Lòng đầy, Miệng mới nói ra

Thứ hai - 16/10/2023 23:59 | Tác giả bài viết: Lẽ Sống |   345
Người ta thường bảo: “Lòng đầy miệng mới nói ra” hay “Văn tức là người”. Hai câu nói này có thể áp dụng rất đúng vào vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay: thánh Luca, thánh sử.

18 Tháng Mười
Lòng đầy, Miệng mới nói ra

Le song t10 17


Người ta thường bảo: “Lòng đầy miệng mới nói ra” hay “Văn tức là người”. Hai câu nói này có thể áp dụng rất đúng vào vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay: thánh Luca, thánh sử.

Chúng ta không có được những sử liệu để biết về cuộc đời của thánh Luca ngoài danh hiệu thánh Phaolô nói về ngài: “Luca, vị y sĩ rất thân mến của chúng tôi...”. Vì thế, chúng ta phải tìm hiểu về con người của thánh Luca qua hai tác phẩm ngài biên soạn, nhất là qua sách Phúc Âm, thường được trao tặng những biệt hiệu sau đây:

1. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của Lòng Thương Xót: Thánh Luca đặc biệt nêu bật lòng ưu ái và sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu đối với những tội nhân và những kẻ đau khổ. Ngài luôn mở rộng đôi tay để đón nhận họ: những người xứ Samaria, những kẻ bị bệnh phong hủi, những người thu thuế, những kẻ phạm tội công khai, những người nghèo cũng như các mục đồng thất học.

Ngụ ngôn về người phụ nữ ngoại tình, về một con chiên lạc, một đồng tiền bị đánh mất, về đứa con hoang đàng và người trộm lành chỉ được ngòi bút của thánh Luca ghi lại rất linh động và xúc tích.

2. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của Ơn Cứu Rỗi phổ quát và đại đồng: Chúa Giêsu dang rộng đôi cánh tay, chết treo trên thập giá là cho tất cả mọi người. Trong luồng tư tưởng này, thánh Luca ghi lại gia phả của Chúa Giêsu ngược lại đến nguyên tổ Ađam chứ không phải chỉ ghi lại Chúa Giêsu là con vua Ðavit, con ông Abraham như thánh sử Matthêu. Và trong lúc Chúa Giêsu hoạt động rao giảng Tin Mừng, nhiều người dân không phải là Do Thái cũng được Ngài ân cần tiếp đón và thi ân.

3. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của những người nghèo, trong đó những người đơn sơ, nhỏ bé, đóng một vai trò quan trọng, như: ông Giacaria và bà Ysave, Ðức Maria và thánh Giuse, những người mục đồng, ông Simêon và bà góa Anna.

4. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của sự cầu nguyện và của Chúa Thánh Thần: Luca thường mở đầu đoạn Phúc Âm với lời ghi nhận: “Chúa Giêsu đang cầu nguyện” và Thánh Thần mang Giáo Hội đến chỗ hoàn hảo cuối cùng.

5. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của niềm vui: thánh Luca thành công trong việc phác họa hình ảnh Giáo Hội sơ khai tràn đầy niềm hân hoan vì cảm nghiệm được mầu nhiệm Phục Sinh, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và Ơn Cứu Rỗi.

Mừng lễ kính thánh Luca, chúng ta hãy cùng nhau đọc đoạn cuối của Phúc Âm, gồm những dòng có thể so sánh như chiếc gạch nối liên kết sách Phúc Âm với sách Tông Ðồ Công Vụ để diễn tả một sinh hoạt rất quan trọng của Giáo Hội và của mọi tín hữu Kitô: “Ðoạn Chúa dẫn các môn đệ đi về phía làng Bêtania. Chúa giơ tay chúc phúc cho họ. Ðang khi Chúa phán, Chúa rời khỏi họ mà lên trời. Các môn đệ thờ lạy Chúa rồi trở về Giêrusalem, lòng đầy hân hoan. Họ có mặt luôn luôn trong đền thờ để ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa”. Dõi theo gương của các môn đệ tiên khởi của Chúa Giêsu, chúng ta hãy luôn dâng lời ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây