Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


Vì ai?

“Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lã giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến” (Mc 8, 2).
Vì ai?

VÌ AI?

(Thứ Bảy sau Chúa Nhật V TN – 1V 12, 26-32; Mc 8, 1-10)

Phụng vụ lời Chúa ngày thứ Bảy sau Chúa Nhật V mùa Thường Niên, giáo hội cho chúng ta nghe trích đọc hai bài Thánh Kinh trình bày chân dung đối nghịch của hai vị vua. Bài đọc thứ nhất trích sách các vua trình bày chân dung vua Giêrôbôam và bài Tin mừng cho thấy diện mạo của vị Vua trên các vua là Đức Giêsu Kitô. Sự đối nghịch giữa chân dung hai vị vua thể hiện nơi tấm lòng của hai vị.

Được đặt làm vua một vương quốc gồm mười chi tộc Israel, thế mà Giêrôbôam chỉ lo cho cái ngai vàng của mình, vì thế ông tìm mọi cách thế để bảo đảm vương vị của mình kể cả việc lợi dụng Thiên Chúa. Vì sợ dân chúng hằng năm lên Giêrusalem để dự lễ thì sẽ dần trở về với Rôbôam, con vua Salômon, nên ông đã cho tạc hai tượng bò vàng đặt hai nơi trên lãnh thổ của mình là Bêthel và Đan. Ông đã tế lễ cho các tượng bò vàng và thiết lập cả hàng tư tế để phục vụ công việc tế tự. Vì lợi ích của mình và để bảo đảm quyền chức của mình người ta thường sử dụng cả thần minh và thần thánh hóa bản thân hay tập thể của mình. Lịch sử cho thấy hiện tượng này thì xưa nay vẫn vậy.

Bài Tin Mừng vẽ nên chân dung vị Vua trên các vua, Đấng luôn lấy thiện ích con dân làm đầu. “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lã giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến” (Mc 8, 2). Tấm lòng của vị vua và là mục tử nhân lành đã hiển lộ từ lời nói đến hành động. Người đã tận dụng cả những sự nhỏ nhặt là bảy chiếc bánh để phục vụ đám đông hôm ấy mà Tin mừng tường thuật là độ chừng bốn ngàn.

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Cố nhạc sĩ họ Trịnh hẳn muốn nhấn mạnh đến tấm lòng vị tha. Khi biết sống vì nhau và cho nhau thì chúng ta sẽ biết tận dụng mọi cơ hội, mọi điều kiện, mọi phương tiện dù là đơn sơ hay bé nhỏ để thể hiện tình yêu liên đới, tương thân. Trái lại khi sự vị kỷ lên ngôi thì chúng ta sẽ không chừa nhiều thủ đoạn để phục vụ lợi ích bản thân mình, kể cả việc “buôn thần, bán thánh”.

Trước khi nói năng hay làm việc gì, dĩ nhiên là trong những vấn đề khá quan trọng, hãy xét xem chúng ta đang hành xử vì ai. Vì thiện ích của ai? Một câu hỏi có lẽ giúp chúng ta biết cân nhắc hơn trong các quyết định chọn lựa điều phải làm, điều đáng nói. Là người trưởng thành, câu hỏi “vì ai” cũng giúp chúng ta tỉnh thức để biết phân định tính hợp lý, tính công minh và phải đạo của các quyết sách của nhiều lãnh đạo ngoài xã hội cũng như trong các tập thể tôn giáo.

Vì ai? Vì thiện ích của ai? Câu hỏi thật đơn sơ nhưng thiết tưởng nó là một trong những chìa khóa giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây