Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi theo sách Giáo Lý Toàn Cầu

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cần phải được thể hiện trong mối liên hệ giữa vợ, chồng và con cái; giữa đôi vợ chồng và gia đình hai họ hai bên; giữa linh mục, hội đồng mục vụ và giáo dân trong cộng đoàn giáo xứ; và giữa lập pháp, hành pháp và dân chúng trong một quốc gia, v.v.
Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi theo sách Giáo Lý Toàn Cầu

Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi theo sách Giáo Lý Toàn Cầu

 

 

 
Khi Chúa Giêsu nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được” (Ga. 16:12), phải chăng câu nói này ám chỉ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi? Phần suy niệm sau đây được dựa vào những điểm chính trong sách Giáo Lý Toàn Cầu, 1992 (GLTC).

 

 

Trong suốt mấy thế kỷ đầu, Giáo Hội đã phải vất vả đào sâu, trình bầy và bảo vệ đức tin vào Chúa Ba Ngôi dựa vào lời Chúa và trong lời tuyên xưng đức tin trong phép rửa tội.  Giáo Hội đã phải dùng những từ ngữ riêng để diễn tả tín điều Chúa Ba Ngôi như: bản thể, ngôi vị, bản vị  tương quan để nhấn mạnh sự khác biệt nhưng trong sự duy nhất và hiệp thông của Chúa Ba Ngôi (GLTC 249-256).

 

Trong Chúa Ba Ngôi: Đức Chúa Cha - từ Ngài muôn vật được tạo thành; Đức Chúa Con - nhờ Ngài chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa; và Chúa Thánh Thần - trong Ngài chúng ta được sống (GLTC 258), và Chúa muốn rằng: tất cả mọi loài thụ tạo sẽ kết hợp trọn vẹn trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi (GLTC 359-360).  Làm sao chúng ta có thể sống mầu nhiệm này trong đời sống chúng ta?  Mầu nhiệm này có thể được suy niệm qua ba điểm chính sau đây:

Khác biệt: vì Chúa Cha không phải là Chúa Con hay Chúa Thánh Thần, Chúa Con không phải là Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha hay Chúa Con (GLTC 254); cho nên mỗi người chúng ta - tuy dù khác nhau về tuổi tác, phái tính, nghề nghiệp và kinh nghiệm cuộc đời - nhưng tất cả chúng ta đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (GLTC 225).

Duy nhất: Ba Ngôi tuy khác biệt nhưng là Một Chúa.  Sự duy nhất này có được bởi vì mỗi Ngôi không đối nghịch với nhau nhưng luôn quy về với nhau (GLTC 255).  Thánh Gioan còn nhấn mạnh hơn nữa khi xác nhận: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4:8, 16).  Dựa vào điểm này, chúng ta có thể nói rằng: chỉ có tình yêu chân thật mới có thể giúp con người sống trong tình đoàn kết vì trong chính Thiên Chúa là một sự trao đổi tình yêu vĩnh cửu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và Ngài đã tiền định để chúng ta được chia sẻ với Ngài trong sự trao đổi tình yêu đó (GLTC 221, 257).

Hiệp thông: trong tinh thần duy nhất đó, Chúa Cha hoàn toàn ở trong Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Chúa Con hoàn toàn ở trong Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần hoàn toàn ở trong Chúa Cha và Chúa Con (GLTC 255).  Sự tương thân tương ái giữa người với người sẽ được tăng cường khi con người biết thông cảm, hiểu nhau và chấp nhận nhau trong tình chia sẻ, hòa nhã, và thuận với nhau.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cần phải được thể hiện trong mối liên hệ giữa vợ, chồng và con cái; giữa đôi vợ chồng và gia đình hai họ hai bên; giữa linh mục, hội đồng mục vụ và giáo dân trong cộng đoàn giáo xứ; và giữa lập pháp, hành pháp và dân chúng trong một quốc gia, v.v.

 

Thiên Chúa đã dựng nên con người và muốn họ chung phần với Ngài trong công trình tạo dựng khi Ngài cho con người sự tự do lựa chọn giữa chân lý và sự giả dối, chữa thiện và ác.  Xin Chúa Ba Ngôi giúp ban cho chúng ta ơn khôn ngoan, nghị lực và lòng can đảm để chúng ta sống thực mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống. 

 

LM JP Vũ Minh

https://giaophanvinhlong.net/mau-nhiem-chua-ba-ngoi-theo-sach-giao-ly-toan-cau.html

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây