Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


Lời Chúa THỨ BA TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24)

24.11.2020

THỨ BA TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Các Thánh Tử đạo Việt Nam

Lc 9,20-26

PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐỨC TIN

“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24)

Suy niệm: Trong lịch sử Giáo hội, khi hạt giống đức tin được gieo trồng ở đâu, miền đất ấy thường được tắm gội bằng máu của các chứng nhân tử đạo. Giáo hội Việt Nam cũng thế, trong số 117 vị tử đạo, có 21 vị là các nhà truyền giáo từ Châu Âu (11 Tây Ban Nha, 10 Pháp), những người sẵn sàng rời quê hương, từ bỏ cuộc sống văn minh, sung túc, để chia sẻ những giá trị Tin Mừng cho chúng ta. Nói như thánh Phao-lô ‘tôi chấp nhận mất mọi sự để có thể biết được Đức Ki-tô’ (Pl 3,8). Vâng, các ngài đã biết giá trị đích thực của đức tin, đã anh dũng lên đường rao giảng Tin Mừng. Tự hào được làm con cháu các Thánh Tử đạo, chúng ta hôm nay phải nuôi dưỡng và phát triển những giá trị đức tin ấy, can đảm từ bỏ những gì trái ngược giá trị đạo đức, để làm chứng cho Tin Mừng sự sống. Đó mới là bài ca đích thực tạ ơn Thiên Chúa và tri ân Các Thánh Tử đạo Việt Nam.

Mời Bạn: Ngày nay, Giáo hội vẫn còn tiếp tục chiến đấu với thế gian để bảo vệ những giá trị của Tin Mừng. Bạn và tôi cũng là những thành viên của Giáo hội. Hãy mạnh dạn nói ‘không’ với những giá trị trần thế để nên chứng nhân cho đức tin, bạn nhé! Cụ thể, hôm nay bạn quyết tâm làm gì để mừng ngày lễ trọng đại của Giáo hội Việt Nam?

Sống Lời Chúa: Bắt đầu ngày mới bằng một hy sinh, một việc từ bỏ nho nhỏ để nuôi dưỡng đức tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã cho Giáo hội Việt Nam có những chứng nhân anh dũng. Xin cho chúng con sống niềm tự hào ấy bằng lối sống đậm chất Tin Mừng. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ Ba tuần 34 Thường Niên
Các Thánh Tử đạo Việt Nam

 

Tiểu sử: Ngày 24/11: Thánh An-rê Dũng Lạc và các bạn tử đạo tại Việt Nam

Ca nhập lễ

Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.


Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin...

Bài đọc I: 2 Mcb 7, 1.20-23.27b-29

Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm.

Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con: "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình."

Bà nói với người con út : "Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ."

Hoặc đọc: Kn 3, 1-9

"Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu".

Trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: "Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng". Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 17-25

"Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: "Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?" Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 5,10

Alleluia, alleluia! Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Alleluia

Phúc Âm: Lc 9,23-26

Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Kitô, vị chứng nhân trung thành của Chúa Cha đã ban cho các thánh tử đạo Việt Nam ơn can đảm làm chứng cho Tin Mừng. Giờ đây, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa và cầu xin.

1. Giáo Hội có sứ mạng làm chứng cho Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội luôn là chứng nhân cho Chúa ở giữa trần gian bằng lời rao giảng và bằng chứng tá đời sống.

2. Máu các thánh tử đạo là hạt giống làm nảy sinh các tín hữu. Chúng ta hãy cầu nguyện cho đồng bào Việt Nam nhận biết Chúa là Thiên Chúa duy nhất phải tôn thờ.

3. Các thánh tử đạo Việt Nam đã can đảm vác Thánh Giá Chúa mỗi ngày. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Kitô hữu biết kết hiệp những nỗi vất vả, lầm than trong cuộc sống hằng ngày với cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

4. Các thánh tử đạo Việt Nam đã dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta trở thành chứng nhân cho Chúa bằng đời sống bác ái, yêu thương.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cho chúng con biết noi theo mẫu gương các ngài đã để lại, ngõ hầu làm chứng cho Chúa ở đời này, và mai sau được hưởng hạnh phúc vô biên trong nhà Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa đã vui lòng chấp nhận lễ hy sinh của cha ông chúng con, xin cũng thương chấp nhận của lễ tiến dâng đây và làm cho chúng con trở nên của lễ đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Cha đã kêu gọi các bậc tiền bối của chúng con bước theo Chúa Kitô trên con đường thập giá để làm chứng cho Cha ngay từ lúc Tin Mừng mới được loan báo trên quê hương đất nước chúng con. Nhờ Cha ban ơn trợ giúp, những con người vốn mỏng dòn yếu đuối đã trở nên can đảm phi thường. Chính khi các ngài chịu trăm bề đau khổ, Cha biểu lộ cho mọi người thấy sức mạnh của tình thương.

Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng Cha uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!...

Ca hiệp lễ

Dầu là sự sống hay sự chết, hoặc bất cứ một thọ sinh nào: không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô Con Chúa để mừng các thánh tử đạo tại Việt Nam. Xin cho chúng con vẫn một lòng tin tưởng giữa bao thử thách của cuộc đời, để mai sau cùng với các ngài chung hưởng phúc vinh quang. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta tìm thấy nơi các ngài những mẫu gương nào?

Trước hết các ngài là những đấng đã làm chứng cho niềm tin của mình. Thực vậy, trải qua hơn 300 năm Tin Mừng được rao giảng trên quê hương yêu dấu, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, từ thời hậu Lê đến thời nhà Nguyễn, Giáo Hội Việt Nam đã phải trải qua biết bao nhiêu cơn phong ba bão táp, đã phải cam chịu biết bao cuộc bắt bớ cấm cách. Biết bao nhiêu người đã phải rời bỏ gia đình và sản nghiệp tổ tiên, trốn vào những nơi rừng thiêng nước độc như giáo dân vùng Quảng Trị Lavang để bảo toàn đức tin của mình. Hàng trăm ngàn người đã bị bắt bớ, tra tấn, tù ngục và đã chết dưới những cực hình độc ác để tuyên xưng danh Chúa, trong đó 117 vị đã được tông phong lên hàng chân phước. Qua đó chúng ta thấy các ngài đã ý thức và dành cho Chúa một địa vị tuyệt đối, cũng như đã ý thức và dành cho đức tin một sự ưu tiên các ngài có thể nói lên rằng: Phải vâng lời Chúa hơn vâng lời thế gian, thà chết chứ chẳng thà phản bội Chúa. Bằng một lời nói, bằng một thái độ các ngài có thể giải thoát mình khỏi những cực hình dã man, nhưng các ngài không làm thế vì các ngài đã xác tín vào lời Chúa: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích chi.

Cùng với việc làm chứng niềm tin các ngài còn là những người làm chứng cho tình thương. Tiên vàn là tình thương đối với Chúa. Các ngài đã lấy chính cái chết để nói lên sự gắn bó mật thiết với Chúa. Qua cái chết của các ngài, chúng ta thấy được một tình yêu mặn nồng như lời Chúa đã phán: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống vì bạn hữu. Qua cái chết của các ngài, chúng ta thấy được một tình yêu thực mạnh mẽ, còn mạnh mẽ hơn cả tử thần nữa. Tiếp đến là tình thương đối với anh em, đặc biệt là những người đã gây nên đau khổ. Chúa Giêsu trên thập giá đã tha thứ: Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng làm chẳng hiểu việc chúng làm. Với các thánh tử đạo Việt Nam cũng vậy, mặc dù phải chịu nhiều đắng cay nhưng các ngài vẫn an ủi khích lệ lẫn nhau kiên vững trong đức tin và tha thứ cho những người đã làm cho mình phải đau khổ và chết chóc.

Sau cùng các thánh tử đạo Việt Nam là những người làm chứng cho niềm hân hoan Nước Trời. Chúa Giêsu đã phán: Ai xưng tụng Ta trước mặt người đời thì Ta sẽ xưng tụng nó trước mặt Cha Ta ở trên trời. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cũng bảo: Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước Trời là của họ. Và lời Chúa đã như là một động cơ thúc đẩy các ngài cam chịu mọi đắng cay và lướt thắng mọi khó khăn, vì những đau khổ hiện thời không thể nào so sánh được với niềm hạnh phúc bất diệt mà Chúa sắm sẵn cho những kẻ yêu mến và trung thành với Ngài. Các ngài đã đau khổ một thời để rồi được hạnh phúc đời đời. Thân xác của các ngài tuy đã chết, nhưng linh hồn của các ngài lại được vui mừng trong vinh quang thiên quốc và nhất là tinh thần của các ngài luôn bừng cháy trong tâm hồn mọi người để rồi chúng ta cũng đi theo dấu chân của các ngài. Đúng thế, hãy làm chứng cho niềm tin và tình thương của mình để rồi chúng ta cũng sẽ được hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu như các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những bậc cha ông của chúng ta.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây