Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


CÁCH CƯ XỬ Ở ĐỜI

Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
CÁCH CƯ XỬ Ở ĐỜI

CÁCH CƯ XỬ Ở ĐỜI

Cư xử với người mà góc gách, nghiêm nhặt quá là cái đại bệnh ở đời.

Bực thánh, hiền xử với người đời không có giây phút nào là rời bỏ được cách ôn hoà trung hậu. Cho nên mới có những câu:

Phiếm ái chúng, nghĩa là rộng yêu tất cả loài người;

Hoà nhi bất đồng nghĩa là xử với người hoà nhã mà không a dua;

Hoà nhi bất lưu, nghĩa là xử với người hoà nhã mà không đua theo;

Quần nhi bất đảng, nghĩa là liền hợp với mọi người mà không vào bè, kết đảng với ai cả;

Chu nhi bất tị, nghĩa là công bình mà chẳng thiên tư;

Từ tường, khải để, nghĩa là nhân đức, êm ái, vui vẻ, dễ dàng;

Ái nhân, nghĩa là yêu loài người;

Thân dân, nghĩa là gần gụi dân coi dân như con em;

Vạn vật nhất thể, nghĩa là coi muôn loài với mình như là một;

Thiên hạ nhất gia, trung quốc nhất dân, nghĩa là coi cả thiên hạ như một nhà, coi cả nước như một người.

Nếu làm người mà cứ vò võ một mình, tính nết khe khắt, lạnh nhạt chẳng thân với ai, thì thật là một hạng chướng ngại cho xã hội. Dù cho là người phương chính, tính nết độc lập, cũng không phải là hạng ứng dụng với đời, chẳng qua là người nhất tiết quyến giới mà thôi.

LÃ KHÔN

GIẢI NGHĨA

- Đại bệnh: bệnh to làm cho người ta khổ và khó chịu.

- Ôn hoà: êm ái, hoà nhã.

- Trung hậu: thành thực tử tế.

- Chướng ngại: ngăn trở, vướng vít khó chịu.

- Phương chính: góc gách, ngay thẳng.

- Độc lập: riêng một mình có tính khác thường.

- Ứng dụng: đem ra mà dùng cho được việc.

- Nhất tiết quyến giới: chỉ khăng khái giỏi được một bề, một mặt,

NHỜI BÀN

Ta ở đời mà góc gách, nghiêm ngặt với người, thì tất người lấy làm khó chịu mà không thể nào thân với ta được. Đôi bên không chịu được nhau, cứ tìm cách chọi nhau, thành cả đôi bên cùng không được yên vui sung sướng, mà công việc ở giữa có khi vì thế mà hỏng cả. Cho nên bực thánh hiền ở đờì không bao giờ thế, bao giờ cũng giữ được cái thái độ ôn hoà, dù không a dua, xu phụ với người hay phản đối lại hẳn người cũng vẫn điềm nhiên như không, không để người mếch lòng bao giờ. Những câu tác giả lược ra mà liệt vào bài đây thực là những vị thuốc chữa cho kẻ có tính khắt khe, cay nghiệt với đời rất hay vậy.
 

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Ở sao cho vừa lòng người,    
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.      
Cao chê ngỏng, thấp chê lùn,
Béo chê béo trục béo tròn,     
Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra.
(Ca dao)


Cách cư xử ở đời, hiểu đơn giản đó là cách giao tiếp với nhau trong cuộc sống. Hành xử, ứng xử sao cho phải, cho vừa lòng người là chuyện không phải dễ. Người biết xử lý khéo léo, tinh tế trong mọi tình huống là người biết mình biết người, biết ăn ở với người khác hợp tình hợp lý. Những người đối nhân khéo, xử thế hay thường được người khác quý mến và tôn trọng. Những người này cũng thường rất nhanh nhạy, có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh.

Đối đãi với người khác ra sao, xử lý những tình huống như thế nào là những bài học rất ý nghĩa và thiết thực. Người xưa kể lại câu chuyện về cha con người buôn ngựa, như sau:

“Nhà họ Mã ngày trước chuyên nghề nuôi dạy ngựa và bán ngựa. Có một dạo gia đình ông suy sụp vì con ông bị bệnh nặng, đã vét hết tiền trong nhà mà con ông vẫn không khỏi. Ông bán hết số ngựa nuôi để thang thuốc cho con. Con ông sống được. Từ đó ông bắt đầu dành dụm, tằn tiện được một số tiền.

Ngày nọ Mã ông nghe ở Hương Lâm có bán một giống ngựa quý, ông đến nơi đó xem tướng ngựa thật kỹ, biết đó là giống ngựa hay, thuộc loại Hoàng Phiêu, mặc dù nó có phần hơi gầy. Mã ông thích quá, nên chịu mua với giá đắt. Ông về nhà bàn lại với con:

- Phụ thân xem biết nó rất quý, dù hơi gầy, thuộc giống Hoàng Tuyết Phiêu của người Khương. Nhà ta gây được giống này sẽ làm giàu không mấy hồi. Ngặt vì xa ngót ngày đường, qua đèo truông e có cướp, nên cha con ta cùng đi.

Hai cha con họ Mã thử ngựa và ngả giá xong, tra yên cương, cha con đồng lên ngựa ra về, lòng thấy hoan hỉ.

Họ đi qua một xóm nhà, Mã ông khiêm tốn cho ngựa đi nước kiệu, dân làng đón ông lại nói:

- Mã lão! Ông là người nuôi ngựa, sao không biết thương ngựa? Con ngựa gầy thế kia, còn cha con ông cọp ăn bảy ngày không hết, nỡ nào cả hai lại đè trên mình nó?

Ông Mã nói với con mình:

- Họ nói phải đấy con ạ! Vậy cha nhường cho con cưỡi. Cha cầm cương cho.

Thế là một mình Mã công tử ngồi ngựa, ông Mã đi bộ theo. Họ yên tâm đi xóm nhà khác, bây giờ trời đã khá trưa, những người ngồi mát trên đường thấy cảnh cha con họ Mã như vậy, họ kéo ra đón đầu ngựa, xỉ vả người con:

- Ai dạy công tử về cách hiếu đạo như thế? Con thì ngồi ngựa kênh kiệu, để cha chạy bộ theo đổ mồ hôi! Qua cánh đồng kia có học hiệu Khổng Môn, chắc họ đánh công tử trào máu ra mất!

Mã công tử lật đật nhảy xuống ngựa, chắp tay thưa với cha:

- Họ nói phải đấy cha ạ! Nãy giờ con cũng khỏe rồi, cha hãy cưỡi nó cho đỡ mệt. Người cha lên ngựa đi, ngang qua "Khổng Môn học hiệu", một số học trò ở đó biết mặt ông già, chúng chạy lại đón ông nói:

- Mã lão bá! Lão bá lâu nay mạnh giỏi chứ? Nghe nói lệnh lang lâu nay bệnh thập tử nhất sinh, nay mới vừa hơi bình phục lão bá để lệnh lang nhọc nhoài cho đành.

Mã lão nhảy xuống ngựa nhìn con rồi thì thầm:

- Kể ra họ nói cũng phải. Kể không còn bao xa, ta dắt ngựa đi vậy.

Hai cha con xuống ngựa dắt bộ, hồi lâu đến xóm khác, có ai đó nhìn ngựa rồi chửi:

- Đúng là cha con một lão vô học. Đây là giống Hoàng Tuyết Phiêu, một loại thiên lý mã, mua về để cưỡi hoặc làm giống, nào phải mua về để thờ, sao có ngựa lại không cưỡi?

Cha con họ Mã thiếu điều muốn khóc. Lão nói với con:

- Cưỡi ngựa cũng bị chửi, mà không cưỡi cũng bị chửi! Ta chịu hết nổi! Thôi thả quách cho xong!

Hai người dắt đi một đoạn cho khuất mắt mọi người, rồi tháo cương, cởi yên, đánh một roi, ngựa dong tuốt vào rừng mất dạng. Về đến nhà, bà cụ nghe đón đầu ngõ. Ông cụ thuật lại mọi chuyện. Bà cụ nghe qua đấm vào đầu bình bịch, vừa khóc vừa nói:

- Ngu sao là ngu! Có bao nhiêu vét đi mua ngựa, rồi thả ngựa đi! Xưa nay miệng lưỡi thế gian. Việc mình mình cứ làm, chiều ý, nghe lời họ làm gì? Rồi đây lấy gì mà sinh sống, lấy gì mà cưới vợ cho con? Ngu ơi là ngu!...” (Theo Ngô Nguyên Phi, Thuật Xử thế của Người Xưa).

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa

Nguồn tin: Cổ Học Tinh Hoa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây