Lời Chúa CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN – C

Thứ sáu - 15/07/2022 03:44 |   564
“Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10, 41-42)

17/07/2022
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN - NĂM C

 

cn16TN C


Lc 10, 38-42

 
NHƯ LÒNG CHÚA MONG MUỐN

Chúa Giê-su nói: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10, 41-42)
 

Suy niệm: Triết gia Gabriel Marcel, trong một vở kịch, đã dựng cảnh một người vợ nhất quyết tặng chồng cô nhân ngày sinh nhật một đôi giày mà cô ưa thích, mặc dù trước đó, chồng cô bỗng nhiên bị tai nạn phải cưa đi đôi chân. Chồng cô không cần đôi giày nữa, nhưng cô vẫn tặng vì đó là đôi giày cô ưa thích.

Thật giống với tình huống của cô Mác-ta ở đây. Cô lo lắng tất bật để thết đãi Chúa một bữa ăn thật thịnh soạn. Nhưng cô không hiểu rằng Thầy Giê-su đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết. Ngài đang phải chiến đấu nội tâm căng thẳng. Và ngoài kia, nơi đền thờ, biết bao nhiêu mũi dùi thù địch đang chĩa vào Ngài. Điều Ngài tìm kiếm nơi tổ ấm Bê-ta-ni-a này là một chốn yêu thương, một nguồn an ủi cảm thông, một sự lắng nghe, chia sẻ. Cô Mác-ta yêu Chúa. Nhưng cô không hiểu Chúa. Cô yêu Chúa theo kiểu của cô. Cô Ma-ri-a cũng yêu Chúa nhưng cô hiểu Chúa. Nên cô đã chọn điều Chúa mong muốn.

Mời Bạn: Bạn có bao giờ tìm hiểu điều Chúa muốn tôi làm cho Ngài bây giờ là gì? Bạn hãy tìm cho ra điều đó và hãy làm theo ý muốn của Ngài và làm theo cách Ngài mong muốn.

Chia sẻ: Làm điều tốt theo ý của tôi có phải là điều tốt thật không? Hay đúng ra, tôi, chúng ta tất cả đều phải làm điều tốt như lòng Chúa mong muốn?

Sống Lời Chúa: Thường xuyên tâm niệm “làm điều tốt như lòng Chúa mong muốn”.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Cúi xin Chúa sáng soi…”

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Chúa Nhật XVI Thường Niên - Năm C

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra cho chúng ta hai hình ảnh: Matta và Maria. Hình ảnh bận rộn, lo lắng của Matta cũng chính là của mỗi người chúng ta. Suốt một ngày sống từ lúc thức giấc cho đến khi lên giường ngủ, thậm chí cả trong giấc ngủ, mỗi người chúng ta cũng đang lo lắng, băn khoăn về nhiều chuyện. Do đó, có thể nói, lời cảnh tình của Đức Giêsu đối với Matta, cũng chính là đang nói với mỗi người chúng ta: “con lo lắng bốì rối về nhiều chuyện, chỉ có mội sự cần mà thôi”.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hồi tâm để nhìn lại cuộc sống của mình. Thiên Chúa không bảo chúng ta đừng suy nghĩ, lo lắng, nhưng Ngài mời gọi chúng ta đặt lại bậc thang giá trị. Chúng ta cần ưu tiên chỗ việc lắng nghe và gặp gỡ Chúa, để dễ dàng giải quyết được những khó khăn trong cuộc sống, và nhất là tâm hồn chúng ta sẽ luôn được bình an một sự bình an không ai lấy mất được. Vậy chúng ta hãy loại ra khỏi lòng trí những lo lắng trần thế, và xin lỗi Chúa vì sự bất trung, bất hiếu của chúng ta, để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Ca nhập lễ

Kìa Thiên Chúa phù trợ tôi, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn tôi. Tôi đã tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa, và lạy Chúa, tôi sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa và rộng tay ban phát mọi ơn lành để chúng con thêm lòng tin cậy mến và chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: St 18, 1-10a

“Ðối với Thiên Chúa có gì khó đâu. Ta trở lại thăm ông và Sara được một đứa con trai”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa hiện ra cùng Abraham dưới chòm cây ở Mambrê, đang lúc ông ngồi ở cửa lều giữa trưa nóng bức. Ông ngước mắt lên thấy ba người nam xuất hiện, đứng gần ông: Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy, rồi sấp mình lạy và thưa rằng: “Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua, con xin lấy ít nước để các Ðấng rửa chân, và nghỉ mát. Con xin đem ít bánh mời các Ðấng dùng để lấy sức lại rồi sẽ đi: chính vì thế mà các Ðấng đã ghé vào nhà con”. Các Ðấng ấy nói: “Như ông đã ngỏ, xin cứ làm”.

Abraham liền vào lều, và bảo Sara rằng: “Hãy mau mau trộn ba đấu bột làm bánh nướng”. Còn ông, ông chạy đến đoàn bò bắt một con bê non hảo hạng, trao cho đầy tớ đem đi nấu. Ông lấy bơ sữa và thịt bê đã chín, dọn ra trước mặt các Ðấng. Chính ông đứng hầu các Ðấng dưới bóng cây.

Ăn xong, các Ðấng hỏi Abraham rằng: “Sara bạn ông đâu?” Ông trả lời: “Kìa, bạn con ở trong lều”. Một Ðấng nói tiếp: “Ðộ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sara bạn ông sẽ được một con trai”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5

Ðáp: Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa? (c. 1a)

Xướng: Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống. 

Xướng: Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa. 

Xướng: Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. 

Bài Ðọc II: Cl 1, 24-28

“Mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Ðức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh theo sự an bài của Thiên Chúa, Ðấng đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Ðức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Ðức Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 38-42

“Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa là Cha nhân từ, Chúa đã dùng hiến tế duy nhất của Ðức Kitô trên thập giá làm cho các hy lễ theo luật Môsê được đầy đủ ý nghĩa. Xin thánh hoá lễ vật chúng con dâng với cả tấm lòng thành, cũng như xưa Chúa đã vui lòng thánh hoá lễ vật của Aben. Nhờ đó, hiến lễ mỗi người chúng con dâng lên để tôn vinh Danh Thánh sẽ giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng ghi nhớ, Chúa thật là Đấng nhân hậu và từ bi; Người đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Này Ta đứng ngoài cửa Ta gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy, và sẽ dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời và nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Phần tuyệt hảo

Có một thời người ta đã dựa vào đoạn Tin Mừng này để đề cao đời sống chiêm niệm, như là phần tối hảo mà Maria đã khôn ngoan giành lấy cho mình. Còn đời sống bôn chôn hoạt động của Martha là phần ít giá trị hơn. Thực ra Chúa Giêsu không thể bênh vực cho thứ chiêm niệm lười lĩnh cũng như thứ hành động múa may. Điều Ngài đòi hỏi là lắng nghe và thực thi lời Chúa.

Ngày kia, có lẽ bất ngờ, Chúa Giêsu đến thăm viếng gia đình ba chị em Martha, Maria và Lagiarô. Đối với người Do Thái, thì được tiếp đón một người khách đến thăm là một ơn huệ Chúa ban và cũng là dịp để tưởng niệm cuộc xuất hành của dân Chúa trên đường tiến tới miền đất Hứa. Việc đón tiếp khách được tổ chức một cách tỉ mỉ và ân cần. Khách vào nhà được rửa chân vì đi đường bụi bậm. Thường thì người nhỏ nhất trong nhà có phận sự rửa chân cho khách.

Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta có một vài dấu hiệu cho biết Maria là người được phân công rửa chân cho khách. Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu và xem ra Maria cũng đóng vai trò tiếp chuyện khách. Bà ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Ngài. Trong khi đó Martha nắm giữ địa vị của một người nội trợ bận rộn với công việc bếp núc. Bà muốn cho việc tiếp đón phải thật chu đáo. Nhưng Chúa Giêsu thì lại nghĩ khác. Việc đón tiếp chu đáo và đúng nghĩa nhất đối với Ngài là đón nghe lời Ngài. Còn tất cả chỉ là phụ thuộc. Martha đã bị Chúa quở trách vì bà đã quá chú trọng vào những cái phụ thuộc, để mình chìm nghỉm trong mọi thứ công việc khiến không còn thời giờ và sức lực để nghe và đón nhận lời Ngài. Người khách như Chúa Giêsu đến với gia đình Bêtania, hẳn không phải là để được hạ, tiếp rước, mà là để ban phát, để thiết tiệc lời hằng sống. Do đó ưu tiên số một không phải là việc cho Ngài ăn gì, uống gì mà là lắng nghe lời Ngài vì của ăn đích thực của Ngài là rao giảng Tin Mừng Nước Trời.

Chúng ta còn nhớ một lần kia bên bờ giếng Giacóp, Ngài đã xác quyết: Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta. Và ý của Đấng đã sai Ngài chính là việc rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Vì thế, những ai muốn theo Ngài, cũng phải lắng nghe và thực hiện những lời Ngài truyền dạy.

Vào một dịp lễ trọng như lễ Chúa Giêsu chẳng hạn, cả giáo xứ để hết tâm trí vào việc dọn dẹp và trang trí nhà thờ, làm hang đá, treo đèn kết hoa, khiến cho không còn thời giờ, không còn lòng trí để tìm hiểu và đào sâu ý nghĩa của việc Con Thiên Chúa làm người. Giáo xứ ấy đã đi theo vết chân của Martha và bỏ mất phần tối hảo.

Bởi đó chúng ta đã kiểm điểm đời sống xem chúng ta đã thực sự đầu tư một cách đầy đủ cho điều chính yếu, là lắng nghe và thực thi lời Chúa, hay vẫn còn đang lẩn quẩn ở những vòng ngoài, ở những cái phụ thuộc.

Chúa Nhật 16C Thường niên - 2001

(Lc. 10:38-42) Lm. Lã Mộng Thường

Bài Phúc Âm hôm nay dùng hoạt cảnh Đức Giêsu được đón tiếp nơi nhà bà Martha. Bà bận rộn lo nấu nướng tiếp đãi Ngài trong khi người em là Maria ngồi hầu chuyện, nghe lời Ngài dạy dỗ. Công việc bếp núc trong khoảng thời gian ngắn để có được bữa ăn thịnh soạn tất nhiên bận rộn vì nhiều việc phải làm trong cùng một lúc do đó Martha cần người phụ tay; điều này các bà có lẽ kinh nghiệm hơn các ông. Lẽ thường, khách đến nhà cần phải có người tiếp khách… nhưng Phúc Âm hình như được viết không để ý đến điểm này do đó nêu lên lời than của Martha, “Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi với”. Xét như vậy, Phúc Âm được viết sắp xếp câu truyện để nêu lên điểm chính yếu đặt nơi miệng Đức Giêsu câu trả lời, “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

Điều ai cũng hiểu về “phần tốt nhất” được Phúc Âm nhấn mạnh đó là lắng nghe những lời dạy dỗ của Đức Giêsu. Nếu ai để ý đặt câu hỏi, giả sử cả hai chị em đều chọn phần tốt nhất đó là chăm chú lắng nghe những lời dạy dỗ của Ngài thì ai sẽ hầu hạ và sao có bữa ăn cho Ngài dùng? Ngược lại, khi đặt câu hỏi như thế và nhận ra sự đối nghịch nơi câu trả lời, một đàng cho rằng công việc cần thiết hầu hạ, bếp núc chỉ là lo lắng bối rối về nhiều chuyện và lắng nghe những lời dạy dỗ của Ngài là phần tốt nhất, chúng ta mới nhận thấy bài Phúc Âm mang mục đích nhắc nhở chúng ta để ý suy nghiệm những lời giảng dạy của Đức Giêsu. Vậy những lời giảng dạy của Ngài ở đâu cho chúng ta tìm hiểu? Xin thưa đó là bốn cuốn Phúc Âm.

Phúc Âm dùng những lời nói khôn ngoan, những câu truyện dưới hình thức dụ ngôn để giải thích về Tin Mừng Nước Trời. Nơi Phúc Âm Matthêu chúng ta đọc được, “Vậy các ngươi chớ lo mà rằng: Ta sẽ ăn gì; ta sẽ uống gì; ta sẽ lấy gì mà mặc? Các điều đó dân ngoại kiếm tìm, nhưng Cha các ngươi Đấng ở trên trời biết rõ các ngươi cần đến các điều ấy. Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã và sự công chính của Ngài và những điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi” (Mt. 6:31-33). Qua lời Phúc Âm chúng ta thấy, điều quan trọng tiên quyết cho đời người đó là tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Vậy Nước Thiên Chúa là gì? Tin Mừng Nước Trời là gì, quan trọng ra sao mà Đức Giêsu đã phải dùng cả cuộc đời để rao giảng? Phương cách nào và điều kiện nào chúng ta cần phải có để nhận biết Nước Thiên Chúa qua Phúc Âm. Nơi thư thứ nhất gửi tín hữu Thesalonikê, thánh PhaoLô khuyên chúng ta, “Đừng dập tắt thần khí! Đừng khinh thị các ơn tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy; hãy kị điều dữ bất cứ dưới hình thức nào!” (1Thes. 5:19-21). Thần Khí tức là hoạt động của Thánh Thần Thiên Chúa nơi tâm trí mỗi người chúng ta. Như vậy chúng ta cần mở rộng tâm hồn để ý suy nghiệm về những lời Phúc Âm vì sự suy tư, suy nghiệm thuộc về hoạt động của tâm hồn, tâm trí, linh hồn, của Thiên Chúa nội tại, của Thánh Thần, hay Thần Khí. Thêm vào đó, khi nghiệm xét điều gì, chúng ta dùng hết tâm trí suy tư, đặt vấn đề và nghiệm chứng điều đó nơi cuộc đời.

Hơn nữa, sự nghiệm xét mang đặc tính không lệ thuộc bất cứ chiều hướng suy tư hay kiến thức ngoại tại mà chỉ tùy thuộc tâm tư của mình. Thánh nhân rõ ràng khuyên chúng ta nghiệm xét mọi sự. Bất cứ điều gì cũng cần được đặt lại vấn đề để am hiểu tùy theo tâm trí của mỗi người. Lời khuyên của thánh nhân, “Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” mới thoạt nghe hay đọc thường bị hiểu một cách đơn giản, nhưng thực ra không đơn giản chút nào vì bất cứ gì chiều theo tham vọng, ước muốn thế tục đều là điều dữ bởi chúng ngăn cản sự thăng tiến của con người nơi hành trình đức tin, hành trình thăng tiến tâm linh. Chẳng hạn khi lên tiếng nói điều gì, người nói chịu trách nhiệm và lãnh hậu quả về chủ đích hay ý định đã phát ngôn câu nói đó. Tất nhiên, “Người công chính nói lời khôn ngoan” trong khi kẻ ngu xuẩn sẽ trở về với sự điên rồ của nó. Đây là lý do tại sao sách Cách Ngôn có câu, “Đừng trả lời kẻ ngu xuẩn theo sự điên dại của nó, kẻo cả con nữa, con cũng trở nên giống nó” (CN. 26:4).

Phúc Âm cũng đưa lên những điều kiện thuộc về tâm trí để một người có thể suy nghiệm nhận biết Tin Mừng đó là không nên để những kinh nghiệm, quan niệm bình thường thế tục ảnh hưởng hay ám ảnh khi nghiệm xét những lời khôn ngoan nơi Phúc Âm. Những kinh nghiệm, quan niệm thế tục chẳng khác gì bì da cũ, áo cũ, những cớ cho con người vấp phạm như mắt, tay, chân, cha mẹ, hay con cái được dùng cách ám định nơi Phúc Âm.

Như vậy, muốn nghiệm xét những lời khôn ngoan nơi Phúc Âm, tâm trí con người cần được hoàn toàn tự do, không lệ thuộc bất cứ điều gì hay quan niệm nào. Khi còn bị lệ thuộc bởi bất cứ điều gì, có thể nói đó là lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chúng ta ai cũng đều biết Thiên Chúa chính là quyền lực hiện hữu tối thượng ngự trị và hoạt động nơi mọi vật mọi loài. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Thế nên, Nước Thiên Chúa, Nước Trời là chính Ngài. Do đó, Tin Mừng Nước Trời chính là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt. 1:23); Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta; Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mỗi người. Vì Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ở nơi mọi người nên đức tin chính là quyền lực của Thiên Chúa nơi mỗi người. Nhận biết Thiên Chúa nơi mình hay không, nhận biết đức tin là gì, hoặc sao có thể xử dụng đức tin để áp dụng nơi câu Phúc Âm, “Kẻ nào bảo núi này xê đi, nhào xuống biển mà trong lòng không nghi ngại nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra thì nó sẽ thấy thành sự”, tất cả đều tùy thuộc sự thực hành suy nghiệm những lời giảng dạy của Đức Giêsu nơi Phúc Âm. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây