THỞ DÀI

Thứ sáu - 12/02/2021 20:07 |   642
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
THỞ DÀI

THỞ DÀI

Ông Hải Tiều Tử, lúc thư nhàn, thường hay thở dài. Môn Nhân hỏi: “Tiên sinh hay thở dài như vậy là cớ làm sao?”

- Ông nói: “Ta ước gì các nước trên mặt đất thân yêu nhau để cho bao nhiêu binh cách phải xếp bỏ cả một chỗ. Ta ước gì người quân tử lại tiến dẫn người quân tử để cho bao nhiêu quân tiểu nhân phải lui về hết sạch. - Ta ước gì những giai có vợ, gái có chồng, ai nấy đều yên phận để cho giáo hóa được rõ rệt. - Ta ước gì nhân dân biết giữ gìn tính mịch mà chăm làm ăn để cho hàng năm được mùa sung sướng. - Ta ước gì ai ai cũng biết con đường phải mà noi theo để không phụ cái chí của Thánh Hiền đời cổ... Ta ước mãi mà chưa được, nên ta mới thở dài".

HẢI TIỀU TỬ

GIẢI NGHĨA

- Hải Tiều Tử: tức là Vương Sùng Khánh, người đời nhà Minh, đỗ tiến sĩ, làm quan đến lại bộ thượng thư là một nhà trước thuật có tiếng đời bấy giờ.

- Môn nhân: học trò.

- Binh cách: đồ khí giới y phục của nhà binh.

- Giáo hóa: cái sức dạy dỗ làm cho người ta phải cảm hoá.

- Thánh hiền: nói những bực nhân cách tối cao cùng những bực có tài, có hạnh hơn người.

NHỜI BÀN

Các nước mà tàn bạo sát phạt nhau để tranh thành, cướp đất của nhau, những quân gian ác mà cầm quyền, giữ chính để cho những bực hiền tài phải vùi dập, nam nữ mà dâm ô mất hết liêm sỉ, làm cho phong hóa suy đồi, nhân dân mà ngu dại lười biếng để đến nỗi phải đói rách, học thuật mà sai nhầm để đến nỗi đi vào con đường không hay,... cuộc hòa bình, sự kén nhân tài, nền phong hóa, sự cần lao, sự giáo dục của loài người mà đồi bại đến nỗi như thế, thì còn gì mà không khiến cho người ta phải chán ngán, phiền bực cho đời nữa. Ôi! Năm câu ước của Hải Tiều Tử đây bao giờ mới thành, để cho ông cùng cả bao nhiêu người có chút quan tâm đến nhân tâm thế đạo không đến nỗi phải cất tiếng lên mà thở dài nữa?

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Tiếng Thở Dài của Tình Yêu

Hôm thứ Hai đầu tuần (ngày 15-02-2021) chúng ta được nghe đoạn Phúc Âm (Mc 8, 11-13):

“Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia”.   

Tiếng thở dài của Chúa Giêsu, rõ ràng không phải giống như tiếng thở dài của Ông Hải Tiều Tử, do ước mãi mà chưa được, nên mới thở dài.

Tiếng thở dài của Chúa Giêsu, cũng không phải bình thường, Ngài “thở dài não nuột”. Đó là tiếng thở dài từ tận sâu trong tâm hồn.

Tiếng thở dài này cho thấy một sự đau khổ vô cùng của một Thiên Chúa đầy tình yêu thương. Nỗi đau của người bị những người mình yêu từ chối. Chẳng phải do Người cảm thấy tổn thương hay xúc phạm lòng tự tôn thuộc bản tính loài người, nhưng là nỗi đau xuất phát từ tình yêu thương cao cả của Người. Khi Người đã dành trọn tình yêu cho mọi người kể cả những người Pha-ri-sêu. Tuy nhiên thay vì đón nhận, họ lại khước từ ân sủng mà Người muốn ban cho họ. Vì Chúa Giêsu đã yêu nhiều hơn nên nỗi đau cũng vì thế mà càng đau đớn hơn.

Trong Mùa Chay Thánh chúng ta phải làm gì để đáp lại tình yêu của Chúa?



(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây