Bài phỏng vấn Tân Giám Mục: “Có Một Chữ Duyên”

Thứ năm - 15/08/2024 05:04 | Tác giả bài viết: Ban VHTT – GP.BMT |   179
Kính chào Đức cha, con xin mạn phép đặt tên cho buổi trò chuyện này là “Có Một Chữ Duyên”.

Giáo phận Ban Mê Thuột
Ban Văn Hóa và Truyền Thông

 

BÀI PHỎNG VẤN ĐỨC TÂN GIÁM MỤC
“CÓ MỘT CHỮ DUYÊN”

BMT 150824a


Cha Antôn Vũ Thanh Lịch: Kính chào Đức cha, con xin mạn phép đặt tên cho buổi trò chuyện này là “Có Một Chữ Duyên”. Nhưng trước khi nói đến cái tên đó, xin có đôi điều muốn hỏi Đức Cha.

Thưa Đức Cha, vậy là cuối cùng, Chúa đã nhậm lời và đã chọn cho Giáo phận Ban Mê Thuột một Tân Giám mục là chính Đức cha. Xin hỏi đây có phải là một bất ngờ đối với bản thân Đức cha không? Hay là đã được chuẩn bị từ trước đó?

Đức Tân Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc:         
Thưa cha, mặc dù một cách nào đó và ít nhiều con đã được chuẩn bị từ trước, trong tiến trình dài với nhiều khó khăn của việc tuyển chọn và bổ nhiệm, có những lúc ồn ào nhưng có những lúc im lặng cách lạ thường, mãi cho tới những ngày cuối cùng trước khi công bố, nhất là vào lúc Tòa thánh hỏi ý kiến, đặc biệt là vài ngày cầu nguyện đặc biệt và suy nghĩ thêm trước khi trả lời, lòng con vẫn cảm thấy một chút bất ngờ. Bất ngờ vì Thiên Chúa qua Giáo hội lại yêu thương tuyển chọn một con người vốn bất toàn và bất xứng trước hồng ân lớn lao cao cả và giao cho một sứ mạng rất nặng nề. Bởi thế, đối diện với một chút băn khăn lo lắng, con chỉ biết tín thác tuyệt đối vào tình yêu và quyền năng của Chúa để rồi can đảm thưa xin vâng.

Cha Antôn: Chắc hẳn là mỗi Giám mục đều đã chọn cho mình một Khẩu hiệu làm việc, xin được hỏi, với Đức cha, gương Thánh Quan thầy Gioan Baotixita có ảnh hưởng thế nào trong sự chọn lựa này không?

Đức Tân Giám mục:           
Vâng thưa cha, mặc dầu khẩu hiệu con chọn dường như không liên quan trực tiếp đến Thánh Quan Thầy, nhưng nếu hiểu một cách sâu xa, có thể nói gương sáng của Thánh nhân ít nhiều và một cách nào đó đã tác động không nhỏ đến chọn lựa khẩu hiệu của mình đó là để ơn Chúa hoạt động của Ngài lớn lên trong đời sống và sứ vụ của con.

Cha Antôn: Nói đến Gioan Tiền Hô, người ta nghĩ ngay đến sự khó nghèo và khiêm tốn; nhưng quan trọng hơn, chính Chúa đã khẳng định: Không có tiên tri nào trọng hơn ông. Còn đối với thánh nhân, câu nói “Tôi không đáng cởi dây giày cho Người” đã là một hình ảnh ấn tượng mà ngài để lại cho hậu thế. Điều này có ảnh hưởng gì đến cuộc đời của Đức cha không?

Đức Tân Giám mục:
Vâng thưa cha, lời khẳng định của Chúa Giêsu về thánh Gioan, và lời xác quyết của Thánh Gioan về chính mình ít nhiều đã ảnh hưởng đến cuộc đời và sứ vụ của con, cụ thể, con luôn cố gắng tự nhắc nhở chính mình khi thi hành sứ vụ: nên tự xác định mình là ai? Định vị xem mình đang ở vị thế nào? Đâu là giới hạn của mình?..., nhất là không nhận vào mình những gì không thuộc về mình, trái lại sống đúng với vai trò và địa vị bất khả thay thế của mình trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, từ đó cố gắng sống và làm tròn vai.

Cha Antôn: Bây giờ chúng ta nói đến cái tên “Có Một Chữ Duyên” của câu chuyện.

Cách đây 57 năm, cậu bé Nguyễn Huy Bắc được sinh ra tại vùng đất Châu Sơn Ban Mê Thuột và đã nhận tên Thánh Quan thầy là Gioan Baotixita.

Cũng trong năm này, Giáo phận Ban Mê Thuột được khai sinh và Đức cha Tiên khởi Phêrô Nguyễn Huy Mai đã chọn một câu nói của thánh Gioan Baotixita làm khẩu hiệu làm việc cho mình. “Ngài Phải Lớn Lên Còn Tôi Thì Nhỏ Lại” (Ga 3,30). Thật là khiêm tốn cho một khởi đầu hoạt động.
Tôi nhỏ lại để thấy “Thiên Chúa Đấng giàu lòng thương xót” của Cố Giám mục Giuse Trịnh Chính Trực.
Tôi nhỏ lại để “Đạt tới người mới” của Đức cố Giám mục Giuse Nguyễn Tích Đức.
Tôi nhỏ lại “Trong tinh thần và chân lý” theo châm ngôn của Cố Giám mục Giám quản Phaolo Nguyễn Văn Hòa.
Tôi nhỏ lại để “Bước theo Thần Khí” của Đức cha tiền nhiệm Vinhsơn Nguyễn Văn Bản.

Vậy hôm nay, chúng con có thể được phép hỏi Đức cha: Tôi nhỏ lại để… Để trong lòng cộng đoàn tín hữu chúng con hiểu và ghi đậm ấn tượng về khẩu hiệu của Đức cha?

Đức Tân Giám mục:
Thưa cha, theo suy tư sâu sắc của cha, khẩu hiệu của con cũng có thể được hiểu là tôi nhỏ lại để “Có Chúa cùng hoạt động”. Khẩu hiệu được trích từ Tin Mừng theo thánh Marcô: “Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, CÓ CHÚA CÙNG HOẠT ĐỘNG với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.” (Mc 16,20).

Đây vừa là niềm xác tín, vừa là định hướng cho hành trình sứ vụ.
- Là niềm xác tín, vì Chúa Giêsu đã phán: “không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,20).
- Là định hướng, vì “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5) nhằm nhắc nhở và mời gọi thi hành sứ vụ cần khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn và giới hạn, để không ngừng tin tưởng vào sự hiện diện năng động và hoạt động hữu hiệu của Chúa.

Cha Antôn: Thêm một cái duyên nữa con muốn nói ở đây: Vừa qua, ngày 13/7, Đức cha được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Ban Mê Thuột. Trước đó vài ngày, ngày 9 và 10/7, Gp. Ban Mê Thuột đăng cai tổ chức tĩnh huấn cho Giới trẻ Giáo Tỉnh Huế. Sau đó, ngày 14/7, là ngày bổn mạng Quý Thầy cô giáo do Ban Giáo Dục Công giáo Giáo phận tổ chức. Với 3 sự kiện lớn xảy ra gần như cùng một lúc như vậy, Đức cha có cảm thấy mình có chút duyên với thế hệ tương lai của giáo hội không? Và Đức Cha có nhận định và một hướng đi cho Giới trẻ Giáo phận, như một món quà của Đức Tân Giám mục dành cho các bạn trẻ được không?

Đức Tân Giám mục:
Vâng, thưa cha, đây là một câu hỏi rất thú vị, cách nào đó liên quan đến 3 sự kiện trong 1 người: Sự kiện tĩnh huấn giới trẻ diễn ra vào ngày 9 và 10/7; ngày 13 tháng 7, Tòa Thánh Công bố bổ nhiệm tân giám mục Giáo phận; và ngày 14/7 tĩnh huấn giáo chức Công giáo. Quả thực, nhìn từ lăng kính của đức tin, con thấy mình không những có một chút duyên mà còn thắm duyên với thế hệ tương lai và ngày công bố bổ nhiệm như là đỉnh cao của duyên kỳ ngộ.

Với giới trẻ, con bắt đầu bén duyên với thanh thiếu niên từ lúc được đặt làm người đặc trách giáo lý viên và chăm sóc thiếu nhi giáo xứ Châu Sơn; rồi, chính vì muốn được nên duyên dài lâu và hiệu quả mà con cháy bỏng niềm khát khao theo đuổi ơn gọi làm linh mục; duyên lại thêm duyên, con lại được gửi đi học thêm về huấn giáo; và khát khao cho duyên này được thắm nồng đã thành hiện thực khi con được giao phó nhiệm vụ chăm sóc và huấn luyện giới thanh thiếu niên; và giờ đây duyên này hy vọng sẽ được thắm nồng hơn khi con được trao phó trách nhiệm chăm sóc mục vụ của Giáo phận trong đó có giới trẻ.

Với quý thầy cô công giáo, những người giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo nên thế hệ tương lai. Không biết chỉ là một sự trùng hợp bất ngờ hay là thiên ý. Con bắt đầu bén duyên với với quý thầy cô công giáo vào dịp lễ Chúa Kitô năm 2005, khi con cùng với thầy Long quy tụ khá đông đảo quý thầy cô công giáo của các giáo xứ vùng Phước Long về họp mặt tại giáo xứ Phước Long lần đầu tiên, và con đã phát biểu rằng: “Đây là một “lượng” chất xám vô cùng quý giá của Giáo hội nhưng đã bị lãng quên trong dòng thời gian vì nhiều lý do. Giờ đây, tôi muốn anh chị em đặt mình trước mặt Chúa để trả lời 2 câu hỏi: 1. Tôi đã làm được gì cho Giáo hội? 2. Và tôi sẽ làm gì cho Giáo hội? Khởi đi từ cuộc hạnh ngộ khởi duyên đó, các cuộc họp mặt liên tiếp được diễn ra hàng năm, thay đổi địa điểm và số người tham gia ngày càng đông. Sau đó, vì thay đổi nhiệm vụ và chuyển đổi địa điểm mục vụ, con không còn trực tiếp gắn bó với quý thầy cô, nhưng một cách nào vẫn tiếp tục đồng hành từ xa.

Quả thực, sinh hoạt của giới trẻ tại các giáo xứ đang đối diện với nhiều khó khăn, tựu trung có hai nguyên nhân chính: vì công ăn việc làm và vì nội dung sinh hoạt chưa đủ hấp dẫn cuốn hút các bạn trẻ. Cụ thể, một số giáo xứ, nhiều bạn trẻ chấp nhận rời xa gia đình và giáo xứ để lên thành phố tìm kiếm việc làm hầu tăng thu nhập, khiến giáo xứ không còn giới trẻ để duy trì sinh hoạt, còn các bạn trẻ xa nhà có khuynh hướng bỏ bê đời sống đức tin. Đàng khác, nhiều giáo xứ vẫn còn đông các bạn trẻ nhưng chưa thể quy tụ thường xuyên, hoặc nội dung chương trình sinh hoạt chưa đủ hấp dẫn để giúp duy trì và phát triển đời sống đức tin của các bạn trẻ. Hơn thế nữa, các sinh hoạt tập trung đông đảo cấp Giáo phận chỉ giống như ngọn lửa bùng lên rồi lại tắt, vì khi trở về với giáo xứ không có cơ hội duy trì. Quả, đây là một trong những ưu tư rất lớn của người mục tử đối với thế hệ tương lai. Trong cương vị mới, con tự nhủ lòng mình cần phải cố gắng phối hợp nhiều hơn với những người hữu trách để tìm kiếm một định hướng thiết thực cùng với những thực hành cụ thể và hữu dụng đối với mục vụ Giới Trẻ. Ước mong sao những người vốn có sẵn nhiệt huyết tuổi trẻ này, có thêm nhiều cơ hội để củng cố đức tin, trau dồi kiến thức tôn giáo, rèn luyện kỹ năng sống và tài bồi nhiệt huyết tông đồ, nhờ đó, họ tích cực tham gia vào đời sống của Giáo hội và sẵn sàng làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường sống của mình.

Cha Antôn: Nhìn rộng ra hơn, với một Giáo phận rộng lớn về địa lý, đa văn hóa, đa sắc tộc, đó có phải là một khó khăn cho sứ vụ của mình, hay đây là một cơ hội để Chúa Thánh Thần dùng Đức cha mà dẫn dắt Giáo phận trong tương lai?
Và xin Đức Cha chia sẻ với cộng đoàn dân Chúa một cách khái quát, hướng đi cho Giáo phận trong tương lai, trước mắt là cho Ngày Ngọc Khánh Giáo phận sắp tới đây.

Đức Tân Giám mục:
Thưa cha, dưới lăng kính đức tin, đối với con, phục vụ một Giáo phận rộng lớn về địa lý, đa văn hóa và đa sắc tộc vừa là một khó khăn nhưng cũng vừa là một cơ hội. Khó khăn vì di chuyển trong một Giáo phận vừa rộng vừa dài mất rất nhiều thời gian và đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, hơn nữa, thi hành mục vụ trong bối cảnh đa văn hóa và đa sắc tộc là một vấn đề mang tính thời sự và nhạy cảm đòi hỏi rất nhiều yếu tố, kỹ năng và cả những phẩm chất cần thiết như tế nhị và khôn khéo. Bên cạnh những khó khăn, con cũng cảm thấy đây là một cơ hội để Chúa Thánh Thần hoạt động, vì Chúa Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất không những về đức tin mà cả về ngôn ngữ và văn hóa. Đặc biệt, không biết có phải là cái duyên hay không nữa, bởi điều này dường như có liên quan đến khẩu hiệu mà con chọn: Có Chúa Cùng Họat Động (Mc 16,20): Có Chúa cùng hoạt động trong sứ vụ nhờ THÁNH THẦN thúc đẩy; THÁNH THỂ nuôi dưỡng và THÁNH KINH soi đường.

Ngay trong những ngày tĩnh tâm, con đã bắt đầu nghĩ đến việc tổ chức mừng ngọc khánh của Giáo phận. Nhưng bây giờ, con chưa thể nói được gì nhiều bởi cần có sự đóng góp của nhiều thành phần trong Giáo phận, con chỉ dám nghĩ một điều thôi đó là làm sao biến tâm tình tạ ơn Chúa thành hành động cụ thể qua việc mời gọi toàn thể gia đình Giáo phận cùng hiệp hành để tham gia việc truyền giáo đúng như danh xưng của Giáo phận trong ngày thành lập.

Cha Antôn: Và câu hỏi cuối cùng. Thật là vinh dự khi Đức cha là người được chọn trong một hàng ngũ linh mục đa thế hệ và có trình độ tương đối cao về các môn học xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên. Đức cha nhìn thấy ở đây đâu là thuận lợi, đâu là thách thức cho sứ vụ của mình?

Đức Tân Giám mục:
Con tạ ơn Chúa, bởi con được sinh ra và trưởng thành lên trong lòng mẹ Giáo phận và đã từng gắn bó với bao thăng trầm của Giáo phận, con lại được làm việc chung với hàng ngũ linh mục đa thế hệ. Vì thế, lãnh nhận sứ mạng mục tử tại Giáo phận nhà, con vừa có những thuận lợi vừa đối diện với những thách thức:

Về thuận lợi, trước hết, như một Đức Cha đã nhận xét: Giáo phận Ban Mê Thuột có hai lợi thế rất lớn, thứ nhất là hàng ngũ linh mục sẵn sàng cộng tác và tích cực dấn thân; thứ hai là đông đảo giáo dân sống đạo nhiệt thành. Thứ đến, là người được sinh ra và trưởng thành giữa lòng Giáo phận, phần nào đó con cũng hiểu được ít nhiều về tình hình và nhu cầu thực tế của Giáo phận, có lẽ đây cũng là một trong những thuận lợi. Sau cùng, với một ít vốn liếng kiến thức về Truyền giáo và Huấn giáo cũng như kinh nghiệm thủ đắc được sau hơn 24 năm linh mục, hy vọng phần nào giúp ích cho sứ vụ mục tử của con tại Giáo phận nhà.

Bên cạnh những thuận lợi cũng có rất nhiều thách thức, nhưng ở đây con xin đề cập đến một vài thách thức tiêu biểu: Trước hết, với một con người còn thiếu, còn yếu và giới hạn về nhiều mặt như bản thân con, để có thể phục vụ và đáp ứng nhu cầu cho một Giáo phận rộng lớn và đông đảo tín hữu là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải khiêm tốn lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm và tích cực mời gọi sự cộng tác của nhiều người, mới có thể thi hành sứ vụ hiệu quả. Thứ đến, làm thế nào và làm cách nào để có thể giúp các tín hữu giữ vững và sống đức tin giữa vòng xoáy của một thời đại thông tin đại chúng phát triển nhanh như vũ bão, cùng với sự thâm nhập nhanh chóng, mạnh mẽ và sâu rộng của các trào lưu như hưởng thụ, tục hóa, tôn sùng thái quá chủ nghĩa tự do cá nhân,… là thách đố lớn lao đòi hỏi người mục tử của thời đại. Vì thế, người phục vụ dân Chúa cần phải có một đức tin tinh tuyền, một sự hiểu biết sâu rộng, một khả năng nhạy bén và một khả năng cập nhật kịp thời mới có thể đáp ứng nhu cầu mục vụ.

Con xin phó thác tất cả mọi thuận lợi và cùng mọi thách thức của sứ vụ mục tử dưới soi sáng và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, sự bảo trợ của Mẹ Maria và sự phù trì của các Thánh Tử đạo Việt Nam, Quan Thầy Giáo phận, cùng với sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể gia đình Giáo phận để cùng chung xây một giáo hội hiệp hành như ý Chúa muốn.

Xin cảm ơn cha và xin Chúa chúc lành cho Giáo phận thân yêu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau và đồng tâm hiệp lực để chung xây một gia đình Giáo phận hiện hành.

Con trân trọng kính chào

Cha Antôn: Vậy là chúng con, thưa Đức cha, cộng đồng tín hữu của Giáo phận có quyền hy vọng gương thánh Quan Thầy sẽ đi cùng với Đức cha trong suốt hành trình sứ vụ của mình.

Cám ơn Đức Cha đã bớt chút thì giờ để chia sẻ cho chúng con một câu chuyện đáng nhớ nhân ngày Đức cha nhận sứ vụ mới. Xin Chúa chúc phúc cho sứ vụ mới của Đức cha và cho đứa con mới lớn của Chúa là Giáo phận Ban Mê Thuột chúng ta. Trân trọng kính chào.

 

Ban Văn Hóa và Truyền Thông Giáo phận Ban Mê Thuột thực hiện

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây