Israel và Hamas: chờ ánh sáng cuối đường hầm

Chủ nhật - 12/05/2024 07:31 | Tác giả bài viết: Giuse Trần Đức Anh O.P. |   183
Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn liên tục mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho một giải pháp hòa bình lâu bền giữa Israel và Palestine.
Israel và Hamas: chờ ánh sáng cuối đường hầm

Israel và Hamas: đợi chờ ánh sáng cuối đường hầm

Trong bối cảnh Israel phản công trả đũa vụ Hamas tấn công Israel vào tháng 10/2023 khiến 35 ngàn người tại Gaza thiệt mạng, trong đó đa số là trẻ em, trong các buổi tiếp kiến chung và đọc kinh Truyền Tin, kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn liên tục mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho một giải pháp hòa bình lâu bền giữa Israel và Palestine. Và mặc dù đã có nhiều cuộc thương lượng giữa hai bên, nhưng cho đến nay người ta vẫn tự hỏi: bao giờ sẽ có ánh sáng ở cuối đường hầm?

 

Thế kẹt của chính phủ Israel

Trong một bài xã luận ngày 9/5 vừa qua (2024), ký giả Riccardo Cascioli của trang mạng “Chỉ nam mới hằng ngày” (Nuova Bussola quotidiana) ở Ý, mô tả tình trạng phức tạp của cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Gaza.

Thủ tướng Netanyahu “trên đe dưới búa”

Ông Cascioli viết: “Hiển nhiên tất cả đều mong muốn vũ khí im tiếng, ít là trong một thời gian, trong đó người ta có thể nối lại những đường dây để tìm ra một giải pháp chính trị; nhưng xét một cách thực tiễn, đó không phải là một công việc dễ dàng và dẫu sao, dù việc ngưng chiến là điều đáng mong ước, nhưng vì những viễn tượng không sáng sủa lắm khiến chúng ta bớt lạc quan phấn khởi”.

Khó khăn của việc ngưng bắn

Những khó khăn đối với việc ngưng chiến đến từ cả hai phía. Trước hết thủ tướng Natanyahu ở trong tình trạng trên đe dưới búa: một đàng tất cả các nước tây phương tạo sức ép rất mạnh mẽ để tránh cuộc tấn công vào thành Rafah ở miền nam Gaza, đến độ Mỹ đã phải ngưng cung cấp vũ khí tấn công cho Israel. Đồng thời cả thân nhân các con tin và rất nhiều người Israel cũng tiếp tục xuống đường trong những ngày này để yêu cầu nhất là làm sao để các con tim được trở về và có một hiệp định hòa bình.

Nhưng đàng khác, Netanyahu phải đối đầu với phe cực hữu tại Israel, với hai bộ trưởng trong chính phủ của ông: Bezalél Smotrich và Itamar Ben Gvir. Hai người này tạo sức ép: nếu không tấn công Rafah thì sẽ làm đổ chính phủ Israel hiện nay. Ngoài ra nếu Natanyahu chấp nhận ngưng bắn chung kết, thì như vậy có nghĩa là ông chấp nhận một sự thất bại, xét vì mục tiêu ông vẫn tuyên bố trong chiến tranh này là tiêu diệt Hamas, đẩy xa khỏi miền Gaza: sự thất bại đó là một thảm họa về chính trị và quân sự sau 7 tháng chiến tranh đẫm máu, dần dần ngày càng cô lập Israel trên chính trường quốc tế.

Phía Hamas

Về bên kia chiến tuyến, hiển nhiên là Hamas lợi dụng những khó khăn của Netanyahu và gia tăng đòi hỏi, là chấp nhận kế hoạch dự kiến ngưng bắn chung kết và Israel hoàn toàn rút quân khỏi Gaza, điều dễ hiểu là những điều này là những biện pháp mà chính phủ Israel không thể chấp nhận. Vả lại, sau khi dồn Netanyahu vào góc tường, Hamas cũng chẳng quan tâm tìm một thỏa hiệp với Israel.

Vì thế, thực tế ngày nay có hai giải pháp: thứ nhất là một cuộc ngưng bắn bị coi là một sự thất bại đối với chính phủ Israel, với việc hợp thức hóa sự hiện diện của Hamas ở Gaza. Điều này có nghĩa là một đảng dân quân có mục đích là tiêu diệt Israel và mặc dù Hamas đã bị mất một phần các cơ cấu quân sự trong những tháng qua, nhưng về phương diện chính trị, Hamas đã được củng cố về chính trị với sự oán ghét Israel mà cuộc hành quân do Netanyahu mong muốn đã góp phần làm gia tăng rất nhiều: không những nơi dân Palestine nhưng cả nơi các nước Hồi giáo và trên thế giới, như các cuộc biểu tình ở Tây phương cho thấy.

Viễn tượng đen tối

Nếu Israel tấn công qui mô vào thành Rafah, thì sẽ tạo nên tất cả những hậu quả thê thảm, trước tiên về phương diện nhân đạo, và cả về mặt chính trị quân sự nữa. Sự đánh bại và tiêu diệt Hamas vẫn là điều rất có thể sẽ không thành tựu như kinh nghiệm những tháng qua cho thấy, nhưng chỉ gia tăng con số các nạn nhân và tàn phá, và người ta chưa rõ kế hoạch của Israel, sau khi kết thúc cuộc tấn công. Đồng thời sự tàn phá thành phố Rafah càng làm cho các đồng minh rời xa Israel.

Tóm lại, trước dấu hiệu đáng lo âu về sự dễ bị tổn thương do cuộc thảm sát của Hamas ngày 7/10/2023, người ta đang có thêm dấu hiệu về sự yếu thế của Israel, không có khả năng tiêu diệt quân thù của mình, bị chia rẽ trong nội bộ với những tương quan ngày càng hao mòn với các đồng minh Tây phương. Tình trạng này đè nặng trách nhiệm trên chính phủ của thủ tướng Netanyahu hiện nay.

Dè dặt đối với Hamas

Điều nghịch lý có lợi cho Israel có thể đến từ các nước Hồi giáo: đối với họ, có thể có nguy cơ cho an ninh nội bộ của họ và trong miền, nếu những người Hamas cực đoan tăng trưởng và sự củng cố của những người bảo trợ cho Hamas là Iran và Qatar. Điều hiển nhiên là một chiến thắng của Hamas không phải là điều tốt cho nhân dân Palestine, và đó cũng là điều đáng lo đối với cả Âu châu vì sẽ thúc đẩy trào lưu cực đoan tại các nước Tây phương.

Đứng trước viễn ảnh đó, điều càng quan trọng hơn, đó là một hoạt động chính trị ngoại giao quốc tế, không chỉ thu hẹp vào việc tạo sức ép để đạt tới cuộc ngưng chiến ngay lập tức. Dù công trình phức tạp, cần phải đi tới tận gốc cuộc xung đột này, để tìm ra giải pháp chính trị lâu bền, và tiền đề cơ bản là phải quyết liệt loại bỏ sự tiêu diệt nhau”.

Lạc quan và hy vọng nơi giáo xứ Thánh Gia

Trong bối cảnh u tối trên đây, không thiếu những dấu chỉ hy vọng và những cố gắng tích cực, như chứng từ tại giáo xứ Công giáo La tinh duy nhất ở Gaza, giáo xứ Thánh Gia.

Hãng tin Sir của Hội đồng Giám Mục Ý, truyền đi ngày 10/5/2024, đã đăng chứng từ:

Ông George Anton, giám đốc hành chánh của Caritas Jerusalem ở Gaza, kể lại rằng: “Hơn 5 ngàn giờ đã qua, và cuộc sống của chúng tôi trở thành một cuộc chiến đấu để sống còn, dưới bom đạn, kiên cường và bền chí”.

Tại giáo xứ Công Giáo Latinh duy nhất ở Gaza, nơi ông sống với 462 tín hữu Kitô, trong khi có 208 người khác ở trong giáo xứ thánh Porfirio của Chính Thống giáo, cách đó không xa.

Những lời kể của ông được truyền đi qua mạng xã hội với hy vọng chứng từ của ông đến với nhiều người bao nhiêu có thể: “Hơn 5 ngàn giờ liên đới và hy vọng, bất mãn và thất vọng, nhưng chúng không cản trở chúng tôi cười đùa, giải trí, cầu nguyện, khẩn cầu, ăn chay và thực hành những công việc bác ái. Hơn 5 ngàn giờ trải qua trong sự gắn bó với quê hương và căn cội của chúng tôi”.

Hiện nay, gọng kìm của quân đội Israel ở thành phố Gaza, miền bắc giải đất này, nơi có giáo xứ Công Giáo La tinh, dường như được nới lỏng, trong khi tại thành phố Rafah ở miền nam Gaza, giáp giới với Ai Cập, có khoảng 110 ngàn người tị nạn chạy khỏi thành phố này sau khi Israel gia tăng các cuộc dội bom và pháo kích. Sự sợ hãi được cụ thể hóa qua đe dọa tấn công bằng đường bộ và đang thúc đẩy nhiều người tị nạn tìm nơi an toàn để ẩn náu. Đối với tất cả dân chúng địa phương, hy vọng duy nhất là cuộc ngưng bắn”.

Nữ tu Pilar

Về phần Nữ tu Maria del Pilar, người Argentina, thuộc dòng Ngôi Lời Nhập Thể (IVE), thừa sai tại Gaza, nói với hãng tin Sir của HĐGM Ý rằng: “Bây giờ, các gia đình dễ kiếm lương thực hơn và họ có thể mua được, mặc dù giá cả còn cao. Những ngày đầu chiến tranh, ở giáo xứ này, chúng tôi có hơn 700 người, ngày nay số người giảm xuống dưới 500 người. Nhiều người đã rời khỏi đây. Có những người muốn ra khỏi miền Gaza và muốn sang Ai Cập, nhưng rất khó khăn vì tình hình tại Rafah ở miền nam".

Nữ tu Pilar không do dự mô tả những ngày này là “tương đối yên hàn” như một ơn của Chúa. Sơ nghĩ lại những ngày xung đột trong những tháng qua, những vụ dội bom giữa đêm khuya, các tín hữu Kitô bị bắn chết trong khuôn viên giáo xứ và những người bị thiệt mạng ở nhà thờ thánh Porfirio của Chính Thống. Sơ nói: “Sự sợ hãi vẫn luôn hiện diện, nhưng điều này vẫn không cấm cản chúng tôi tổ chức trong khuôn viên giáo xứ những trò chơi cho các trẻ em, những lớp giáo lý. Qua đó chúng tôi tạo nên được những giờ giải trí cho các trẻ em vốn chịu đau khổ vì chiến tranh và bị chấn thương”.

Về những người lớn, các cha mẹ tị nạn trong giáo xứ, sơ Pilar xác tín rằng: “Hơn cả lương thực và nước, tuy là cần thiết, trong những tháng chiến tranh này, chính đức tin mang lại sức mạnh cho chúng tôi. Chúng tôi bám chặt vào Chúa Giêsu để khỏi lâm vào tình trạng xuống tinh thần, trầm cảm, và hoàn toàn tuyệt vọng. Cùng với cha phó Youssef Asaad, chúng tôi nói chuyện nhiều với các gia đình, trải qua thời gian với các trẻ em của chúng tôi. Trong những tháng này, một sự trợ giúp lớn đến từ các phụ nữ, các bà mẹ, họ lãnh trách nhiệm tổ chức đời sống trong giáo xứ, từ việc giúp đỡ các trẻ em cho đến việc làm bếp, chứng tỏ sức mạnh của niềm tin trong mọi lúc.

Sơ Pilar cũng nhấn mạnh đến Đức Thánh Cha Phanxicô và nói: “Sự hiện diện, sự gần gũi của ngài đối với chúng tôi là một động lực an ủi lớn. Ngài không ngừng gọi điện đến giáo xứ và thường nói chuyện với các giáo dân, và với cả các trẻ em nữa. Sự chúc lành của ngài mang lại cho chúng tôi rất nhiều sức mạnh. Như thể ngài hiện diện ở đây với chúng tôi, và đúng hơn có thể nói ngài là một người trong chúng tôi!” (Sir 10/5/2024).

G. Trần Đức Anh, O.P.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây