Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


Băng trong tim

Một người bố nói với con trai rằng: khi dựng nên con người, Thượng Đế cấy vào trong tim họ một chút băng giá;
Băng trong tim
Băng trong tim

Một người bố nói với con trai rằng: khi dựng nên con người, Thượng Đế cấy vào trong tim họ một chút băng giá; khi lớn lên, nếu người đó cư xử có tình người thì chút băng giá đó sẽ nhỏ dần lại, nhưng nếu họ không cư xử với tình thương thì chút băng giá đó sẽ lớn lên và làm cho quả tim người đó đông cứng, lạnh lùng.

Tôi muốn mượn hình ảnh đó để nói về sự tử tế. Người tử tế được biểu hiện qua lời nói của họ: cảm ơn, xin lỗi, biết khen ngợi đúng lúc. Ai đó đã có một nhận xét rất thực tế: người ta nhận ra người Việt kiều là vì họ hay nói hai tiếng ‘cảm ơn và xin lỗi’. Đọc sách báo, người ta cũng dạy rằng: trong gia đình, các thành viên phải thường xuyên sử dụng hai tiếng ‘cảm ơn và xin lỗi’, nhưng hầu như chúng ta cảm thấy ngại ngùng khi nói những từ trên với vợ chồng và con cái mình – nghĩ rằng nó khách sáo làm sao ấy, hai tiếng đó chỉ dùng để xã giao với người ngoài thôi. Vì ít sử dụng, nên hai từ trên dần dần bị quên lãng và đóng băng, lâu dần chính mỗi người chúng ta thành vô cảm với tha nhân lúc nào không hay. Bạn thử nghĩ lại xem: khoảng mấy ngày thì mới sử dụng hai từ này, hoặc một ngày nói mấy lần, đó là thước đo sự nhạy cảm của tâm hồn của chính mình.

Người biết nói tiếng ‘cảm ơn’ biểu hiện họ là người có giáo dục, biết nghĩ đến người khác, thấy được lòng tốt và thiện chí của người khác. Thà rằng bạn nói ‘cảm ơn’ hơi thừa còn hơn hơi thiếu, đến nỗi bị ai đó nhắc nhở vì cục mịch. Còn người biết nói ‘xin lỗi’ thì còn tuyệt vời hơn nữa, vì bạn còn lương tâm, còn tự trọng, còn biết phải trái, bạn chưa phải là con vật. Nhiều người khi xảy ra va chạm xe cộ hay những chuyện trong cuộc sống, thái độ đầu tiên và kiên quyết là phải phùng mang trợn má chửi phủ đầu, dọa nạt… biểu hiện giống như con chó khi nó sợ hãi đối thủ nào đó.

Biết khen ngợi đúng lúc là một điều mà chúng ta cũng thường lãng quên. Những hành vi tốt đẹp, những bài hát hay, bài giảng hay bài viết tốt… nếu được khen ngợi đúng chỗ sẽ rất tốt. Nhiều người nghĩ rằng lời khen chỉ có hại mà không có lợi, vì giả dối và làm hư người kia; nhưng từ trong thâm tâm mình, ta không mở miệng khen ai đó là vì ta cũng đang thiếu những lời động viên từ người khác, ta không khen ngợi vì chuyện đó chẳng là gì so với khả năng ta. Hãy tự hỏi: đã bao lâu rồi ta chưa khen ngợi một ai, chẳng lẽ chung quanh mình chẳng có gì tốt đẹp sao? Lời khen ngợi đúng lúc sẽ làm cho cánh diều bay lên bầu trời lộng gió, vì nhu cầu lớn nhất trong mỗi người chúng ta là được thừa nhận và tán thưởng. Một người chồng, người vợ, người con… dù bị xã hội coi thường là không thành công, nhưng nếu được người thân mình thừa nhận và tôn trọng thì vẫn an bình hạnh phúc. Nếu ngược lại, một người chồng lúc nào cũng bị người bạn đời chê bai xét nét điều này điều nọ thì không tốt tí nào, vì sự tự tin sẽ đem lại năng lực tinh thần cần thiết cho mọi hoạt động tinh thần hay thể chất của người đó.

Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn nhấn mạnh đến việc ‘ăn năn hối cải’, có nghĩa là phải biết sửa mình, biết thay đổi, biết phục thiện. Nhiều lần Chúa lên án những thành và những người đã chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm và nghe lời Chúa giảng, nhưng lại không hối cải, họ sẽ bị kết án nặng hơn. Chúa nói: Ai nhận nhiều thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn. Hành trình trần thế của mỗi người là kiếp lữ hành, trần gian chỉ là chỗ trọ tạm thời và đích đến là nước trời vĩnh cửu. Mỗi ngày sống, có sai có sửa, ta cố gắng sống tốt hơn, nhạy cảm và biết điều với tha nhân hơn: Đừng nguyền rủa người khác, nói nhiều ‘cảm ơn, xin lỗi’ hơn và biết khen ngợi đúng lúc những hành động đẹp của người khác. “Nếu ai nói mình đạo đức mà không gò hãm miệng lưỡi mình thì nó là kẻ nói dối” (Giacôbê 1,26).

 
Nguyễn Văn Thiện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây