Đại hội Thánh Thể đầu tiên tại Hoa Kỳ dành cho người khiếm thính
Từ ngày 4 đến ngày 6/4/2025, hơn 200 tín hữu Công giáo khiếm thính từ khắp Hoa Kỳ đã tụ họp tại Đền thánh Quốc gia Thánh Elizabeth Ann Seton ở Emmitsburg, Maryland, để cầu nguyện và tôn vinh Thánh Thể trong một Đại hội Thánh Thể của riêng họ - Đại hội Thánh Thể đầu tiên dành cho người khiếm thính ở Hoa Kỳ.
Hồng Thủy - Vatican News
Được truyền cảm hứng từ Đại hội Thánh Thể Quốc gia vào mùa hè 2024 tại Indianapolis, Đại hội Công giáo dành cho người khiếm thính tập trung vào Thánh Thể và đặc biệt là có các cơ hội cho các tham dự viên được xưng tội với các linh mục bằng ngôn ngữ ký hiệu. Tại Hoa Kỳ có chưa tới 10 linh mục khiếm thính phục vụ toàn bộ cộng đồng các tín hữu Công giáo bị khiếm thính.
Đại hội tập trung vào người khiếm thính
Cha Mike Depcik là linh mục tuyên úy của Ủy ban mục vụ người khiếm thính tại Tổng giáo phận Baltimore và tổ chức các hội nghị và tĩnh tâm cho người Công giáo khiếm thính, là một trong số ít linh mục khiếm thính trên thế giới. Cha đã tổ chức Đại hội hoàn toàn tập trung vào cộng đồng tín hữu Công giáo khiếm thính. Sự kiện có sự tham gia của những thuyết trình viên khiếm thính cũng như chầu Thánh Thể, Thánh lễ, xưng tội và giao lưu - tất cả đều bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Theo Cha Depcik, các cuộc khảo sát đã phát hiện ra rằng 96% người khiếm thính không đến nhà thờ vì có rất ít hoạt động mục vụ bằng ngôn ngữ ký hiệu Hoa Kỳ (ASL).
Sơ Kathleen Monica Schipani, một nữ tu dòng Tôi tớ Trái tim Vẹn sạch Đức Mẹ Maria, hiện là giám đốc Văn phòng Người khuyết tật và Tông đồ Người Khiếm thính của Tổng giáo phận Philadelphia, người tổ chức Đại hội Thánh Thể dành cho người khiếm thính, cho biết Đại hội được tổ chức “để thu hút thêm nhiều cộng đồng người khiếm thính trên khắp Hoa Kỳ”. Sơ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôn ngữ chung.
Sơ Kathleen chia sẻ: “Là người Công giáo, chúng ta thích giao tiếp với nhau và được truyền cảm hứng từ đức tin của người khác, người nói ngôn ngữ của bạn, dù là tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha. Cộng đồng người Khiếm thính cũng vậy. Họ muốn tương tác không chỉ với người trình bày mà còn với nhau và [cùng] cầu nguyện bằng ngôn ngữ mà họ yêu thích và trân trọng”.
Chương trình
Đền thánh quốc gia Thánh Elizabeth Ann Seton trước đây từng là nơi tụ họp của các tín hữu Công giáo Khiếm thính. Đền thánh Seton thường xuyên tổ chức các buổi tĩnh tâm, bao gồm cả tĩnh tâm Mùa Chay vào năm ngoái cho người khiếm thính. Đền thánh này chỉ cách trường trung học cơ sở Maryland dành cho người khiếm thính khoảng nửa giờ.
Đại hội bắt đầu bằng cuộc tham quan đền thờ. Nhiều hướng dẫn viên bằng ngôn ngữ ký hiệu Hoa kỳ đã hướng dẫn các cuộc tham quan quanh khuôn viên Đền thánh cho 230 người tham dự - trong đó khoảng 200 người, theo gia đình ông Rosing, là người khiếm thính hoặc điếc.
Những người tham dự đã tập trung để tham dự Thánh lễ, xưng tội và nghe các bài phát biểu được trình bày bằng ngôn ngữ ký hiệu Hoa kỳ. Có 11 linh mục tham dự là người Điếc, khiếm thính và thông thạo ngôn ngữ ký hiệu. Họ chủ sự tất cả các sự kiện và nghi lễ bằng ngôn ngữ ký hiệu Hoa kỳ để các tham dự viên khiếm thính có thể hiểu được.
Gia đình những người khiếm thính
Jeannine Adkins, một tín hữu Công giáo khiếm thính đến từ Topeka, Kansas, đã có bài thuyết trình tại sự kiện về sức mạnh chữa lành của Thánh Thể, giải thích cách thức cộng đồng người khiếm thính giống như một gia đình. Bà nói với Mạng lưới Truyền hình Lời vĩnh cửu: “Khi chúng tôi ở bên nhau, chúng tôi có mối liên kết chung và chúng tôi có thể giúp đỡ lẫn nhau, và chúng tôi muốn đưa mọi người đến với Chúa Giêsu. Bởi vì chúng tôi là người khiếm thính, chúng tôi cảm thấy như một gia đình”.
Là thành viên của chương trình mục vụ kỹ thuật số “DeafCatholicMom”, bà Adkins chia sẻ đức tin của chính mình và còn dịch nhiều tài liệu Công giáo khác nhau sang ngôn ngữ ký hiệu để chia sẻ trên các nền tảng như YouTube.
Bà nói: “Tôi muốn nói với mọi người về tình yêu của tôi đối với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Tôi muốn bày tỏ điều đó và những cách khác nhau mà chúng tôi có thể truyền cảm hứng cho mọi người quay trở lại nhà thờ, quay trở lại phục vụ trong Giáo hội và sử dụng những đặc sủng của họ trong Giáo hội”.
Những người tổ chức hy vọng sự kiện này sẽ trở thành sự kiện thường niên, phát triển khi thông tin lan rộng.
Sơ Kathleen nói: “Chúng tôi ở đây để thờ phượng Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và thực sự hiểu rằng chúng ta là thân thể của Chúa Kitô. Những người khuyết tật hoặc người khiếm thính bị bỏ qua trong thân thể đó và không được giúp đỡ để tiếp cận. Vì vậy, khi họ có thể tiếp cận với thân thể này, tôi nghĩ chúng ta là sự diễn tả đầy đủ hơn của thân thể Chúa Kitô, và tôi nghĩ Chúa Giêsu thực sự hài lòng”.
Người khiếm thính không được chăm sóc mục vụ đầy đủ
Cuối tuần qua, ông Rosing cùng với vợ là Kathleen đã cùng hơn 200 người Công giáo khiếm thính từ 25 tiểu bang và hai quốc gia để trải nghiệm việc cầu nguyện và sống các bí tích được trình bày bằng ngôn ngữ ký hiệu Hoa Kỳ (ASL) tại Đại hội Thánh thể đầu tiên dành cho người khiếm thính được tổ chức tại Đền thánh Elizabeth Ann Seton ở Emmitsburg, Maryland.
Ông Mark Rosing bị khiếm thính trong hầu hết cuộc đời. Khi còn trẻ, ông đã phải cố gắng để hiểu các bài giảng và bài đọc trong Thánh lễ và cảm thấy mình không hiểu được nhiều. Cuối cùng, ông nhận ra rằng mặc dù không thể nghe, ông vẫn có thể đón nhận được điều thực sự quan trọng, đó là Thánh Thể.
Sau sự kiện, ông Mark Rosing chia sẻ rằng các thành viên của cộng đồng người Công giáo khiếm thính “chắc chắn muốn nhiều hơn nữa”. Ông cho biết ông nghĩ sự kiện này “chỉ là khởi đầu” cho người khiếm thính trong Giáo hội Hoa Kỳ.
Ông Mark chia sẻ rằng ông đã gặp người tổ chức sự kiện, Cha Mike Depcik từ khi còn nhỏ, khi cả hai đều theo học tại Trường dành cho người khiếm thính St. Rita ở Evendale, Ohio. Ông cho biết “thông điệp của cha Depcik rất đơn giản và giúp mọi người dễ dàng chia sẻ với những người khiếm thính khác về tầm quan trọng của đức tin Công giáo”.
Gia đình Rosings đã kể về những trải nghiệm của họ tại đại hội. Hai ông bà khác nhau; trong khi ông Mark bị khiếm thính và nghe bằng một thiết bị nhỏ đặt trong tai, còn bà Kathleen nghe được và không nói lưu loát ngôn ngữ ký hiệu Hoa Kỳ.
Ông bà chia sẻ rằng trong bài phát biểu khai mạc, Cha Depcik đã đưa ra sự tương đồng giữa cuộc đời của Thánh Elizabeth Ann Seton và cuộc sống của những người trong cộng đồng Công giáo khiếm thính. Cha đã chia sẻ về những khó khăn mà Thánh Seton phải chịu đựng trong suốt cuộc đời của mình, bao gồm cả việc mất chồng và nhiều đứa con.
Bà Kathleen cho biết giống như trong cuộc đời của vị thánh, cuộc sống của người Công giáo khiếm thính cũng có nỗi buồn và thử thách. Bà chia sẻ: “Một số giáo xứ từ chối họ, và một số không cung cấp dịch vụ cho họ vì không biết ngôn ngữ ký hiệu Hoa Kỳ, vì vậy người khiếm thính cảm thấy xa lạ giống như Mẹ Seton đã từng trải qua”.
Bà Kathleen giải thích rằng vì hội nghị được trình bày bằng ngôn ngữ ký hiệu Hoa Kỳ, nên đối với những người không khiếm thính như bà, có những người phiên dịch nói cho những người tham dự không thông thạo ngôn ngữ này. Đó là một trải nghiệm mới.
Đại hội cũng có sự tham gia của Phó tế Patrick Graybill, một trong số ít phó tế khiếm thính trên thế giới. Ông Mark đã tham dự nhiều buổi tĩnh tâm với phó tế Graybill, một người kể chuyện, diễn viên và giáo viên.
Cũng có những phó tế và chủng sinh tham dự Đại hội. Ông Mark cho biết họ đang “học ngôn ngữ ký hiệu Hoa Kỳ để phục vụ tốt hơn cho những người Công giáo khiếm thính trong tương lai”. Ông cho biết họ “thấy nhu cầu trong mục vụ dành cho người khiếm thính và những người bị tước mất các dịch vụ này”.
Vợ chồng ông Mark giải thích rằng tại Hoa Kỳ, hầu hết các giáo xứ không cung cấp dịch vụ cho người khiếm thính. Điều này bao gồm Thánh lễ và cả việc lãnh nhận các bí tích khác. Ông Mark chia sẻ rằng người Công giáo khiếm thính không dễ dàng lãnh nhận bí tích giải tội do thiếu các linh mục biết ngôn ngữ ký hiệu.
Ông nói: “Khi họ cảm thấy thoải mái khi đến gặp một linh mục hiểu ngôn ngữ mà họ cảm nhận và diễn đạt, thì thực sự chúng ta có thể thấy được sự tổn thương và nỗi đau mà nhiều người khiếm thính cảm thấy”. Ông nói tiếp rằng những người khiếm thính “cần cảm thấy được yêu thương, họ cần cảm thấy được chấp nhận, họ cần cảm thấy rằng họ được tha thứ”.
Bà Kathleen nói thêm: “Tôi chỉ không nghĩ rằng Giáo hội Công giáo nói chung nhận ra rằng người Công giáo khiếm thính thiếu nhiều thứ mà những người Công giáo khác coi là điều hiển nhiên”.
Tiếng kêu của những người khiếm thính trong Giáo hội
Ông Mark nhớ lại cuộc trò chuyện với cha mình khi còn nhỏ. Ông kể rằng ông đã nói với cha mình: “‘Con không nghe được những gì họ nói trong bài giảng’. Và cha tôi chỉ nói: ‘Điều quan trọng nhất trong Thánh lễ khi chúng ta tham dự là gì?’ Khi 13 tuổi, tôi hiểu rằng Bí tích Thánh Thể là quan trọng nhất”.
Ông giải thích rằng khi ông tham dự Thánh lễ bây giờ, ông xem qua các bài đọc trước để ông “chuẩn bị và nhận thức”. Sau đó, ông nói, “Tôi chấp nhận bất cứ điều gì tôi có thể nghe hoặc nhận được từ bài giảng”. “Tôi không nghĩ mình thường nhận được nhiều từ các bài giảng vì tôi không quen với các linh mục hoặc giọng nói của người thuyết trình, nhưng tôi không đặc biệt khó chịu vì điều đó. Tôi tập trung vào việc rước Mình Thánh Chúa, và đó là lý do tôi ở đó, để đón nhận Chúa Giêsu, gần gũi với Chúa Giêsu và mang Chúa Giêsu vào cuộc sống của tôi và cách tôi có thể chia sẻ điều đó với những người khác. Đó là mục tiêu cuối cùng”.
Đôi vợ chồng này không chắc chắn liệu có một Đại hội khác dành cho người khiếm thính hay không, nhưng bà Kathleen cho biết, “mọi người tham dự đều nhất trí rằng họ hy vọng chúng tôi sẽ thấy Đại hội này một lần nữa”.
Còn ông Mark nói thêm: “Có tiếng kêu cứu của những người nghèo - trong trường hợp này, người khiếm thính thực sự đói”. (CNA 08&10/04/2025)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn