Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


Hành hương xin ơn chữa lành

Có biết bao khách hành hương nhận được ơn chữa lành cách nhãn tiền. Ơn chữa lành thể xác và ơn chữa lành tâm hồn.

Hành hương xin ơn chữa lành
 

ccct 090622a


Có biết bao khách hành hương nhận được ơn chữa lành cách nhãn tiền. Ơn chữa lành thể xác và ơn chữa lành tâm hồn.

- Chân phước Benedetta Bianchi Porro, người trở về từ Lộ Đức, không còn thất vọng vì không được chữa lành nhưng tràn đầy niềm vui và lòng biết ơn đối với tình yêu của Thiên Chúa. Cuộc đời của chị đã được đóng đinh và hưởng vinh quang cách mầu nhiệm.

- Nhà sản xuất truyền hình Maryel Devera, người có thú vui chế nhạo những người Công giáo trên mạng xã hội. Nhờ sự hoán cải nhanh chóng ở Lộ Đức, cô đã trở thành người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi và sáng tạo trong chính lĩnh vực truyền hình mà cô hoạt động.

- Bà Danila Castelli, 35 tuổi, bị rối loạn huyết áp nghiêm trọng, gây đau đớn, khó thở và phải nhập viện liên tục. Sau nhiều lần phẫu thuật, cuối cùng y học thừa nhận là bất lực, không thể chữa trị. Bà Danila đã chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng chờ đợi cái chết. Nhưng chồng bà là một người gốc Iran, lòng tràn ngập hận thù. Ông không chấp nhận cách chữa trị sai lầm của các bác sĩ nên đã khởi kiện họ ra tòa.

Một hôm, ông đề nghị đưa bà lên đường đi Lộ Đức. Bà Danila vui mừng vì được chồng đồng hành trong đức tin và lòng thành khẩn. Ngày 04.05.1989, bà đến tắm ở Suối nước Lộ Đức. Tại đó, bà cầu nguyện cho chồng bà có được lòng quảng đại và ơn tha thứ.

Khi ra khỏi suối nước Lộ Đức, bà Danila nhìn thấy chồng bà. Bà thấy ông có gương mặt khác thường. Và ông nói với bà: “Tôi đã tha thứ”. Khi nghe vậy, bà tự nhủ: “Giờ đây tôi có thể bình an nhắm mắt lìa đời”.

Đối với bà, sự tha thứ của chồng bà là một phép lạ; bà không chờ đợi được chữa lành thể lý. Bà Danila kể: “Ngay khi chồng tôi nói ‘tôi đã tha thứ’, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Chính lúc ấy, bệnh tình của tôi đã biến khỏi thân thể tôi, như được kiểm chứng sau này. Căn bệnh đã hủy hoại tôi giờ không còn nữa và hoàn toàn không còn dấu vết gì của nó.”

- Một bệnh nhân khác, Nhà quý tộc trẻ Giovanni Battista Tomassi có ý định đến Lộ Đức để tự sát, như một cách chống lại Thiên Chúa. Tomassi sinh ngày 29 tháng 11 năm 1880 tại Roma, là con trai người quản lý của dòng tộc Barberini. Tomassi bị bệnh viêm khớp biến dạng nặng không thể hồi phục, đã phải ngồi xe lăn trong gần mười năm. Anh đau khổ và phẫn nộ với tình trạng bệnh tật của mình. Ngoài những đau khổ về thể xác, Tomassi còn đau khổ về phần thiêng liêng vì sự phản nghịch chống lại Thiên Chúa và Giáo hội.

Vào tháng 9 năm 1903, ở tuổi đôi mươi, Tomassi xin tham gia cuộc hành hương đến đền thánh Đức Mẹ dưới chân dãy núi Pyrenees. Tomassi muốn đến trước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức và tự kết liễu mạng sống bằng cách tự bắn vào đầu mình và hét lên chống lại Thiên Chúa đã bỏ mặc anh trong tình trạng đau khổ.

Khi Giovanni Battista Tomassi đến trước hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra, Tomassi bị ấn tượng bởi một điều mà anh đã không tính đến trong ván cờ tuyệt vọng của mình với Thiên Chúa Cha hằng hữu: anh thấy các tình nguyện viên chăm sóc người bệnh, giúp đỡ họ một cách cẩn thận và nhẹ nhàng đưa vào hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra.

Tomassi đã phải đầu hàng trước những gì anh nhìn thấy: anh cảm thấy một sự an ủi khi được chia sẻ và cưu mang bởi những người xa lạ, những người không quen biết.

Nếu ngay từ đầu ý định của Tomassi là kết liễu mạng sống của mình, thì giờ đây ý định đó biến thành ước muốn trao tặng cuộc đời mình. Anh đã thoát khỏi nòng súng, bởi vì ngón tay dự định để bóp cò súng tự sát giờ đây trở thành bàn tay được anh dùng để phục vụ, để anh thực hiện một nguyện vọng mới.

Khi từ Lộ Đức trở về, Tomassi yêu cầu được nói chuyện với vị linh hướng của cuộc hành hương; đó là Đức cha Radini Tedeschi. Anh giao khẩu súng cho Đức cha và thưa: “Đức Mẹ đã chiến thắng. Đức cha hãy cầm lấy nó, con không cần nó nữa! Đức Trinh Nữ đã chữa lành phần thiêng liêng của con”. Anh nói thêm: “Nếu Lộ Đức đã làm điều tốt cho con, nó sẽ tốt cho nhiều người bệnh khác”.

Đúng là Đức Mẹ đã chiến thắng. Người thanh niên đó thấy mình được chữa lành trong trái tim và với ơn chữa lành đó, anh đã quyết định thành lập một tổ chức chuyên giúp đỡ các bệnh nhân hành hương các đền thánh. Đó là Hiệp hội UNITALSI. Hiệp hội Unitalsi phát triển qua những hoạt động thiện nguyện của các tình nguyện viên, những người tổ chức, đồng hành và giúp đỡ các bệnh nhân, người khuyết tật, người già hoặc những người cần sự trợ giúp trong các cuộc hành hương.

Nếu có dịp đi hành hương tại đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức hoặc một số đền thánh khác, người ta có thể thấy rất nhiều bệnh nhân, người già, người khuyết tật cũng hiện diện tại các nơi thánh này. Họ ngồi trên các xe đẩy hoặc thậm chí nằm trên các cáng và được khiêng đi. Có những bệnh nhân được gia đình đưa đến nhưng rất đông bệnh nhân đi hành hương theo sự tổ chức chăm sóc và giúp đỡ của Hiệp hội Unitalsi.

Ngày nay, Hiệp hội Unitalsi có 70.000 thành viên. Mỗi năm, qua hoạt động của tổ chức này, các phép lạ mang đến sự tái sinh về mặt thiêng liêng cho những người hành hương.

Nhìn vào lịch sử của hiệp hội Unitalsi này, chúng ta không thể không ngạc nhiên vì sự phục vụ xuất sắc mà hiệp hội mang lại và bởi sự tương ứng hoàn hảo của nó với các mục đích mà người sáng lập đã đặt ra. Công việc của hàng trăm tình nguyện viên, những người khiêng cáng, những linh hoạt viên đồng hành với những người ở trong tình trạng khó khăn nhất đến Lộ Đức và những nơi thánh khác chắc chắn là chứng từ sống động, điển hình về lòng bác ái của người Công giáo.

Lòng bác ái của các thiện nguyện viên là một công cụ để an ủi và chữa lành tâm hồn. Các tình nguyện viên, với sự chăm sóc chu đáo của họ và việc phục vụ bác ái như vậy, đã phục vụ Đức Mẹ. Họ là công cụ đặc biệt của Đức Mẹ để rất nhiều phép lạ được xảy ra về phương diện chữa lành tâm linh. Chính nhờ ân sủng này mà Giovanni Battista Tomassi đã thay đổi hoàn toàn quan điểm hiện sinh của mình, từ tuyệt vọng trở thành một nhân chứng của niềm vui và hy vọng.

Phép lạ luôn là một biến cố. Ơn chữa lành luôn là một biến cố. Nó không phải là lý do mà Tomassi -nhà quý tộc trẻ tuổi đau yếu, đưa ra khi muốn đến trước hang đá, nhưng giống như mọi phép lạ, nó là một biến cố, một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.

Tomassi đã được biến đổi. Anh vâng theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa một cách thông minh nhất, đặt mình vào công việc và tận dụng hết khả năng lý trí của mình. Tomassi hành động cụ thể bằng cách thành lập một hiệp hội đã phục vụ hàng triệu người hành hương trong hơn một thế kỷ qua, theo tiêu chí: đặt những người đau khổ nhất ở trung tâm hoạt động của Hội.

Giovanni Battista Tomassi qua đời cách nhẹ nhàng thanh thản vào ngày 25 tháng 4 năm 1920, sau 17 năm chứng kiến ​​phép lạ của vô số tình nguyện viên trên những chuyến tàu trắng mà hiện nay đã trở nên nổi tiếng. (theo Vatican News).

ccct 090622b


Tại Việt Nam hiện nay vẫn có những đơn vị chuyên (hoặc không chuyên) tổ chức những cuộc hành hương. Hoặc có những chuyến hành hương tự phát, đi theo nhóm hoặc vài ba người cùng chí hướng. Có những chuyến hành hương ngắn ngày, có những chuyến hành hương kéo dài hàng tuần, 10 ngày hoặc cả tháng. Có những chuyến hành hương mang lại lợi ích thiết thực, có tác dụng lớn lao trong việc xây dựng đời sống đức tin của người tín hữu. Nhưng cũng có những chuyến hành hương vô bổ, giống như một tour du lịch nhàm chán.

Bởi thế, việc hành hương không chỉ là một chuyến đi. Hành hương là dịp để người tín hữu bước ra khỏi nếp sống hằng ngày, qua đó tìm thấy được sự tĩnh dưỡng và đổi mới trong hành trình đức tin của mình.

Đông đảo tín hữu thường đi hành hương trong tâm tình tạ ơn hoặc để xin ơn chữa lành về thể xác, về tâm hồn. Cũng có người tìm đến các đền thánh với hy vọng được gặp gỡ Chúa qua việc tĩnh lặng, lắng nghe và tìm hiểu Lời Chúa.

Tuy nhiên, một số người đi hành hương thường quên mất phần đạo đức, thiêng liêng mà bị cuốn vào vẻ đẹp của thiên nhiên, của kiến trúc, của nghệ thuật đền đài. Họ quên rằng những ngôi thánh đường, những đền thánh dù nguy nga lộng lẫy đến đâu, cũng không phải danh lam thắng cảnh, không phải là nơi quay phim chụp hình, rồi đưa lên Facebook, Zalo hay Instagram để khoe mẽ với thiên hạ để câu view, câu like.

ccct 090622c


Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích xác định Linh đạo đặc thù của việc hành hương gồm 5 chiều kích sau:

1. Chiều kích Cánh Chung

Chiều kích chính yếu này là nguồn gốc của việc hành hương: đó là một cuộc “đi lên Đền Thánh”, nghĩa là một thời điểm và một ẩn dụ về con đường dẫn đưa tới Nước Trời.

2. Chiều kích Lễ hội    

Trong cuộc hành hương, chiều kích Sám Hối đi đôi với chiều kích lễ hội. Người ta thậm chí có thể xác quyết, chiều kích lễ hội nằm ngay trung tâm của cuộc hành hương.

3. Chiều kích Phụng tự

Hành hương chủ yếu là một việc phụng tự: khi tiến bước về ngôi Đền Thánh, khách hành hương đến gặp gỡ Thiên Chúa để hiện diện trước tôn nhan Người, thờ lạy Người và cởi mở tấm lòng ra với Người…

4. Chiều kích Tông Đồ

Cuộc hành hương là một việc loan báo đức tin, và khách hành hương là những ‘sứ giả lưu động của Chúa Kitô’.

5. Chiều kích Hiệp Thông

Khách hành hương đi đến đền thánh, hiệp thông trong lòng tin và đức ái, không chỉ với những kẻ cùng đi với mình trong ‘cuộc hành trình thánh’ (Tv 84,6) mà còn với chính Chúa nữa

Vậy, Hành Hương cần phải mang tính Hiệp Hành. Hiệp hành với nhau và hiệp hành với Chúa. Không chỉ là cùng nhau đi trên một chuyến xe, một con đường mà còn phải chung một lòng một dạ, chung một tâm tình với nhau và với Thiên Chúa.

Xin Mẹ Maria là ngôi sao dẫn đường để mỗi chuyến hành hương là dịp cho các tín hữu thể hiện tính hiệp hành cách tích cực, là cơ hội gặp gỡ, lắng nghe, phân định, đối thoại và thực thi sứ mạng của mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Vũ Đình Bình

Tác giả bài viết: Vũ Đình Bình

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây