Báo cáo tổng hợp của Thượng Hội Đồng

Thứ hai - 30/10/2023 04:56 | Tác giả bài viết: |   268
Báo cáo tổng hợp sau Đại hội đồng lần thứ 16 của Thượng hội đồng về tính hiệp hành đã được công bố vào thứ Bảy ngày 28 tháng 10.
Báo cáo tổng hợp của Thượng Hội Đồng
BÁO CÁO TỔNG HỢP CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG CA NGỢI MỘT GIÁO HỘI MỞ RA CHO MỌI NGƯỜI VÀ GẦN GŨI VỚI MỘT THẾ GIỚI BỊ TỔN THƯƠNG
 
 
Báo cáo tổng hợp sau Đại hội đồng lần thứ 16 của Thượng hội đồng về tính hiệp hành đã được công bố vào thứ Bảy ngày 28 tháng 10. Trong khóa họp thứ hai vào năm 2024, các suy tư và đề xuất được đưa ra về các chủ đề như vai trò của phụ nữ và giáo dân, thừa tác vụ của các giám mục, chức linh mục và phó tế, tầm quan trọng của người nghèo và người di cư, sứ mạng kỹ thuật số, đối thoại đại kết hoặc các vụ lạm dụng.

Phụ nữ và giáo dân, chức phó tế, thừa tác vụ và Huấn quyền, hòa bình và khí hậu, người nghèo và người di cư, đối thoại đại kết và căn tính, ngôn ngữ mới và cơ cấu đổi mới, lãnh thổ truyền giáo cũ và mới (bao gồm cả kỹ thuật số), lắng nghe tất cả mọi người và đào sâu, ngay cả về những vấn đề “gây tranh cãi” nhất: báo cáo tổng hợp được phê duyệt và công bố vào thứ Bảy ngày 28 tháng 10 bởi Đại hội đồng lần thứ 16 của Thượng hội đồng về tính hiệp hành đưa ra một cái nhìn đổi mới về thế giới, Giáo hội và những đòi hỏi đối với Giáo hội và thế giới. Sau bốn tuần làm việc, bắt đầu vào ngày 4 tháng 10 tại hội trường Phaolô VI, sự kiện của Giáo hội kết thúc khóa họp đầu tiên tại Vatican vào cuối tháng 10.

Văn kiện dài khoảng 40 trang này là kết quả công việc của Đại hội “diễn ra trong lúc các cuộc chiến tranh cũ và mới đang hoành hành trên thế giới, với bi kịch vô lý của vô số nạn nhân”. Văn kiện 20 số này được trình bày theo hình thức các vấn đề đã được đồng thuận, các vấn đề cần phải giải quyết và những đề xuất.

Tiếng kêu của người nghèo, của những người bị buộc phải di cư, của những người phải chịu đựng bạo lực hoặc những hậu quả tàn khốc của biến đổi khí hậu đã vang lên giữa chúng ta, không chỉ qua các phương tiện truyền thông, mà còn qua tiếng nói của nhiều cá nhân, được bao hàm cách cá nhân với gia đình và dân tộc của họ trong những sự kiện bi thảm này”, chúng ta có thể đọc thấy như thế trong văn kiện (lời tựa).

Đối với thách thức này và nhiều thách thức khác, Giáo hội hoàn vũ đã cố gắng mang lại câu trả lời trong các nhóm nhỏ và trong các cuộc thảo luận trong suốt tháng Mười này. Mọi thứ đã được tập hợp lại trong báo cáo tổng hợp, được chia thành ba phần, trong đó vạch ra lộ trình để hoàn thành công việc trong khóa họp thứ hai vào năm 2024. Phần I: Khuôn mặt của Giáo hội hiệp hành; phần II: Tất cả đều là môn đệ, tất cả đều là thừa sai; phần III: Dệt nên các mối liên hệ, xây dựng các cộng đoàn.

Lắng nghe mọi người, bắt đầu từ những nạn nhân của các vụ lạm dụng

Như trong Thư gửi Dân Thiên Chúa, Đại hội Thượng hội đồng tái khẳng định “sự cởi mở lắng nghe và đồng hành với tất cả mọi người, kể cả những người bị lạm dụng và tổn thương trong Giáo hội” (1). Trên con đường phải trải qua “hướng tới hòa giải và công lý”, Đại hội “yêu cầu đối mặt với những điều kiện cơ cấu đã cho phép xảy ra những hành vi lạm dụng như vậy và thực hiện những cử chỉ sám hối cụ thể”.

Khuôn mặt của một Giáo hội hiệp hành

Tính hiệp hành là bước đầu tiên. Một thuật ngữ, theo sự thừa nhận của các tham dự viên Thượng hội đồng, là “không được nhiều thành phần Dân Thiên Chúa biết đến” và “gây nhầm lẫn và lo lắng nơi một số người” (1 f), nơi những người sợ cắt đứt với truyền thống, sợ làm suy yếu bản chất phẩm trật của Giáo hội (1 g), mất quyền lực hoặc trái lại, sự bất động và thiếu can đảm để thay đổi.

“Hiệp hành” và “tính hiệp hành” đúng hơn là những thuật ngữ “chỉ ra một cách thức trở thành Giáo hội vốn nói lên sự hiệp thông, sứ mạng và sự tham gia”. Và do đó, đó là một cách sống Giáo hội, một cách đề cao giá trị của những khác biệt và phát triển sự tham gia tích cực của tất cả mọi người. Bắt đầu từ các linh mục và giám mục, “một Giáo hội hiệp hành không thể không cần tiếng nói của họ” (1 n), người ta có thể đọc thấy như thế trong văn kiện, “cần phải hiểu lý do kháng cự của một số người trong số họ đối với tính hiệp hành”.

Sứ mạng

Do đó, tính hiệp hành đi đôi với sứ mạng, từ đó “các cộng đồng Kitô giáo cần phải chia sẻ tình huynh đệ với những người nam và người nữ thuộc các tôn giáo, niềm tin và văn hóa khác, bằng cách, một mặt, tránh nguy cơ tự quy ngã và tự bảo vệ mình, và, mặt khác, là nguy cơ đánh mất căn tính” (2 e). Trong “phong cách mục vụ” mới này, đối với nhiều người, điều quan trọng là phải làm cho “ngôn ngữ phụng vụ trở nên dễ tiếp cận hơn với các tín hữu và được thể hiện nhiều hơn trong sự đa dạng của các nền văn hóa” (3 l).

Người nghèo ở trung tâm

 Báo cáo dành một chỗ rộng lớn cho người nghèo, những người yêu cầu Giáo hội một “tình yêu” được hiểu là “tôn trọng, chấp nhận và công nhận” (4 a).

Đối với Giáo hội, sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo và những người bị bỏ lại phía sau là một phạm trù thần học trước khi là một phạm trù văn hóa, xã hội học, chính trị hoặc triết học” (4 b), văn kiện nhắc lại và đồng thời cũng xác định người nghèo là người di cư, người bản địa, nạn nhân của bạo lực, của lạm dụng (đặc biệt là phụ nữ), phân biệt chủng tộc và của nạn buôn người, người nghiện ngập, người thiểu số, người già bị bỏ rơi, công nhân bị bóc lột (4 c).

Những người dễ bị tổn thương nhất trong số những người dễ bị tổn thương, những người cần được bênh vực liên lỉ, là những đứa trẻ trong bụng mẹ”, văn kiện nói tiếp và đồng thời cho biết “ý thức được tiếng kêu của những người nghèo mới” do chiến tranh và khủng bố, cũng như “các hệ thống chính trị và kinh tế tham nhũng”.
 


Dấn thân của các Tín hữu vào chính trị và vì công ích

Trong lĩnh vực này, Giáo hội được mời gọi dấn thân vào cả việc “tố cáo công khai những bất công” do các cá nhân, chính phủ, doanh nghiệp gây ra, cũng như dấn thân tích cực vào chính trị, vào các hiệp hội, nghiệp đoàn và các phong trào nhân dân (4 g). Không bỏ qua hoạt động vững chắc của Giáo hội trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và trợ giúp xã hội, “không có bất kỳ sự phân biệt đối xử hay loại trừ bất kỳ ai” (4 k).

Di cư

Việc nhấn mạnh đến những người di cư và người tị nạn, “mà nhiều người trong số họ phải chịu những vết thương do mất gốc, chiến tranh và bạo lực”. Họ “trở thành nguồn đổi mới và phong phú cho các cộng đồng chào đón họ và là cơ hội để thiết lập mối liên kết trực tiếp với các Giáo hội xa xôi về mặt địa lý” (5 d). Đối mặt với những thái độ ngày càng thù địch đối với họ, Thượng hội đồng mời gọi “thực hành sự chào đón cởi mở, đồng hành với họ trong việc xây dựng một dự án cuộc sống mới và xây dựng sự hiệp thông liên văn hóa thực sự giữa các dân tộc”.

Theo nghĩa này, “việc tôn trọng các truyền thống phụng vụ và thực hành tôn giáo,” cũng như ngôn ngữ, là nền tảng. Chẳng hạn, một từ như “sứ mạng”, trong những bối cảnh mà “việc loan báo Tin Mừng gắn liền với việc thực dân hóa và thậm chí là diệt chủng”, phải gánh chịu một “di sản lịch sử đau thương” và cản trở sự hiệp thông (5 e). Văn kiện khẳng định: “Việc loan báo Tin Mừng trong những bối cảnh này đòi hỏi phải nhận ra những sai lầm đã mắc phải và học biết một sự nhạy cảm mới đối với những vấn đề này”.

Đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và bài ngoại

Giáo hội phải thể hiện sự dấn thân và chú ý tương đương “trong việc giáo dục một nền văn hóa đối thoại và gặp gỡ, bằng cách đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và bài ngoại, đặc biệt trong các chương trình đào tạo mục vụ” (5 p). Cũng cần phải “xác định các hệ thống tạo ra hoặc duy trì sự bất công về chủng tộc trong Giáo hội và chống lại chúng” (5 q).

Các Giáo hội Đông phương

Vẫn xoay quanh chủ đề di cư, Thượng hội đồng quay sang Đông Âu và những xung đột gần đây đã khiến nhiều tín hữu của Đông phương Công giáo đổ về các vùng lãnh thổ chủ yếu là Latinh. Thượng hội đồng yêu cầu: “Điều cần thiết là các Giáo hội địa phương theo nghi lễ Latinh, nhân danh tính hiệp hành, giúp đỡ các tín hữu Đông phương vốn đã di cư để bảo tồn căn tính của họ”, mà không phải chịu “một tiến trình đồng hóa” (6 c).

Trên con đường hiệp nhất Kitô hữu

Về đối thoại đại kết, báo cáo nói đến một “cuộc đổi mới thiêng liêng” vốn đòi hỏi “các tiến trình sám hối” và “chữa lành ký ức” (7 c); sau đó, nó trích dẫn cách diễn đạt của Đức Thánh Cha về một “đối thoại đại kết bằng máu”, nghĩa là “các Kitô hữu trong sự thuộc về khác nhau cùng nhau hiến mạng sống mình vì đức tin vào Chúa Kitô” (7 d) và nó khởi động lại đề xuất về một cuộc tử đạo đại kết (7 o). Báo cáo cũng tái khẳng định rằng “sự hợp tác giữa tất cả các Kitô hữu” là một nguồn lực “để chữa lành nền văn hóa hận thù, chia rẽ và chiến tranh khiến các nhóm, các dân tộc và quốc gia chống lại nhau”. Báo cáo không quên vấn đề gọi là hôn nhân hỗn hợp, vốn là những thực tế trong đó “chúng ta có thể loan báo Tin Mừng cho nhau” (7 f).

Giáo dân và gia đình (phần 2)

Giáo dân, những người thánh hiến và các thừa tác viên chức thánh đều có phẩm giá ngang nhau” (8 b): quan điểm này được nhắc lại một cách mạnh mẽ trong báo cáo tổng hợp, trong đó nhắc nhở rằng các tín hữu giáo dân “ngày càng hiện diện và tích cực hơn trong việc phục vụ trong các cộng đồng Kitô hữu” (8 e). Các nhà giáo dục đức tin, các nhà thần học, các nhà đào tạo, các nhà hướng dẫn thiêng liêng và các giáo lý viên, tích cực trong việc “bảo vệ” và quản lý: sự đóng góp của họ là “cần thiết đối với sứ mạng của Giáo hội” (8 e). Do đó, các đặc sủng khác nhau phải được “làm nổi bật, công nhận và đề cao giá trị cách đầy đủ” (8 f), chứ không phải bị hạ giá bằng cách chỉ bù đắp cho việc thiếu linh mục, hoặc tệ hơn là bị bỏ qua, không được sử dụng và “bị giáo sĩ hóa” (8 f).

Nữ giới

Giáo hội cần có một dấn thân mạnh mẽ để đồng hành và hiểu biết người nữ trong mọi khía cạnh của cuộc sống của họ, bao gồm cả mục vụ và bí tích. Chúng ta đọc thấy trong tài liệu, phụ nữ “đòi hỏi công lý trong một xã hội bị đánh dấu bởi bạo lực tình dục và bất bình đẳng về kinh tế, và bởi xu hướng coi họ như đồ vật” (9 c). “Sự đồng hành và thăng tiến người nữ thực sự luôn đi đôi với nhau.
 


Chủ nghĩa giáo sĩ trị và não trạng trọng nam khinh nữ

Nhiều phụ nữ có mặt tại Thượng hội đồng “bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công việc của các linh mục và giám mục, nhưng cũng nói về một Giáo hội đang gây tổn thương” (9 f). “Chủ nghĩa giáo sĩ trị, chủ nghĩa trọng nam khinh nữ và việc sử dụng quyền bính không phù hợp tiếp tục đánh dấu khuôn mặt của Giáo hội và làm tổn hại đến sự hiệp thông”. Cần phải có “sự hoán cải thiêng liêng sâu sắc và những thay đổi về cơ cấu”, cũng như “đối thoại giữa nam và nữ mà không phụ thuộc, loại trừ hay cạnh tranh” (9 h).

Chức phó tế của nữ giới

Các ý kiến ​​khác nhau về việc phụ nữ tiếp cận chức phó tế (9 d): đối với một số người, đó là một bước “không thể chấp nhận được”, “không liên tục với Truyền thống”; đối với những người khác, nó sẽ khôi phục lại tập tục của Giáo hội sơ khai; những người khác nữa coi đó là “một phản ứng thích hợp và cần thiết trước những dấu chỉ của thời đại” để có “sức sống và năng lượng được đổi mới trong Giáo hội”. Cuối cùng, có những người bày tỏ “sự e ngại rằng yêu cầu này là biểu hiện của một sự nhầm lẫn nguy hiểm về mặt nhân học, khi chấp nhận rằng Giáo hội sửa đổi theo tinh thần của thời đại”. Thượng hội đồng yêu cầu tiếp tục “nghiên cứu thần học và mục vụ về việc phụ nữ tiếp cận chức phó tế”, sử dụng kết quả của các ủy ban do Đức Giáo Hoàng thành lập và các nghiên cứu thần học, lịch sử và chú giải đã được thực hiện: “Nếu có thể, thì kết quả phải được trình bày ở khóa họp tiếp theo của Đại hội” (9 n).

Phân biệt đối xử và lạm dụng

Đồng thời, sự cấp bách của việc “đảm bảo rằng phụ nữ tham gia vào quá trình đưa ra quyết định và đảm nhận vai trò trách nhiệm trong mục vụ và thừa tác vụ” được tái khẳng định, bằng cách điều chỉnh giáo luật cho phù hợp (9 m). Các trường hợp phân biệt đối xử trong công việc và trả lương không đồng đều cũng phải được giải quyết, kể cả trong Giáo hội, nơi “người nữ thánh hiến thường bị coi là lao động rẻ mạt” (9 o). Trái lại, việc tiếp cận các chương trình giáo dục và đào tạo thần học của phụ nữ phải được mở rộng (9 p), đồng thời khuyến khích việc sử dụng ngôn ngữ hòa nhập trong các văn bản phụng vụ và các tài liệu của Giáo hội (9 q).

Đời sống thánh hiến

Xét đến sự phong phú và đa dạng của các hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến, văn kiện cảnh báo chống lại “sự dai dẳng của một phong cách độc đoán, không có chỗ cho đối thoại huynh đệ”. Đây là nơi phát sinh các trường hợp lạm dụng đủ loại chống lại những người thánh hiến và các thành viên của các hiệp hội giáo dân, đặc biệt là phụ nữ. Vấn đề “đòi hỏi sự can thiệp quyết liệt và thích hợp” (10 d).

Phó tế và việc đào tạo

Tiếp đến, Thượng hội đồng bày tỏ lòng biết ơn đối với các phó tế “được mời gọi sống việc phục vụ Dân Thiên Chúa trong thái độ gần gũi, đón tiếp và lắng nghe tất cả mọi người” (11 b). Mối nguy hiểm luôn là chủ nghĩa giáo sĩ trị, một “sự biến dạng của chức linh mục” cần phải được đấu tranh “ngay từ những giai đoạn đào tạo đầu tiên”, thông qua “sự tiếp xúc sống động” với mọi người và những người nghèo khổ (11 c). Theo nghĩa này, Thượng hội đồng cũng yêu cầu các cuộc hội thảo hoặc các khóa đào tạo khác dành cho các ứng viên thừa tác vụ phải gắn liền với đời sống hàng ngày của các cộng đoàn (lần thứ 11), để tránh “những nguy cơ của chủ nghĩa hình thức và ý thức hệ dẫn đến thái độ độc đoán và cản trở sự phát triển ơn gọi thực sự.”

Đời sống độc thân

Chủ đề về đời sống độc thân đã được nêu lên và là đối tượng của những đánh giá khác nhau trong suốt Đại hội. “Tất cả mọi người đều đánh giá cao giá trị ngôn sứ của nó và chứng tá về sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô của nó; một số người tự hỏi liệu sự thích đáng về mặt thần học của nó với thừa tác vụ linh mục có nhất thiết phải chuyển thành một nghĩa vụ kỷ luật trong Giáo hội Latinh hay không, đặc biệt là nơi bối cảnh Giáo hội và văn hóa khiến việc này trở nên khó khăn hơn. Đây là một chủ đề không mới và cần được khám phá thêm.”

Các Giám mục

Hình ảnh và vai trò của Giám mục là chủ đề được suy tư sâu rộng. Ngài được gọi là “một ví dụ về tính hiệp hành” (12 c) bằng cách thực hiện “tính đồng trách nhiệm”, được hiểu là sự tham gia của các chủ thể khác của giáo phận và hàng giáo sĩ, nhằm giảm bớt “sự quá tải của các cam kết hành chính và pháp lý” vốn thường cản trở sứ mệnh của ngài (12 e). Ngoài ra, Giám mục “không luôn luôn tìm được sự hỗ trợ về mặt nhân bản và tinh thần” và “không phải là hiếm khi ngài phải trải qua một nỗi cô đơn đau đớn nào đó” (12 e).

Các vụ lạm dụng

Về vấn đề lạm dụng, vốn “đặt nhiều giám mục vào tình thế khó khăn trong việc dung hòa vai trò người cha và vai trò thẩm phán” (12 i), người ta gợi ý “đánh giá cơ hội của việc giao phó nhiệm vụ tư pháp cho một cơ quan khác, cần được nêu rõ về mặt giáo luật” (12 i).

Đào tạo (phần 3)

Sau đó, một “lối tiếp cận hiệp hành” liên quan đến việc đào tạo được yêu cầu, khuyến nghị trước hết “đào sâu chủ đề giáo dục tình cảm và giới tính, đồng hành cùng người trẻ trên con đường trưởng thành của họ và hỗ trợ sự trưởng thành tình cảm của những người được mời gọi sống độc thân và khiết tịnh thánh hiến” (14 g). Văn kiện yêu cầu đào sâu đối thoại với các khoa học nhân văn (14 h) để phát triển “các vấn đề gây tranh cãi, ngay cả trong Giáo hội” (15 b).

Đây là những vấn đề “liên quan đến căn tính giới tính và xu hướng tính dục, giai đoạn cuối đời, hoàn cảnh hôn nhân khó khăn và các vấn đề đạo đức liên quan đến trí tuệ nhân tạo”. Đối với Giáo hội, những vấn đề này “đặt ra những vấn đề mới” (15 g). “Điều quan trọng là dành thời gian cần thiết cho việc suy tư này và đầu tư những năng lực tốt nhất vào nó, không nhượng bộ trước những phán đoán đơn giản hóa làm tổn thương mọi người và Thân thể Giáo hội”, đồng thời nhắc lại rằng “nhiều chỉ dẫn đã được Huấn quyền đưa ra và chờ đợi được chuyển thành các sáng kiến ​​mục vụ thích hợp”.

Lắng nghe

Với cùng mối quan tâm đó, văn kiện tiếp tục lời mời gọi lắng nghe “đích thực” đối với “những người cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội hoặc bị loại trừ khỏi Giáo hội, vì hoàn cảnh hôn nhân, căn tính và giới tính của họ” và là những người “yêu cầu được lắng nghe và đồng hành, và để phẩm giá của họ được bảo vệ.” Mong muốn của họ là “trở về nhà”, trong Giáo hội, và “được lắng nghe và tôn trọng, mà không sợ cảm thấy bị phán xét”, Đại hội nêu rõ và đồng thời khẳng định rằng “các Kitô hữu không thể thiếu lòng tôn trọng đối với phẩm giá của mỗi người” (16 h).

Chế độ đa thê

Dựa trên những kinh nghiệm được báo cáo lên Đại hội bởi một số thành viên của Thượng hội đồng Châu Phi, SECAM (Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar) được khuyến khích thúc đẩy “một sự phân định thần học và mục vụ” về chủ đề chế độ đa thê và “việc đồng hành với của những người trong các cuộc kết hợp đa thê tiếp cận đức tin” (16 q).

Nền văn hóa kỹ thuật số

Cuối cùng, báo cáo tổng hợp đề cập đến môi trường kỹ thuật số. Nó khuyến khích “tham gia nền văn hóa ngày nay ở mọi không gian nơi mọi người tìm kiếm ý nghĩa và tình yêu, bao gồm cả điện thoại di động và máy tính bảng của họ” (17 c), bằng cách ghi nhớ rằng Internet “cũng có thể gây thiệt hại và tổn thương, chẳng hạn như thông qua sự đe dọa, thông tin sai lệch, khai thác tình dục và sự nghiện ngập.” Do đó, điều cấp thiết là “xem xét làm thế nào cộng đồng Kitô giáo có thể giúp các gia đình làm sao để không gian trực tuyến không chỉ an toàn, mà còn tiếp thêm sinh lực về mặt thiêng liêng” (17 f). 
 
Salvatore Cernuzio
Chuyển ngữ: Tý Linh
Theo nhật báo Vatican News (28.10.2023)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (29.10.2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây