Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột

https://lebaotinhbmt.com


KÉO LÊ ĐUÔI MÀ ĐI

Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
KÉO LÊ ĐUÔI MÀ ĐI

KÉO LÊ ĐUÔI MÀ ĐI

Trang Tử đang câu cá ở trên sông Bộc.

Vua Sở sai hai quan đại phu đến nói lót trước rằng ý vua muốn đem việc nước lại phiền.

Trang Tử không nhìn hai quan đại phu, cứ cầm cần câu cá mà nói rằng: - Ta nghe nước Sở có con thần qui chết đã ba nghìn năm mà vua còn quí, lấy khăn bọc cất vào hòm để trên miếu đường. Như con thần qui ấy chết mà để xương lại cho người ta quí hơn là sống mà kéo lê đuôi đi ở giữa đường quí hơn?

- Hai quan đại phu nói: Thà rằng sống mà kéo lê đuôi đi ở giữa đường còn hơn.

- Trang Tử bảo: Vậy xin mời hai ngài cứ về. Ta đây cũng sắp kéo lê đuôi mà đi ở giữa đường.

TRANG TỬ

GIẢI NGHĨA

- Bộc: một phân lưu của con sông chảy qua địa phận tĩnh Hà Nam.

- Đại phu: tên một chức quan to đời cổ.

- Phiền: làm cho bận lòng phải lo nghĩ đến.

- Thần qui: con rùa thiêng. Rùa sở dĩ cho là con vật thiêng, là vì xưa người ta dùng để bói.

- Miếu đường: nơi thờ phụng tổ tiên nhà vua.

NHỜI BÀN

Hiền như Trang Tử đã đi câu trên sông Bộc là muốn an nhàn không còn để thân bó buộc vào trong vòng danh lợi nữa. Sở Vương không hay còn cho người đến cầu. Trang Tử hỏi truyện con thần qui mà tức là để tỏ ý kiến rằng từ chối. Ôi! Bấy giờ nhân đời Chiến quốc, người ta đã có câu: "Chiến quốc chi sĩ tiện“ nghĩa là kẻ đời Chiến quốc là hèn hạ, và đáng khinh bỉ, cho nên Trang Tử không chịu ra cũng có nhẽ vậy. Lúc đời đang sôi nổi, đắm đuối về quyền, về lợi, xâu xé tranh cướp nhau, xác người tuy còn, lòng người đã chết, thì ra chen với đời chỉ ô uế đến thân. Có đâu cao thượng bằng cầm cần câu, câu trên sông Bộc vậy.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Thị tại môn tiền náo,     
Nguyệt lai môn hạ nhàn.        
So lao tâm lao lực cũng một đàn,    
Người trần thế muốn nhàn sao được?      
Nên phải giữ lấy nhàn làm trước,    
Dẫu trời cho có tiếc cũng xin nài.    



Cuộc nhân sinh chừng bảy tám chín mười mươi,        
Mười lăm trẻ, năm mươi già, không kể.    
Thoạt sinh ra thì đà khóc choé,       
Trần có vui sao chẳng cười khì?     
Khi hỷ lạc, khi ái dục, lúc sầu bi,      
Chứa chi lắm một bầu nhân dục.     
Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc, 
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?      



Cầm kỳ thi tửu với giang san,
Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế.
Ngã kim nhật tại toạ chi địa,   
Cổ chi nhân tằng tiên ngã toạ chi.   
Ngàn muôn năm âu cũng thế ni,     
Ai hay hát mà ai hay nghe hát?       



Sông Xích Bích buông thuyền năm Nhâm Tuất,
Để ông Tô riêng một thú thanh tao. 
Chữ nhàn là chữ làm sao?
(Nguyễn Công Trứ)


Danh lợi là động lực khiến con người sản sinh ra chí tiến thủ. Nhưng phải hiểu được rằng, một người chỉ có vượt qua danh lợi, không bị danh lợi ràng buộc mới có thể thực sự đạt được thành tựu, có cuộc sống an nhiên hạnh phúc thật sự.

Trong cuộc sống của chúng ta, ai cũng muốn trở thành một người thành đạt có danh tiếng. Nhưng cũng không ít người vì mong cầu có được chức vị mà bất chấp mọi thủ đoạn để hạ bệ người khác, chạy chức chạy quyền, còn khi không đạt được mục đích thì buồn chán, sống đố kỵ, ghen ghét với người khác.

Hầu hết hiện nay người ta suy nghĩ về danh lợi rất nặng, khi chiếm được thì dương dương tự đắc, khi không chiếm được liền thoái chí nản lòng. Lại có những người vì danh lợi mà không từ một thủ đoạn nào, người như thế sẽ khiến người khác xem thường, khinh bỉ.

Cổ nhân có câu: “Người sống vì danh suốt đời ôm hận”. Khi có quyền, có danh thì kiêu căng ngạo mạn, khi không còn quyền thì chán nản, thấp thỏm thở dài; khi tại vị thì ngông cuồng tự cao tự đại; khi thoái vị thì tinh thần suy sụp.

Cũng có có những người cả đời chuyên tâm làm việc của mình, xem danh lợi nhạt như nước, nhẹ như lông hồng, xem trách nhiệm nặng như núi. 

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa

Nguồn tin: Cổ Học Tinh Hoa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây