NHỜI CON CAN CHA
Điền Văn là con Điền Anh, ít tuổi mà cực khôn ngoan, thấy cha làm quan hay vụ lợi riêng, một hôm, thừa nhàn, hỏi cha rằng:
- Con đứa con gọi là gì?
- Cha nói: Gọi là cháu.
- Cháu đứa cháu gọi là gì?
- Gọi là chút.
- Chút đứa chút gọi là gì?
- Ai biết gọi là gì được...
- Cha làm tướng nước Tề đến nay trải qua ba đời vua, giàu có hàng ức vạn mà môn hạ không thấy có một người nào là hiền tài cả. Con nghe nhà quan tướng võ tất có quan tướng võ giỏi, cửa quan tướng văn, tất có quan tướng văn giỏi. Nay cha áo mặc gấm vóc mà người giỏi trong nước vẫn rách rưới, tôi tớ thừa ăn mà người giỏi trong nước vẫn đói khát. Cha quên hết cả việc công ích hiện thời của dân, của nước, chỉ chăm chăm súc tích của cải muốn để dành cho những kẻ sau này không biết gọi nó là gì! Con trộm nghĩ như thế thì thật là quái lạ lắm...
SỬ KÝ
MẠNH THƯỜNG QUÂN TRUYỆN
- Thừa nhàn: nhân dịp thư thả.
- Môn hạ: những người làm thần hạ một nhà quyền quí.
- Hiền tài: người có đức, người làm được việc.
- Tôi tớ: đây là chỉ cả người nhà, cùng bọn tì thiếp.
- Súc tích: chứa chất cho nhiều.
Người ta ai là chẳng vì con, vì cháu mà cố sức làm ăn, mà súc tích tiền của. Cái sự lo cho mình xong, đến lo cho con cái, cháu chắt họ hàng là cái lối đi rất có thứ tự tự nhiên. Tuy vậy, ai cũng nên biết có nhà, có họ, nhưng lại còn có nước, có xã hội nữa. Cho nên cái sự mưu cho nhà, cho họ cũng có chế hạn để còn có sức, có tâm mưu cho người cùng giống, cùng nòi, cùng ở chung một nước, cùng sống trong một thời với mình. “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, ta lo xa cho đến đứa cháu mấy mươi đời về sau này, sao cho bằng ta lo ngay cho bao nhiêu triệu sinh linh mắt ta trông thấy khốn khổ hàng ngày. Để của lại sau này, sâu xuống không biết đến đâu là đáy, mà của ấy thường một hai đời đã hết, so với làm ơn rộng ra ngay hiện thời, ơn ấy đến đâu thấm đến đấy, thì đằng nào hơn. Cậu Điền Văn hỏi cha rồi giảng giải như bài này thực là một bài học hay cho những người tư kỷ chỉ biết có người máu mủ trong một nhà mà không được đại độ biết cả đến những người trong cả quận, cả nước, cả xã hội, nhân loại vậy.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928
NHỜI BÌNH 1
NHỜI BÌNH 2
Truyện cười dân gian: Quan thanh liêm
Ðồn rằng có một ông quan huyện rất thanh liêm, không ăn của đút bao giờ.
Có làng nọ muốn đút lót quan huyện, nhưng mang lễ vật gì đến, quan cũng gạt đi hết. Họ mới tìm cách đút lót với bà huyện. Bà huyện cũng chối đây đẩy:
- Nhà tôi thanh liêm lắm, tôi mà nhận của các ông thì mươi, mười lăm năm sau, ông ấy biết ông ấy cũng vẫn còn rầy la tôi cơ đấy!
Dân làng năn nỉ mãi, bà nể tình mới bày cách:
- Quan huyện nhà tôi tuổi “tí”. Dân làng đã có ý như vậy, thì hãy về đúc một con chuột bạc đến đây, rồi tôi cố nói giùm cho, họa may được chăng!
Dân làng nghe lời, về đúc một con chuột cống thật to, ruột đặc, toàn bằng bạc đem đến.
Một hôm, ông huyện trông thấy con chuột bạc, mới hỏi ở đâu ra, bà huyện liền đem sự tình kể lại. Nghe xong, ông huyện mắng:
- Sao mà ngốc vậy! Lại đi bảo là tuổi “Tí”! Cứ bảo tuổi “Sửu” có phải là sửu to hơn tí không.
(xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn