Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


CÁCH BIẾT LÒNG NGƯỜI

Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
CÁCH BIẾT LÒNG NGƯỜI

CÁCH BIẾT LÒNG NGƯỜI

Lòng người ta nham hiểm hơn núi sông, khó biết hơn là biết giời.

Giời thì hàng năm có xuân, hạ, thu, đông, hàng ngày còn có buổi sáng, buổi tối, ta do thấy mà biết được.

Đến như người ta thì có kẻ ngoài rõ như cẩn hậu mà trong thật kiêu căng, có kẻ trong rõ thật tài giỏi mà ngoài coi ngu độn, có kẻ ngoài rõ như vững vàng, thư thả mà trong rối rít nóng nẩy. Tâm tính bên trong, diện mạo bên ngoài trái nhau khó lường như thế.

Cho nên quân tử dùng người cho ở xa để xem lòng trung, cho ở gần để xem lòng kính, sai làm nhiều việc để xem cái tài, hỏi lúc vội vàng để xem cái trí, hẹn cho ngặt ngày để xem có tín, uỷ cho tiền của để xem có nhân, bảo cho việc nguy biến để xem có tiết, cho đánh chén say sưa để xem cử chỉ, cho ở chỗ phiền tạp để xem thần sắc. Xem người đại khái như vậy, thì họa mới có thể biết được người.

TRANG TỬ TUYẾT

GIẢI NGHĨA

- Nham hiểm: cao ngất và hiểm nghèo.

- Cẩn hậu: cẩn thận trung hậu.

- Kiêu căng: khinh người và khoe khoang.

- Diện mạo: mặt, dáng.

- Trung: hết lòng, thật lòng ăn ở với ai.

- Kính: tôn trọng.

- Tài: cái giỏi hơn người.

- Trí: khôn ngoan.

- Tín: nói hay hứa thế nào làm y như thế.

- Nhân: tính thân yêu coi người như mình.

- Nguy biến: hiểm nghèo biến cố.

- Tiết: một lòng một dạ không ai chuyển được.

- Cử chỉ: dáng điệu cất nhắc làm công kia việc nọ.

- Phiền tạp: nhiều, rối.

- Thần sắc: tinh thần nhan sắc hiện ra ngoài mặt người ta.

NHỜI BÀN

Khéo thật! Người ta chỉ cách nhau một lần da, mà ai đã chắc biết được ai! Sông còn đó, núi còn đo được, vì nó hiển hiện ra ngoài, chớ lòng người xét. Cho nên ta chỉ trông thấy bề ngoài, thì ta chớ đã vội tin bên trong. Trong, ngoài thường khi trái hẳn nhau. Ta phải để tâm nhận cho kỹ; ta phải biết cách xem cho tường. Đoạn dưới bài này, tác giả chính bảo nào là trung, tín, là tài, trí, là nhân, tiết, v.v... Cái cách ấy kể cũng không khó, chỉ cốt phải đưa người ta hẳn vào việc làm hay khiến người ta làm trái lại sự thực để dò cho biết sự thực.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928

NHỜI BÌNH

Trong xã hội ngày nay, hầu như ai cũng có khả năng ngụy trang bản thân đằng sau những lớp mặt nạ. Có người che dấu sự yếu đuối bằng vỏ bọc mạnh mẽ, nhưng có người lại che giấu tâm tư xấu xa bằng vỏ bọc hiền lành lương thiện bên ngoài. Thế nên người ta mới có câu nói: “Dò sông dò biển dễ dò, mấy ai lấy thước mà đo lòng người.”

Sông sâu, biển lớn nhưng cũng không phải là vô tận, chúng ta vẫn có cách để đo được độ sâu của nó. Thế nhưng, lòng người thâm sâu khó lường, mấy ai dễ mà đong đếm được. Giống như câu ca dao trên, ai dám cam đoan có thể hiểu thấu hết một người?

Phàm ở đời, thứ gì càng khó nắm bắt càng nguy hiểm. Người hôm nay có thể trước mặt cười nói với mình, hôm sau “đâm một nhát sau lưng” không còn bất ngờ.

Vì vậy, càng cẩn trọng, cảnh giác thì chúng ta mới càng có thể bảo vệ bản thân và những giá trị quan trọng lâu dài hơn.

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa

Nguồn tin: Cổ Học Tinh Hoa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây