Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


Chung sống hòa bình

Xây dựng một gia đình hạnh phúc là một tiêu chí lớn trong cuộc đời.
Chung sống hòa bình
Chung sống hòa bình

Cuộc sống luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ. Một trong những điều bất ngờ ấy là sự mất bình tĩnh trong những mối quan hệ, rất thường là với những bạn bè thân thiết và người ruột thịt trong gia đình mình.

Có câu tục ngữ: ‘trâu bò sống với nhau lâu ngày thì thương nhau, người sống với nhau lâu ngày lại ghét nhau’. Đó là sự thật cuộc sống: con vật càng chung sống với nhau thì càng thương nhau, chúng biểu hiện tình cảm ấy một cách cụ thể và sống động một cách không ngờ; nhưng con người, vì có lý trí nên biết phân tích – so sánh và lưu trữ kinh nghiệm …  dễ dẫn đến sự căng thẳng trong cuộc sống. Sự căng thẳng, xích mích có thể xảy ra bất ngờ như một cơn giông giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng, giữa bạn bè, giữa hàng xóm hoặc người sống chung trong căn hộ hoặc làng xóm. Cơn giông trời đất chợt đến rồi chợt đi, nhưng cơn giông tâm hồn để lại những vết sẹo còn đọng lại nơi tâm hồn, không khéo ngày nào đó lại bùng phát nếu không tìm được cách xử lý.
 
Có hai cách giải quyết vấn đề xung đột trong cuộc sống, một là tìm cách thay đổi nó và cách kia là thay đổi cách nhìn của mình. Nên tìm cách xử lý nguyên do vật chất gây nên căng thẳng, phần còn lại là tìm cách chung sống hòa bình. Chúng ta cùng đào sâu hơn về liệu pháp chung sống hòa bình:

Tùy cá tính và tùy mức độ sự việc, con người thường có hai cách giải quyết: cứng và mềm. Cách xử lý cứng là nói thẳng ý mình cho người kia nghe để từ nay không còn phải chịu đựng nhau về tật xấu nào đó; còn cách xử lý mềm là giữ im lặng và chịu đựng sự nặng nề khó chịu mà người kia gây ra. Trong quan hệ bạn bè hoặc đồng nghiệp, thường người ta im lặng chịu đựng trong khả năng chịu được, nói chút ít cho người kia sửa, bớt gặp gỡ để tránh căng thẳng và kết quả là xa nhau hơn - sứt mẻ tình cảm. Nhưng trong những mối quan hệ gần gũi và ruột thịt thì nên ‘tìm cách chung sống hòa bình’: sau mỗi lần va chạm phải biết rút kinh nghiệm và mỗi bên đều phải sửa mình, phải có tình thương và rộng lượng, và nếu có thể được nên có những quy định ngầm với nhau.

Sự thường sự xung đột giữa cha mẹ và con cái nhẹ nhàng tan biến mà không để lại nhiều hậu quả, còn quan hệ vợ chồng thì có nhiều phức tạp hơn nếu một trong hai bên không có thiện chí. Các nhà chuyên môn dạy rằng: Khi một bên nóng giận thì bên kia nên giữ im lặng; nếu phải thảo luận thì chỉ nên nói chuyện cụ thể xảy ra thôi, đừng lôi tật xấu trong quá khứ và góp nhiều tật xấu vào; khi thân mật hay khi đã bình tĩnh nên nói cho bên kia biết điều phải trái, nên dùng ngôi thứ nhất thay vì ngôi thứ hai (ví dụ: anh cảm thấy buồn khi em nói như vậy/ đừng nói: em nói như vậy là sai); phải có quy định: ai to tiếng người đó phải xin lỗi, đừng để cơn giận qua đêm vì sẽ thành thói quen, bên kia phải có thiện chí làm hòa.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã nói: Xây dựng một gia đình hạnh phúc là một tiêu chí lớn trong cuộc đời. Ngày hôm nay, chúng ta đau lòng nhìn thấy nhiều gia đình lục đục, thiếu hạnh phúc và thiếu tình yêu. Ngoài những lý do vật chất và tinh thần cụ thể nào đó, tôi nghĩ đến một lý do không nhỏ đó là họ thiếu sự nhường nhịn nhau vì cái tôi quá lớn, dẫn đến giận hờn nhau lâu ngày thành quen – chiến tranh lạnh càng ngày càng thường xuyên và dài hơn. Đức Phanxicô thì dạy: vợ chồng phải xin lỗi nhau trước khi ngủ, có khi không cần nói thành lời mà chỉ là một cử chỉ thân mật – như vuốt ve. Chia rẽ, giận hờn, ghen tị … là con đẻ của ma quỷ, kẻ như sư tử rình mồi cắn xé các tâm hồn. Hãy cảnh giác về sự ích kỷ của mình, cầu nguyện, canh tân tâm hồn, mài giũa những sắc cạnh của cá tính và có ý thức về hạnh phúc của tha nhân… đó là những thiện chí để xây dựng hòa bình và sống đức ái.

 
Nguyễn Văn Thiện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây