Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


Cây sậy biết suy tư

Hồng ân Chúa tràn trề tháng năm, tim con nhỏ bé nhưng hãy còn vơi.
Cây sậy biết suy tư

Cây sậy biết suy tư


 
 
"Xác này cây sậy, thân sáo rỗng, Người thổi hơi, đưa vào giai điệu mới mẻ" (Lời Dâng, 01, R. Tagore), thanh âm dịu dàng, qua những núi những đèo vươn xa nơi cánh đồng, trải dài theo sóng biển. Những hình ảnh tuyệt đẹp bởi lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với con người chúng ta.
Cây sậy của Tagore gợi nhắc cây sậy biết suy tư của Socrates, nhìn ngắm và suy tư về công trình sáng tạo và Tagore nhận ra rằng: “Con người như thuyển nhỏ mỏng mảnh” nhưng đồng thời cũng huyền nhiệm: “Bao lần vơi rồi đầy” với sự sống luôn tuôn chảy trong niềm vui bất tận. Một chuỗi liên kết dẫn đến chung cục là niềm vui bất tận, ý hướng này cũng thấy trong văn hoá khi nói đến “cây đời” hoặc khi nhắc đến “Cây sự sống”.
Biểu trưng của cây đời này là “Sự vươn lên không ngừng về phía trời mà sự sống đang bám rễ vào trái đất”, một cuộc tái sinh không ngừng: bao lần trút lá để ra những nhành lá mới, bao nhiêu lần vơi rồi đầy. Cây sậy biết suy tư mà Anselm đã nhìn ra: “Lạy Chúa, Ngài là Người mang lại cho tôi sự hiểu biết để tin, đã thừa nhận rằng tôi có thể hiểu, như Ngài đã thấy rằng Ngài hiện hữu như chúng tôi tin Ngài hiện hữu”[1], Ngài hiện hữu sâu thẳm hơn chính sự sâu thẳm của chính tôi, nhận biết Chúa để nhận biết con như trong tự thuật của Augustin kêu cầu: “Con sẽ biết Chúa, ôi Đấng biết con; con sẽ biết Chúa như con đã được Chúa biết con”[2]. Lời cầu xin này phát xuất từ ý thức bao lần vơi rồi đầy, bao lần chống đối, xa lánh Chúa một cách kịch liệt và rồi lại bao lần yêu mến Chúa cách mãnh liệt tràn trề tháng năm. Thân nhỏ bé như thuyền mỏng manh, ấy thế mà những khao khát lại không ngừng, bao lần thay lá bao lần vươn lên mà cứ bị vùi dập.
Cây sậy khẳng khiu giữa đời bão táp, giữa sóng đam mê phủ lấp vẫn không bị bẻ gẫy, nát dập, bởi lẽ tình yêu của Chúa chẳng nỡ “dập tắt tim đèn còn leo lét, bẻ gẫy cây sậy bị dập”[3]. Bao lần đầy vơi để Ngài múc cạn trong ta để trở nên cây sáo rỗng trong tay Ngài. Vì yêu riêng hay chính Ngài là Tình yêu, Tình Yêu không bao giờ lên án để giết chết, nhưng lên án và để chữa lành, khóet rỗng để Ngài thổi vào thân xác khẳng khiu này khúc hát tân ca của Ngài.
Cây sậy (Vetasa) trong văn hóa Ấn Độ biểu trưng cây trục thế giới, gần với cây sậy hướng trục sinh ra từ nước nguyên thủy của Nhật Bản. Tại bia đá Đền Ankor ghi khắc: “Rễ của cây đời là Brahma, thân cây đời là Civa, cành cây đời là Vishnu” Đây là cây sự sống, đồng thời cũng nhắc tới cây của của thân phận người, một thân phận đang bước đi trong u tối của miền khai sáng.
Trong truyền thuyết về vua Midas, một vị vua có đôi tai lừa, chẳng bao giờ dám gặp gỡ ai, chỉ duy có người hớt tóc cho nhà vua biết là vua của mình có đôi tai lừa. Một cây sậy đã mọc lên trong cái lỗ mà người thợ cắt tóc đã đào cho nhà vua, cây sậy ấy lớn lên và để cho nhà vua thổ lộ vào đó những tâm sự của mình. Theo Paul Diel, cây sậy đó là một trong những biểu hiện của sự tầm thường hóa bởi sự ngu dốt của những ham muốn thái quá. Trong câu truyện huyền thoại này gợi đến: “Cây sậy thể hiện khuynh hướng suy đồi của linh hồn, uốn cong theo mọi hướng gió, chịu khuất phục mọi dòng dư luận”[4].
Một cây sậy thiếu bản lĩnh nhưng cũng là một cây sậy biết mềm dẻo trước bão táp để không bị lật đổ hoặc bị bẻ gẫy. Trong cây sậy khẳng khiu có sức mạnh và sự yếu mềm, đầy và vơi những huyền nhiệm của cuộc sống, làm sao cảm nhận hết được những buồn vui, thăng trầm của cây đời, nếu không bao giờ hiện hữu.
“Vẫn là chưa bưa chưa đã được trí trăng sao”[5] vì lòng xót thương của Thiên Chúa quá ngàn trùng bao la vẫn hằng đổ rót vào thân khẳng khiu này. Thế mà, thật khốn cho tôi, chẳng bao giờ lòng tôi đầy. Phải chăng vì tình yêu Chúa quá ít, so với bao la, hay vì Ngài có lúc rót và những lúc không? Chẳng phải vậy, và điều ấy tại ta mọi đàng. Giống như một cái chai có cổ, được đặt vào đón nước từ dòng thác tuôn chảy, chiếc cổ chai nhỏ bé chật hẹp quá, đổ bao nhiêu cũng không lọt vào trong lòng chai được, vì ta hay vì hồng ân Chúa nhỏ hẹp? Từ đó ta nhận ra vì cổ chai đời mình quá hẹp hòi ích kỷ, nên ngàn vạn hồng ân tuôn đổ xuống đời đã tuôn ra ngoài vô ích.
Xin phá tan những ích kỷ, nhỏ nhen, để cổ chai kia mở rộng và sẵn sàng đón nhận. Thánh nữ Têrêsa d’Avila nói kinh nghiệm của mình: “Tôi chỉ ghi nhận rằng cầu nguyện là mở cửa để Chúa đổ tràn những hồng ân trọng đại cho tôi. Thế mà cửa ấy đóng lại, thì tôi không biết làm sao Chúa có thể ban các ơn ấy được! Vì Chúa lấy làm vui thích thú ở một linh hồn và ban cho linh hồn niềm vui thỏa, thì cũng phải có đường lối, Người mới thực hiện được, nghĩa là linh hồn phải ở cô tịch, trong sạch và khao khát tiếp nhận hồng ân của Người. Nếu chúng ta đặt đủ các chướng ngại trên đường Người và chẳng chịu giặt sạch đi, thì làm sao Người có thể đến với chúng ta được? Vậy mà chúng ta vẫn muốn Thiên Chúa ban những hồng ân trọng đại đó cho chúng ta sao”[6]
Hồng ân Chúa tràn trề tháng năm, tim con nhỏ bé nhưng hãy còn vơi.
Vơi vì lòng chúng ta còn ích kỷ, vơi vì cổ chai còn quá hẹp, vơi vì cây sậy đời này còn những tham muốn khát vọng tầm thường. Đầy vì Ngài vẫn không ngừng đổ rót, đầy vì thuyền đời nhỏ bé giữa biển khơi bao la, đầy và bởi vì chúng ta vẫn đang sống để cảm nghiệm. Xin tạ ơn Chúa mãi mãi tri ân Ngài. Dù đầy dù vơi, dù đến dù đi, tôi cũng xin tạ ơn Ngài, tạ ơn đời.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
 
[1] Prologion, Anselm, chương 2.
[2] Confessio, Augustin, quyển 10.
[3] Is 42, 3
[4] Le symbolisme dans la mythologie grecque, Paul Diel, Paris, 1952.
[5] Ave Maria, Hàn Mặc Tử.
[6] Tiểu sử tự thuật Têrêsa d’ Avila tiến sỹ Hội Thánh, Chuyển ý từ The complete works of st. Teresa of Jesus, Vol 1, E.Allison Perrs, Sheed and ward – London.

Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây