ai Cập để lánh nạn (x Mt chương 1 và 2; x Lc chương 2). Giữa đêm khuya thanh vắng, Giuse đã nghe được tiếng Chúa ngỏ trao. Văn phong thời xưa khi diễn tả ‘Thiên Thần báo mộng’, chính là diễn bày sự kiện Thiên Chúa đang nói với con người. Ngày xưa, ngôn sứ Elia đã nghe tiếng Chúa nói trên núi Khô-rép không phải trong tiếng ầm ầm của gió bão, động đất hay những tiếng gầm rú của núi lửa phun trào, nhưng Chúa chỉ nói trong tiếng gió hiu hiu nhè nhẹ (1 Vua 19,11-13). Cậu bé Samuel cũng nghe tiếng Chúa gọi giữa đêm khuya thanh vắng khi cậu ngủ trong đền thờ với thầy cả E-li. Cũng thế, trong đêm trường tĩnh lặng, Thánh Giuse đã nghe được tiếng Chúa nói và mau mắn thi hành. Đây là thái độ nội tâm mà thánh Giuse đã thể hiện : Thinh lặng để nghe Chúa nói với chính mình. Thánh Biển Đức cũng dạy các con cái Ngài: “Chúng con hãy năng lắng nghe Lời Chúa, nhưng không phải nghe bằng đôi tai của thân xác, mà nghe với đôi tai của cõi lòng”. Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta đang bị vây kín bởi quá nhiều tiếng động ồn ào, đan xen giữa những sinh hoạt đời thường. Những âm thanh hỗn độn đó cản che đôi tai và làm nhiễu sóng những sứ điệp mà Chúa đang muốn gửi đến. Đây không phải là âm thanh của những loa nhạc mở hết công suất, hay của những tiếng xe máy gầm rú chạy ngoài đường phố. Trên hết, đó là những tiếng động xào xạc của tiền bạc, những ồn ào của lạc thú hay những bon chen kiếm tìm danh vọng. Những tiếng động ấy như một thứ ngáng trở mà ma quỷ giăng ra để che chắn lỗ tai chúng ta trước tiếng mời gọi của Thiên Chúa. Chúa dựng nên con người chỉ có một cái miệng để nói nhưng có hai cái tai để nghe. Chúng ta hãy bắt chước Thánh Giuse, tập sống thinh lặng nội tâm để nhận ra những tín hiệu mà Lời Chúa đang vang vọng lại nơi tâm hồn chúng ta mỗi ngày.


Thinh lặng để nói: Đối thoại với Chúa.


Nếu chúng ta hiểu rằng cầu nguyện là đối thoại với Chúa, thì Thánh Guise đã nêu bật cho chúng ta mẫu gương về phẩm chất cao đẹp này. Ngài thinh lặng để nói với Chúa. Nơi gia đình Nazareth, Chúa Giêsu trở thành tâm điểm mà Thánh Giuse cũng như Đức Maria luôn quy hướng về. Ngài thinh lặng để nghe Chúa nói và cũng thinh lặng để nói với Chúa. Cha Luke Oysinger, tu sỹ dòng Biển đức, đã phân định việc cầu nguyện với 4 bước cơ bản. Bước thứ nhất, chúng ta đến gặp Chúa, tôi nói và Chúa nghe. Bước thứ hai quan trọng hơn, là Chúa nói còn tôi lắng nghe. Giai đoạn thứ ba,việc cầu nguyện trở nên sâu xa hơn, là chúng ta đến với Chúa, cả hai đều thinh lặng và cùng lắng nghe. Cuối cùng, sự viên mãn của tiến trình cầu nguyện là chúng ta đến với Chúa, không ai nói, chẳng ai nghe, cả hai đi vào sự thinh lặng trong hiệp thông cách trọn vẹn. Sự viên mãn này chỉ đạt đến khi chúng ta trở về với Chúa và an hưởng vinh quang vĩnh cửu trên quê trời, lúc đó chúng ta sẽ gặp Chúa ‘diện đối diện’ như thánh Phaolô đã từng diễn tả. Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cần tập thinh lặng để nghe Chúa nói, hơn là chúng ta chỉ độc thoại và nói một mình. Thánh Giuse đã thể hiện tư thế nội tâm này và nêu gương cho chúng ta. Ngày xưa, Chúa Giêsu cũng mời gọi các học trò hãy rút lui vào nơi thanh vắng để nghỉ ngơi một chút (Mc 6,31). Đây không phải là sự nghỉ ngơi của thân xác, nhưng trên hết là sự nghỉ ngơi với tư thế nội tâm để nhìn lại những biến cố đã qua, nói với Chúa và lắng nghe những gì Chúa nói với chúng ta.


Trong cuộc sống thường ngày, người ta vẫn dùng hai loại hình ngôn ngữ để giao tiếp, đó là ngôn ngữ bằng lời (verbal words) và ngôn ngữ không lời (non-verbal words). Khi hai người yêu nhau say đắm, những ngôn từ trên môi miệng sẽ trở nên thừa thãi. Trong tình yêu, ngôn ngữ của trái tim và đôi tai của cõi lòng vẫn là những phương thế tuyệt hảo nhất. Thánh Giuse đã sử dùng loại hình ngôn ngữ này để nói, để đối thoại với Chúa.


Thinh lặng để phục vụ : Như một đầy tớ trung thành


Thánh ký Matthêu ghi lại rằng, sau khi được Thiên sứ mách bảo, Giuse đã đón Đức Maria về nhà mình (Mt 1,24). Cũng vậy, sau khi nghe Thiên sứ truyền lệnh, Thánh Giuse liền trỗi dậy, đang đêm đem Hài nhi và mẹ người trốn sang Ai Cập (Mt 2, 24). Thánh Giuse luôn sẵn sàng lên đường để thực thi điều Thiên Chúa muốn. Ngài không quản ngại nhọc nhằn hay gian nan. Cũng vậy, trong cuộc sống âm thầm tại Nazareth, Thánh nhân cũng đã phải bươn chải mưu sinh với nghề thợ mộc. Điểm mấu chốt, không phải Ngài làm việc để kiếm cơm áo gạo tiền, nhưng để phục vụ Chúa Giêsu và Đức Maria. Vì thế, Giáo hội vẫn sánh ví Thánh Giuse như một người tôi tớ trung thành. Người đầy tớ trong xã hội khi xưa là  người luôn biết làm theo ý chủ, lúc nào cũng xắn tay áo lên, thắt lưng cho gọn để làm việc không mỏi mệt, và chẳng bao giờ đòi chấm công hay nhận thù lao. Chúa Giêsu cũng đã từng nói về người Pharisêu : “Họ nói mà không làm”. Còn thánh Giuse thì ngược lại, Ngài làm nhưng không nói. Trong thư thứ hai gửi giáo đoàn Thessalonica, thánh Phaolô cũng đưa ra lời trách móc : “Chúng tôi nghe nói trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào” (2 Thes 2,11). Hiện trạng đó vẫn thường hay xảy ra trong các cộng đoàn giáo xứ hay ngay cả nơi các cộng đoàn tu sỹ. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã từng nhắc nhở : “Ngày nay, Giáo hội cần những chứng nhân hơn là những thầy dạy”, nghĩa là Giáo hội cần có những con người xả thân làm việc cách cụ thể để phục vụ hơn là chỉ đứng trên bục giảng để nói bằng lý thuyết. Chúa Giêsu đã từng cảnh báo : “Không phải cứ mở miệng kêu lạy Chúa lạy Chúa là được vào nước trời cả đâu, nhưng chỉ những ai thi hành ý Chúa mà thôi” (Mt 7,21).


Giáo hội chiêm ngắm hình ảnh thánh Giuse lao động không phải nhằm đề cao những giọt mồ hôi nhễ nhại nơi xưởng mộc. Giáo hội muốn chúng ta học hỏi gương mẫu cần cù và miệt mài của Thánh nhân trong việc  phục vụ Chúa Giêsu và Đức Maria tại Nazareth.


Kết luận


Linh đạo mà thánh Giuse thể hiện không phải được viết lại trên một vài trang giấy vô hồn, nhưng linh đạo thánh thiện ấy đã hiển thị rõ nét nơi cuộc sống của Thánh nhân ở Nazareth mà các sách Tin mừng thuật lại. Một cuộc sống rất bình dị và lặng lẽ nhưng ngập tràn tình yêu nồng nàn dành cho Chúa Giêsu và Đức Maria. Thánh Giuse tuy không nói một câu nào trên đầu môi cửa miệng, nhưng Ngài vẫn đang nói với chúng ta rất nhiều qua mẫu gương thánh thiện của Ngài. Ngài là ‘Người Công chính’ không phải theo nghĩa hẹp, tức là chỉ tuân giữ lề luật cách nghiêm túc, nhưng Thánh nhân đã hoàn thiện lề luật một cách trọn hảo qua tình yêu nồng cháy dành cho Chúa Giêsu và Đức Maria.


Lạy Thánh Giuse Đấng Công chính, xin cầu cho chúng con.

http://gpphanthiet.com/index.php/vi/news/chuyen-de/cac-bai-suy-niem-le-thanh-giuse-4654.html

 Tags: công chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây