Dâng Chúa
Tục lệ Việt Nam có việc bán khoán con. Thường là những trẻ khó nuôi hay tính khí khó chịu hoặc có khi cũng vì lo cho con có đời sống tốt đẹp. Dâng con trong đời sống đạo người Kitô hữu ước ao thuộc về Chúa, sống theo ý Chúa.
Khi bán khoán con thường các gia đình chọn những bậc thánh nhân được nhiều người ngưỡng mộ như: Đức Thánh Trần, Thánh Mẫu hoặc vào một nhà Chùa nào đó. Tất cả việc bán khoán này chủ đích mong cho con được khôn ngoan, hiền lành, có đời sống đạo đức, thiêng liêng.
Dâng mình theo người bổn đạo khi dâng con cho Chúa, qua bàn tay yêu thương Đức Mẹ. Người Kitô hữu ước mong được Đức Mẹ giữ gìn hồn xác con trẻ, lớn lên trong sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Việc dâng con trong Đền Thờ không chỉ một lần, nhiều lần đưa con trẻ cùng đi dự lễ với cha mẹ. Cha mẹ thường đưa con trẻ đến vị chủ tế đang trao Mình Thánh Chúa, xin đặt tay trên trẻ, như xưa Chúa đặt tay trên trẻ em và chúc lành cho bé.
Việc dâng mình đối với người lớn ý thức hơn, trong thư Thánh Phaolô khuyên bảo:
“Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1).
Dâng mình như của lễ: Đó là dâng công ăn việc làm, dâng những hy sinh trong lời nói, việc làm, những suy tưởng những âu lo,vui buồn. Hy lễ sống động là hy lễ của từng ngày sống.
Dâng tội lỗi, những gì chưa toàn vẹn, xin Chúa thánh hoá và ban ơn hoán cải để từng ngày trở nên thánh thiện.
Dâng tất cả những việc làm tốt đẹp, những hy sinh, bác ái, sống đời yêu thương. Những của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.
Theo gương Đức Mẹ từng ngày dâng cuộc đời “Xin Vâng”. Đó là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa để Thánh ý Chúa được thực hiện trong cuộc đời chính mình.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan