Lời Chúa THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH

Thứ năm - 06/01/2022 17:44 |   622
“Tôi đây không phải là Đức Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người… Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3, 28.30)

08/01/2022
THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH

 

t7 sau HL

Ga 3, 22-30

QUI HƯỚNG VỀ CHÚA KITÔ

Ông Gio-an trả lời (cho các môn đệ): “Chính anh em đã làm chứng cho thầy là thầy đã nói: Tôi đây không phải là Đức Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người… Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3, 28.30)

Suy niệm: Người sứ giả không nói về mình mà là nói lời của người sai mình. Gioan đã thể hiện xuất sắc vai trò sứ giả đó cho đến giây phút cuối cùng. Trước nguy cơ tranh dành ảnh hưởng giữa các môn đệ mình và môn đệ Đức Giêsu–mà sau này điều đó đã thực sự xảy ra–Gioan, từ trong ngục, nhắc nhở cho các môn đệ của mình nhớ lại vai trò ngôn sứ-chứng nhân của họ: giới thiệu Đức Ki-tô, chứ không phải giới thiệu mình; hướng dẫn người khác đến với Đức Ki-tô, chứ không phải giữ chặt họ ở lại với mình. Không cần lý luận cao siêu, Gioan đã làm điều mà các nhà thần học ngày nay gọi là một nền thần học kitô hướng tâm: lấy Chúa Kitô là trung tâm (christocentric).

Mời Bạn: Từ thời của Gioan đến giờ, việc loan báo Tin Mừng đã bao lần phải đình trệ vì các môn đệ Đức Kitô lại trở nên đối thủ tranh dành ảnh hưởng lẫn nhau mà vẫn ảo tưởng rằng mình đang phục vụ Ngài. Xét cho cùng, mọi hình thức bè phái đều là do cái tôi ích kỷ, muốn lấy mình làm trung tâm thay vì quy hướng mọi sự về Đức Kitô.

Chia sẻ: Giữa các đồng nghiệp, giữa các đoàn thể trong giáo xứ bạn đang có những mâu thuẫn nào? Bạn thử tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp.

Sống Lời ChúaBắt chước tinh thần khiêm tốn quên mình của Gio-an trong mọi hoạt động, đặc biệt khi làm việc tông đồ. 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hy sinh quên mình, để con loan báo về Chúa mà không làm Chúa bị lu mờ đi vì cái tôi ích kỷ của con.
 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH

Ca nhập lễ

Thiên Chúa đã sai Con mình tới, do một người phụ nữ sinh ra, để chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một giáng trần để biến đổi chúng con thành thụ tạo mới. Xin cho chúng con được dồi dào ân sủng hầu nên giống Chúa Giêsu là Ðấng đã phối hợp nhân tính của chúng con với thiên tính của Chúa trong chính bản thân Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: 1 Ga 5, 14-21

“Chúa nhậm lời chúng ta kêu cầu”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, này là sự chúng ta tin tưởng nơi Chúa: là hễ chúng ta xin sự gì hợp ý Người, thì Người nhậm lời chúng ta. Và chúng ta biết Người nghe nhận mọi điều chúng ta xin, vì chúng ta biết rằng chúng ta có kêu cầu Người. Ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa tới sự chết, thì hãy cầu xin và Người sẽ ban sự sống cho kẻ phạm thứ tội đó. Có thứ tội đưa đến sự chết, tôi không bảo ai cầu xin cho người phạm tội ấy đâu. Mọi sự gian tà đều là tội, và có thứ tội đưa đến sự chết.

Chúng ta biết rằng ai sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm tội, chính sự sinh ra bởi Thiên Chúa gìn giữ họ, và ma quỷ không làm gì được họ. Chúng ta biết rằng chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra, và toàn thể thế gian đều phục luỵ ma quỷ. Và chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và đã ban cho chúng ta ơn thông hiểu, để chúng ta nhận biết Chúa chân thật, và được ở trong Con chân thật của Người. Chính Ngài là Thiên Chúa chân thật và là sự sống đời đời. Các con thân mến, hãy giữ mình xa các tà thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4. 5 và 6a và 9b

Ðáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy vui mừng vì Ðấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. – Ðáp.

Xướng: Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. – Ðáp.

Xướng: Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. – Ðáp.

Alleluia: Dt 1, 1-2

Alleluia, alleluia. – Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 3, 22-30

“Bạn hữu của tân lang vui mừng vì tiếng nói của tân lang”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa. Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa. Vì chưng, khi ấy Gioan chưa bị tống ngục. Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gioan và nói với ông: “Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!” Gioan trả lời rằng: “Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Ðấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo: và ước chi tiệc thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…

Kinh Tiền tụng

Lời tiền tụng Hiển Linh

Ca hiệp lễ

Từ nguồn sung mãn của Đức Ki-tô, tất cả chúng ta đã nhận được hết ơn này đến ơn khác.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, dân thánh Chúa luôn cần được muôn ơn trợ lực, xin rộng lượng ban phát hôm nay và mãi mãi, nhờ đó, khi được hưởng dùng những của cải đời tạm này, chúng con càng tin tưởng tìm kiếm những phúc lộc vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

LỚN LÊN VÀ NHỎ LẠI NHƯ THẾ NÀO? (Ga 3, 22-30)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Đoạn kết Tin Mừng hôm nay được khép lại với câu nói có hậu của Gioan Tiền Hô: “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”. Nói là kết, nhưng nó lại mở ra cho một tương lai và hy vọng mới.

“Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”, đã trở thành một phương châm sống cho vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế.

Giữa lúc uy tín của Gioan lên như diều, mọi người từ khắp nơi ai ai nghe thấy tên của ông cũng đều nghiêng mình kính cẩn, đến nỗi nhiều người muốn tôn ông là ngôn sứ vĩ đại, là Đấng Mêsia. Tuy nhiên, ông đã đứng đúng vị trí của mình là tiền hô, kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế, vì vậy, ông đã thẳng thắn tuyên bố: tôi không phải là Đấng Kitô, Đấng ấy đến sau tôi, tôi không đáng cởi giây dép cho Người! Khi Đấng ấy đến, Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần… và “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại” “Tôi là tiếng kêu trong sa mạc, hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối người đi” (x. Mt 3,3).

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở thành tiền hô cho Chúa trong xã hội hôm nay. Đồng thời sống đúng tư cách của người tiền hô, để “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”.

Để cho Chúa lớn lên, ấy là khi chúng ta biết sống quảng đại, mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Biết cảm thông, yêu thương và tha thứ, bao dung và nhân hậu. Sẵn sàng sống cho người khác.

Tôi phải nhỏ lại, tức là nhỏ lại cái tôi ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ, khoe khoang…

Tuy nhiên, trong xã hội hôm nay, vẫn còn đó những tiền hô không đứng đúng vị trí của mình! Họ đã đứng lên vị trí của Đấng Cứu Thế, còn Đấng Cứu Thế thì lại bị đẩy ra bên lề. Vì vậy, thay vì dọn đường thì lại hưởng lợi, thay vì làm vinh danh Chúa thì họ lại tìm vinh danh mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi theo gương sáng của Gioan Tiền Hô khi xưa, luôn sống theo tinh thần đến để phục vụ chứ không phải để được người khác phục vụ, để Chúa được lướn lên, còn chúng con thì nhỏ lại. Amen.
 

TÍNH CỤC BỘ

tbd 060122a

(Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh – Ga 3,22-30) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Vài chuyện thật như bịa, cười ra nước mắt: Mở đầu Thánh Lễ, cha xứ: “Anh chị em, sáng nay chúng ta dâng lễ tạ ơn Chúa vì đã che chở chúng ta bình an. Đêm qua đạn pháo kích rơi lạc qua xóm bên lương hết, không rơi vào xóm đạo ta trái nào”. Một chuyện khác: Một bà “đạo đức”: “Cha ơi, Côrôna tùm lum tà la xứ đó đó. Xứ mình chưa can chi, chắc là Chúa gìn giữ”. Một chuyện khác mang dáng thần học hơn: Đã từng nghe bài giảng lễ online và đọc một vài chia sẻ Lời Chúa nội dung như sau: “Qua thông tin chúng ta xao xuyến lo âu về nhiều dữ kiện không hay trong Giáo hội Công giáo. Nhiều gương mù gương xấu không chỉ ở hàng tín hữu giáo dân mà còn ở tận hàng giáo sĩ, kể cả những vị cao cấp như Giám Mục, Hồng Y. Nhưng chúng ta phải vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Chúng ta là con cái Chúa, là dân riêng của Chúa nên Chúa phải gìn giữ chúng ta. Giáo hội là con thuyền của Chúa Kitô nên Người phải bảo vệ Giáo hội.

Tính cục bộ luôn có và còn đó dưới nhiều hình thức. Nhưng đáng quan ngại hơn khi nó mặc lấy hình thức địa phương tính, dân tộc tính, tôn giáo tính, giáo hội tính… Tính cục bộ nó khiến chúng ta không chỉ bảo vệ mà còn luôn đề cao tập thể của mình và đặt  lợi ích tập thể mình lên trên tập thể khác. Tin Mừng ngày thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh tường thuật chuyện tranh luận xảy ra giữa các môn đệ ông Gioan với một người Do Thái về việc Chúa Giêsu cũng làm phép thanh tẩy “và thiên hạ đều đến với Người” (Ga 3,22-26).

Chắc hẳn nhiều môn đệ của Gioan cũng cảm thấy “sao sao đó” khi thấy thầy Gioan của mình đang bị thua kém sức ảnh hưởng so với vị thầy Giêsu. Và tính cục bộ đã làm nảy sinh sự tranh luận và hẳn có chút nào đó sự ganh tương. Dù Tin Mừng không tường thuật cách minh nhiên nhưng chúng ta cũng có thể suy đoán rằng các môn đệ Gioan không chỉ bảo vệ mà còn đề cao vai trò, vị thế của thầy mình mà chưa thể làm hài lòng người tranh luận, vì thế họ đến gặp trực tiếp Gioan.

Các môn đệ của Gioan Tẩy Giả kinh ngạc trước câu giải thích của thầy mình. “Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: “Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ sai đi trước mặt Người… Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,28-30). Xác định đúng vị trí, vai trò của mình là một trong những cách thế tránh khỏi chước cám dỗ của tính cục bộ. Chúng ta là ai trong toàn thể nhân loại từ cổ chí kim? Giáo hội giáo là gì trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa? Tôi là ai trong tập thể đoàn dân Thiên Chúa?

Chúng ta chỉ là một tập thể bé nhỏ trong toàn thể nhân loại vốn là hình ảnh và là họa ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha toàn năng chí ái và tất cả mọi người đều là con cái của Người. Người không muốn bất cứ ai phải hư mất, nhưng tìm mọi cách thế để mọi người được hưởng hạnh phúc vĩnh hằng. Chúa Giêsu đã nói rằng: “Thiên hạ từ Đông chí Tây sẽ vào dự tiệc Nước Trời cùng với Abraham, Isaác, Giacob, nhưng con cái trong nhà lại bị loại ra chỗ tối tăm” (x.Mt 8,11).

Giáo hội là đoàn dân Thiên Chúa, là một tập thể người tin vào Chúa Kitô, được Người quy tụ để qua đó tiếp tục thông ban Tin Mừng cứu độ cho nhân trần. Giáo hội là một phương thế Chúa Kitô dùng để ban hạnh phúc cho nhân loại. Như thế sự hiện hữu của Giáo hội không vì chính bản thân mình nhưng là vì ơn cứu độ của nhân trần. Như Gioan Tẩy giả, Giáo hội phải chân thành sống theo tôn chí: “Người, Chúa Kitô, cần lớn lên, còn mình thì phải nhỏ lại”. Tôi là một thành viên của Đoàn Chiên Thiên Chúa. Một người, dù là chức cao, vị trọng không là Giáo hội mà phải là tập thể. Là Giáo hoàng, là Giám mục thì cũng cần phải nhỏ lại để Giáo hi, để Giáo phận lớn lên, và dĩ nhiên là để Chúa Kitô lớn lên.

Hãy đề phòng tính cục bộ vì nó không chỉ gây ra sự chia rẽ mà còn cám dỗ chúng ta nhìn sai chỗ đứng, vai trò và phận vị của mình, đặc biệt trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây