Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 3 MÙA CHAY

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5, 17)

23/3/2022
THỨ TƯ TUẦN 3 MÙA CHAY
Thánh Turibiô Môgrôvêjô
,
Giám mục

 

t4 3MC C

Mt 5, 17-19

KIỆN TOÀN CHỨ KHÔNG PHÁ BỎ

Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5, 17)

Suy niệm: Có vẻ như Đức Giêsu là người coi thường luật lệ Do Thái: nào là không giữ luật rửa tay, nào là chữa bệnh trong ngày Sabát… Thế mà ở đây, Ngài lại cho rằng mình không phá bỏ, nhưng lại hoàn thành lề luật!            

Thật ra, Ngài lên án cách giữ luật theo hình thức và phá bỏ những luật lệ mà các thầy rabbi bày vẽ và áp đặt trên người khác một cách vô nhân đạo. Hơn nữa, Ngài làm cho lề luật có được ý nghĩa trọn vẹn. Thiên Chúa là Đấng ngự nơi bí ẩn, thấu suốt mọi bí ẩn, do đó, nên việc giữ luật chỉ có giá trị khi đạt được điều quan trọng nhất: đó là “công bình, nhân nghĩa và thành tín” (Mt 23, 23).

Mời Bạn: Đừng tuân giữ 10 điều răn Đức Chúa Trời, 6 điều răn Hội thánh và tất cả các luật lệ như một nô lệ, như một cái máy, nghĩa là vì áp lực từ bên ngoài, một áp lực do Hội thánh, do đoàn thể, do xã hội hoặc do dư luận, lời khen tiếng chê của người chung quanh. Bạn hãy giữ luật với cả tâm hồn, với lòng yêu mến và với niềm tin tưởng rằng luật sẽ đưa ta đến hạnh phúc thật sự.

Sống Lời Chúa: Trong các luật lệ của Hội thánh, của đoàn thể, khoản nào tôi hay sai lỗi hoặc coi thường hơn cả? Tôi có phương cách nào để khắc phục?

Cầu nguyệnLạy Chúa, chúng con thường có dị ứng với mọi thứ luật lệ nào chúng con không ưa thích. Xin cho chúng con biết nhận ra mục đích của luật lệ trong đời sống và vui vẻ tự nguyện tuân giữ. Xin cho lề luật không chỉ được in nơi sách vở, nhưng cũng được in đậm nét nơi tâm hồn chúng con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

THỨ TƯ TUẦN 3 MÙA CHAY – C

Ca nhập lễ

Xin Chúa hướng dẫn tôi bước theo lời răn của Chúa, xin đừng để điều gian ác nào thống trị trong mình tôi..

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa dùng mùa chay thánh để rèn luyện chúng con và nuôi dưỡng bằng lời hằng sống. Xin cho chúng con biết ăn ở tiết độ, hầu được thanh thoát mà phụng sự Chúa hết lòng và đồng tâm nhất trí trong lời cầu nguyện. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ðnl 4, 1. 5-9

“Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môi-sen nói với dân chúng rằng: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà tôi dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi nên biết, tôi thừa lệnh Chúa là Thiên Chúa tôi mà truyền dạy cho các ngươi biết lề luật và huấn lệnh của Chúa, để các ngươi thi hành các điều ấy trong phần đất mà các ngươi chiếm hữu; các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: “Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt”. Không một dân tộc vĩ đại nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta ở bên cạnh chúng ta khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như tôi trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?

“Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi, đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 15-16. 19-20

Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa .

Xướng: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các chốt cửa thành ngươi; Người đã chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội.

Xướng: Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng.

Xướng: Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Chúa phán: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”.

PHÚC ÂM: Mt 5, 17-19

“Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu nguyện và lễ vật của cộng đoàn dân Chúa. Vì thánh lễ chúng con đang cử hành, xin Chúa giữ gìn chúng con khỏi mọi điều ác hại. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa chay

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã chỉ cho tôi biết đường lối trường sinh, Chúa đã cho tôi no đầy hoan hỷ ở trước thiên nhan .

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho bánh bởi trời chúng con vừa được ăn nơi bàn tiệc thánh xóa bỏ mọi lỗi lầm của chúng con, và làm cho chúng con đáng hưởng phúc trường sinh Chúa đã hứa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

“TA ĐẾN KHÔNG PHẢI ĐỂ PHÁ HỦY MÀ LÀ KIỆN TOÀN” (Mt 5, 17-19)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Thánh Gioan Bosco nói với các môn sinh của ngài rằng: “Hãy trung thành giữ luật, luật sẽ gìn giữ con”.

Thật vậy, lề luật nó như cái bản lề để giúp cho cánh cửa cuộc đời được đứng vững.

Chính Đức Giêsu đã trung thành giữ luật cách yêu mến và trung thành. Chỉ khi nào luật không làm cho con người ta tốt hơn, mà ngược lại, nó đè bẹp con người, thì lúc đó Ngài lên tiếng chống đối.

Hai lối hiểu và hai cách giữ luật khác nhau, nên những nhà lãnh đạo Dothái và Đức Giêsu có sự đối kháng kích liệt. Họ cho rằng Đức Giêsu đến để bãi bỏ lề luật, còn Đức Giêsu thì khẳng định: “Các người đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ các lề luật hay các tiên tri. Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn”.

Nói cách khác, Đức Giêsu vẫn rất tôn trọng luật Cựu Ước, mà cụ thể là trong Ngũ Kinh, vì ở đó chứa đựng ý muốn và lệnh truyền của chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều lúc, vì họ đã giữ luật theo kiểu mặt chữ, nên không còn tình thương, lòng mến, và luật đã trở thành phương tiện cho người ta hà hiếp, bóc lột và kết án nhau.

Khi phản đối lối gán ghép tội của các Luật Sĩ và Pharisêu gây ra cho mình, Đức Giêsu khẳng định không những không phá bỏ, mà còn kiện toàn và làm cho luật trở nên nhân nghĩa hơn.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta rằng: hãy biết giữ luật trong lòng mến. Trung thành yêu mến luật vì nơi đó Thiên Chúa tỏ bày thánh ý của Ngài. Tuy nhiên, giữa việc giữ luật và đời sống phải đi đôi với nhau. Không thể sống theo kiểu “ngôn hành bất nhất” như Luật Sĩ và Pharisêu, vì họ dùng luật của Chúa để triệt hạ nhau khi luật của Chúa đã bị bóp méo.

Lạy Chúa Giêsu, luật của Chúa là luật vì con người và hạnh phúc của nhân loại. Xin Chúa ban cho chúng con biết yêu mến và thi hành luật ấy cách trung thành trong lòng mến Chúa và yêu người. Xin cho chúng con đừng vì luật mà cứng ngắc với anh chị em mình khi chúng con rơi vào tình trạng giả hình, chỉ câu nệ vào những hình thức bên ngoài mà quên đi những cái chính yếu bên trong. Amen.
 

KIỆN TOÀN LỀ LUẬT


 

(Thứ Tư sau CN III Mùa Chay – Mt 5,17-19) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17)

Khi đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu thường dùng cụm từ: “Anh em nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo anh em…” (x.Mt 5,43). Đây là một trong những lý do khiến cho một số người lầm tưởng rằng Chúa Giêsu muốn hủy bỏ lề luật, cụ thể là luật của Môsê truyền. Khi khẳng định rằng mình đến không phải để hủy bỏ lề luật mà để kiện toàn thì Chúa Giêsu mặc nhiên nhìn nhận sự cần thiết của lề luật. Tuy nhiên Người lại minh nhiên nói lên sự hữu hạn của chính lề luật và sự bất toàn của việc áp dụng luật lệ nơi nhiều người, nhất là nơi những người đang có vai cao, vị lớn trong Do Thái giáo lúc bấy giờ. Qua cung cách hành xử và lời giảng dạy của Chúa Giêsu chúng ta cùng xem xét việc Người kiện toàn lề luật:

1. Trả lề luật về lại vị trí, vai trò của nó: “lề luật là phương tiện chứ không phải là mục đích. Chúa Giêsu minh nhiên khẳng định: ‘Ngày Sabbat (lề luật) có ra là vì con người chứ không phải con người có ra là vì ngày Sabbat” (x.Mc 2,28). Tính hữu hạn của lề luật là nơi chính nó vì nó là phương tiện. Khi phương tiện không thể đạt đến mục đích hoặc đi lệch mục đích thì chúng ta phải để nó ra một bên. Chính Chúa Giêsu đã từng nhiều lần cố tình vi phạm lề luật, đặc biệt luật ngày hưu lễ, luật sạch nhơ là để khẳng định điều này.

2. Lề luật xét về nguồn gốc thì có thiên luật và nhân luật. Thiên luật là luật của Thiên Chúa nên có giá trị tối thượng. Còn nhân luật là luật của con người thì giá trị thấp hơn vì hữu hạn. Sự hạn chế của nhân luật nằm ngay nơi nguồn gốc của nó. Nhân vô thập toàn. Nhân luật luôn có đó nhiều giới hạn vì vừa bất cập lại vừa thái quá. Ngay trong thiên luật tức là luật của Thiên Chúa thì Kitô hữu chúng ta tiếng lương tâm là luật tối thượng. Thế mà tiếng lương tâm của con người vẫn có đó mặt hạn chế vì nhiều lý do chủ quan hoặc khách quan hình thành nên lương tâm bối rối, lương tâm phóng khoáng, lương tâm lầm lạc, lương tâm chai lì… Thiên luật khi hiện hữu bằng văn tự thì có đó sự hạn chế bởi văn phong, ngôn từ, cách thế diễn đạt, cách hiểu…Chính vì thế chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa không chỉ hết lòng, hết sức, hết linh hồn mà còn phải hết cả trí khôn (x.Mc 12, 30).

Chúa Giêsu kiện toàn lề luật khi khẳng định mối tương quan giữa thiên luật và nhân luật. Luật của Thiên Chúa luôn ở trên luật của loài người. Luật của loài người phải quy chiếu từ luật của Thiên Chúa. Đã từng nhiều lần Chúa Giêsu khiển trách nhiều lãnh đạo Do Thái giáo vì họ đã xem nhẹ lề luật của Thiên Chúa mà nắm giữ truyền thống là luật lệ của loài người (x.Mc 7,1-13).

3. “Đã đến lúc người ta phải thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý” (x.Ga 4,23). Việc giữ lề luật phải khởi đi từ bên trong tâm hồn. Giữ luật cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng bên ngoài mà nội tâm thì trống rỗng thì cũng bằng không mà nhiều khi còn gây ra nhiều hậu quả khó lường cho bản thân và tha nhân. Rất nhiều lần Chúa Giêsu phê phán nhiều lãnh đạo Do Thái giáo, cách riêng nhóm biệt phái về việc giữ luật bên ngoài cách giả hình này. Người không ngại ngần dùng những lời quở trách gay gắt “khốn cho các ngươi…” (x.Mt 23,27-32).

Lề luật là cần thiết. Nhưng điều cần thiết hơn là hiểu cho đúng vai trò, vị trí của lề luật đồng thời phải biết giữ luật cách ý thức, chân thành. Thái độ sống vô kỷ luật quả là đáng trách. Tuy nhiên cung cách sống kiểu “vụ luật” thì thật đáng sợ hơn nhiều. Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyên dạy chúng ta hãy cẩn trọng về “tinh thần biệt phái mới” trong lối sống đạo. Chính Chúa Giêsu đã từng cảnh tỉnh các tông đồ về thứ men độc hại này (x.Mc 8,14-21).

Kiện toàn lề luật. Chúa Giêsu đã làm và chúng ta cũng phải cộng tác với Người liên lỉ, theo khả năng, hoàn cảnh và vai vị của mình.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây