Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


DƯNG THƯ CỨU CHA

Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
DƯNG THƯ CỨU CHA

DƯNG THƯ CỨU CHA

Thuần Vu Ý làm quan ở Tề Trung phải tội sắp đem hành hình, giải đến Trường An.

Ông không có con giai, chỉ sinh được năm cô con gái. Lúc bị bắt di, ông mắng con rằng:

- Đẻ con chẳng đẻ con giai, những khi nguy cấp thật không có ai đỡ đần công việc.

Người con gái út tên là Đề Oanh thương khóc theo cha đến Trường An, dưng tờ thư, đại ý nói:

... Cha tôi làm quan, cả miền Tề Trung ai cũng ca tụngthanh liêm công bình, nay bất hạnh phải tội, thật là oan quá. Vả chăng tôi trộm nghĩ người đã chết thì không sống lại được, đã chém thì không liền lại được. Nên dù có muốn đổ lỗi, theo điều phải trở nên hay, nên tốt, cũng không có cách nào nữa. Tôi xin bán mình làm đứa ở chỗ quan phủ, chuộc tội cho cha, để cho cha tôi được tự tân...

Thư tâu lên vua. Vua xem, tha cho Thuần Vu Ý. Rồi xuống chiếu, trừ các nhục hình.

SỬ KÝ HÁN VĂN ĐẾ

GIẢI NGHĨA

- Hành hình: đem ra làm tội hay chém giết.

- Trường An: nơi đô thành đời cổ ở vào huyện Trường An, tình Thiểm Tây ngày nay.

- Nguy cấp: tai nạn đến nơi, khó lòng chống lại.

- Ca tụng: khen ngợi một việc gì.

- Thanh liêm: trong sạch không có tiếng xấu, không lấy của phi nghĩa.

- Quan phủ: tiếng gọi tóm cả nhà quan.

- Tự tân: tự mình hối lại mà sửa đổi thành hẳn như một người mới.

- Nhục hình: hình làm cho đau khổ thân thể hay giết chết.

NHỜI BÀN

Bên Phương Đông ta, thường tình cha mẹ vẫn quí con giai hơn con gái, vì cứ kể trong nhà, con giai bao giờ vẫn được việc hơn con gái, nhất là những khi nguy cấp. Nên Thuần Vu Ý đây tức mình mà gắt như thế cũng là phải. Nhưng Thuần Vu Ý có biết đâu là người con gái như Đề Oanh thực là hết lòng với cha, cứu cha ra được ngoài vòng tội hình, lại có phần giúp đỡ được cả nhân dân trong nước, vì vua bỏ các nhục hình.

Thế mới hay con gái hay con giai cũng vậy mà thôi, quý hồ là ăn ở hết đạo với mẹ cha, giúp đỡ có ích cho xã hội, thì cũng là quý giá không bên nào khinh, bên nào trọng. Cổ ngữ có câu:

"Gái mà chi, giai mà chi,

Con nào có nghĩa, có nghì là hơn"

Thực là phải lắm.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Trai mà chi, gái mà chi
Con nào có hiếu có nghì thì hơn. (Ca dao)

Trong phòng ngủ của 1 nhà trẻ, 1 bé giai và 1 bé gái nằm gần nhau.
Cậu bé hỏi: "Này, cậu là con dzai hay con gái thế?".
Cô bé trả lời: "Tớ hông biết nữa!"
- "Tớ cũng hông biết. Vậy để tớ kiểm tra xem."
- "Ừ!".
Cậu bé trai chui dzô chăn cô bé một hồi rồi chui ra bảo: " A! Tớ biết gòi! Cậu là con gái, tớ là con trai!".
Cô bé hỏi: "Ủa, sao cậu biết hay dzạ?"
- "Thì tại cậu mang tất hồng, còn tớ mang tất màu xanh!" (Chị google)

(xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

THẮC MẮC
Rõ như ban ngày, chẳng có gì thắc mắc!

GIẢ NHỜI

Truyện “Đẻ con trai hay con gái”.

Tôi có 3 đứa con, nhưng buồn thay, toàn là con gái ! Còn cái nhà hàng xóm - cách nhà tôi mỗi cái dậu mồng tơi - cũng có 3 đứa, mà lại toàn con trai. Thật mỉa mai!
 
Biết tôi không có con trai, tôi buồn là vậy, thế mà cái lão hàng xóm vô tâm thi thoảng lại trêu ngươi, cho 3 thằng con lão xếp hàng đái vào dậu mồng tơi, chĩa thẳng chim sang nhà tôi. Chúng đái vào dậu mồng tơi mà như đang đái vào lòng tôi vậy: xót xa vô cùng! Hình ảnh cái "dậu mồng tơi xanh rờn" đã trở nên quá đỗi quen thuộc trong thơ, trong nhạc, nhưng cái dậu mồng tơi giữa nhà tôi và nhà hàng xóm đó thì là "dậu mồng tơi đen sì" do bị tưới quá nhiều đạm, phốt pho, kali và khoáng chất đậm đặc.
Ảnh minh họa

Có con trai đúng là sướng thật! Những ngày lễ tết, bố con trở thành bạn nhậu, nâng chén cà kê - chứ con gái, chúng nó cắm đầu hùng hục ăn, vừa ăn vừa lèo bèo: "Bố uống ít thôi! Ăn cơm, ăn thịt đi!". Có con trai cũng rất tiện: đi tắm quên quần sịp, gọi con trai nó mang cho, rồi mở toang cửa nhà tắm, tồng ngồng, hiên ngang đón lấy - chứ con gái thì phải nép sát vào tường, cửa hé tin hin, thò vài đầu ngón tay ra ngoài, rụt rè nhón lấy. Có con trai cũng yên tâm: trộm cướp vào nhà, mấy bố con nhảy ra đánh hội đồng - chứ con gái, vừa một mình mình kháng cự, vừa lo nếu mình gục, con gái mình sẽ ra sao...

Nói vậy thôi, chứ tôi và con gái cũng có một thứ có thể dùng chung, ấy là cái dao cạo râu. Hôm trước, tìm cái dao cạo râu mãi không thấy đâu, tôi cáu, quát um lên, thì đứa con gái lớn chạy từ trong buồng ra, cầm cái dao cạo trên tay, bảo: "Con trả bố đây!". Tôi nhìn chiếc dao cạo vẫn còn vương mấy sợi lông đen sì, quăn tít thì nhăn mặt hỏi: "Mày vừa cạo cái gì đấy?". "Dạ! Con cạo lông nách thôi mà!". "Đúng là lông nách chứ?". "Dạ đúng! Con thề!". Là bố con, chẳng lẽ nó thề mình lại không tin, nhưng quả thực, tôi chưa bao giờ cạo râu mà thấy lòng hoang mang như thế...

Nhà toàn đàn bà con gái, nên cái dây phơi, dài từ đầu đến cuối sân, lúc nào cũng lủng lẳng toàn xì-líp với coóc-sê, hồng đỏ xanh vàng, đủ cả! Nhiều khi vội đi, không để ý, bị xì-líp nó đập vào mặt, coóc-sê nó quấn quanh đầu. Rồi những khi rầu rầu, bên ấm trà tầu, nhìn cái mớ xì-líp coóc-sê ấy phất phơ theo gió hiu hiu, hệt như những chiếc lá bàng già nua lay lắt trên những cành khô gầy guộc khẳng khiu trong buổi chiều đông giá rét... Buồn chẳng để đâu cho hết...

Chiều nay, tôi qua bên nhà lão hàng xóm chơi, tiện thể xin đoạn dây thép, về gia cố lại cái dây phơi (chắc treo nhiều xì-líp quá nên nó chuẩn bị đứt đến nơi). Vào nhà, tôi thấy lão hàng xóm một mình nằm rầu rĩ trên giường, mặt quay vào tường, rên hừ hừ, nghe rất đáng thương! Tôi hỏi sao thế, lão bảo bị cảm cúm mấy hôm nay, vợ lại vắng nhà, chả ai mua thuốc, nấu cháo cho ăn, nên mệt lả...

- Ông ốm mà vợ ông còn đi đâu? - Tôi hỏi bằng giọng đầy bức xúc.

- Vợ lên Hà Nội, chuộc xe cho thằng cả!

- Nó lại cắm à? Mới tuần trước thấy vợ ông lên chuộc rồi mà?

- Tuần trước là nó cắm để bắt trận Ngoại hạng Anh, tuần này, nó cắm để bắt trận C1!

- Thế bao giờ vợ ông về?

- Vợ tôi định về hôm nay, nhưng nghĩ đã là thứ 5 rồi, hai ba hôm nữa lại là cuối tuần, lại có giải Ngoại hạng Anh, nên ở lại luôn, đỡ mất công đi đi về về!

Tôi thở dài, nhìn quanh, rồi hỏi thế thằng con thứ hai nhà lão đâu, thì lão ngán ngẩm lắc đầu, bảo rằng thằng hai vừa về cạy tủ, vơ hết tiền của lão mang đi đàn đúm, nhậu nhẹt. Lão tiếc tiền lao tới, ôm chặt nó lại, nào ngờ, nó hất tay lão ra, túm lấy cổ áo lão, rồi giơ nắm đấm lên dọa. Lão điên tiết quá, quát to: "A! Thằng này láo! Mày định đánh cả bố mày hả? Đây! Bố đứng im đây! Mày có giỏi thì đánh đi!". Kể đến đó, lão dừng lại, nhăn nhó véo một miếng bông gòn, chấm chấm lên cái môi còn đương rướm máu, sưng vều, tím bầm như dái chó...

- Thế thằng út nhà ông đâu?

- Nó đi cùng thằng hai rồi!

- Thằng út mới tí tuổi đầu, sao cho nó đi cùng?

- Nó đi theo hóng hớt thằng anh!

Đúng lúc này, có tiếng xe máy rú ga inh ỏi ngoài ngõ. Tôi hốt hoảng ngó cổ ra, thì thấy phải đến chín mười gã cởi trần, xăm trổ, ngồi trên bốn năm cái xe máy hùng hổ phóng vào: đứa vác dao, người cầm gậy, kẻ khiêng quan tài... Chúng vứt xe giữa sân, quẳng cái quan tài ngay trước cửa kêu cái "rầm", rồi quát tháo ầm ầm:

- Thằng con trai mày vay tiền của tao, giờ nó trốn biệt rồi! Mày giấu nó ở đâu, đưa ra đây mau, không tao chém chết cả nhà!

Tôi hoảng quá, mặt mũi tái nhợt, tay chân rụng rời. Thế nhưng lão hàng xóm thì chả có biểu hiện gì cả. Lão bình thản đi ra, đứng trước mặt bọn chúng, chắp tay trước ngực, rồi quỳ thụp xuống cạnh cái quan tài, giọng bi ai:

- Trăm sự nhờ các anh! Em cũng đang muốn tìm thằng con em để chém chết bà nó đi đây, mà tìm hoài không thấy! Giờ có các anh tìm và chém nó giúp em thì tốt quá rồi! Em xin đa tạ! Chém nó xong em cũng sẽ tự tử luôn! Đang lo không có tiền mua quan tài thì các anh lại mang đến cho! Đội ơn các anh quá!

Nói rồi, lão hàng xóm nhảy luôn vào quan tài, nằm duỗi dài. Mấy thằng cởi trần xăm trổ ngơ ngác nhìn nhau, rồi chúng lao tới chỗ quan tài, ra sức lôi lão hàng xóm ra. Nhưng lão hàng xóm chơi lầy, cứ bám chặt, nằm lì ở đó. Thấy thế, thằng cầm đầu của lũ xăm trổ mới tiến tới, chắp tay trước ngực, rồi quỳ thụp xuống cạnh cái quan tài, giọng bi ai:

- Em xin anh! Anh làm ơn ra ngoài giúp để bọn em còn vác quan tài đi nhà khác, kẻo tối không xong việc thì về đại ca bọn em chém chết ạ!

Khi ấy, lão hàng xóm mới chịu lồm cồm bò ra. Mấy thằng xăm trổ vừa nãy hung hăng là thế, giờ ngoan ngoãn, cum cúp như mèo, lầm lũi bỏ đi. Ấy vậy mà lũ đó vừa đi được một lúc thì đã lại nghe tiếng xe máy rú ga ngoài ngõ, tôi lại hốt hoảng quay ra: may quá, không phải bọn chúng, mà là hai thằng con trai lão hàng xóm vừa về. Tuy vậy, vẻ mặt hai đứa nó cũng hung hăng không kém lũ xăm trổ vừa rồi. Chúng vứt cái xe đổ cái "rầm" ngoài sân, hùng hổ chạy vào nhà. Thật kỳ lạ, lúc này, tôi lại rất bình thản, còn lão hàng xóm thì đâm ra cuống cuồng, hoảng loạn. Tôi hỏi sao vậy, lão bảo: "Bọn xăm trổ chỉ dọa thôi! Còn hai thằng này, chúng nó làm thật đấy!".

Quả đúng vậy! Lão hàng xóm vừa nói dứt lời thì hai thằng con lão đã xông tới, đè nghiến lão xuống giường, thằng ghì chân, thằng ấn cổ...

- Ông già! Biết điều thì nôn tiền ra!

- Mày vừa cạy tủ lấy hết rồi! Ở đâu nữa mà nôn?

- Ông tưởng tôi ngu à? Trong tủ đó chỉ là vài đồng lẻ thôi! Tôi biết ông còn tiền! Mau nôn ra!

Lão hàng xóm bị ấn cổ thì hình như khó thở, mặt lão tím bầm. Rồi bất ngờ lão vùng lên, hất ngửa hai thằng con ra, cắm đầu chạy thẳng. Hai thằng con lão sau tích tắc ngỡ ngàng thì cũng lập tức chồm dậy, tiện tay vơ luôn cái gậy, hùng hục đuổi theo...

Còn lại mỗi mình, tôi chán quá, lững thững đi về. Vừa tới nhà, tôi đã nghe tiếng ai đó thều thào gọi tôi vọng ra từ gian buồng. Tôi lò dò bước vào: thì ra là lão hàng xóm, lão đã may mắn cắt đuôi được hai thằng con, trốn vào trong đó, nằm bẹp dí chỗ góc buồng, như một con chó...

Tôi vội vàng bế lão lên giường. Mấy ngày ốm mệt, không ăn uống gì, bị đấm sưng mồm, lại vừa vẫy vùng, chạy thục mạng, nên có lẽ sức lão đã kiệt. Đứa con gái lớn nhà tôi, thấy quần áo lão bẩn, hôi hám quá, thì lấy đồ của tôi cho lão mặc, rồi đem mớ quần áo bẩn của lão ra giếng giặt; đứa con gái thứ hai chạy đi mua dầu về thoa cho lão; đứa út xuống bếp bắc nồi, nấu vội cho lão bát cháo cầm hơi...

Đón bát cháo từ tay con bé út, lão run rẩy đưa lên miệng, húp soàn soạt một hơi hết sạch. Từ khóe mắt lão chảy ra hai hàng lệ long lanh. Tôi hỏi: "Sao thế? Cháo cay quá à?, thì lão lắc đầu, bảo: "Không, cháo ngon! Chưa bao giờ được ăn bát cháo nào ngon như thế!".

Tôi nghe vậy thì mỉm cười, thong thả bước ra sân, gió nhè nhẹ, nắng lung linh, khiến những chiếc xì-líp, coóc-sê trên dây phơi như ánh lên, phấp phới, dập dình theo gió rung rinh...
(sưu tầm trên Internet)


(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây