Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


Mảnh đất Hồn Việt

người Việt tin rằng nguồn gốc dưới đất của mình từ trời và người Việt sống với thần linh như thần linh đang sống với mình.
Mảnh đất Hồn Việt
Mảnh đất Hồn Việt




Hồn thiêng đã đi vào Đất Mẹ cưu mang, người Việt tin rằng nguồn gốc dưới đất của mình từ trời và người Việt sống với thần linh như thần linh đang sống với mình. Ý thức về hai thực tại ấy có từ nguyên sơ, chính ý thức đưa dẫn cuộc sống gắn bó với thần linh.

Qua những vị thần nông nghiệp, ngư nghiệp, các thánh sư cho thấy mảnh đất hồn Việt biết trọng di sản văn hóa. Trở thành tín ngưỡng là hình thức lưu truyền bền bỉ, trân trọng nhất mà người Việt có được. Không một việc gì của người Việt mà không có thần linh tham dự, không chỉ vì kế sinh nhai; mà còn là mảnh đất thiêng hồn Việt đã làm nên con người tôn giáo ấy. Có thể nói con người Việt là con người của tôn giáo, một tôn giáo tâm linh nhắc đến nguồn cội, lòng biết ơn và lưu truyền cho con cháu.
Xét riêng khía cạnh tổ sư nghề cho thấy. Tổ sư nghề cho thấy nét đặc trưng của người Việt: “Uống nước nhớ nguồn”, mỗi một ngành nghề đều có nguồn ngọn, là những người khai sáng. Nếu Phương Tây có ghi lại công lao của các nhà phát minh, bằng cách gắn tên của người phát minh vào tác phẩm của người sáng chế, thì người Việt chẳng những thế còn đưa vị ấy vào trong tín ngưỡng để ngưỡng mộ, với lòng thành kính.
Nguồn cội là tâm thức quan trọng của người Việt trong mọi vấn đề nhân sinh quan. Do tâm thức nguồn cội sâu xa, người Việt cách nào đó cũng hình thành nên nguồn Việt triết để trả lời cho những câu hỏi căn bản của con người: Từ đâu đến, đi về đâu, ý nghĩa là gì?... Những câu hỏi cơ bản để người Việt đi đến một triết lý sống: “Thương người như thể thương thân”. Ý thức có chung một người gốc làm nên triết lý sống trong toàn thể cũng như trong từng ngành nghề, biết nhờ nhau mà sống.
Nét đặc trưng thứ hai mà tín ngưỡng bách nghệ tổ sư cho thấy, lòng biết ơn: Lòng biết ơn của người Việt dường như bao trùm các khía cạnh của đời sống: Ơn Trời, Đất, Núi, Sông, Tổ Tiên, Thầy Cô, Thánh Sư…Biết ơn không đơn giản là tấm lòng nhưng bàng bạc đầy cuộc sống, lòng biết ơn được bày tỏ ra bên ngoài, từ những tập tục cho đến những thói quen thể hiện trong lời cám ơn và tri ân trở thành niềm tin trong tín ngưỡng. Người Việt vốn đề cao những tấm lòng hiếu thảo một phần lớn là biểu hiện của việc tri ân này: “Thi ân vật niệm, thụ ân vật vong”. Người làm ơn cho mình cao nhất là người giúp cho mình sống xứng đáng là một con người. Như vậy, ngay từ xưa người Việt đã có ý thức trong việc thụ nhận một nghề nghiệp, cho dù đó là những nghề thủ công đi chăng nữa, vẫn là một nghề để sống xứng đáng là một con người. 
Tính lưu truyền bền vững của Bách Nghệ Tổ Sư là trở thành tín ngưỡng. Người Việt sống tín ngưỡng chứ không theo tín ngưỡng. Theo cách sống đó, người vào nhập môn vào một nghề nào đó đều cần có một nghi thức “bái Sư”, Sư cao bậc hơn phụ trong thang đạo tam cương. Sau nghi thức bái sư nhập môn, người môn sinh có bổn phận làm sáng danh giá của thầy, không chỉ là theo một nghề mà là sống một nghề cho vẹn toàn.
Truyền thống tâm linh của người Việt như linh mục Léopole Michel Cadiere nhận xét: “Người Việt kêu cầu trời, xin trời cứu họ, khi mối hiểm nguy thật là bức bách. Nghi thức cầu xin đượm nét đơn sơ nhưng trang trọng làm ta có thể kết luận rằng đối với họ quả là có một sức mạnh nhiệm mầu ẩn trong trời. Sức mạnh ấy cao hơn mọi sức mạnh siêu nhiên khác mà họ sùng bái. Nói tóm lại, những tình cảm thoát thai từ việc khấn xin, thật ra cũng chính là những tình cảm mà người lương dân cầu khẩn đến Thượng Đế một cách nồng nhiệt và khiêm cung, nhận biết Ngài chỉ qua soi sáng của lý trí, và rồi thưa với vị Thượng Đế được mơ hồ nhận biết như là một Đấng tốt lành và toàn năng.
Một lương dân thông minh đã cắt nghĩa cho tôi về số sự kiện mà tôi trích dẫn, nói với tôi rằng: “Thưa cha, khi chúng tôi cầu khấn thần linh, chẳng khác nào trong tình huống cấp bách, tôi khẩn cầu với cha giúp đỡ. Khi đến với cha, tôi mang theo lễ vật phủ phục, xin điều mình xin và xin cha nhận lấy lễ vật. Nếu cha giúp tôi, tôi trở lại, mang theo lễ vật mới để tạ ơn. Quả thật chúng tôi cũng cư xử như vậy đối với thần linh” (Văn hoá tín ngưỡng gia đình Việt Nam qua nhãn quan học giả L. Cadière / Đỗ Trinh Huệ)
Điều hệ trọng, được nhận ra trong quan niệm thần và thánh của người Việt có một chiều kích siêu việt. Đó là chiều kích viên mãn của những con người vượt qua ngưỡng cửa sự chết, hoàn thành được cuộc đời trong những nỗ lực của mình mà đi vào cõi sống muôn đời. Chết là bắt đầu sống, có người sống tủi nhục muôn đời, có người sống được tôn vinh hàng thần thánh.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan 

Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây