Lời Chúa CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY –B

Thứ năm - 07/03/2024 18:30 |   84
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,14-21)

10/03/2024
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – NĂM B

cn t4 MCb

Ga 3,14-21

HÃY CHIÊM NGẮM THÁNH GIÁ
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,14-21)

Suy niệm: Gia đình là tổ ấm. Thật bất hạnh cho những ai không có gia đình! Thế nhưng, có những người không muốn quay trở lại với gia đình mình, không muốn nhìn mặt những người thân. Thời gian kéo dài càng làm cho sự xa cách trầm trọng hơn, người ta càng khó tìm về tổ ấm. Trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, Chúa Giê-su trên thánh giá chính là tình yêu của Thiên Chúa tỏ bày với chúng ta, “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” của Ngài. Thế mà, có những người không dám nhìn lên thánh giá, không dám đối diện với thánh giá để chiêm ngắm tình yêu này! Mặc cảm tội lỗi đã từng khiến Phê-rô xin Chúa hãy tránh xa ông, thì nay, cũng chính thứ mặc cảm đó đưa đẩy người ta xa Chúa, không dám đối diện với thánh giá. Tuy nhiên, Chúa vẫn cứ đến với Phê-rô và với con người tội lỗi hôm nay, vì Ngài là Tình yêu. Thánh giá vẫn cứ là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian.
 

Mời Bạn: Mùa Chay giúp cho bạn nhiều cơ hội nhìn ngắm và suy niệm thánh giá, như Đàng Thánh Giá. Bạn sẵn sàng thu xếp công việc để tham dự những cử hành như thế chưa? Bạn cảm nghiệm gì khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thánh giá? 
 

Sống Lời Chúa: Suy gẫm một chặng trong 14 chặng Đàng Thánh Giá.
 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con không xin Chúa tránh xa con, nhưng chỉ xin cho con can đảm nhìn ngắm Chúa trên thánh giá. Ở đó, con sẽ hiểu tình Chúa yêu. Ở đó, con yêu Chúa như Chúa đã chiếm đoạt con, dám sống như Chúa, vì tình yêu Chúa nung nấu trái tim con.

CN MC IV NĂM A: Lạy Chúa! Chúa chữa lành cho anh mù, cho dẫu hôm đó là ngày Sabát. Chúa muốn cứu anh thoát khỏi cảnh mù lòa, bởi vì, Chúa không muốn để anh bị mù tối trước những thực tại xung quanh. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng những giọt lệ thống hối, để đôi mắt của chúng con được rửa sạch khỏi mọi cấu bẩn, để rồi, chúng con có thể nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong mọi người, mọi việc, nhất là trong những người khó ưa, trong những hoàn cảnh khó chấp nhận nhất. Xin cho chúng con nhìn được mọi sự như Chúa nhìn. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật IV Mùa Chay -Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Càng tới gần lễ lá, phụng vụ như muốn giới thiệu cho dân Chúa thấy bóng dáng cây Thập Tự, một cây thập tự bao hàm cả một mầu nhiệm tinh thương. Cuộc đối thọai giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô ban đêm, cho thấy rõ chiều kích thâm sâu của ơn cứu độ. Muốn đạt được Nước Trời, con người phải đặt hết niềm tin vào Chúa Giêsu chết treo trên Thập Giá. Hôm nay chúng ta đã đi được nửa con đường mùa chay. Đây là lúc chúng ta duyệt xét lại những dốc lòng hồi đầu mùa chay, và tự hỏi cuộc sống chúng ta đã hân hoan đáp lại tình yêu Thiên Chúa chưa? Tình yêu của Ngài có tìm được cách diễn tả qua nếp sống chúng ta chưa? Trong tâm tình cảm nhận tình yêu của Chúa Giêsu chịu hiến tế trong mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta cùng xin lỗi Chúa.

Ca nhập lễ

Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy hân hoan, và hỡi tất cả các ngươi là những kẻ yêu quý thành ấy, hãy tụ họp lại; hỡi các người là những kẻ ưu phiền, hãy hân hoan vui mừng, để các ngươi nhảy mừng và hưởng no đầy nguồn an ủi các ngươi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã sai Con một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hoà giải với Chúa. Xin ban cho toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu được lòng tin sống động để hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 2 Sb 36, 14-16. 19-23

“Cơn thịnh nộ và lòng từ bi của Chúa được tỏ bày qua sự lưu đày và giải phóng của dân tộc”.

Trích sách Sử Biên Niên quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giêrusalem.

Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, đã luôn luôn đêm ngày sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân Người và đền thờ của Người. Nhưng họ nhạo báng các sứ giả Chúa, coi thường lời Chúa, và nhạo báng các tiên tri, đến nỗi, sau hết, cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người, và vô phương cứu chữa. Quân thù đã đốt đền thờ Chúa, phá huỷ tường thành Giêrusalem, phóng hoả tất cả các lâu đài và thiêu huỷ mọi đồ vật quý giá. Nếu có ai thoát khỏi lưỡi gươm, thì bị dẫn về Babylon để làm nô lệ nhà vua và con cái vua, cho đến thời vua nước Ba-tư thống trị; như thế ứng nghiệm lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia mà phán, cho đến khi đất nước được mừng ngày Sabbat; vì trong tất cả những ngày xáo trộn, họ sẽ không giữ được ngày Sabbat trọn bảy mươi năm trường.

Năm thứ nhất triều đại Cyrô, vua xứ Ba-tư, để lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia phán trước được thực hiện, thì Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: “Ðây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6

Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).

Xướng: Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ đến núi Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi.

Xướng: Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: “Hãy vui mừng; hãy hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion!”.

Xướng: Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét.

Xướng: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi. Nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả.

Bài Ðọc II: Ep 2, 4-10

“Anh em chết bởi tội và được cứu rỗi bởi ân sủng”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi; Người đã cho chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Ðức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô? Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Ðức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 3, 16

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Mình, để tất cả những ai tin Con Ngài, sẽ được sống đời đời.

Phúc Âm: Ga 3, 14-21

“Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã không dậy bài học tha thứ suông, nhưng đã dậy bài học tha thứ bằng chính mạng sống của Ngài. Chúng ta cùng cầu xin để có lòng tha thứ như Chúa Kitô :

1. “Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó” Xin cho các vị Chủ chăn xác tín rằng mình là người của Chúa và Chúa hiện diện nơi các ngài, để hướng dẫn đoàn chiên thi hành ý Chúa.

2. “Thiên Chúa là Đấng giầu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chứng ta”.- Xin cho các linh mục, tu sĩ và tông đồ giáo dân sống tinh thần thương xót của Chúa, để sự hiệp nhất giữa các cộng đoàn Kitô hữu với nhau được thể hiện, và giúp cho nhiều người muốn tìm hiểu, đón nhận ánh sáng đức tin.

3. “Ai tin Con Người thì không phải hư mất”.- Xin cho các tội nhân đặt lòng tin cậy vào Đức Kitô Đấng cứu chuộc, để được can đảm dứt khoát với tội lỗi, mà trở về với Chúa trong mùa chay thánh này.

4. “Sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng.” Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, một khi đã cảm nhận được ánh sáng Ngôi Lời, thì cũng biết chiếu tỏa ánh sáng ấy cho các tâm hồn.

Chủ sự: Lạy Chúa, nhờ ánh sáng đức tin và các nhiệm tích chúng con đã lãnh nhận, xin cho chúng con biết đem nguồn ơn cứu rỗi đến cho những tâm hồn đang lạc đường chân lý, để họ tìm về cùng Chúa và hưởng tình thương Chúa dành cho. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ vật này là của lễ đem lại phúc trường sinh. Xin gia tăng lòng kính tin sùng mộ giúp chúng con dâng thánh lễ này cho xứng đáng, hầu mưu ích cho cả trần gian. Chúng con cầu xin…

Lời kinh tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Vì Chúa ban cho các tín hữu hằng năm được hân hoan đón chờ mầu nhiệm Vượt Qua với tâm hồn đã được thanh tẩy, để khi nhiệt tâm thi hành việc đạo đức và bác ái, nhờ năng chịu các bí tích mà được tái sinh, thì các tín hữu đạt tới sự viên mãn của ơn làm con Chúa.

Vì thế cùng với các Thiên thần và tổng lãnh thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!..

Ca hiệp lễ

Giê-ru-sa-lem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Lạy Chúa, vì nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên để ngợi khen danh Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời chiếu soi mọi người sinh ra trong trần thế, xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa, và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Tình yêu của Thiên Chúa

Trong sinh hoạt thường ngày, chúng ta thường phân chia thành hai lãnh vực, đạo và đời. Thiêng liêng và trần tục. Phàm những gì thuộc về thế gian, thuộc về trần tục, nếu chưa phải là tội lỗi, thì tự bản chất vốn dĩ đã là thấp kém. Từ đó chúng ta dễ đi tới một quan niệm đồng hoá thế gian với tất cả những gì là xấu xa và tội lỗi. Cuối cùng thì thế gian bị coi là một trong ba kẻ thù chính của con người. Trong ba kẻ thù ấy, thì ma quỷ đứng hàng đầu, nhưng có lẽ không trực diện bằng chính kẻ nội thù là xác thịt của chúng ta và kẻ thù gần cận nữa là thế gian.

Với một quan niệm như thế, hẳn người ta sẽ ngạc nhiên nếu không phải là lúng túng trước lời khẳng định của Chúa Giêsu: Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để những ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết nhưng được sống đời đời. Phúc âm không nói: Thiên Chúa yêu thương dân Ngài, yêu thương Hội Thánh của Ngài hay yêu thương những người Ngài đã tuyển chọn, nhưng lại nói: Ngài yêu thương thế gian. Tại sao lại như thế?

Tôi xin thưa: Sở dĩ Thiên Chúa yêu thương thế gian là bởi vì chính Ngài đã tạo dựng nên nó chứ không phải là một ai khác. Thực ra nếu có cái thế gian nào tội lỗi thì phải hiểu đó là một giới nào đó, một người nào đó, một loại người nào đó sống trong thế giới loài người hay trong chính Giáo Hội mà thôi. Ngôn ngữ thông thường vốn chia xã hội thành những giới khác nhau, chẳng hạn giới thanh niên, giới nghệ sĩ, giới tu sĩ. Đồng thời người ta cũng nói đến những giới bê bối như giới xỉ ke, giới đầu trộm đuôi cướp. Nhưng ngay cả những giới tội lỗi này cũng chưa hẳn đã bị kết án hay bị loại trừ bởi vì Đức Kitô đã đến chỉ vì họ và cho họ: Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài xuống thế gian không phải để kết án, nhưng để nhờ Ngài mà thế gian được cứu độ.

Như vậy thì xét cho cùng chỉ có ma quỷ mới thực sự và vĩnh viễn bị lên án là kẻ thù, còn tất cả vẫn là đối tượng yêu thương của Thiên Chúa và có được niềm hy vọng cứu độ. Đức Kitô là ánh sáng và ánh sáng thì không bao giờ kỳ thị, phân biệt người lành kẻ dữ, chỗ cao ráo sạch sẽ, ánh sáng soi vào và làm cho vẻ cao đẹp thêm rực rỡ hơn. Nhưng ánh sáng cũng rọi vào chỗ sình lầy nhơ bẩn ấy để mà dọn dẹp, để mà tẩy uế. Chỉ có những ai từ chối ánh sáng, khép kín lòng mình, trốn tránh ánh sáng, che đậy sự thật mới không được cứu độ.

Noi gương Chúa Giêsu chúng ta cũng phải trở nên ánh sáng cho trần gian, hay nói một cách khác, chúng ta cũng phải yêu mến thế gian bằng một tình thương cứu độ, nghĩa là yêu thương và sẵn sàng dâng hiến đời mình để làm cho thế gian được sáng hơn, được đẹp hơn, nhờ đó mà được tham dự vào vinh quang phục sinh của Đức Kitô.

Thiên Chúa yêu thương

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe chúng ta cùng nhau chia sẻ về tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại. Các du khách có dịp viếng thăm nhà thờ chính tòa Gengiba bên Phi Châu, sẽ nhìn thấy lời chào đón này được viết ngay trên tường ngôi thánh đường: Bạn đang đứng trong nhà thờ của Đức Kitô.

Ngôi nhà thờ này đã được xây dựng ngay trên phần đất trước kia được dùng để tập trung buôn bán, trao đổi những nô lệ da đen như những súc vật. Đặc biệt là bàn thờ được đặt trên một tảng đá nơi những nô lệ bị đánh đòn. Lý do bị đánh đòn trước khi đem bán là để kiểm tra sức khỏe của họ.

Cây thánh giá bằng vàng được treo trên một chiếc cột trụ có khắc tên bác sĩ Livdy Stone, một người Anh đã từng mạnh mẽ và can đảm lên tiếng chống lại tệ nạn buôn bán nô lệ. Cột trụ này là nơi bác sĩ vẫn thường đứng để thuyết trình, để hô hào cổ vũ cho việc giải phóng nô lệ. Mãi đến ngày 16.6.1873 việc buôn bán nô lệ tại Phi châu mới bị ngăn cấm bởi một đạo luật được ban hành. Kể từ đó, phẩm giá đích thực của người da đen mới được nhìn nhận.

Chiếc cột trụ đã trở nên như một dấu chỉ, gợi nhớ đến những hy sinh gian khổ và ngay cả cái chết để giải phóng cho những nô lệ da đen và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đối lại với thù hận là yêu thương chân thật, đối lại với bóc lột là tự do và công bằng, đối lại với chiến tranh là hòa giải và tha thứ.

Câu chuyện trên gợi lên cho chúng ta những ý nghĩ về tình thương của Thiên Chúa. Thực vậy, trong Cựu ước, Thiên Chúa đã truyền cho Maisen đúc một con rắn đồng, treo lên nơi hoang địa, để những ai bị rắn độc cắn cứ việc nhìn lên con rắn đồng ấy là được chữa lành. Và như thế, dân Do Thái đã được cứu khỏi hiểm họa rắn độc trong cuộc xuất hành tìm về miền đất hứa. Sự việc trên cũng chỉ là một biểu tượng, một hình ảnh tượng trưng cho những gì Chúa Giêsu đã làm để cứu chuộc chúng ta.

Đúng thế, để cứu chuộc chúng ta, Ngài chỉ cần phán một lời, nhưng Ngài đã không làm thế, trái lại, Ngài đã đi cho tới tận cùng những nỗi khổ đau của thân phận con người. Ngài đã chấp nhận mọi hy sinh, mọi đắng cay và sau cùng đã chấp nhận chính cái chết ê chề trên thập giá, để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi, để cứu chúng ta khỏi nọc độc của thế gian.

Đây là điều mà Chúa Giêsu đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong Phúc âm. Chẳng hạn qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, Ngài đã nói với Nicôđêmô: Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một của mình để những ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết nhưng sẽ được sống muôn đời. Nơi khác Ngài bảo: Con Người đến hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Trong bữa Tiệc Ly, Ngài phán với các môn đệ: Này là mình Ta sẽ bị nộp vì các con, này là máu Ta sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội. Rồi thì Ngài cũng đã xác quyết: Ngày nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta…

Tất cả phải chăng để chứng tỏ một tình yêu bao la mà Ngài đã dành cho chúng ta, bởi vì không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.

Bởi đó, trong Mùa Chay này chúng ta hãy dành lấy một vài phút để suy nghĩ và cảm tạ tình thương của Chúa, đồng thời chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem, chúng ta đã làm được những gì để đáp trả tình yêu thương ấy.

Nhìn lên ánh sáng
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Trong sa mạc, dân Israel kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê. Thiên Chúa cho rắn độc ra cắn họ, khiến nhiều người phải chết. Dân chúng xin ông Môsê khẩn cầu Thiên Chúa. Thiên Chúa truyền cho ông làm một con rắn bằng đồng và treo lên để ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống (Ds 21, 4b-9).

Hôm nay, khi nói Người sẽ bị treo lên như con rắn đồng của Môsê, Đức Giêsu mời gọi ta cũng hãy biết nhìn lên Thánh giá để được sống. Việc nhìn lên Đức Giêsu bị treo trên Thánh giá mở ra cho ta những nhận thức sau:

1) Nhận thức về tội lỗi của ta. Dân Do thái phản nghịch với Chúa, nên họ đã bị rắn lửa cắn chết. Chính tội lỗi làm người ta phải đau khổ. Chính tội lỗi đã gây ra tai hoạ cho toàn dân. Chính tội lỗi đã gây ra chết chóc. Nhìn lên con rắn đồng là nhận biết mình tội lỗi. Cũng vậy, vì tội lỗi của ta mà Đức Giêsu đã chịu treo trên Thánh giá. Người nào có tội tình gì mà phải chết đau đớn, tủi nhục như thế. Không một mảnh vải che thân. Chết lúc tuổi thanh xuân. Chết như một tội nhân. Chết như một người nô lệ. Trước khi chết đã bị sỉ nhục, bị hành hạ đến tan nát hình hài, đến chẳng còn hình tượng con người. Tất cả chỉ vì tội lỗi của ta. Tội lỗi đã làm ta phải chết. Tội lỗi làm linh hồn ta bị biến dạng, méo mó, xấu xa. Tội lỗi khiến ta tủi nhục chẳng dám ngẩng mặt nhìn lên. Đức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi của ta. Người chịu nhục nhã cho ta được vinh quang. Người chịu thương tích để chữa lành vết thương của ta. Người chịu chết như nô lệ để ta được tự do. Người chịu chết cho ta được sống. Người chịu treo lên để kéo ta khỏi vũng bùn nhơ tội lỗi. Nhìn ngắm Người chính là nhìn ngắm tội lỗi của ta. Hiểu được cái chết đau đớn tủi nhục của Người là ý thức được tội lỗi nặng nề của ta.

2) Nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Nhận thức về tội lỗi đưa ta đến nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Ta tội lỗi đáng phải chết. Nhưng Chúa thương yêu không bỏ rơi ta. Người tìm hết cách cứu ta. Tình yêu Chúa dành cho ta thật bao la tha thiết. Tình yêu đã khiến Chúa ra như điên dại. Còn ai điên dại hơn người dám hy sinh con một mình để cứu người khác. Thế mà Chúa Cha đã “yêu ta đến nỗi đã ban Con Một” của Người cho ta. Còn ai điên dại hơn kẻ dám liều mạng chết vì người yêu. Thế mà Đức Giêsu đã tự nguyện chết cho ta. Người đã dậy ta: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Người đã hy sinh mạng sống để làm chứng tình yêu Người dành cho ta. Ta có xứng đáng gì đâu? Ta chỉ là một hạt bụi. Ta ngập trong yếu đuối tội lỗi. Thế mà Người yêu thương đến điên dại, đến chết vì ta. Càng nhìn lên Thánh giá, ta càng thấy mình tội lỗi. Càng thấy mình tội lỗi, ta lại càng thấy tình yêu thương của Chúa dành cho ta thật là bao la, tha thiết, mênh mông khôn tả.

3) Nhận thức về ơn cứu độ của Chúa. Trong sa mạc họ chẳng tìm ra người có thể cứu chữa họ. Chẳng có thuốc nào cứu họ khỏi chết. Chỉ mình Thiên Chúa có thể cứu họ. Thế nên họ phải nhìn lên con rắn đồng để được Chúa cứu. Ta cũng thế. Biết thân phận mình tội lỗi yếu hèn, ta càng cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa. Ta ngập chìm trong tội lỗi, chẳng thể nào vươn lên được nếu không có ơn cứu độ của Chúa. Ta yếu đuối, chẳng thể nào tự sức mình đứng lên nếu không có ơn Chúa nâng đỡ. Ta bị giam cầm trong ngục tù sự chết, chỉ có Chúa mới có thể tháo bỏ xiềng xích, đưa ta tới miền sự sống. Linh hồn ta ngập ngụa nhơ uế, chỉ có Chúa mới có thể rửa sạch tội tình. Linh hồn ta bị bóng tối tội lỗi phủ vây, chỉ có ánh sáng của Chúa mới soi chiếu cho ta biết đường ngay lẽ phải.

Nhìn lên Thánh giá chính là từ nơi tối tăm nhìn lên ánh sáng. Ánh sáng tình yêu thương từ Thánh giá chiếu toả sẽ giúp ta an tâm trở về với Chúa là Cha, người Cha nhân hiền lúc nào cũng chờ đón đứa con hoang đàng trở về, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho ta. Ánh sáng cứu độ từ Thánh giá chiếu toả sẽ giải thoát ta khỏi bóng tối tội lỗi, đưa ta trở về làm con cái Thiên Chúa Sự Sáng. Ánh sáng tình yêu và ánh sáng cứu độ sẽ nâng ta lên, để từ nay ta vượt thoát lên khỏi bóng tối tội lỗi, sống thanh sạch công chính, luôn mơ ước những điều cao thượng, xứng đáng là con cái sự sáng. Trong mùa Chay, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh, ta hãy năng chiêm ngắm Thánh giá, để Chúa nâng tâm hồn ta lên với Chúa.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: “Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32), xin hãy lôi kéo hồn con lên với Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Bạn có cảm thấy mình được Chúa yêu thương không? Hãy kể lại một kinh nghiệm trong đó bạn cảm nhận được tình yêu thương của Chúa.

2) Bạn có thấy mình yếu đuối, cần ơn Chúa cứu độ không?

3) Bạn đã chiêm ngắm Thánh giá lâu giờ chưa? Bạn có muốn chiêm ngắm Thánh giá trong mùa Chay này không?

HÒA GIẢI VỚI THIÊN CHÚA
(CHÚA NHẬT TUẦN 4 MÙA CHAY – NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 4 Mùa Chay, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã sai Con Một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hòa giải với Chúa. Xin Chúa ban cho toàn thể Dân Chúa khắp hoàn cầu được lòng tin sống động mà hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới.

Con người được hòa giải với Thiên Chúa qua trung gian các tư tế. Các tư tế cầu thay nguyện giúp cho Dân Chúa và chuyển phúc lành của Thiên Chúa đến cho Dân của Người. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Lêvi tường thuật lại nghi thức tấn phong các tư tế trong Cựu Ước, đồng thời cho ta thấy vai trò quan trọng của cơ cấu này trong lịch sử Dân Chúa. Tư tế không chỉ là người dâng hy lễ, nhưng trên hết, tư tế là người giữ kho tàng hiểu biết về Thiên Chúa, là tôn sư dạy người ta giữ Giao Ước. Trong dòng tộc Lêvi, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ chức vụ đó mãi. Còn Đức Giêsu, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi.

Con người được hòa giải với Thiên Chúa qua cái chết của Đức Kitô. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh đã nói: Đức Kitô đã chết để giải thoát chúng ta khỏi cái chết. Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án chúng ta, nhưng để chúng ta nhờ Con của Người mà được cứu độ. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy. Ta hãy hướng nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng đã chịu khổ hình thập giá.

Con người được hòa giải với Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa giàu lòng xót thương, Người giận trong giây lát, nhưng yêu thương suốt cả đời. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sử Biên Niên quyển thứ hai cho thấy: Thiên Chúa đã dùng vua Kyrô để giải cứu Dân của Người và cho tái thiết Đền Thờ Giêrusalem. Do đó, trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 136, vịnh gia đã kêu gọi: Dù cho có bị đày ải, cực khổ thế nào, thì hãy cứ cậy trông vào Chúa, đừng lãng quên Giêrusalem, đừng lãng quên Lòng Thương Xót của Chúa: Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm. Bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xion; trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn.

Con người được hòa giải với Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa đi bước trước đến hòa giải với con người, tuy nhiên, con người phải tin vào Đấng mà Chúa Cha sai đến. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô rằng: Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.

Con người được hòa giải với Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa luôn đi bước trước đến với con người, Người không tiếc gì với con người, ngay cả, ban Con Một cho con người, như câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì được sống muôn đời. Thiên Chúa: Người tình vĩ đại nhất; yêu: hành động vĩ đại nhất; thế gian: con số vĩ đại nhất; đến nỗi: mức độ vĩ đại nhất; đã ban: sự trao hiến vĩ đại nhất; Con Một: quà tặng vĩ đại nhất; để: mục đích vĩ đại nhất; ai: người yêu vĩ đại nhất; tin vào: sự tín thác vĩ đại nhất; Con của Người: Ngôi Vị vĩ đại nhất; thì khỏi phải chết: sự giải thoát vĩ đại nhất; nhưng: sự khác biệt vĩ đại nhất; được: sự đảm bảo vĩ đại nhất; sống muôn đời: gia nghiệp vĩ đại nhất. Ước gì chúng ta luôn biết quảng đại đáp lại tình yêu vĩ đại của Chúa dành cho chúng ta. Ước gì được như thế!


 

Chúa nhật thứ 4 mùa chay -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN4MCb a2

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 3, 14-21).

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.


Suy niệm Tin Mừng -Chúa Nhật IV Mùa Chay B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh


 

Suy niệm

Chúa nhật thứ 4 mùa chay được gọi là Chúa nhật của niềm vui, của tình yêu. Phụng vụ Lời Chúa trong ngày Chúa nhật này mời mọi người hãy bắt đầu từ khái niệm tình yêu, một tình yêu tự hiến, để cùng đọc và suy niệm, cùng sống và chiêm ngắm Đấng đã chết vì tình yêu để cứu độ con người. Nhắc đến tình yêu, chưa có một giai đoạn nào của lịch sử con người mà khái niệm này được nhắc đến cách rõ ràng trọn vẹn được, bởi tình yêu đến từ trái tim và khối óc, đến từ lòng mến và sự hy sinh đến tận cùng.

Đọc lại câu chuyện hồi hương của dân Do-thái sau bao nhiêu ngày tháng lưu lạc nơi đất khách quê người, ai cũng thấy đó là một niềm vui, nhưng niềm vui đó được hiểu theo khái niệm của tình yêu. Một ông vua không quen biết gì Thiên Chúa, thế nhưng, sau khi chiến thắng đế quốc Ba-by-lon, đã ra chiếu chỉ cho dân Do-thái được hồi hương, được tái thiết lại đền thờ, lại còn cho thêm kinh phí để trang trải. Tất cả được nhìn dưới góc nhìn tình yêu, một tình yêu đến từ bàn tay của Thiên Chúa: “Năm thứ nhất triều đại Cy-rô, vua xứ Ba-tư, để lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia phán trước được thực hiện, thì Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: “Ðây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên”. Có phải vì ghét bỏ khi thấy dân riêng phạm tội mà Thiên Chúa đã trừng phạt, cho đi lưu đày nơi đất khách, hay vì yêu thương họ, muốn họ thay đổi, nên Thiên Chúa đã đưa họ ra khỏi môi trường tội lỗi, để thanh luyện, để sám hối, để thay đổi niềm tin và thái độ sống. Nay được trở về, còn niềm vui nào lớn cho bằng, còn hạnh phúc nào ngập tràn cho bằng được trở về quê hương.

Ngụp lặn trong niềm hạnh phúc được chọn và được gọi làm Tông đồ cho anh em dân ngoại, thánh Phaolô cảm nghiệm phần nào chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, vì thế, ngài đã nhắc nhở cho con cái các giáo đoàn, hãy ý thức rằng ơn cứu độ của mình không đến từ công trạng con người, nhưng tất cả là do tình yêu Chúa Cha dành cho con người. Cộng đoàn Ê-phê-xô đã đón nhận lá thư mục vụ của thánh nhân, đã thay đổi từng ngày, từ niềm tin cho đến thái độ sống và mối tương quan tình Trời và tình người: “Bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Ðức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành”. Khởi đi từ tình yêu, Thiên Chúa Cha đã gởi con người đến thế giới này, để làm chứng cho một tình yêu tự hiến, một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Từ đây, đời sống người tín hữu Kitô, là một lời chứng cho tình yêu, khởi đi từ sự tha thứ, đón nhận, chia sẻ và nhìn nhận sự hiện hữu của tha nhân như là anh chị em của mình.

Là một nhà thông thái, ông Ni-cô-đê-mô chưa thể hiểu hết chiều sâu của tình yêu, đặc biệt là tình yêu tự hiến đến từ Thiên Chúa, vì thế, trong một cuộc gặp gỡ, Đức Giêsu đã phần nào vén bức màn về khái niệm tình yêu đó cho ông, để ông cảm nghiệm được phần nào chiều sâu của tình yêu tự hiến: “Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ”. Thiên Chúa cứu độ con người không phải nhờ cây khổ giá, nhưng đến từ tình yêu tự hiến, khổ giá chỉ là một biểu tượng đến từ một hình phạt của con người, trên khổ giá, các tội nhân phải đền bù vì lầm lỗi của mình, thế thì Con Thiên Chúa đã làm gì nên tội để phải chịu cảnh trần truồng trên khổ giá kia. Trên đồi Can-vê có tới ba khổ giá nhưng chỉ có một cây thánh giá thôi. Tôi được cứu là nhờ cây khổ giá hay nhờ vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha, chắc cần phải định hình lại niềm tin của mình về ơn cứu độ, để sống đúng với chiều sâu của tình yêu tự hiến.

Đau khổ không đến từ Thiên Chúa, vả lại, Thiên Chúa không lấy đau khổ để cứu độ con người, Chúa Cha đã gởi người Con của mình đến cứu con người, tất cả đến từ tình yêu. Tình yêu Chúa Cha đã phục hồi vị thế con người, đưa con người trở về với mái nhà ban đầu, cho con người tháp nhập vào thân thế người Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô phục sinh. Con Thiên Chúa đã chấp nhận khổ hình, chấp nhận bị kết án, chấp nhận bị treo lên và bị đâm vào cạnh sườn, tất cả như diễn đạt chiều sâu của tình yêu tự hiến, hy sinh tất cả vì người mình yêu. Tình yêu thế gian luôn đi kèm với điều kiện, luôn có những yếu tố ích kỷ đi bên cạnh, vì thế, chiều sâu của tình yêu thế gian là thứ tình yêu vị kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình, còn ngược lại, tình yêu đến từ Thiên Chúa là tình yêu vị tha, luôn hướng về tha nhân, dành cho tha nhân và mong cho tha nhân được sống và hạnh phúc mỗi ngày.

Trên thập giá, Đức Giêsu chưa trăn trối Mẹ mình cho môn đệ khi thấy mình đã yếu, cũng không cầu xin cho các học trò được bình an, nhưng lời đầu tiên Ngài cầu xin đó là xin Cha tha thứ cho những người đã làm hại đến mình vì họ không biết, họ không biết Đấng họ đã đóng đinh, họ không biết Đấng họ đã đâm thâu cạnh sườn. Lời cầu xin đó phần nào hé mở cho con người biết được sự sống đời đời của mình không đến từ khổ giá, nhưng đến từ tình yêu tự hiến của Thiên Chúa Cha, Đấng được gọi là Thiên Chúa tình yêu. Sau lời cầu xin cho kẻ đã giết mình, Con Thiên Chúa tiếp tục cầu xin cho người tội lỗi biết sám hối, cầu mong cho anh được về chốn bình an là Thiên Đàng. Sự quan tâm đặc biệt của Thiên Chúa là những tội nhân, là những nạn nhân của tội lỗi, của sự chết, tình yêu của Thiên Chúa luôn phủ đầy cuộc đời của những ai thành tâm sám hối, biết thân phận là một tội nhân, sẵn sàng trở về với Thiên Chúa. Đó mới là chiều sâu đích thực của tình yêu tự hiến, một tình yêu cho đi mà không tính toán.

Thiên Chúa gởi con người vào thế giới này, đến với từng môi trường và hoàn cảnh, sống theo từng ơn gọi riêng của mỗi người, để giới thiệu một khuôn mặt mới của tình yêu đến từ Thiên Chúa. Tình yêu đó là chấp nhận đau khổ, chấp nhận hy sinh, vượt qua những yếu tố đó, tình yêu mới thực sự thăng hoa, mới thực sự là màu hồng và bình an, còn thứ tình yêu không có đau khổ, không có hy sinh, chỉ là một thứ tình yêu ảo tưởng như hoa sớm nở chiều tàn thôi. Đau khổ và tình yêu luôn đi đôi với nhau, có đau khổ tình yêu mới thực sự là đẹp và có giá trị linh thiêng của nó, ngược lại, có tình yêu, con người mới có động lực để đón nhận đau khổ, để hy sinh và chấp nhận đi vào quỹ đạo của tình yêu, của khổ đau. Thiên Chúa đã giới thiệu cho con người con đường về trời ngang qua đau khổ, con đường có tên gọi là Giêsu, ai mong về trời hãy chọn con đường đó để được ngụp lặn trong hạnh phúc và bình an của Nước Trời.

Lạy Chúa, mầu nhiệm thập giá mở ra cho con người con đường về trời, con đường đó ngang qua đau khổ, xin giúp chúng con hiểu được giá trị của đau khổ, để được bình an trong tình yêu cứu độ đến từ Thiên Chúa, Chúa đã mở ra cho chúng con một cánh cửa để chúng con hiểu được chiều sâu của tình yêu, đó là cho đi, là trao ban, là hy sinh, xin giúp chúng con họa lại bức tranh tình yêu đó trong cuộc đời mỗi người, để chúng con trở nên chứng nhân của mầu nhiệm tình yêu, một tình tự hiến, một tình yêu vị tha và một tình yêu cứu độ. Amen.

HƯƠNG THƠM SỚM
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế 

“Mừng vui lên Giêrusalem hỡi!”.Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu thành!”.


Một cô gái trong bệnh viện bị tai nạn và chỉ còn khứu giác. Mẹ cô muốn truyền đạt sự hiện diện của mình nên đã sử dụng loại nước hoa mà cô gái sẽ nhớ là của mẹ mình. Giờ đây, nước hoa không phải là cái gì thiết yếu của người mẹ mà là ‘sự mở rộng’ con người thật của bà để giao tiếp ở cấp độ con gái của bà. Thiên Chúa thực chất không phải là một thân xác, nhưng Ngài trở thành người. Ngài đã ‘mở rộng’ chính Ngài để giao tiếp ở cấp độ của chúng ta để chúng ta có thể hưởng ‘hương thơm sớm’ của chính Ngài.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay mang đến cho chúng ta ‘hương thơm sớm’ của niềm vui Phục Sinh. Phẩm phục hồng mời gọi chúng ta đến với niềm vui thanh thản. Ca nhập lễ hát, “Mừng vui lên Giêrusalem hỡi!”.Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu thành!”.

Tâm lý cho chúng ta biết, một người không hạnh phúc, cuối cùng sẽ mắc bệnh cả thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên, niềm vui và hạnh phúc phải có cơ sở, nó phải là biểu hiện của sự thanh thản khi sống một cuộc sống ý nghĩa. Không được như thế, niềm vui sẽ thoái hoá, hời hợt và điên rồ. Têrêxa Ávila phân biệt chính xác giữa “niềm vui thánh thiện” và “niềm vui dại khờ”. Loại thứ hai chỉ ở bên ngoài, tồn tại trong thời gian ngắn và để lại dư vị đắng; loại thứ nhất cho chúng ta hưởng nếm ‘hương thơm sớm’ của thiên đàng.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy thử thách cho đời sống đức tin, nhưng đó cũng là những khoảng thời gian thú vị. Cách nào đó, chúng ta trải nghiệm những cuộc lưu đày tận Babylon mà Thánh Vịnh Đáp Ca nhắc đến. Vâng, cả chúng ta nữa, cũng có thể trải qua những cuộc lưu đày “Bên bờ sông Babylon, ta ngồi ta khóc ta nhớ Sion”. Những khó khăn bên ngoài, bao giằng co bên trong mà trên hết là tội lỗi có thể đưa chúng ta đến gần các dòng Babylon. Vậy mà bất chấp mọi sự, chúng ta vẫn có lý do để hy vọng, vì không chỉ chúng ta thở than mà chính Thiên Chúa cũng tiếp tục than thở chính những lời đó, “Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm!”.

Chúng ta luôn có thể sống hạnh phúc trong niềm vui vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta điên cuồng đến nỗi đã ‘mở rộng’ chính Ngài, “đã ban Con Một của Ngài” - Tin Mừng hôm nay. Hãy sớm đồng hành cùng Giêsu trên con đường tử nạn và phục sinh; đồng thời, chiêm ngắm tình yêu của Đấng hiến thân mình vì bạn và vì tôi. Và chúng ta sẽ cảm nhận ‘hương thơm sớm’ của niềm vui Phục Sinh, một niềm vui mà không ai có thể lấy đi được.
Kính thưa Anh Chị em,

“Mừng vui lên Giêrusalem hỡi!”. Để Giêrusalem có thể mừng vui, bạn hãy trở về với nó; nghĩa là hãy trở về với Chúa! Hãy rời xa các bờ sông Babylon thì niềm vui đích thực sẽ đến! Nó sẽ thắp sáng cuộc đời bạn và tôi. Tuy nhiên hãy biết rằng, niềm vui đó không đến từ nỗ lực của chúng ta! Phaolô nhắc nhở, nó là một món quà đến từ Thiên Chúa, “Đấng tỏ lòng nhân hậu của Ngài đối với chúng ta trong Đức Kitô Giêsu” - bài đọc hai. Vậy, hãy để cho mình được Chúa yêu thương, yêu mến Ngài, và niềm vui của chúng ta sẽ thật lớn lao trong Lễ Phục Sinh sắp tới cũng như trong suốt đời mình. Muốn được vậy, hãy để Chúa ôm ấp và đổi mới bằng cách đến với toà giải tội ngay trong Mùa Chay này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa đã mở rộng chính Ngài theo cấp độ của con; dạy con ‘mở rộng’ chính mình ‘theo cấp độ của Chúa’ hầu con hưởng ‘hương thơm sớm’ của thiên đàng!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây