Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


​​Hình ảnh Chúa Giêsu ngày lễ Lá

Thập giá là hình ảnh của sự tra tấn hình phạt hãi hùng. Nhưng với sự hy sinh chịu chết của Chúa Giêsu, thập giá trở thành nơi chốn tình yêu Thiên Chúa tỏ hiện mặc khải ra cho con người.
​​Hình ảnh Chúa Giêsu ngày lễ Lá

Hình ảnh Chúa Giêsu ngày lễ Lá

 

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 


Từ thế kỷ thứ 8, sau Chúa giáng sinh đã có tập tục phụng vụ rước kiệu Lá ngày chúa nhật bắt đầu tuần thánh, trong nếp sống phụng vụ để tưởng nhớ mừng kính Chúa Giêsu Kitô ngày xưa đã cỡi lừa đi vào thành Giêrusalem qua ngõ cửa phía Đông đền thờ, và được dân chúng với cành lá trên tay vẫy chào tung hô như một vị Vua, vị Cứu tinh! (Phúc âm thánh Marcô 11,1-11).

Trước Chúa Giêsu Kitô cả ngàn năm, Tiên Tri Dacharia đã tiên báo về cảnh tượng này:

"Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ!
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò!
Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ." (Sách Dacharia 9,9).

Cành lá, mà dân chúng cầm vẫy đón chào, là biểu tượng hình ảnh có từ thời thượng cổ xa xưa diễn tả sự vui mừng, tung hô tôn kính và sự reo mừng chiến thắng. Khi Chúa Giêsu cỡi lừa vào thành Giêrusalem được dân chúng cầm cành lá tung hô vạn tuế - Hosiana - như vị Vua, dưới tầm nhìn con mắt của chính quyền đế quốc Roma đang xâm chiếm cai trị nước Do Thái lúc đó, lại là một khiêu khích thách thức quyền hành của họ.

Nhưng việc Chúa Giêsu đi vào thành Giêrusalem không mang truyền đi tín hiệu ý nghĩa đó, cùng không dừng lại nơi cảnh được tung hô vạn tuế, mà còn có thêm cảnh tượng trái ngược sau đó nữa.

Dân chúng tung hô vạn tuế - Hosiana- Chúa Giêsu như vị Vua, và sau đó chính họ đã lớn tiếng kết án ngài: đóng đinh nó vào thập giá!

Sự gì đã diễn xảy ra?

Hai cảnh đời sống con người Chúa Giêsu Kitô

Phụng vụ ngày chúa nhật lễ Lá diễn tả trước hết cao điểm đời sống Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đã đạt tới đích điểm cao về khía cạnh đời sống con người được đón chào tung hô, và như thế sứ mạng được hoàn thành.

Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, thủ đô tôn giáo của Do Thái không đi bộ hay đi xe cỡi ngựa của một vị vua với quyền hành quân lính dũng sĩ, như dân chúng mong đợi. Nhưng cỡi trên một lừa con còn non trẻ. Dân chúng reo hò mừng rỡ trải khăn áo dọc đường cầm cành vẫy đón chào ngài như vị Vua chiến thắng.

Nhưng sau đó không bao lâu, Chúa Giêsu lại bị tụt chạm xuống mức điểm tận cùng đời sống: bị hầu hết những người trước đó tung hô vạn tuế bỏ rơi, bị chối bỏ khinh miệt, bị chỉ điểm giao nộp, bị bắt trói như một người tội phạm, không ai biện hộ bảo vệ cho cả: đóng đinh nó vào thập giá!

Rồi sau cùng Chúa Giêsu bị lên án tử hình đóng đinh vào thập gía. Trên thập giá đau đớn quằn quại, Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu than như lời cầu nguyện: "Lạy Chúa Trời, sao Chúa bỏ rơi con?" ( Mc 15,34 - Tv 22,2).

Một cái chết đau thương trong cô đơn bị kết án ruồng bỏ! Số phận đời sống của một con người như thế thật quá thảm thương đau đớn!

Cái chết Chúa Giêsu và bức màn trong đền thờ

Nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá ở gần đền thờ Giêrusalem là nơi cực thánh thiêng của người Do Thái từ ngàn xưa. Đền thờ được xây dựng rất cao cả huyền bí thánh thiêng để kính thờ Giavê Thiên Chúa. Đền thờ chia thành khoang tiền đình và khoang nơi cực thánh. Trước khoang tiền đình có màn trướng ngăn che bên ngoài, và trong đền thờ có thêm màn ngăn che trước nơi cực thánh.

Nơi cực thánh này chỉ có thầy cả thượng phẩm đến phiên tế lễ được bước vào một năm một lần vào ngày lễ đền tội xin Giavê tha thứ tội lỗi cho toàn dân - lễ Jom Kippur, như lề luật Mosê viết trong Kinh thánh Cựu ước còn lưu lại. (Sách Lêvi 16,29–30- Levi 23,26–32, và sách Dân Số 29,7–11).

Ngày lễ Jom Kippur của người Do Thánh được tính theo niên lịch Do Thái, vào ngày 10 tháng Tisch. Như năm nay 2021 sẽ vào ngày 16 tháng Chín, nhưng năm 2022 sẽ vào ngày 05 tháng Mười theo Dương lịch.

Khi Chúa Giêsu chết trên thập giá bức màn trong đền thờ ngăn che nơi cực thánh, như phúc âm Thánh Marcô thuật lại ( Mc 14,38) bỗng dưng rách xẻ ra. Sự việc này diễn tả, qua cái chết của Chúa Giêsu Kitô tầm hướng nhìn lên Thiên Chúa trở nên thông thoáng tự do: Bức màn che nơi cực thánh trong sự đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu Kitô không còn ngăn cách tầm hướng nhìn làm cho xa xôi nữa. Nhưng được mở ra cho thông thoáng nhìn thấy được bằng con mắt. Bức màn trướng ngăn che đó đã cùng bị treo trên thập giá với Chúa Giêsu Kitô.

Có lẽ vì thế, trên thập giá xưa nay thường có một khăn dài mầu tím hoặc mầu trắng được treo vắt ngang hai bên. Hình ảnh này có thể là dấu hiệu biểu tượng như một vành khăn tang đau buồn tưởng nhớ Chúa Giêsu đã chết theo ý nghĩa tập tục văn hóa dân gian.

Nhưng thiết nghĩ nhắc nhớ nhiều hơn đến ý nghĩa biến cố bức màn trong đền thờ Giêrusalem nơi cực thánh ngày xưa đã rách xé bỏ làm hai lúc Chúa Giêsu chết trên thập giá cách đây hơn hai ngàn năm.

Lòng tuyên tín của vị sĩ quan

Chúa Giêsu bị kết án là một tử tội chết trên thập giá. Người thân là các môn độ bỏ đi xa ra ngoài ẩn kín vì sợ bị liên lụy, những người qua lại nhìn thấy cảnh tượng đó đầu lắc đầu có người còn buông lời phỉ báng khinh miệt.

Nhưng có một người không làm chuyện nhẫn tâm đó. Trái lại, đã biếu lộ lòng đạo đức của người có lòng nhân đạo, và ăn năn quay về với lòng tin vào Chúa Giêsu: Viên sĩ quan chỉ huy việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập gía.

Canh gác dưới chân thập giá Chúa Giêsu khi tận mắt nghe nhìn thấy cảnh tượng những sự việc diễn ra lúc Chúa Giêsu chết. Ông đã đấm ngực ăn năn biểu lộ lòng tin: "Thật người này là Con Thiên Chúa!" ( Mc 15,39)

Tuyên tín của thánh sử Marco

Theo tương truyền, Thánh sử Marco viết; phúc âm Chúa Giêsu là học trò hay môn đệ của Thánh tông đồ Phêrô. Marcô viết lại những gì đã nghe Thánh Phêrô nói giảng dạy làm nền tảng giáo lý cho Hội Thánh Chúa từ buổi đầu tiên vào trước năm 70 sau Chúa giáng sinh.

Với câu tuyên tín vào Chúa Giêsu của vị sĩ quan chỉ huy dưới chân thập gí Chúa Giêsu: "Thật người này là Con Thiên Chúa!" Marcô muốn nói lên lòng tin của riêng mình.

Ông tin vào Thiên Chúa, Người trong giờ phút Chúa Giêsu chết trên thập giá đã tỏ dấu chỉ gần gũi, có mặt trong thời gian hiện tại, là Thiên Chúa không còn bị che phủ bởi màn trướng.

Marcô không tin vào một Thiên Chúa không đơn giản bài trừ hay cất đi những đau đớn tai ương của con người.

Ông tin nhiều hơn vào một Thiên Chúa hiện diện ngay trong đau khổ buồn thảm lúc Giêsu bị kết án tử hình đóng đinh vào thập giá. Thiên Chúa đó đã không bỏ rơi Giêsu nằm chìm trong lòng đất của sự chết. Nhưng đã cho Giêsu sống lại từ cõi chết.

Thánh sử Marcô không muốn ca tụng thập giá là vinh quang. Thập giá là hình ảnh của sự tra tấn hình phạt hãi hùng. Nhưng với sự hy sinh chịu chết của Chúa Giêsu, thập giá trở thành nơi chốn tình yêu Thiên Chúa tỏ hiện mặc khải ra cho con người.

Tình yêu của Thiên Chúa qua sự hy sinh chết trên thập giá của Chúa Giêsu Kitô đã khai mở soi dẫn cho vị sĩ quan canh gác thập giá bừng tỉnh tâm hồn và nói lên: Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!

Qua kinh nghiệm lòng tin này, Thánh sử Marcô không muốn giữ thái độ im lặng. Vì thế Ông đã viết phúc âm tường thuật về cuộc đời Chúa Giêsu Kitô cho nhân loại học hỏi suy niệm về giá trị đời sống tinh thần thiêng liêng.

Chúng ta cám ơn Thánh Marcô về điều này.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
  Vietcatholic News
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây