Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


CÁCH TRỊ DÂN

Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
CÁCH TRỊ DÂN

CÁCH TRỊ DÂN

Tử Sản làm tướng nước Trịnh đã lâu năm, có lòng thương dân, lấy đạo khoan mà trị dân.

Khi Tử Sản ốm nặng gọi Tử Thái Thúc đến bảo rằng:

- Ta chết, tất nhà ngươi làm tướng nước Trịnh. Ngươi phải biết người có đức mới lấy đạo khoan hòa mà phục được dân, còn người thường phải lấy cách uy nghiêm mà trị dân mới được. Này ví như lửa nóng dân trông thấy mà sợ, cho nên chết vì lửa ít; nước mát dân khinh mà nhờn, cho nên chết vì nước nhiều. Thế mới biết khoan hoà là khó.

Mấy tháng sau, Tử Sản mất, Tử Thái Thúc thay làm tướng, không nỡ dùng nghiêm mãnh, cứ lấy đạo khoan hòa mà trị dân.

Không được bao lâu, trong nước sinh ra nhiều trộm cướp thường núp sau ở các đồng lầy mà lấy của giết người nhũng nhiễu lương dân.

Tử Thái Thúc hối lại nói rằng:

“Giá ta biết sớm theo nhời Tử Sản thì đâu đến thế này!”

Rồi liền đem quân đi đánh bắt bọn cướp ở đồng lầy mà giết hết. Từ đấy nước Trịnh mới bớt trộm cướp.

Đức Khổng Tử nói rằng: "Được lắm! chính khoan, thì dân nhờn, dân nhờn, thì lại phải dùng mãnh; mãnh, thì dân tàn, tàn, lại phải dùng khoan; khoan giúp cho mãnh, mãnh giúp cho khoan, có thế thì chính mới hòa được".

TẢ KHƯU MINH

GIẢI NGHĨA

- Tử Sản: tên tự là Công Tôn Kiều làm quan đại phu nước Trịnh thời Xuân Thu.

- Tướng: quan đứng đầu cả bách quan giúp vua làm chính.

- Khoan: thong thả không cấp bách

- Đồng lầy: nói đồng đất lõng võng có nước và cây cối mọc rậm rạp. Ta còn gọi là bãi mà chữ là Trạch. Đồng lầy nói trong bài đây có tên riêng gọi là Hoàn Bồ.

- Lương dân: dân lành, lương thiện.

- Mãnh: dữ dội nghiêm khắc.

- Tả Khưu Minh. - Quan Thái sư nước Lỗ theo chí của Khổng Tử mà làm ra chuyện kinh Xuân Thu gọi là Tả thị Xuân Thu cho nên người ta thường xưng Khổng Tử là Tố Vương, Khưu Minh là Tố thần.

NHỜI BÀN

Tử Sản vốn là một người học rộng, chính trị giỏi, làm tướng nước Trịnh hơn 40 năm, đối với trong, thì dân bình trị, đối với ngoài, thì các nước e nể, ông là một bực quân tử có bốn điều hay; đối với mình thì tự trọng (cung), đối với người mình thờ thì kính, nuôi dân thì có ơn huệ, khiến dân thì có nghĩa.

Câu ông dặn Tử Thái Thúc đây thực có ý lắm. Mãnh mà khiến cho dân sợ dễ bao nhiêu, thì khoan mà cũng khiến cho dân sợ khó bấy nhiêu. Tuy cũng gọi là sợ, nhưng cái sợ trước không có giá, vì sợ bất đắc dĩ, sợ miễn cưỡng, sợ bề ngoài mà khinh trong bụng, cái sợ sau mới là cái sợ quí, vừa sợ, vừa yêu, sợ mà kính phục, sợ như vui lòng mà sợ vậy. Nhưng muốn được cái sợ sau, tất cái đức của mình phải to làm sao mới cảm hoá được nhân tâm đến bực ấy.

Còn thường thường, phép trị dân không thể cứ khoan mãi được, vì khoan thì dân nhờn. Lại cũng không thể cứ mãnh mãi được, vì mãnh thì dân oán. Dân oán hay dân nhờn cũng đều có trở ngại đến việc mình làm cả. Cho nên phải có khoan, lại phải có mãnh đắp đổi đỡ đần cho nhau thì mới được. Bốn chữ “Khoan mãnh tương tế” thực đáng làm cái phương châm cho cả những người cầm quyền trị dân vậy.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Cách thu phục lòng người đã khó, cách trị dân còn khó hơn gấp vạn lần.

Chiều ngày 18/7/2021, anh Trần Văn Em (SN 1996, trú ở thôn Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang) rời khỏi nơi làm việc tại công trình thi công dự án Khu nghỉ dưỡng Vega City Nha Trang để ra ngoài mua bánh mì và nước uống. Trên đường về, anh Em bị tổ kiểm tra của phường Vĩnh Hòa tạm giữ xe máy và giấy tờ với lý do ra đường trong trường hợp không cần thiết, vi phạm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe máy của anh Em có túi bánh mì và chai nước lọc, nhưng tổ kiểm tra do ông Trần Lê Hữu Thọ điều hành, cho rằng “bánh mì không phải là hàng thiết yếu”.

Sau khi nhiều cơ quan báo chí phản ánh vụ việc, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa có thông báo kết luận “Đồng chí Trần Lê Hữu Thọ - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa nhận thức không đầy đủ, dẫn tới xử lý cứng nhắc, không đúng tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khi làm nhiệm vụ kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19; có thái độ, ứng xử thiếu chuẩn mực đối với người dân trong thực thi công vụ, gây bức xúc trong dư luận nhân dân”, đồng thời yêu cầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh “Coi đây là bài học sâu sắc cần rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi công vụ nói chung cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Nha Trang nói riêng”.
 
...Câu chuyện ổ bánh mì và sự cứng nhắc xử lý theo qui định đã có một cái kết bất ngờ. Đúng sai trong chuyện này có lẽ chẳng nhất thiết phải bàn. Nhưng cái đọng lại sau đó là tại sao anh công nhân lại bị thôi việc? Chuyện hài hước xứ nào cũng có, nhưng câu chuyện dùng quyền lực chèn ép người lao động giữa thời điểm đại dịch khó khăn này liệu có phải là cách trị dân?


Ở Sài Gòn, bánh mì không chỉ là lương thực thiết yếu mà còn là biểu tượng của sự chia sẻ yêu thương.

"Bánh mì Sài Gòn 0 đồng một ổ, đặc ruột yêu thương"


(Hình ảnh của Họa sĩ Trần Trung Lĩnh)


(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

 

Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa

Nguồn tin: Cổ Học Tinh Hoa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây