CHẾT VÌ LỄ NGHĨA HAY VÌ TÌNH

Thứ bảy - 19/06/2021 04:58 |   615
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
CHẾT VÌ LỄ NGHĨA HAY VÌ TÌNH

CHẾT VÌ LỄ NGHĨA HAY VÌ TÌNH

Ngũ Tử Tư gặp phải nạn vua Sở giết cha, giết anh, chạy trốn sang nước Ngô, định tìm cách báo thù. Giữa đường bị ốm và hết lương, phải ăn mày mà ăn. Tình cờ gặp một cô con gái đang đập sợi ở bờ sông Lại Thủy, bên cạnh có giỏ cơm.

Tử Tư đến gần nói: Thưa cô, cô sẵn cơm đây, cô có làm phúc cho tôi được một bữa không?

- Cô con gái đáp: Tôi ở một mình với mẹ, năm nay ba mươi tuổi, chưa có chồng, ông đứng lui ra, cơm tôi, tôi ăn không thể cho được.

- Tử Tư nói: Thưa cô, cô rủ lòng thương cho kẻ cùng đồ này ít cơm, thì có ngại gì tai tiếng.

Cô con gái biết Tử Tư không phải là người thường, bèn mở giỏ cơm cho với cả tương, dưa nữa. Tử Tư ăn no, cô con gái bảo:

- Quân tử đi xa, sao không ăn thêm cho rõ no nữa? Tử Tư ăn xong lúc đứng lên đi, bảo cô con gái rằng:

- Cô che đậy giỏ cơm, bầu nước này đi chớ để cho lộ chuyện.

Cô con gái thở dài, nói rằng:

- Than ôi! Thiếp một mình ở với mẹ năm nay ba mươi tuổi một lòng trinh bạch, không có tai tiếng gì. Nay đưa cơm cho trượng phu ăn, qua vượt cả lễ nghĩa. Thiếp lấy làm khổ tâm lắm.

Tử Tư đi được mấy bước, ngoảnh lại trông, thì cô con gái đã đâm đầu xuống sông rồi.

TÌNH SỬ

GIẢI NGHĨA

- Ngũ Tử Tư: tên là Viên, người nước Sở thời Xuân Thu vì cha anh báo thù mà giết được vua Sở.

- Lại Thủy: tên sông ở vào huyện Lật Dương (Giang Tô ngày nay).

- Cùng đồ: cảnh khốn khổ cùng quẫn quá.

- Trinh bạch: trinh là chính chuyên, không thất tiết; bạch là trong sạch.

- Trượng phu: Tiếng để gọi người con gái, tài giai.

NHỜI BÀN

Một người cùng đồ đang đói mà gặp một người có cơm cho ăn mà người ấy lại là một cô con gái có nhan sắc, một cô con gái đã đứng tuổi, chưa chồng, mà cứu được một người dạng bộ trông rõ ra một đứng trượng phu không phải kẻ tầm thường, cái cảnh ngộ của đôi bên tuy là tình cờ gặp gỡ, nhưng biết đâu mà giai anh hùng, gái thuyền quyên lại không bỗng nhưng sinh ra lòng quyến luyến, yêu thương nhau. Mối tình nó tưởng khiến ra như thế. Nhưng chàng ăn xong chàng đi, thiếp ở lại chỉ còn một mình, chàng lại dặn thiếp đừng để lộ chuyện, chắc chàng đang tính đại sự, thiếp đâu lại dám để hại chàng. Vả chăng thiếp là con gái mà đã chuyện trò với giai, lại cho giai ăn cơm của mình, vượt qua cả lễ nghĩa, đường kia nỗi nọ thật là khó tính. Chi cho bằng thiếp liều mình thiếp, vừa được trọn tình với chàng, lại vừa giữ được nghĩa với đời chẳng là đôi đường vẹn đôi ru! Ôi! Tình như thế cũng là tình, một cái tình để thơm muôn thuở ai mà chẳng phải kính phục.
 

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Đề tựa bài này đặt ra một câu hỏi.

Giả nhời được câu hỏi cho chính xác thì chỉ có 2 người: Ngũ Tử Tư và cô con gái. Tất cả những câu giả nhời khác đều là phán đoán thiếu căn cứ.

Tình trạng tự tử thời nay không hiếm, thường là tự tử vì tình, hiếm có ai chết vì lễ nghĩa. Mỗi vụ tự tử đều để lại nỗi đau khôn nguôi cho cha mẹ, người thân.

Chết như cô con gái trong truyện có vẻ lãng xẹt. Nếu cô ta mười bảy, mười tám thì dễ hiểu hơn; nhưng cô con gái đã 30 tuổi, lại ở một mình nuôi mẹ già. Cô có biết chết như thế là thất lễ với mẹ cô không???

Thật là dại quá đi thôi! Dại quá đi thôi!!!

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây