Ai xin thì được

Thứ năm - 08/10/2020 19:44 |   1138
Ai xin thì được, ai tìm thì thấy, ai gõ thì sẽ mở cho (Lc 11,9-10).
Ai xin thì được
Ai xin thì được

Lời Chúa nói rõ ràng: ai xin thì được, ai tìm thì thấy, ai gõ thì sẽ mở cho (Lc 11,9-10). Chúng ta có thể hiểu ngược lại: ai không xin thì không được! Dĩ nhiên trong nghĩa ‘tương đối’, vì Cha trên trời vẫn làm mưa trên kẻ lành người dữ, kẻ ý thức cũng như kẻ không tin Ngài, kẻ xin cũng như kẻ không xin.

Ở đây, Chúa muốn nói với chúng ta rằng Thiên Chúa ban nhiều ơn lành tùy theo lòng trông cậy của chúng ta. Mặc dù Thiên Chúa luôn đi bước trước trong việc tìm kiếm con người, nhưng Chúa cũng đòi hỏi sự cộng tác, sự nỗ lực của con người: phải đưa tay gõ, cất bước tìm và lên tiếng xin.

Có câu chuyện kể rằng: có một người là thành viên của nhóm sinh hoạt đạo đức, nay bỗng dưng bỏ bê việc cầu nguyện. Người hướng dẫn tìm đến nhà để tìm hiểu nguyên do và được người kia cho biết là chán cầu nguyện vì nghĩ rằng: Chúa là Đấng quyền năng nên Ngài biết hết những nhu cầu của con người trước khi họ kêu xin, Chúa là Đấng tốt lành nên Ngài sẽ lo liệu điều tốt nhất cho từng người dù họ có xin hay không, Chúa có một kế hoạch cứu độ cho toàn thể vũ trụ nên những điều ta xin trái với kế hoạch đó thì không bao giờ thành tựu, vì những điều ta xin không thay đổi được kế hoạch vĩnh cửu của Chúa. Người thầy mới kể một câu chuyện: thầy có một người bạn làm ruộng, thửa ruộng rất tốt và thu hoa mầu rất nhiều, thế mà nay anh bạn ấy biếng nhác bỏ bê nên ruộng toàn cỏ dại, lý do là anh bạn ấy nghĩ rằng: Chúa biết tôi có nhu cầu về lương thực, Chúa là Đấng quyền năng nên không cần sự góp tay của con người, Chúa là người cha nhân lành nên tôi không cần làm nữa, cứ để Chúa lo liệu. Người học trò thấu hiểu ý nghĩa của câu chuyện, đã thưa lại: Vâng, con sẽ đến tham dự các buổi sinh hoạt đạo đức của nhóm, vì con đã hiểu ra ‘Thiên Chúa là Đấng tốt lành, nhưng con người cũng phải cầu nguyện và góp phần của mình để kế hoạch của Chúa được thành tựu’.

Vấn đề cầu nguyện cũng là một vấn đề then chốt trong giáo lý Kitô, vì ‘chính nhờ Người, với Người và trong Người’ mà chúng ta hiện hữu và hành động. Ấy thế mà ai trong chúng ta cũng cảm thấy nỗi cay đắng vì Chúa thường không nhậm lời mình xin. Chúng ta cùng ôn lại vài điều các nhà tu đức đã dạy về việc cầu nguyện.

Hãy xác tín rằng: Chúa đã nhậm lời ta xin. Chúa nói rằng cha mẹ trần gian tuy là ác (so với Chúa) mà còn biết lấy của lành mà cho con cái, thì Chúa sẽ kíp ban Thánh Thần (ơn trợ giúp) cho mọi kẻ kêu xin. Sau khi xin bất cứ điều gì, ta có thể dâng lời tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban ơn, tuy vậy hãy để cho Chúa tự do về thời gian và cách ban ơn. Thường chúng ta hiểu phép lạ là điều xảy ra khi Thiên Chúa làm theo ý con người nhưng phép lạ cũng thường xảy ra khi con người chiều theo ý Chúa. Đừng ra hạn cho Chúa (Gđt 7,30-32) và cũng đừng ép Chúa phải ban ơn này ơn nọ, tốt hơn là xin cho ý Chúa được thể hiện trong biến cố này và xin cho mình biết vui lòng đón nhận ý Chúa. Cha Cantalamessa nói: mỗi lần đọc kinh lạy cha, đến câu ‘xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời’, chúng ta thường cúi đầu xuống và có một nỗi sợ mông lung nổi lên trong thâm tâm rằng Chúa sẽ làm mình khổ, chúng ta quên rằng Thiên Chúa là Cha nhân lành luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho từng người con cái mình.

Thiên Chúa ban ơn tùy lòng trông cậy của ta. Theo thời gian và kinh  nghiệm đức tin, chúng ta thường kém lòng trông cậy và dẫn đến kém lòng tin, mà lòng trông cậy là điều kiện cần thiết để Chúa ban ơn. Nhiều lần Chúa nói với ta là phải trở nên như trẻ nhỏ biết đơn sơ tín thác mọi sự cho cha mẹ định liệu, không so đo tính toán và không kể công hay cậy quyền. Đọc trong Tin Mừng khi kể về những phép lạ Chúa làm, Chúa thường nói ‘con tin sao thì được vậy’, cũng may mà không có ai kém tin đến nỗi không được lành. Khi trở về thăm quê hương Nagiaret, Chúa Giêsu chỉ thực hiện một vài phép lạ nhỏ, vì dân chúng ở đó không tin.

Thiên Chúa ban ơn tùy lòng thương xót của Chúa chứ không theo công trạng của con người. Điều này làm cho chúng ta an tâm, vì ai trong chúng ta cũng là những tội nhân và bất xứng với muôn ơn lành Chúa ban. Điều quan trọng là phải có lòng tin, hoặc của người xin ơn hoặc của người can thiệp. Dĩ nhiên chúng ta vẫn thường đi đến những địa danh và nhờ đến những người có ơn nghĩa với Chúa thì ân ban thường được dồi dào hơn, điều đó cũng là bình thường vì ở đó niềm tin được biểu lộ mãnh liệt hơn.

Đức tin và đời sống đạo của ta được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, có thể nói ngược lại: một người sa ngã và sống tầm thường là vì họ đã bỏ cầu nguyện lâu ngày. Bởi đó trau dồi đời sống cầu nguyện thật là quan trọng. Chúa dạy ta phải kiên trì cầu nguyện, tin tưởng mãnh liệt rằng việc Chúa muốn và khi Chúa muốn thì mọi sự đều có thể xảy ra, kể cả những điều con người không dám mơ và chưa từng nghĩ đến. Dù thế nào đi nữa thì bạn hãy vững tin vào Chúa và dám cất lời tạ ơn Ngài: ‘tạ ơn sự sống dẫu không may, tạ ơn sự chết dẫu không hay, tay Chúa an bài giữ gìn chẳng ngơi’ (lời bài hát). Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần cho chúng con, giúp chúng con mỗi ngày biết làm tươi mới lại niềm tin và tình yêu với Chúa. Amen.

 
Nguyễn Văn Thiện

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây