DẤU ẤN CỦA THỜI GIAN

Thứ hai - 24/02/2020 17:19 |   939
Những ngày đầu tháng 7 năm 1974, khoảng 200 thiếu niên từ nhiều Giáo xứ thuộc các giáo phận BMT, Nha Trang, Saigon…. Tập trung về Tiểu Chủng viện Lê Bảo Tịnh của giáo phận BMT để thi tuyển vào tu học lớp 6 niên khoá 1974 -1975.
DẤU ẤN CỦA THỜI GIAN

DẤU ẤN CỦA THỜI GIAN

[13.10.2009 18:20]

Những ngày đầu tháng 7 năm 1974, khoảng 200 thiếu niên từ nhiều Giáo xứ thuộc các giáo phận BMT, Nha Trang, Saigon…. Tập trung về Tiểu Chủng viện Lê Bảo Tịnh của giáo phận BMT để thi tuyển vào tu học lớp 6 niên khoá 1974 -1975. Thời gian thi cử kéo dài một tuần lễ. Các ứng sinh được chia thành nhiều nhóm sinh hoạt và tu đức dưới sự hướng dẫn của các anh lớp lớn do anh Trần Khánh Điệp là niên trưởng Chủng viện lúc đó điều hành chung. Dầu các ứng sinh là con em ưu tú và đạo đức đã được tuyển chọn từ các Giáo xứ, nhưng vì yêu cầu để được nhận vào Chủng viện rất cao nên nội dung các môn thi và các chương trình sinh hoạt cộng đồng được các Cha Giáo và các anh đầu tư công phu và toàn diện nên sau một tuần thi cử, kết quả trúng tuyển vào Chủng viện năm 1974 là rất khắt khe: chỉ vỏn vẹn có 36 chú được nhập Chủng viện tu học! Đây là con số thấp nhất và chọn lựa nhất trong 7 lần khảo thí của Chủng viện.

      Thế là ngày 31.7.1974, 36 chú và 2 chú lớp trên ở lại lần lượt giã từ mái ấm gia đình để nhập học niên khoá mới. Tâm trạng mỗi người cũng không giống nhau chút nào! Người thì hăm hở vì được sống trong môi trường mới, người thì hai ba ngày sau mắt vẫn còn hoen ngấn lệ vì nhớ nhà, người thì dáo dác vì cuộc sống tập thể quá lạ lẫm. Nhưng dẫu sao thì nhịp đập của 38 con tim cũng như chung lại với nhau ở khu vực cuối của gian nhà ngủ, ở phía trên của phòng học chung và ở đại bản doanh lớp 6 bên cạnh phòng học nhạc và phòng tiếp khách.

Những ngày đầu mới vào Chủng viện, tiếp xúc với các anh lớp trên cũng thật thú vị, có bác thì ân cần chỉ bảo, có bác thì răn đe, lên lớp, lại có vị thì trừng mắt doạ dẫm nhưng hầu hết đều dành tình thương cho chú út mới “tách mẹ vào đàn”.

38 ứng sinh Linh mục và có thể là Giám mục tương lai của thế kỷ 21 đến từ các Giáo xứ: Thánh Tâm 6 vị, Hà Lan 4 vị, Đức Minh 8 vị, Trung Hoà 2 vị, Kim Châu 2 vị, Châu Sơn 2 vị, Thuần Hiếu 1 vị, Chi Lăng 2 vị, Phú Long 2 vị, Hưng Đạo 1 vị, Nha Trang 1 vị, Saigon 1 vị, Phước Long 2 vị, Thánh Linh 2 vị, Quảng Nhiêu lần đầu tiên góp 2 vị.   

Buổi sinh hoạt đầu tiên còn nhiều ngỡ ngàng nên anh niên trưởng Chủng viện năm ấy là Trần Văn Loan đến để giúp lớp ổn định. Chẳng biết rõ về ai trong lớp nên anh đề nghị ba chú có kết quả thi tuyển tốt nhất là Vương Kim Khuê, Cao Tuấn và Đậu Quang Đồng vào danh sách đề cử cho chức vụ lớp trưởng. Đậu Quang Đồng được chọn. Có kinh nghiệm sinh hoạt một năm nên Hà Anh Tuấn được đề cử là Đơn vị trưởng để điều hành phân chia các công tác vệ sinh của Chủng viện cho lớp. Và cũng Chẳng hiểu từ “ơn soi sáng” nào mà anh Loan đã đề nghị lớp nhận thánh Đôminicô Saviô làm quan thầy! Các chú út nghĩ mình bé nhỏ nên liền vâng theo. Sự mau mắn ngây thơ đó khiến gần 30 năm sau lớp phải cậy nhờ đến Cha bạn Trần Mạnh Tiến ở mãi tận Canada tìm cho lớp ngày mừng kính thánh bổn mạng là ngày 12.6, nhưng có lẽ đó cũng là ý Chúa vì mãi mãi đối với Chủng viện Lê Bảo Tịnh, lớp Saviô tự hào là “lớp út hệ chính quy”.

Sự non trẻ và trinh trong của lớp mới được Cha Giám đốc ân cần cử Cha Giám luật Trần Xuân Lãm về chủ nhiệm lớp. Cha hết mực yêu thương và dạy dỗ, hướng dẫn từ lời ăn tiếng nói, cách xưng hô, cách sống trong Chủng viện… Cha còn là Cha giáo dạy môn Quốc văn, đặc biệt thích kể chuyện kiếm hiệp mỗi tối sau giờ cơm chiều nên lớp như một đàn con đi theo Cha để nghe các nhân vật sống động qua lời kể hết sức hùng biện và ấn tượng. Cùng với Cha, lớp Savio được các Cha giáo khác như Cha Giám đốc dạy môn La tinh, Cha linh hướng Nam Huân dạy môn Giáo lý, Cha Nguyễn Văn Đậu dạy môn Toán, Cha Trịnh Văn Hân dạy môn Pháp văn và nhạc, Cha Bùi Quang Đạo dạy môn Lịch sử, thầy Y dạy môn Vạn vật, thầy Thọ dạy môn Địa lý. Những kiến thức thu hái được từ các Cha, các Thầy đã giúp cho anh em trong lớp sau này học rất tốt ở các trường ngoài đời.

Những ngày chiến cuộc tháng 3 năm 75 diễn ra làm cho các anh em trong lớp bàng hoàng và lo lắng, cho cả bản thân và gia đình. Hằng đêm đã có những giọt nước mắt nhớ về cha mẹ ở xứ nhà. Chiến cuộc khiến anh em trong lớp chia tay nhau sớm hơn thường lệ của một năm học. Và rồi lại gặp lại nhau sau những tháng hè vắn vỏi. Trở lại Chủng viện với nhiều đổi thay, thiếu một số bạn bè, thiếu cảnh sống thân thương của Chủng viện ngày nào, thiếu cả người Cha chủ nhiệm thân yêu và lại có thêm nhiều điều mới lạ, thêm nhiều bóng áo chùng thâm của các thầy Đại Chủng viện, thêm những giờ lao động nơi nương rẫy cà phê! Bên cạnh những thay đổi chung của toàn cảnh Chủng viện, những đổ nát của nhà cửa thường có sau cuộc chiến, những khoảng trống vắng của lớp học, anh em trong lớp đang dần quen với không khí mới, với Cha chủ nhiệm mới là Cha Nguyễn Minh Hảo và các thầy đại Chủng viện dạy các môn học của lớp bảy.

Ngày 9.10.1975, mọi người bàng hoàng và thẫn thờ khi Cha giám đốc thông báo mãn khoá và cấp giấy chứng nhận để mọi người trở về gia đình chờ tới khi Chủng viện tiếp tục sinh hoạt trở lại. Thế là anh em, Cha con bịn rịn chia tay nhau, không dấu được những giọt nước mắt, xếp vali rời khỏi mái ấm Chủng viện, hẹn ngày đoàn tụ lại nhưng không ngờ ngày ấy quá xa vời, không bao giờ trở lại với lớp Saviô!!!.

Đã hơn 30 năm kể từ ngày ấy. Dẫu vỏn vẹn chỉ hơn một năm sống lý tưởng đời tu trì dưới mái nhà chung Chủng viện, dẫu chỉ với mớ kiến thức nhỏ nhoi thu nhận được nhưng lớp Saviô đã góp hương sắc cho đời cũng không hổ thẹn với các lớp đàn anh: từ nơi đây đã dâng hiến cho ơn gọi dấn thân 3 linh mục: Cha Antôn Trần Mạnh Tiến, Cha Giuse Hoàng Kim Toan, Cha Giuse Vũ Đức Hướng. Những anh em không giữ trọn vẹn được lý tưởng cũng trở thành những đoá hoa hương sắc cho đời như 2 Bác sĩ Lê Thanh Long và Ngô Xuân Cường,  2 Kỹ sư Vương Kim Khuê và Hà Văn Thịnh, 2 Thầy giáo Phạm Viết Ngữ và Phan Thanh Duy, 2 Cử nhân Nguyễn Văn Sĩ và Lê Lập, Y sĩ Trần Đình Trung và vài nhân vật xuất chúng trong quản lý kinh doanh như Hà Anh Tuấn… Bên những niềm vui đó, cũng có những nỗi buồn là lớp phải vĩnh viễn chia tay với 4 bạn Nguyễn Trung Việt, Phạm Văn Rồng, Vương Kim Khuê và Nguyễn Hữu Ánh đã về nhà Cha. Nhưng trọn vẹn và ý nghĩa hơn cả là lớp vẫn đoàn viên với nhau hằng năm vào chính ngày mừng kính thánh quan thầy của lớp.

Song hành cùng 40 năm Chủng viện Lê Bảo Tịnh, lớp Saviô chân thành cảm tạ và tri ân quý Đức Cha, quý Cha giáo, quý Thầy và các anh lớp trên đã quan tâm dạy dỗ hướng dẫn và dìu dắt, dẫu trong thời gian vắn vỏi để lớp có được thành quả như ngày hôm nay.

Hoàng Mạnh Cường

 Tags: niên khoá

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây