Hãy chia sẻ cảm xúc của bạn
Đã xem: 2102
Thích: 0
Không thích: 0
https://youtu.be/UPSQo3w1G48
https://youtu.be/UPSQo3w1G48
 
Ngoài việc cứu giúp các nạn nhân tại Ấn Độ, Mẹ Têrêxa đi khắp các vùng có xung khắc để cứu các nạn nhân chiến tranh như Do Thái và Palestine. Bà còn dấn thân giúp đỡ những nạn nhân bị phóng xạ Chernobyl, nạn nhân động đất tại Armenia, nạn đói tại Ethiopia.

Mẹ Têrêxa cũng đã đến Việt Nam vào ngày 1 tháng 4 năm 1994. Qua việc hy sinh cuộc đời mình để dấn thân chăm sóc và phục hồi phẩm giá của những người khốn cùng không nơi nương tựa, Mẹ Têrêxa được nhiều quốc gia ban tặng công dân danh dự, được thế giới trao tặng cho rất nhiều huân chương cao quý, trong đó có giải Nobel Hòa Bình. Với sự khiêm nhường và tấm lòng bao dung, bà đã từ chối bữa tiệc mừng truyền thống. Bà nhờ ban tổ chức trao chi phí của bữa tiệc cho người nghèo tại Ấn Độ.

Trong buổi lễ trao giải Nobel, Mẹ Têrêxa đặt câu hỏi “Chúng ta phải làm gì để thăng tiến nền hòa bình trên thế giới?” và bà cũng có câu trả lời “Hãy về nhà và thương yêu gia đình bạn.” Trong bài diễn văn này Mẹ Têrêxa cho rằng: “Sự nghèo khổ có mặt khắp nơi trên thế giới, không chỉ ở những nước nghèo. Tôi thấy xóa nghèo ở phương Tây còn khó khăn hơn. Khi tôi nhặt một người ngoài đường phố, đang đói khát, tôi cho người ấy một dĩa cơm, một miếng bánh, tôi cảm thấy hài lòng vì đã cứu đói cho người ấy. Nhưng khi một người bị gạt bỏ, cảm thấy mình sống thừa thãi, không được yêu thương, phải sống trong kinh hãi, bị gạt ra bên lề xã hội – sự nghèo khổ tinh thần ấy còn khốn khổ hơn”. Bà nói thêm, “Nạn phá thai là kẻ hủy diệt nguy hiểm nhất cho nền hòa bình thế giới. Bởi lẽ, nếu người mẹ có thể giết chết đứa con của mình, thì có gì ngăn được bạn không giết tôi và tôi không giết bạn.”

Qua những lần nói chuyện với giới truyền thông, Mẹ Têrêxa thường đưa ra những lời khuyên tương tự như thế này: “Không phải tất cả chúng ta có thể làm được những việc lớn, nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ với một tình yêu lớn.” Bà cũng cho rằng bà không là gì cả, bà chỉ là một cây bút chì nho nhỏ mà Thượng Đế dùng để tô điểm cho thế giới. Rồi bà nở nụ cười rất tươi và khôi hài nói thêm, “Lắm lúc tôi là cây bút chì bị gãy, nên Chúa cũng khá vất vả đấy!”

Mẹ Têrêxa lìa đời vào đầu tháng 9 năm 1997, thọ 87 tuổi. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố quốc tang để vinh danh một con người đã xả thân cứu vớt vô số những người kém may mắn không phân biệt tôn giáo trên mảnh đất Ấn. Bà được mai táng tại nhà thờ Thánh Tôma, Calcutta. Thế giới tiếc thương sự ra đi của Mẹ Têrêxa , Thủ tướng Pakistan lúc bấy giờ là Nawaz Sharif nói rằng bà là "một cá nhân độc đáo và hiếm có, đã cống hiến đời mình cho những mục đích cao đẹp.” Cựu Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Javier Pérez de Cuéllar cho rằng: "Bà là Liên Hiệp Quốc. Bà là hòa bình của thế giới."

Ngày 19 tháng 10 năm 2003, Giáo hội Công giáo cử hành lễ phong chân phước cho Mẹ Têrêxa. Hội đồng Giám mục Ấn Độ đã chính thức đề nghị Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ tuyên bố ngày do là ngày lễ nghỉ của quốc gia. Năm 2016 Giáo Hoàng Phanxicô đã chính thức tuyên thánh cho Mẹ Têrêxa. Nhóm Sống Cao Thượng Agape xin cùng đồng hành với các bạn trong những việc nhỏ nhưng với một tình yêu lớn mà các bạn sắp thực hiện. Chúng ta sẽ trở thành cây bút chì như Mẹ Têrêxa và mong các bạn cùng tô điểm cho quê hương và thế giới mỗi ngày một tươi đẹp hơn, dù cho bạn và chúng tôi là những cây bút chì gãy, nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng, bạn nhé!
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây