Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


Kitô giáo đã làm thuận lợi cho việc giải phóng phụ nữ?

Trong thế giới phương Tây, triết học và thần học kitô giáo đã thực sự hoạt động theo hướng phát triển tích cực cho tình trạng phụ nữ: nhờ kitô giáo mà các chiến thắng to lớn đã có được giúp cho phụ nữ có cùng quyền với đàn ông.
Kitô giáo đã làm thuận lợi cho việc giải phóng phụ nữ?

 

  Kitô giáo đã làm thuận lợi cho việc giải phóng phụ nữ?


Đức Phanxicô với các nữ tu truyền giáo Việt Nam. Hình: Daniel Ibanez / ACI Group
 
fr.aleteia.org, Emmanuelle Pastore, 2020-07-09
 
Trong thế giới phương Tây, triết học và thần học kitô giáo đã thực sự hoạt động theo hướng phát triển tích cực cho tình trạng phụ nữ: nhờ kitô giáo mà các chiến thắng to lớn đã có được giúp cho phụ nữ có cùng quyền với đàn ông.
 
Trong các thế kỷ đầu kỷ nguyên chúng ta, luật la mã xem phụ nữ chỉ là một mắt xích của gia đình hoặc như món hàng dùng trao đổi như của hồi môn. Người cha chọn chồng cho con gái và suốt đời ông có quyền sống chết trên con. Kitô giáo mang đến một cách nhìn hoàn toàn mới về phụ nữ. Các dấu chỉ và lời Chúa Giêsu Kitô nói với đàn ông cũng như với đàn bà tất cả đều như nhau, không phân biệt. Ngay từ những ngày đầu Giáo hội, tội lỗi của tất cả mọi người, đàn ông cũng như đàn bà được tha thứ theo cùng một cách. Thiên đàng cũng được hứa cho cả hai. Quyền và nghĩa vụ của người kitô hữu giống nhau cho tất cả mọi người.

Một tâm lý phân biệt đối xử

Bối cảnh trong đó kitô giáo được sinh ra đã nhuốm màu tâm lý phân biệt đối xử sâu đậm với phụ nữ. Chúa Giêsu đã không ngần ngại phản đối bất cứ điều gì xúc phạm đến phẩm giá của họ. Thậm chí Ngài còn thiết lập một mối quan hệ tự do và bằng hữu với các phụ nữ cùng thời (Marta và Maria). Nếu Ngài không đặt để cương vị tông đồ cho các bà như đã đặt để cho các nam tông đồ thì Ngài cũng đã làm cho họ thành các nhân chứng đầu tiên về sự Phục sinh của Ngài và nâng cao họ qua việc tuyên bố và truyền bá Nước Thiên Chúa mà họ đóng vai trò thiết yếu (đặc biệt với Maria-Mađalêna).
 
Vì sao Chúa Giêsu phân biệt nam nữ trong cách họ phục vụ Ngài? Đức Bênêđictô XVI giải thích theo cách sau:

“Chúng ta tìm thấy một khác biệt đầu tiên, theo truyền thống qua hình thức nghề nghiệp, chỉ có đàn ông mới được chỉ định làm nhân chứng, cũng theo truyền thống, qua hình thức kể chuyện người phụ nữ có vai trò quyết định, thậm chí họ còn có ưu thế hơn đàn ông. Điều này có thể do trong truyền thống do thái, chỉ có đàn ông mới được chấp nhận làm nhân chứng trước tòa, lời khai của phụ nữ bị cho là không đáng tin cậy. Do đó, có thể nói truyền thống “chính thức” đứng trước tòa án Israel và thế giới, dù phải tuân thủ các tiêu chuẩn này để có thể đối diện với vụ án của Chúa Giêsu, theo một cách nào đó vẫn đang tiếp tục. Ngược lại, các câu chuyện kể không bị ràng buộc bởi cấu trúc pháp lý này, các câu chuyện được truyền bá rộng rãi trải nghiệm Phục sinh. Cũng giống như khi đứng dưới chân Thập giá chỉ có phụ nữ ở đó, cũng như họ là những người đầu tiên gặp Đấng Phục sinh.

Giáo hội, trong cấu trúc hợp pháp, được thành lập trên Thánh Phêrô và Mười một Tông đồ, nhưng dưới hình thức cụ thể của đời sống giáo hội, luôn luôn và thêm một lần nữa, phụ nữ là người mở cửa cho Chúa, người cùng đi với Ngài đến chân Thập giá và vì thế có thể gặp Ngài là Đấng Phục sinh”.

Ngoài các khác biệt này, chính Thánh Phaolô là người chống lại phong tục ngoại giáo của thời đại (một phong tục coi thường nô lệ và phụ nữ, xem họ là người thấp kém, thậm chí như đồ vật vô tri vô giác), ngài không chút do dự tuyên bố họ có phẩm giá bình đẳng trước mặt Chúa: “Không còn chuyện phân biệt nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô (Gl 3: 28).

Sự tự do của các tín hữu kitô đầu tiên

Chính trong bối cảnh bắt đầu kỷ nguyên kitô giáo này mà Cêcilia và Agnès ở Rôma cùng nhiều phụ nữ khác đã dám tuyên bố tự do cá nhân của mình nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Họ đã trả giá bằng cuộc sống của họ. Họ phản đối thẩm quyền phụ tử bất công, áp lực gia đình và các thói quen cưỡng hôn lâu đời. Họ chọn hiến dâng cuộc đời và trinh tiết cho tình yêu Chúa Giêsu Kitô. Giáo hội đứng lên bảo vệ họ và làm tất cả những gì có thể làm để đảm bảo chọn lựa của họ được tôn trọng. Nhưng phải mất nhiều thời gian và đã có nhiều vị tử đạo để phong tục này được thay đổi và để lý tưởng kitô giáo được chính quyền dân sự tôn trọng.


“Chính trong bối cảnh bắt đầu kỷ nguyên kitô giáo này mà Cêcilia và Agnès ở Rôma cùng nhiều phụ nữ khác đã dám tuyên bố tự do cá nhân của họ nhân danh Chúa Giêsu-Kitô.”


Dù không hoàn toàn thoát khỏi tâm lý của thời đại vẫn còn rất thù ghét phụ nữ, nhưng qua các tác phẩm, bài giảng của một vài nhân vật lớn trong Giáo hội, họ đứng lên bảo vệ về sự tự do của các con gái Chúa và tuyên bố phẩm giá của phụ nữ ngang với phẩm giá của đàn ông. Vào thế kỷ thứ IV, Thánh Basil đã viết: “Đức tính của đàn ông và phụ nữ là một, vì họ bước vào thế giới giống nhau, do đó phần thưởng là giống nhau cho cả hai. (…) Những người có cùng bản chất có cùng công trình.”

Các thảo luận gay go

Tuy nhiên, có nhiều ví dụ cho thấy đến mức như thế nào Giáo hội đã đương đầu với các thảo luận gay go liên quan đến phụ nữ. Một số vấn đề đã kéo dài trong nhiều thế kỷ và không phải lúc nào cũng có lợi cho phụ nữ! Phụ thuộc vào tâm lý thời đại của mình, dù đôi khi quá chậm nhưng cuối cùng Giáo hội cũng nhận ra phẩm giá của phụ nữ. Trong hôn nhân, cuối cùng Giáo hội đòi hỏi phải có sự đồng ý tự do của người đàn ông và người phụ nữ như là điều kiện tất yếu để bí tích hôn nhân được công nhận. Đâu là lý do? Chỉ có một lý do: bảo vệ cô gái trẻ khỏi cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt hoặc để khỏi bị bắt cóc.


“Trong hôn nhân, cuối cùng Giáo hội đòi hỏi phải có sự đồng ý tự do của người đàn ông và người phụ nữ như là điều kiện tất yếu để bí tích hôn nhân được công nhận. Đâu là lý do? Chỉ có một lý do: bảo vệ cô gái trẻ khỏi cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt hoặc để khỏi bị bắt cóc.”


Để chỉ đơn cử một ví dụ, đây là cuộc thảo luận về bí tích rửa tội. Nhà thần học Tertullian (150-220) dựa trên thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô (1Co 14:34) để từ chối không cho phụ nữ có quyền làm phép rửa tội, ngay cả trong trường hợp khẩn cấp. Ông được các nhà thần học khác đi theo, họ có những lời không tôn trọng phẩm giá nữ tính cho đến thời John Calvin (1509 – 1564). Nhưng năm 1094, Đức Giáo hoàng Urbanô II có một quan điểm ngược lại, cũng như Thánh Tôma Aquinô, người lập luận, nếu đó là một phụ nữ cử hành nghi thức, thì chính Chúa Kitô đã hành động qua bà. Công đồng Florence (thế kỷ 15) cuối cùng quyết định trong cuộc tranh luận, cụ thể là trên thực tế, hầu hết các y tá hoặc nữ hộ sinh thường rửa tội trong các tình huống khẩn cấp!

Cuộc chiến hôn nhân

Tự do thỏa thuận về mặt lý thuyết Giáo hội đòi hỏi trong hôn nhân phải cần thời gian để phong tục tập quán được quen. Ví dụ đầu tiên công nhận tiêu hôn vì thiếu tự do là ví dụ của Radegonde và Clotaire I, vào năm 567. Vào thế kỷ 13, Agnès, công chúa nước Tiệp đã từ chối nhiều lời cầu hôn, kể cả của hoàng đế Frédéric II năm 1235. Đức Giáo hoàng đã thay mặt Agnès can thiệp, giúp Agnès được sống theo ước muốn của mình, đi tu để theo Chúa Kitô. Từ thời cổ đại cho đến thời trung cổ, tình trạng phụ nữ vẫn còn ảnh hưởng mạnh của văn hóa Hy Lạp – La Mã và các đòi hỏi của Tân Ước vẫn chưa được đáp ứng. Đôi khi hôn nhân được ban phép, nhưng chữ ký lại không ở trong tài liệu bằng văn bản.


“Từ thời cổ đại cho đến thời trung cổ, tình trạng phụ nữ vẫn còn ảnh hưởng mạnh của văn hóa Hy Lạp – La Mã và các đòi hỏi của Tân Ước vẫn chưa được đáp ứng.”


Do đó, việc thực hiện các biện pháp cụ thể và cách mạng để bảo vệ phụ nữ đã mất rất nhiều thời gian quan trọng, nhưng chính Giáo hội đã làm điều này. Phải chờ đến Công đồng Lateran  4  (1215), các biện pháp cụ thể để bảo vệ phụ nữ mới được thực hiện. Giáo hoàng Innocent III là người tiên khởi cho người phụ nữ có một địa vị pháp lý. Hôn nhân không còn có thể làm lén lút. Đây là hành động cách mạng của các Giáo phụ công đồng. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một hành động chính thức được ban hành – nếu không sẽ bị phạt – quyền của phụ nữ được chính phụ nữ quyết định cho đời sống của mình. Nhưng dù hành động đổi mới đã được ban hành, phải chờ hàng thế kỷ các thói quen cũ mới được thay đổi.

Một vai trò văn hóa

Từ thế kỷ 11, lòng tôn kính đặc biệt với Đức Mẹ đã bắt đầu phát triển và phần lớn các nhà thờ theo kiến trúc gô-tích mà chúng ta đến thăm ngày nay được dành riêng tôn kính Đức Mẹ, chẳng hạn Nhà thờ Đức Bà Paris. Vào thời điểm đó, phụ nữ, đặc biệt các bà trong  giới quý tộc có uy tín đã có tự do để đi theo chồng trong các cuộc Thập tự chinh. Các phụ nữ đi theo cuộc Thập tự chinh đầu tiên: bà Elvira de Castille, người đã sinh người con trai Alfonso và đã rửa tội cho con ở sông Gióc-đăn, bà Godehilde de Tosny thuộc gia đình quý tộc Anh, vợ của Baudouin I và là người đã chết trong khi đi đường. Nhưng không phải các phụ nữ đi theo cuộc Thập tự chinh là vợ của các nhà lãnh đạo, một số bà khác đi theo đoàn quân. Cuộc thập tự chinh thứ hai được Nữ hoàng Pháp, Eléonore d’Aquitoaine (1122-1204), người đã thành công trong việc thuyết phục một số phụ nữ cấp cao đi theo bà. Các phụ nữ khác cũng đi theo cuộc Thập tự chinh, cũng chiến đấu đặc biệt chống người Darrasin khi một số thành phố bị phong tỏa.


“Vào thời điểm đó, phụ nữ, đặc biệt các bà thuộc giới quý tộc có uy tín đã có tự do để đi theo chồng trong cuộc Thập tự chinh”.


Ở triều đình của nhiều nước, các cô gái nhận được giáo dục như con trai. Các Dòng nữ trở thành trung tâm văn hóa đích thực. Nhiều phụ nữ là tác giả các tác phẩm văn học, sân khấu và thiêng liêng. Chúng ta biết vào thời Trung cổ, khái niệm “tác giả” là muốn nói đến các tác giả la-tinh. Vì thế rất khó để có danh hiệu này cho những ai viết bằng tiếng bản địa lại còn khó hơn cho một phụ nữ. Bất chấp tất cả, một số lớn trong số họ như bà Marie de France (hậu bán thế kỷ 12) hay bà Christine de Pisan (1364 – 1430), cả hai nhà thơ đều được giới văn học thời Trung cổ xem là các tác giả đích thực.

Ảnh hưởng lớn của các nữ tu

Chúng ta cũng đừng quên nhắc đến một số phụ nữ có ảnh hưởng lớn trong đời sống tu viện và đan tu. Trước hết là nữ tu Dòng Biển Đức người Đức Hildegarde de Bingen (1098-1198) là bác sĩ, nhà soạn nhạc và người phụ nữ của văn học. Trong số các tác phẩm tôn giáo của nữ tu có ba tác phẩm nổi bật về đặc tính thần học: Scivias, về chủ đề khác nhau của thần học giáo điều, Liber Vitae Meritorum, về các chủ đề thần học luân lý, và Liber Divinorum Operum, về vũ trụ học, nhân chủng học và thuyết biện thần. Ngoài ra nữ tu cũng viết các tác phẩm khoa học, các loại thuốc từ thực vật và động vật. Hiện nay tác phẩm của Hildegarde còn được bán ở hiệu sách! Năm 2012 nữ tu được Đức Bênêđictô XVI nâng lên hàng Tiến sĩ Giáo hội. Là nữ tiến sĩ thứ tư sau Thánh Catarina Siêna, Thánh Têrêxa Avila và Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu.


“Năm 2012 nữ tu Hildegarde được Đức Bênêđictô XVI nâng lên hàng Tiến sĩ Giáo hội. Là nữ tiến sĩ thứ tư trong Giáo hội”.


Nhiều nữ tu thánh hiến có ảnh hưởng lớn đến xã hội đương thời của họ. Thánh Clara Assisi (1193-1253),  Thánh Agnès nước Tiệp (1205-1282), Ermentrude of Bruges (1210-1280), Gertrude of Helfta (1256-1302), nhà văn, nhà thần nghiệm, người đã dạy triết học, lịch sử, y học, ngôn ngữ học và các ngành khoa học thế tục khác cho các nữ tu trong Dòng, nữ tu Mathilde de Magdebourg (1207-1283) tác giả của nhiều tác phẩm thi ca, Thánh Brigitte de Suède (1303-1373), là nữ hoàng, là mẹ rồi sau đó là nữ tu, nhà thần học, phụ nữ của văn học, Thánh Catarina Siêna (1347-1380), người đã đưa Đức Giáo hoàng Gregory XI từ Avignon về Rôma, nữ tu Catarina  Bologna (1413-1463), nữ tu Caritas Pirckheimer (1462-1532), v.v.

Tác động của Cải cách

Từ thế kỷ 16, tại các quốc gia áp dụng Cải cách Tin lành, các hình thức đời sống tận hiến nơi phụ nữ có thể tìm thấy một con đường khác để thăng tiến cá nhân ngoài việc lập gia đình đã bị loại bỏ, cũng như việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, tượng trưng cho một giá trị không thể phủ nhận của phụ nữ tính. Phụ nữ phải thích ứng vào hệ thống tôn giáo gia trưởng và nam tính. Một phụ nữ không có con đường nào khác ngoài căn nhà của mình, trong sự phục tùng hoàn toàn cha và chồng. Chính trong bối cảnh (kitô giáo) này mà phong trào nữ quyền đã ra đời, trong thời cách mạng Anh (1688-1689). Phụ nữ của các Giáo hội Anh giáo và Cải cách dựa trên Tân Ước để mạnh mẽ khẳng định nếu Thiên Chúa yêu họ trong cương vị phụ nữ thì Ngài không tạo ra sự khác biệt giữa con người, thì Quốc hội phải hành động như vậy! Do đó trong Sách Thánh hay Lời Chúa chúng ta tìm thấy cơ sở để đòi quyền cho phụ nữ.

Độ lùi của cách mạng

Ở Pháp, cuộc Cách mạng tìm mọi cách để mọi người không thấy tầm nhìn văn hóa xã hội và chính trị nơi Giáo hội cũng như nơi phụ nữ. Thế tục hóa tiếp tục phát triển như một sự khẳng định tính hiện đại, với các mô hình tiêu biểu nam giới. Sự tiến bộ của hoàn cảnh phụ nữ đã không may lùi xa đến mức, kể từ thời Phục hưng, các luật sư đã hồi sinh luật la mã và cùng với nó là tình trạng tự ti của phụ nữ. Sự suy thoái này được xác nhận trong Bộ luật Dân sự Napoleon, lấy cảm hứng từ luật Justinian, công trình của một hoàng đế Byzantin thế kỷ thứ sáu, người đã biến phụ nữ thành “người muôn đời thấp kém”.

“Sự tham gia của phụ nữ trong cuộc Cách mạng Pháp, dù đó là tạo các chướng ngại vật, trong công việc từ thiện hay bảo vệ các linh mục phản kháng, đã làm cho mọi người ý thức phụ nữ là một lực lượng bảo tồn các cấu trúc kitô giáo trong xã hội”.

Như thế sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng sự giải phóng phụ nữ hiện nay là nhờ các người đại diện của Thời đại Khai sáng, hoàn toàn ngược lại. Với tinh thần ngày nay, quan điểm của họ về “chủng tộc nữ” là ô nhục và tai tiếng vì họ cho thấy cái nhìn của họ về phụ nữ tầm thường, không biết xấu hổ, xem phụ nữ là đồ vật, là phụ kiện để tiêu thụ hay để dùng. “Chính xác nó bắt đầu ngay từ tình trạng tự nhiên là hoang dã như Rousseau giải thích, “chỉ là hàng hóa, biết ăn, một con cái và nghỉ ngơi ” (…). Diderot dựng tham vọng của mình qua “một cỗ xe, một căn hộ tiện nghi, áo quần vải lanh, một cô gái thơm nước hoa”. (…) Việc công cụ hóa vật thể phụ nữ đôi khi còn đi xa hơn. Như người em trai của Mirabeau, ông mô tả một trong các cuộc “chinh phạt” của nhân vật của ông: “Đó là món đồ dành cho ban đêm, mà ban ngày bạn không biết làm gì với nó”. (…) Và Sade dùng ẩn dụ này: “Tôi dùng người phụ nữ theo nhu cầu, như người ta dùng chiếc bình cho một nhu cầu khác”. (…) Vì vậy mới có câu thơ quá trớn nổi tiếng của Musset: “Bất hoặc chai nào miễn là say.” Các tác giả khác chẩn đoán việc áp đặt quan hệ tình dục trên “loài nữ” (như Voltaire viết, chẳng chút lịch sự) như quyền ưu tiên hàng đầu. Quyền của Con người và Công dân được tuyên bố tại Pháp năm 1789, chỉ được nghĩ đến và làm cho nam giới.

Nghịch lý thay, chính trong bối cảnh này mà điểm mới lạ trong hoạt động tông đồ của các nữ tu đã xuất hiện. Sự tham gia của phụ nữ trong cuộc Cách mạng Pháp, dù đó là tạo các chướng ngại vật, trong công việc từ thiện hay bảo vệ các linh mục phản kháng, đã làm cho mọi người ý thức phụ nữ là một lực lượng bảo tồn các cấu trúc kitô giáo trong xã hội. Sự đóng góp của họ vượt quá vòng gia đình đã giới hạn họ. Sự gạt bỏ và nhốt kín họ trong tu viện vào thời Napoleon và trong bầu khí tự do sau thời Phục Hưng, đã bất chấp tất cả và đã đóng góp làm cho hình ảnh đời sống tôn giáo tốt hơn. Bây giờ hình ảnh này đã được thanh tẩy khỏi các đặc quyền cũng như sự cưỡng bức giam cầm đối với phụ nữ vào thời điểm đó.

Các nhà nữ quyền đầu tiên

Trong bối cảnh khó khăn này, một số phụ nữ đã chiến đấu hết sức để tiếng nói của mình được nghe. Trong số này có bà Olympe de Gouges (1748-1793), người phụ nữ văn học, nhà viết kịch, viết sách, chính trị gia Pháp. Bà không những đấu tranh để xóa bỏ chế độ nô lệ Da đen, mà còn viết Tuyên ngôn về quyền phụ nữ và công dân (1791), những lời đầu tiên là: “Đàn ông, quý ông có khả năng công lý không? Một phụ nữ chất vấn ông!” Cùng với sự nở rộ của các Dòng nữ trong thế kỷ 18 và 19, cho thấy sức sống này trong Giáo hội truyền cảm hứng cho việc đào tạo các thiếu nữ bằng cách mở các trường học.

Người đương thời với bà Olympus de Gouges là bà Mary Wollstonecraft (1759-1797), một triết gia và phụ nữ văn học người Anh. Trong sự nghiệp ngắn ngủi của mình, bà đã viết tiểu thuyết, chuyên luận, sách du lịch và sách thiếu nhi. Nhưng bà được biết nhiều nhất qua quyển  Đòi hỏi cho quyền phụ nữ, trong đó bà giải thích phụ nữ không thua kém đàn ông về bản chất, nhưng thua về giáo dục. Bà chủ trương đàn ông, đàn bà phải được đối xử như những sinh vật lý trí và bà đề xuất một trật tự xã hội dựa trên lý trí. Bà ngược với các nhà văn như ông James Fordyce và ông John Gregory, các triết gia giáo dục như Rousseau, người cho rằng phụ nữ không cần giáo dục lý tính. Wollstonecraft mạnh mẽ bảo vệ ý tưởng, vợ là bạn đồng hành lý tính của chồng. Điều đó cho thấy , nếu xã hội quyết định giao phó việc giáo dục con trai cho phụ nữ, phụ nữ phải được giáo dục đầy đủ để truyền lại kiến thức cho các thế hệ tương lai (Wollstonecraft, Vindifying, 192).

“Các nữ tu nhân lành” làm đảo lộn truyền thống

Song song vào đó, qua các công việc từ thiện tích cực, nhưng không, các nữ tu nhân lành thấm nhập vào mọi tầng lớp xã hội. Trong khi các công việc của các Dòng nam đặc biệt suy giảm trong bối cảnh đô thị và công nghiệp hóa thì các nữ tu ngay lập tức ở với giáo dân trong đời sống hàng ngày, nơi chín muồi các biến đổi xã hội, kinh tế và văn hóa. Thoát khỏi mô hình tu viện cũ, các nhà sáng lập Dòng nữ đã phát triển hoạt động tông đồ trong các môi trường thường thù nghịch với hàng giáo sĩ. Phần lớn họ đi trước, thậm chí còn truyền cảm hứng cho các dịch vụ Nhà nước, mà về phần mình là chỉ để khắc phục các vấn đề xã hội thời đó. Ngoài ra các nữ tu còn mở nhiều trường để dạy nữ sinh. Một khi được giáo dục, theo thời gian phụ nữ sẽ làm đảo lộn trật tự truyền thống xã hội, công việc, gia đình và việc làm mẹ.

Với cuộc Cách mạng công nghiệp và Thế chiến Thứ nhất, sự tham dự của phụ nữ trong môi trường việc làm được tăng lên.

Nạn nhân của nữ quyền

Với Thế chiến Thứ nhất, phụ nữ bắt đầu làm các việc dành cho nam giới và từ đó tạo ra một sự thay đổi lớn. Đàn ông được gọi ra tiền tuyến, đàn bà không có lựa chọn nào khác ngoài việc thay thế các công việc của đàn ông. Đây là khởi đầu cho nhiều thay đổi của phụ nữ và đã được nhân rộng sau Thế chiến Thứ hai. Ví dụ thay đổi trong cách ăn mặc, phụ nữ mặc quần, phụ nữ lên đại học, vừa làm mẹ vừa có nghề nghiệp chuyên nghiệp, phụ nữ có quyền bỏ phiếu…v.v.


“Quyết tâm này không được công nhận hay không quy kết cho các lực đặc trưng đặc biệt đối với đàn ông và đàn bà, sẽ dẫn thẳng đến cái gọi là lý thuyết về giới tính.”


Trong những năm 1990, trào lưu nữ quyền bị cứng nhắc trên các quan điểm của họ. Một số người gọi đây là “nạn nhân” của chính mình. Đặc trưng bằng cái nhìn tiêu cực về đàn ông-nam và dứt khoát khăng khăng về sự áp bức mà phụ nữ Âu-Mỹ cho rằng họ là nạn nhân. Truyền tải ý tưởng cho rằng đàn ông và phụ nữ bình đẳng đến mức không có gì khác biệt giữa họ. Quyết tâm này không công nhận hoặc không cho rằng các sức mạnh đặc trưng dành riêng cho nam và nữ, sẽ dẫn thẳng đến cái gọi là lý thuyết giới. Huấn quyền của Giáo hội đã nói nhiều về chủ đề này qua lời của các giáo hoàng gần đây.

Đức Hồng y Ratzinger giải thích trong một tài liệu được Đức Gioan-Phaolô II phê duyệt: “Theo quan điểm nhân chủng học này (lý thuyết về giới tính), bản chất con người sẽ không tự nó có các đặc trưng áp đặt một cách tuyệt đối: mỗi người có thể hoặc nên quyết định theo thiện chí của mình, khi họ được tự do khỏi mọi xác định tiên quyết liên quan đến cơ chế thiết yếu của mình. Một viễn cảnh như vậy có nhiều hậu quả. Trước hết, nó củng cố ý tưởng cho rằng việc giải phóng phụ nữ bao gồm việc phê phán Kinh thánh, điều này sẽ nói lên một quan niệm gia trưởng về Thiên Chúa, được duy trì bởi một nền văn hóa chủ yếu chủ trương bắt nạt phụ nữ, cho là đàn ông có ưu thế. Thứ nhì là khuynh hướng này sẽ được coi là không quan trọng và không ảnh hưởng, trong thực tế Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản chất loài gười theo hình thức nam giới của Ngài. Đứng trước dòng suy nghĩ này, Giáo hội được soi sáng bởi đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, cho rằng đây là sự hợp tác tích cực giữa người đàn ông và phụ nữ, chính xác là trong sự thừa nhận sự khác biệt của chính họ.”

Các bài viết của Giáo hội về chủ đề này rất nhiều. Bằng chứng là nó chủ động phản ánh về tình trạng phụ nữ, phẩm giá và ơn gọi của họ.


Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2020/07/24/kito-giao-da-lam-thuan-loi-cho-viec-giai-phong-phu-nu/
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây