BỔN PHẬN SỬA LỖI NHAU

Thứ ba - 11/08/2020 18:01 |   916
Bài chia sẻ đoạn Tin Mừng Mt 18,15-20 của cha Cantalamessa.
sửa lỗi cho nhau
sửa lỗi cho nhau
BỔN PHẬN SỬA LỖI NHAU
 
Bài chia sẻ đoạn Tin Mừng Mt 18,15-20 của cha Cantalamessa.

Trong bài Tin Mừng này, chúng ta đọc thấy: “Chúa Giê-su nói với các môn đệ: ‘nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi và sửa dạy nó cách kín đáo; nếu nó nghe con, con đã cứu được người anh em’”.

Chúa nói đến sự lỗi phạm chung chung; Người không nói cụ thể trường hợp anh em xúc phạm đến ta. Vì nếu khi ta bị xúc phạm, thì rất khó mà phân biệt được ta sửa dạy anh em vì lòng nhiệt thành hay vì bị chạm tự ái. Trong mọi trường hợp, hãy coi chừng ta hành động vì tự ái hơn là vì sửa dạy huynh đệ. Khi anh em xúc phạm đến ta, bổn phận trước hết là phải tha thứ hơn là sửa dạy.

Tại sao Chúa lại dạy ta sửa lỗi anh em cách kín đáo? – Trước hết vì cách sửa dạy này bảo vệ danh dự và tiếng tốt cho người khác.

Một điều rất tệ hại là khi ta muốn sửa lỗi người chồng trước mặt người vợ hoặc sửa lỗi người vợ khi có người chồng hiện diện, người cha trước mặt con cái, thầy giáo trước mặt học sinh, người bề trên trước mặt các môn sinh; nghĩa là trước mặt những người mà sự quý mến của họ rất quan trọng đối với người mà ta sửa lỗi. Trường hợp nầy, việc sửa lỗi trở nên một sự kết án công khai, rất khó để người kia chấp nhận, vì danh dự của họ bị tổn thương.

Hơn nữa, khi sửa lỗi cách riêng tư, là ta cho người kia cơ hội bàu chữa và cắt nghĩa về hành động của mình cách tự do. Rất nhiều khi một hành động với cái nhìn khách quan là lầm lỗi, nhưng lại không đúng với ý hướng của người thực hiện chúng. Một lời minh giải rõ ràng đã làm sáng tỏ nhiều hiểu lầm đáng tiếc… Nhưng điều nầy không thể xảy ra khi một người bị sửa lỗi cách công khai và sự việc được nhiều người biết.
 
Có trường hợp, vì một lý do nào đó, sự sửa lỗi anh em không thể diễn ra cách kín đáo vì có một sự trục trặc nào đó, sự việc bị tỏ lộ không do lòng tốt: một lỗi lầm của người anh em được thổi phồng và vu cáo vì ác ý. "Anh em đừng nói hành nói xấu nhau” (Gc 4,11). Tật lắm mồm không bao giờ vô hại, nó luôn xấu xa và đáng trách.

Một hôm có người đàn bà đến thú tội với thánh Philip Neri là mình đã nói xấu người khác nhiều lần. Thánh nhân đã tha tội cho bà với một việc đền tội hơi lạ lùng: “Bà hãy về nhà và mang tới đây một con gà mái, nhưng trên đường đi, bà phải vặt cho sạch lông nó”. Khi thánh nhân gặp lại bà, Ngài liền bảo: “Bây giờ bà hãy trở về nhà, nhưng dọc đường bà hãy nhặt lại cho hết những lông gà khi nãy”. Bà ta thưa lại: “Thưa Ngài, không thể được! Vì gió đã thổi chúng bay khắp nơi”. Thánh nhân mới bảo bà: “Cũng như vậy, chúng ta không thể nhặt lại những lời ba hoa và những lời vu khống một khi chúng bay ra khỏi miệng ta”.

Trở lại với vấn đề sửa lỗi nhau, chúng ta có thể nói rằng điều tốt đẹp khách quan không luôn tùy thuộc nơi chúng ta; mặc dầu chúng ta có ý tốt, nhưng chắc gì người kia đã chấp nhận, có khi họ còn chai lỳ ra nữa. Nhưng điều này có thể được bù lại: Khi chính ta được sửa lỗi, điều tốt khách quan hoàn toàn tùy thuộc nơi ta! Thực sự, chúng ta rất có thể là kẻ “có tội” và người sửa lỗi cho ta chính là chồng, vợ, bạn bè, đồng môn hoặc bề trên.
 
Nói tóm lại, không chỉ có sự chủ động sửa lỗi mà còn có cả bị sửa lỗi nữa; không chỉ có bổn phận phải sửa lỗi nhau mà còn có cả bổn phận chấp nhận bị sửa lỗi nữa. Chính ở điểm nầy mà ta đánh giá được một người đã chín chắn đủ để sửa dạy người khác chưa. Ai muốn sửa dạy anh em thì chính mình phải luôn sẵn sàng để nhận được sửa dạy. Khi ta thấy một ai đó chấp nhận một lời phê bình với một lòng chân thành: “Anh nói đúng. Cảm ơn vì đã cho tôi biết điều này!”. Hãy ngả mũ xuống, bởi vì bạn đang đối diện với một con người chân chính.
 
Khi sửa dạy anh em, hãy nhớ lời Chúa dạy: “Sao con thấy cái rác nơi mắt anh em mà lại không thấy cái xà trong mắt mình? Sao con có thể nói với anh em: ‘Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh’ khi chính con lại không thấy cái xà trong mắt mình” (Lc 6,41).

Điều Chúa dạy ta về việc sửa lỗi cũng có thể áp dụng vào việc dạy dỗ con cái. Việc giáo dục là một trong những bổn phận căn bản của các bậc cha mẹ. “Người con nào mà lại không được cha mẹ dạy dỗ” (Dt 12,7); và còn nữa “Hãy uốn cây khi nó còn non, nếu bạn không muốn nó bị cong vẹo vĩnh viễn”. Từ chối sửa dạy con cái dưới mọi hình thức là một điều tệ hại nhất ta dành cho con cái và thật bất hạnh là ngày hôm nay nó rất phổ biến.  Hãy để ý cách đơn giản là việc sửa dạy tự nó không phải là kết tội và chỉ trích. Trong khi sửa dạy, bạn chỉ nên để ý đến sửa sai điểm sai phạm, không nên phổ quát hóa và khiển trách lung tung về cách sống cũng như bản thân con trẻ. Thực sự, việc sửa dạy chỉ nhằm đưa ra những điều tốt mà bạn nhìn thấy nơi  trẻ và bạn mong ước chúng sẽ trưởng thành hơn, như vậy việc sửa dạy trở nên một sự động viên hơn là hạ giá con cái. Đây cũng là phương pháp mà thánh Gioan Bosco đã sử dụng trong việc giáo dục thanh thiếu niên.

Thật không dễ, trong từng trường hợp cá biệt, biết nên sửa dạy hoặc để cho sự việc trôi qua, nên nói hay nên giữ im lặng. Bởi vậy, phải ghi nhớ nguyên tắc vàng, áp dụng cho mọi trường hợp, được thánh Phaolô: “Anh em đừng mắc nợ nhau điều gì ngoài tình thương mến nhau… Tình thương không làm điều xấu cho một ai”(Rm 13,8). Thánh Augustine tổng hợp mọi vấn đề trong một câu cách ngôn “ Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”.

Bạn phải xác tín trên hết rằng: từ trong quả tim mình có một tâm tình nền tảng là muốn ân cần với mọi người. Có được như vậy rồi, thì dù bạn làm gì, dù bạn sửa lỗi hay giữ im lặng, bạn cũng sẽ làm đúng, vì tình yêu “không làm hại gì cho ai".

 
Nguyễn Văn Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây