Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


Cần phải có sự khôn ngoan...

“Muôn Lạy Chúa… Chính mắt con được thấy Ơn Cứu Độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (x.Lc 2, 30-32).


Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất

 
Cần phải có sự khôn ngoan...
 
“Gia đình Công Giáo là thành phần ở trong Giáo Hội. Chung sức xây đời cho sáng ngời văn minh tình thương. Gia đình Công Giáo hãy xây nền văn hóa sự sống. Hạnh phúc Nước Trời được xây dựng từ trái đất này”.

Những dòng chữ trên đây là nội dung của một bài ca, một bài ca diễn tả về đời sống của một gia đình Công Giáo, cần có. Và, với sự diễn tả như thế, không ai có thể phủ nhận đó là một mẫu hình gia đình Công Giáo thật tuyệt vời.

Thế nhưng, đáng buồn thay! Ngày nay, tìm một mẫu hình gia đình Công Giáo như bài ca nêu trên diễn tả, dường như không được nhiều, cho lắm.

Tại sao không được nhiều? Thưa, vì ngày nay có mấy ai quan tâm đến hai chữ gia đình! Mà, có phải chỉ là ngay nay! Ngay từ những thế kỷ trước, Honoré de Balzac đã từng ngại ngùng khi nói: “gia đình là đường đưa ta tới thiên đàng hay đưa tới địa ngục”…

Không… không thể suy nghĩ như thế được. Gia đình vẫn là một món quà quý giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người. Thiên Chúa, như lời Kinh Thánh cho biết, rằng: Người “là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới dất” (Ep 3, 14).

Cho nên, gia đình vẫn là nơi được Thiên Chúa chúc phúc, như xưa kia Người đã chúc phúc cho Adam, rằng “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”. Gia đình vẫn là nơi được Thiên Chúa ban phúc lành, như xưa kia Người đã “ban phúc lành cho ông Noe và các con ông” (St 9, 1).

Thế nên, qua chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không như một Tôn Ngộ Không huyền thoại, nứt từ trong đá ra, với bảy mươi hai phép thần thông biến hóa, nhưng từ trong “một gia đình”. Một gia thất mới mà ngày nay chúng ta gọi là “gia thất thánh”, đã hình thành, gồm có: Thánh Giuse, Thánh Maria và Thánh Tử Giêsu.

Chính gia thất thánh này đã phục hồi giá trị thật của gia đình qua cách sống, sống dưới sự quan phòng của Thiên Chúa và quan trọng hơn cả, đó là sống dưới lề luật Thiên Chúa đã ban truyền.

**
Vâng, câu chuyện về gia thất thánh được kể lại rằng: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: ‘Mọi con trai đầu lòng phải được là con thánh, dành cho Chúa’ và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non”.

Sự kiện này chứng minh rằng “gia thất thánh” đã sống dưới lề luật Thiên Chúa truyền.

Trở lại câu chuyện, thánh sử Luca cho biết thêm, rằng: “Hồi ấy, tại Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ở trên ông”.

Chính Thánh Thần đã “linh báo cho ông biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đức Ki-tô của Đức Chúa”.

Và quả thật, hôm đó, hôm Gia Thất Thánh lên Giê-ru-sa-lem, không phải là chuyện “hên xui” nhưng do “Thần Khí thúc đẩy”, ông Si-mê-ôn cũng lên Đền Thờ. Chuyện kể rằng: “Vừa lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông liền ẫm lấy Hài Nhi trên tay…”

Kinh Thánh có chép “Giấc mộng chưa thành, trái tim khắc khoải”. Vâng, hôm đó, ông Si-mê-ôn không còn khắc khoải, không còn khắc khoải bởi vì giấc mộng của ông, nay đã thành sự thật, một sự thật đem lại cho ông nỗi vui mừng khôn tả, sự thật đó được ông lớn tiếng nói rằng: “Muôn Lạy Chúa… Chính mắt con được thấy Ơn Cứu Độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (x.Lc 2, 30-32).

Ánh sáng đó, vinh quang đó ông thấy, ông thấy từ nơi Hài Nhi mà ông đang ẵm trên tay. Ông chúc phúc, những lời chúc phúc đậm dấu ấn của nhà tiên tri, rằng: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng…”

Chưa hết, ông còn nói tiên tri về bà Maria, rằng “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (x.Lc 2, …35).

Ngoài ông Si-mê-ôn, còn có một người đàn bà tên là Anna. Chuyện kể rằng: “Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem”.

Hai nhân vật với những lời tiên tri không “êm tai” chút nào, ấy thế mà gia thất thánh vẫn bình tâm “làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền” và cuối cùng là trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê.

Còn Hài Nhi Giê-su thì sao nhỉ! Thưa, chuyện kể rằng: “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.

***
Chúa Nhật hôm nay (27/12/2020) toàn thể Giáo Hội Mừng Lễ Thánh Gia Thất. Dựa vào lịch sử ghi lại, chúng ta được biết: “Việc tôn kính Thánh Gia trong Giáo Hội Công Giáo chính thức bắt đầu vào thế kỷ 17 bởi Giám mục Chân Phước François de Laval, người Canada gốc Pháp, vị giám mục đầu tiên của Québec. Dòng Ða Minh và dòng Phanxicô cũng đã góp một phần lớn vào phong trào sùng kính Thánh Gia này.

Lễ Thánh Gia bắt đầu trước tiên từ Canada, dần dần lòng sùng mộ Thánh Gia lan rộng ra khắp hoàn cầu. Thời kỳ này, người ta nhận thấy các gia đình bị tục hóa, nhiều gia sản thiêng liêng, các giá trị của gia đình bị tiêu tán. Có nguy cơ gia đình bị băng hoại hoàn toàn. Vì vậy tín hữu tìm tới gia đình gương mẫu Thánh Gia để giúp các gia đình công giáo sống đạo và sống ơn bí tích hôn phối”. (nguồn: internet).

Vâng, “các gia đình bị tục hóa, các giá trị của gia đình bị tiêu tán, nguy cơ gia đình bị băng hoại hoàn toàn”, cũng là điều đã và đang xảy ra trong thời đại của chúng ta.

Mà, có lẽ nào không xảy ra cho được, nhỉ! Một thực tế quá phũ phàng, phũ phàng về một thế giới, về một xã hội mà chúng ta đang sống, đang bị thống trị bởi một “Con Thú”. Một Con Thú đã và đang “Ra lệnh giết những ai không thờ lạy mình. Nó bắt mọi người, không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo, tự do, hay nô lệ phải thích dấu trên tay hữu hoặc trên trán. Không ai có thể mua bán, nếu không mang dấu thích đó” (x.Kh 13, …15-17).

Con Thú đó đã và đang “bắt mọi người” ủng hộ nó, bằng những từ ngữ mỹ miều rằng thì-là-mà chúng ta có quyền tự do phá thai, tự do hôn nhân đồng tính, rằng bla… bla… bla…

Con Thú đó (tại Mỹ) đã “ra lệnh” tháo bỏ “Mười Điều Răn Đức Chúa Trời” ra khỏi Tối Cao Pháp Viện. Và, đó là lý do TCPV (tại Mỹ) hôm nay, như một nồi cám heo.

Là một tín hữu Công Giáo, tất nhiên, chúng ta không phá bỏ luật pháp Đức Chúa Trời.

Luật rằng: “Chớ giết người”. Thế thì chẳng có lý do gì chúng ta lại ủng hộ phá thai.

Giáo Lý Công Giáo dạy rằng: “Hôn nhân là một giao ước giữa một người nam và một người nữ có mục đích yêu thương nâng đỡ nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái”. Chưa hết, giáo lý Công Giáo còn dạy chúng ta, rằng: “Hôn Nhân Công Giáo là Hôn Nhân được Chúa Giêsu nâng lên hàng BÍ TÍCH”.

Thế thì, chẳng có lý do gì chúng ta lại tán thành hôn nhân đồng tính.

Nói… nói không ủng hộ, không tán đồng thì rất dễ, nhưng thực hành thì rất khó. Khó là bởi những chiêu thức mà Con Thú đưa ra rất là quyến rũ. Đại loại như “điều hòa kinh nguyệt” chứ có phải là phá thai đâu!!!

Vâng, rất quyến rũ như xưa kia con rắn nơi vườn Eden đã quyến rũ nguyên tổ Eva rằng: “Chẳng chết chóc gì đâu”! Ừ, chẳng chết chóc gì đâu, để rồi cuối cùng là lãnh bản án “chết”. Chẳng chết chóc gì đâu để rồi sau đó là một gia đình tan nát. Người anh là Cain đã giết giết em mình là Abel.

****
Trở lại với phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay.

Vâng, đừng ngạc nhiên khi qua phần trích đoạn hôm nay, chúng ta phải nghe những từ ngữ không vui, như: “ngã xuống, đứng lên, chống báng”, chưa hết, còn cả những từ ngữ nghe qua cũng phải giật thót tim, cũng phải u buồn sầu não, như: “lưỡi gươm… đâm thâu tâm hồn”.

Qua trích đoạn bài Tin Mừng hôm nay, chỉ cần một chút suy tư, chúng ta có thể nhận ra, Giáo Hội muốn gửi đến cho mọi người tín hữu một thông điệp, rằng: trong cuộc sống gia đình “không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui, còn có cả sương mù và giá lạnh nữa”. (Louis Evely).

Thật vậy, hôm nay mừng lễ Thánh Gia Thất, có ai trong chúng ta lại không nghĩ đến “gia thất” của chúng ta? Nghĩ đến gia thất, không ai trong chúng ta mà không khỏi thổn thức, thổn thức vì có gia thất nào mà không hơn một lần bị “sương mù và giá lạnh” bao phủ?

Hãy nhìn xem, trong một xã hội cổ võ cho một nền văn hóa sự chết, một nền văn hóa “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”, có gia thất nào mà không có người “ngã xuống” – ngã xuống chỉ vì đã để cho hồn mình lạc vào những quyến rũ của quyền lực, danh vọng, tiền bạc v.v…!

Hãy nhìn xem, trong một xã hội lớn tiếng truyền bá chủ nghĩa vô thần, có gia thất nào mà không đối diện sự “chống đối”, chống đối nhau chỉ vì bất đồng niềm tin?

Hãy nhìn xem, trong một xã hội trọng vật chất và coi đó như là thước đo sự thành đạt, có gia thất nào mà không có thành viên bị “sương mù và giá lạnh” – sương-mù-ích-kỷ, giá-lạnh-tranh-chấp bao phủ?

Hãy nhìn xem, trong một xã hội chữ “tín” như là một thứ xa xỉ, có gia thất nào mà không hơn một lần bị sương-mù-phản-bội, bị giá-lạnh-ghen-tuông bao phủ?

Xưa, Gia Thất Thánh có bị “sương mù và giá lạnh”, có bị “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn” thì cũng là “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”.

Còn ngày nay, gia thất chúng ta, nếu có bị “sương mù và giá lạnh”, nếu có bị “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu” là vì chúng ta chưa sống đúng “ theo luật Mô-sê”, một giới luật hôm nay chúng ta gọi là “Mười Điều răn Của Đức Chúa Trời”.

Mà “Mười Điều răn Của Đức Chúa Trời” nào có khó gì đâu ngoài việc “Mến Chúa – Yêu Người”.

Xưa kia, khi bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng và bị chất vấn vì sao không chấp hành lệnh cấm giảng dạy nhân danh Giê-su, tông đồ Phê-rô đã trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”.

Nhắc đến chuyện này để làm gì? Thưa, là để xem đó như là một lời nhắc nhở với mỗi chúng ta rằng: chúng ta “Phải thực thi luật lệ của Chúa hơn là luật lệ của Con Thú”.

Xưa kia, tại gia trang Nazaret, Hài Nhi Giê-su “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan”. Ngày nay, tại mỗi gia đình, chúng ta cũng phải “có sự khôn ngoan”, một sự khôn ngoan để nhận ra “Gia Thất Thánh” chính là mẫu mực cho cuộc sống gia thất của mỗi chúng ta.

Vâng, tác giả sách Khải Huyền cũng đã có lời truyền dạy: “Đây là lúc cần phải có sự khôn ngoan” (x.Kh 13, 18).

 
Petrus.tran
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây