HAI CÔ VỢ LẼ CHỦ NHÀ TRỌ

Chủ nhật - 27/12/2020 02:20 |   606
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
HAI CÔ VỢ LẼ CHỦ NHÀ TRỌ

HAI CÔ VỢ LẼ CHỦ NHÀ TRỌ

Dương Chu sang nước Tống, đến ở trọ một nhà trọ kia.

Người chủ nhà trọ có hai người thiếp, một người đẹp, một người xấu. Dương Chu thấy trong nhà ai cũng quí người thiếp xấu mà khinh người thiếp đẹp, lấy làm lạ, bèn hỏi dò thằng trẻ con trong nhà trọ, thì nó giả nhời rằng:

Người thiếp đẹp tự lên là đẹp mà mất đẹp, tôi chẳng biết cái đẹp của họ nữa; người thiếp xấu tự biết là xấu mà quên xấu, tôi chẳng biết cái xấu của họ nữa.

Dương Chu gọi học trò ra bảo:

- Các con nhớ lấy câu ấy. Người ta giỏi mà bỏ được cái nết "tự cho mình là giỏi" thì đi đến đâu ai mà chẳng tôn trọng, chẳng thân yêu.

TRANG TỬ

GIẢI NGHĨA

- Dương Chu: người đời Chiến quốc xướng lên cái thuyết "vị ngã".

- Tống: nước chư hầu thời Xuân Thu sau phải nước Tề lấy mất, ở vào địa phận tỉnh Hà Nam bây giờ.

- Thiếp: vợ bé, vợ lẽ.

NHỜI BÀN

Đàn bà đẹp mà tự cậy mình lên đẹp, thì người ngoài chỉ thấy cái bộ khoe khoang đáng ghét chớ không còn thấy gì là vẻ đẹp đáng yêu nữa. Đàn bà xấu, tự thẹn mình là xấu, thì chỉ thấy cái nết dịu dàng đáng thương, không còn thấy cái gì là xấu xí đáng ghét nữa. Đấy người đẹp mà bị khinh, người xấu mà được quí là tại thế.

Ôi! đẹp chỉ vì lên đẹp mà mất đẹp, xấu chỉ vì biết xấu mà quên xấu, thế thì những người giỏi mà có tính tự lên là giỏi, thì sinh thời nào, đi đến đâu cũng không mong thiên hạ kính yêu được. Vì như thế tức là kiêu, mà kiêu thi không ai chịu được, sự khiêm tốn bao giờ vẫn là hơn. Dương Chu lấy câu chuyện ấy ra dạy học trò rất là phải vậy.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Cái nết đánh chết cái đẹp

Từ ngày tôi về làm dâu và sinh sống ở khu phố này, tôi vẫn nghe mọi người gọi chị là Nở. Ban đầu, tôi nghĩ đó là tên ba mẹ chị đặt cho nên tôi cũng gọi chị bằng cái tên thường gọi ấy! Mãi sau này tôi mới biết tên thật của chị là Hằng Nga! Có lẽ khi sinh chị ra, bố mẹ chị cũng mong muốn con gái của mình sau này sẽ là một cô gái xinh đẹp! Nhưng trớ trêu thay, cái tên và khuôn mặt chị sau này không ăn nhập với nhau, trái lại nó còn trở thành chủ đề để mọi người đàm tiếu, lời ra tiếng vào, và đó cũng là nguyên nhân xô đẩy chị vào cuộc sống gia đình vất vả lam lũ. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, chị còn bị người chồng, người thân của chồng coi thường bạc đãi.      

Hằng ngày, chị vẫn sang nhà tôi và những nhà trong dãy phố lấy thức ăn thừa về nuôi lợn. Chị cũng kiêm luôn việc thu dọn rác ở dãy phố này! Dường như công việc của chị luôn gắn liền với những công việc mà người khác ngại làm! 

Nhắc đến mùa đông ở miền Bắc, ai cũng nghĩ tới cảnh giá rét đến thấu da thấu thịt. Nhưng với chị, dù nắng hay mưa, dù mùa đông hay mùa hạ thì chị vẫn luôn tất bật với công việc. Trong khi mọi người phải dùng đến áo đại hàn và trùm kín mít mới dám ra đường thì chị vẫn khoác chiếc áo bảo hộ lao động và làm việc bình thường, hình như sự vất vả đã đẩy lùi cái rét ra xa chị. Dáng vẻ quen thuộc ấy từ xa mọi người cũng có thể nhận ra, nhưng điều dễ nhận thấy ở chị, là vì chị đon đả, mau mồm miệng, chưa thấy người đã nghe thấy tiếng.       

Hôm ấy vào ngày nghỉ cuối tuần, vẫn như thường lệ chị đang làm những công việc mà chị thường làm. Chỉ khác ở chỗ, hôm ấy không thấy chị chào hỏi, nói chuyện với ai, khác hơn nữa là bữa ấy chị lại bịt mặt. Mọi người thấy lạ còn trêu chị rằng: sắp hồi xuân hay sao mà bữa nay giữ da giữ dáng vậy, hay có thằng Chí Phèo nào nó để mắt tới…    

Tôi là người vốn có tính hay tò mò, khi chị đến gần nhà tôi, tôi cố tình tìm cách lân la xem có chuyện gì không. Bình thường, tôi cũng hay gọi chị lại để cho chị những thứ còn dùng được mà nhà tôi bỏ lay lắt, nên cũng dễ có cớ để gần. Khi chị vào đến sân sau nhà, chị bỏ nón ra tôi mới nhận thấy trên gò má sát mắt chị có một vệt tím bầm. Tôi vẫn thường đem nước chè tươi cho chị uống mỗi khi chị vào nhà, lần này cũng vậy, và lúc ấy tôi thực sự sửng sốt khi thấy môi chị bị bầm dập, nhìn kĩ hơn thì hình như còn bị gẫy răng! 

Ban đầu, chị xấu hổ khi bị tôi nhìn thấy bộ dạng của mình. Nhưng đối với người đàn bà đáng thương này thì đây cũng là một dịp hợp lí nhất để giãi bày! Chị vừa nói vừa nghẹn ngào trong nước mắt: “Tôi là người con gái kém sắc. Nhưng còn anh ấy, cô biết rồi đó, hình thức cũng được lại còn giỏi tán nữa! Ngày trước khi đi phụ hồ tôi gặp anh ấy. Với người ta cũng chỉ là chơi bời thôi, nhưng tôi tưởng người ta thật lòng nên lỡ dại ăn nằm với nhau trước! Kết quả là thằng Tuấn Vũ đấy! Nhà người ta không muốn cưới vì tôi xấu quá, bụng tôi ngày một to, bố mẹ tôi thì mặt héo như tầu lá chuối khô, họ hàng thì không ngớt chê trách. Người nhà anh ấy còn nói tôi ăn nằm với ai rồi đổ vạ cho con nhà họ, chứ đời nào mà còn có chuyện cô gái xấu xí gặp chàng tuấn mã! Nhà tôi đuối lí, lép vế nên chỉ biết đến van xin người ta! Hai bên đẩy qua đẩy lại cho đến khi tôi có chửa đã gần 8 tháng, tôi bị người ta đụng xe rồi sinh sớm! Thằng bé chào đời và trở thành vị cứu tinh cho đời tôi! Nó giống bố như lột, người ngoài cũng tác động nhiều, cuối cùng chẳng có cưới cheo gì cả hai mẹ con tôi theo không về! Chị cười nhạt và rồi nói tiếp: thế cũng là may phúc rồi, không thì tôi trở thành gái chửa hoang, con tôi thành con không cha. Ở với nhau 6 năm thì sinh thêm cái Thu...”   

Nói đến con cái tôi thấy mặt chị rạng rỡ hẳn lên! Nhiều lần chị hay nói vui với mọi người rằng: Hy vọng lớn nhất của đời chị là hai đứa con, và hy vọng nhỏ của chị là hai con lợn nái! Nghe thì ai cũng bật cười, nhưng ngẫm thì câu nói của chị rất có lí. Hằng ngày chị vẫn đi xin đồ ăn thừa về nuôi lợn, để có tiền nuôi hai đứa con ăn học. Hai đứa con chị vừa ngoan, vừa học giỏi và may mắn hơn chị, chúng đều xinh xắn đáng yêu. Chị đặt cược cuộc đời mình vào những đứa con, chị tin chúng là động lực sống, là lý do sống, và cũng là sợi dây duy nhất gắn kết cuộc hôn nhân không như ý của anh chị.        

Chồng chị đối xử với mọi người không đến nỗi nào, nhưng đối với chị thì tệ bạc hết chỗ nói! Anh ấy công khai có vợ bé ở bên ngoài! Đi làm cả năm nhưng chẳng bao giờ mang tiền về nhà và đưa tiền cho chị nuôi con, chăm sóc gia đình, chị không dám hé răng nửa lời. Hồi đầu chị cũng ghen nhưng chẳng thay đổi được gì, đổi lại chị còn bị ăn đòn đều đặn như cơm bữa. Gia đình nhà chồng không ai đứng về phía chị, nhất là mẹ chồng. Bà luôn bênh vực con trai dù anh ấy đúng hay sai. Bà vốn chẳng ưa cô con dâu đã kém sắc lại còn không có tài cán gì? Chị bị chồng đánh đến gãy răng, cũng là phận đàn bà, mẹ chồng chị chẳng những không thương cảm mà bà còn nói: làm sao con tôi có thể chung đụng với một người vừa xấu vừa hôi hám như cô… Dù vậy, chị vẫn cố chịu đựng để giữ lại người cha cho những đứa con. Chị vẫn hy vọng sẽ có ngày anh hồi tâm chuyển ý, sẽ quay về với mẹ con chị! Với chị chỉ cần anh còn trở về ngôi nhà này, dù chỉ là chốc lát, hay một ngày, vài ngày cũng rất quý giá, bởi nó cho thấy gia đình này còn có trong tâm trí anh. 

Mặc dù ai cũng biết cuộc đời chị là một câu chuyện buồn. Mặc dù ai cũng biết chị đang làm những công việc không lấy gì nhàn nhã và sạch sẽ cho lắm. Nhưng rất nhiều người lại không biết chị chính là chủ nhân của một ngôi nhà nhỏ nhưng rất sạch sẽ và ấm cúng! Cởi bỏ chiếc áo bảo hộ lao động, tự vượt lên trên nỗi khổ riêng của bản thân, chị là một người mẹ dịu dàng ân cần, một người phụ nữ đảm đang. Con của chị luôn được sống trong tình yêu thương, chỉ bảo của mẹ, luôn được ăn nhưng bữa ăn ngon, luôn được đến trường với những bộ quần áo sạch sẽ thơm tho, đặc biệt hơn là các con chị luôn yêu mến và tự hào về người mẹ của chúng.

Nhìn bàn tay thô ráp của chị, ai cũng nghĩ đó là bàn tay chỉ để làm những việc nặng nhọc, bụi bẩn, không ai nghĩ đó lại là một bàn tay khéo léo đảm đang việc nhà! Bàn tay bưng to vác nặng ấy là bàn tay người mẹ, bàn tay người phụ nữ. Bàn tay luôn vun vén yêu thương, bàn tay thắp lửa mỗi ngày cho tổ ấm của mình. Nhìn khuôn mặt kém sắc của chị không ai nghĩ chị lại là một người phụ nữ sống lạc quan yêu đời. Chẳng thế mà bị chồng đánh gãy mất hai cái răng cửa, chị vẫn có thể nói: “gẫy răng lại hóa hay cô à. Không mất tiền đi mài răng nắn lợi mà trông tôi bớt hô hơn…”

Chứng kiến một câu chuyện cảm động giữa đời thường như vậy, tôi mới thực sự hiểu câu nói: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Hình thức cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là cái đẹp bên trong tâm hồn mỗi con người! Hào nhoáng vật chất chưa hẳn đã quý bằng giá trị đích thực - giá trị tinh thần. Hạnh phúc phải do mỗi người không ngừng nỗ lực tạo ra, nó không dễ dàng có được, vì vậy phải luôn biết trân trọng từng khoảnh khắc dù là ngắn ngủi, mong manh. Tôi thấy mình thực sự may mắn và cũng cần phải cố gắng hơn nữa đễ giữ lửa cho mái ấm của mình. Tôi nghĩ rằng: Là một người phụ nữ hiện đại, người phụ nữ 10 chuẩn, không chỉ là có sắc đẹp, không chỉ thành công trong sự nghiệp, mà còn phải là một người phụ nữ hạnh phúc trong ngôi nhà của mình, phải sống sao cho cuộc đời bé nhỏ của mình trở nên có ý nghĩa. Phải luôn biết lạc quan tiến về phía trước, biết sáng tạo, thay đổi và hoàn hiện mình mỗi ngày...



(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây