Sống Mùa Chay Mới

Thứ sáu - 25/02/2022 23:54 | Tác giả bài viết: Jos Lưu Hành, SDB |   601
“Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6, 9-10a).
Sống Mùa Chay Mới

SỐNG MÙA CHAY MỚI

Giáo hội đang chuẩn bị bước vào Mùa Chay, một thời gian thật đặc biệt để từng Kitô hữu có cơ hội nhìn lại bản thân nơi tận thẳm sâu của tâm hồn, để rồi chuẩn bị mình thật xứng đáng cho ngày sau hết và cụ thể là Mừng biến cố Chúa Phục sinh. Mùa chay năm nay khởi đầu khi cơn dịch bệnh vẫn đang còn tiếp diễn, từng người trong chúng ta vẫn đang phải trải qua những thời gian rất u ám cả về vật chất, tinh thần lẫn đời sống đức tin. Giờ đây, khi chuẩn bị bước vào mùa chay, con và mọi người cùng nhau thinh lặng, trở về và đối diện với nhan thánh Chúa, để nhìn lại mình, cùng kiểm điểm và đưa ra những quyết tâm trong mùa chay thánh này.

Khởi đầu Sứ điệp Mùa chay năm nay 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô lấy chủ đề từ đoạn thư gửi tín hữu Galát: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6, 9-10a). Từ gợi ý mà Đức thánh cha đưa ra, con nhận thấy thời gian mà cơn dịch bệnh diễn ra, đã có rất nhiều người quảng đại và kiên trì để tìm và giúp đỡ những người gặp khó khăn, đó có thể là bó rau, ổ bánh bì, chai nước, vài ký gạo hoặc một vài nhu yếu phẩm khác. Sống tinh thần mùa chay năm nay, chúng ta vẫn còn bị cơn dịch bệnh quấy rối, thế nên vẫn còn đó nhiều hoàn cảnh khó khăn đang chờ đợi chúng ta “làm điều thiện cho mọi người”

1. Sống bác ái

Điều thiện đầu tiên đó là bác ái được được biểu lộ cụ thể qua hành động cho đi, dù không phải đòi hỏi những thứ vật chất lớn lao, nhưng quan trọng hơn hết là ở tấm lòng của người đem cho. Chúng ta hãy cho bằng cả tấm lòng chân thành, bằng tình yêu xuất phát từ chính Thiên Chúa chứ không vì tư lợi. Ở điểm này, chúng ta nhớ đến tấm gương của bà goá nghèo bỏ tiền vào thùng dâng cúng trong đền thờ và chính bà đã được Chúa Giêsu khen ngợi: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết”  (Lc 21,3).

Thứ hai là bác ái trong lời nói. Chúng ta vẫn thường nghe nhiều người khuyên rằng: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, có nghĩa là một lời nói ra, ngựa giỏi cũng không đuổi kịp. Trong mùa chay này, chúng ta có thể tập để:  Không nói trong khi tức giận, bởi lẽ lời nói trong lúc tức giận thì không thể kiểm soát được, hoặc ít thì cũng thường khó nghe, đôi khi nó sẽ làm tổn thương đến người khác. Kế đến, không nên nói những lời thiếu ý chí, cuộc sống và những người xung quanh đang cần những điều tích cực; có rất nhiều người đang cần chúng ta cổ vũ, động viên và khích lệ. Bên cạnh đó, chúng ta không nên nói những lời oán trách, vì khi đó sẽ dẫn tới nhiều bất hòa, nghi ngờ, và gây ra những sự chia rẽ. Chúng ta cũng không nên nói những lời tổn thương người khác, bởi khi ấy chúng ta đang đánh mất tình yêu tha nhân, chối bỏ người anh chị em mình, và khi ấy chúng ta cũng chối bỏ tình yêu mà Thiên Chúa ban cho con người. Ngoài ra, chúng ta cũng không nên nói những lời khoe khoang, vì khi khoe khoang nghĩa là chúng ta đang phóng đại công trạng hoặc sự thật về mình, mà đôi khi thực tế lại không có vậy, điều ấy về dài lâu cũng sẽ bị phát hiện, mà người tổn thương lại chính là mình.  Một điều không thể thiếu đó chính là không nên tiết lộ những chuyện riêng tư của người khác, đó là giữ uy tín; bởi lẽ, khi chúng ta được nghe những tâm tư của người khác, nghĩa là chúng ta đang được tin tưởng, chính vì thế đừng bao giờ đánh mất sự tin tưởng chỉ bằng một lời nói.  

2. Suy nghĩ tích cực.

Suy nghĩ tích cực là lúc chúng ta tiếp cận và nhìn nhận những thách thức trong cuộc sống với một cái nhìn lạc quan, sự cố gắng và luôn hướng đến những điều tốt đẹp trong bất kì tình huống nào. Suy nghĩ tích cực không có nghĩa là chúng ta đòi buộc cuộc sống không có sóng gió, cũng không phải luôn nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hồng, cũng không có nghĩa là ta sẽ bỏ qua những điều tồi tệ; nhưng trong chính những điều kém may mắn, chúng ta phải vươn lên để tìm kiếm những điều tốt đẹp hơn. Đó chính là lối suy nghĩ tích cực sẽ làm biến đổi cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn.

Khi thấy các môn đệ sợ hãi và lo lắng, Chúa Giêsu hiểu lòng các ông nên Ngài nói: "Anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy..." (Ga 14, 1). Con tin rằng trong hoàn cảnh cuộc sống hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang muốn nói với mỗi người chúng ta như thế. Đừng lo lắng, nhưng hãy tin tưởng, hãy đặt cuộc đời của mình trong sự quan phòng và hướng dẫn của Thiên Chúa, chúng ta sẽ không còn lo lắng nếu chúng ta có đủ tin tưởng nơi Thiên Chúa, vì Người có đủ quyền năng để thực hiện trong mỗi người chúng ta những sự việc lớn lao mà đôi khi chúng ta không bao giờ nghĩ tới.

3. Trở nên người truyền cảm hứng.

Người truyền cảm hứng là người biết đem những điều tích cực đến cho con người trong cuộc sống. Có người truyền cảm hứng bởi niềm hy vọng, cũng có người là cảm hứng của lòng trung thành, hay đơn giản là một người biết phấn đấu. Trong Tin mừng, nhiều lần chúng ta thấy hình ảnh Chúa Giêsu là một người truyền cảm hứng vĩ đại; Chúa Giêsu nêu gương khiêm nhường khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu biểu lộng sự chạnh thương khi cho con của bà goá sống lại, cho Lazarô chỗi dậy sau bốn ngày từ cõi chết… Ngày hôm nay, con người và xã hội cũng cần mỗi người chúng ta truyền những năng lượng tích cực, đặc biệt với cơn dịch bệnh vẫn đang từng ngày đe doạ cuộc sống và tính mạng của con người.

Mùa chay là lúc chúng ta nhận cảm hứng từ Chúa Giêsu và sau đó chính chúng ta phải truyền cảm hứng ấy cho người khác. Vậy cảm hứng mà Chúa Giêsu đem đến là điều gì?

Đó là bài học của tình yêu thương,“Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”  (Ga 15,12). Chúa Giêsu đã yêu thương hết mọi hạng người, từ con của viên đại đội trưởng, cho đến một Zakêu tội lỗi và cả những người què quặt, đui mù.

Đó là bài học của sự tha thứ, Chúa Giêsu tha thứ cho người đàn bà phạm tội ngoại tình, tha thứ cho một Phêrô chối mình đến ba lần, và Chúa còn tha thứ cho chính kẻ đã đánh đòn và đóng đinh Chúa và thập giá, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”  (Lc 23,34). 

Và bài học lớn nhất là sự hy sinh, Chúa Giêsu đã hy sinh cả mạng sống mình để chuộc tội cho thiên hạ, đó là tình yêu cao trọng nhất, duy nhất mà không gì có thể vượt trội, “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”  (Ga 15,13).

Sống một mùa chay mới là lúc chúng ta nhìn lại bản thân, làm mới lại con người và cuộc sống mình theo một hướng tích cực, lấy cảm hứng từ chính Chúa Giêsu và sau đó chúng ta trở thành người truyền cảm hứng cho người khác, giúp bản than mình và mọi người xung quanh trở nên tốt hơn.

Jos Lưu Hành, SDB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây