Trực tuyến Thánh Lễ Mẹ Thiên Chúa (1/1/2024)

Chủ nhật - 31/12/2023 20:50 | Tác giả bài viết: |   217
Thánh Lễ Mẹ Thiên Chúa tại Đền thờ thánh Phêrô do Đức Thánh Cha chủ sự. Múi giờ: 10:00 giờ Roma; 16:00 giờ Việt Nam.
Trực tuyến Thánh Lễ Mẹ Thiên Chúa (1/1/2024)

Truyền hình trực tiếp Thánh Lễ Mẹ Thiên Chúa (1/1/2024)

Thánh Lễ Mẹ Thiên Chúa tại Đền thờ thánh Phêrô do Đức Thánh Cha chủ sự. Múi giờ: 10:00 giờ Roma; 16:00 giờ Việt Nam.
 

Ngày 1/1, Lễ Mẹ Thiên Chúa, lúc 10 giờ sáng giờ Roma, tức lúc 4 giờ chiều giờ Việt Nam, Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Mẹ Thiên Chúa và cầu bình an cho năm mới. Vatican News Tiếng Việt sẽ truyền hình trực tiếp Thánh Lễ với thuyết minh tiếng Việt, và được phát trên website và kênh Youtube của Vatican News Tiếng Việt.

 

 
 

Thánh lễ Mẹ Thiên Chúa do Đức Thánh Cha chủ sự

Lúc 10 giờ sáng thứ Hai, ngày 1/1, Đức Thánh Cha đã dâng lễ trọng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa cùng với khoảng 7 ngàn tín hữu hiện diện trong Đền thờ thánh Phêrô. Ngày 1/1/2024 cũng là ngày Thế giới Hoà bình lần thứ 57 với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và hòa bình”. Với thánh lễ trọng thể Mẹ Thiên Chúa, Đức Thánh Cha cũng phó thác nơi Mẹ hoà bình của thế giới trong năm mới.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Những lời của Tông đồ Phaolô soi sáng sự khởi đầu của năm mới: “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ” (Gal 4:4). Cụm từ “thời gian tới hồi viên mãn” thật ấn tượng. Vào thời cổ đại, người ta có phong tục đo thời gian bằng cách làm rỗng và đổ đầy chiếc vò hai quai: khi chúng trống rỗng, một khoảng thời gian mới bắt đầu và kết thúc khi chúng đầy. Đây là thời điểm viên mãn: khi chiếc vò hai quai của lịch sử lấp đầy, thì ân sủng của Thiên Chúa tràn ngập: Thiên Chúa trở thành con người và làm người nơi cung lòng của một người nữ, Đức Maria. Mẹ là con đường Chúa đã chọn; Mẹ là đích điểm của nhiều người và nhiều thế hệ, những người “từng chút một” đã chuẩn bị cho việc Chúa đến trong thế giới. Như vậy, Mẹ là trung tâm của thời gian: Thiên Chúa vui lòng làm thay đổi lịch sử ngang qua Mẹ, một người nữ. Với từ này, Kinh Thánh nhắc chúng ta về nguồn cội, về Sáng Thế, và gợi ý rằng Người Mẹ với Hài Nhi đánh dấu một cuộc tạo dựng mới, một khởi đầu mới. Do đó, vào lúc khởi đầu thời kỳ cứu độ có Mẹ Thiên Chúa, Mẹ thánh thiện của chúng ta.

Thật tuyệt vời khi năm mới mở ra bằng cách cầu khẩn Mẹ; Thật tuyệt vời khi dân Thiên Chúa, như đã từng ở Êphêsô, hân hoan tuyên xưng Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Những lời Mẹ Thiên Chúa thực sự diễn tả sự chắc chắn tươi vui rằng Chúa, Hài Nhi dễ mến trong vòng tay của Mẹ, đã mãi mãi hiệp nhất với nhân tính chúng ta, đến mức nhân tính này không còn là của riêng chúng ta, mà còn của Người. Mẹ Thiên Chúa: chỉ trong vài lời đã nói lên mối liên minh vĩnh cửu của Chúa với chúng ta. Mẹ Thiên Chúa: đó là một tín điều của đức tin, nhưng cũng là một “tín điều hy vọng”: Thiên Chúa ở trong con người và con người ở trong Thiên Chúa, mãi mãi. Mẹ Thánh của Thiên Chúa.

Vào thời viên mãn Chúa Cha đã sai Con của Người được sinh ra bởi một người phụ nữ; nhưng bản văn của Thánh Phaolô bổ sung thêm lời sai phái thứ hai: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : ‘Áp-ba, Cha ơi !’” (Gal 4,6). Và ngay cả trong việc sai Chúa Thánh Thần, Người Mẹ vẫn là nhân vật chính: Chúa Thánh Thần bắt đầu ngự xuống trên Mẹ trong Ngày Truyền Tin (xem Lc 1:35), rồi vào lúc khởi đầu của Giáo Hội, Người ngự xuống trên các Tông Đồ tụ họp cầu nguyện “với Đức Maria, người Mẹ” (Cv 1:14). Vì vậy, sự chào đón của Đức Maria đã mang đến cho chúng ta những hồng ân lớn lao nhất: Mẹ đã “làm cho Chúa trở thành anh em của chúng ta” (TOMMASO DA CELANO, Vita Seconda, CL, 198: FF 786) và để cho Chúa Thánh Thần kêu lên trong tâm hồn chúng ta: “Abba, Cha ơi! ”. Tình mẫu tử của Đức Maria là con đường để gặp được tình phụ tử dịu dàng của Thiên Chúa, con đường gần gũi nhất, trực tiếp nhất, dễ dàng nhất. Đây là cách của Thiên Chúa: gần gũi, thương cảm và dịu dàng. Thật vậy, Người Mẹ dẫn chúng ta đến sự khởi đầu và trái tim của đức tin, vốn không phải là một lý thuyết hay một cam kết, nhưng là một hồng ân vô hạn, khiến chúng ta trở thành con cái yêu dấu, trở thành nơi cư ngụ của tình yêu của Chúa Cha. Vì vậy, việc chào đón Mẹ vào cuộc đời chúng ta không phải là một lựa chọn sùng kính mà là một đòi hỏi của đức tin: “Nếu chúng ta muốn trở thành Kitô hữu, chúng ta phải là những người của Đức Mẹ” (S. PAUL VI, Bài giảng ở Cagliari, 24 tháng 4 năm 1970), nghĩa là những người con của Đức Mẹ.

Giáo hội cần Đức Maria để tái khám phá khuôn mặt nữ tính của mình: trở nên giống Mẹ hơn, Đấng, với tư cách là một người phụ nữ, Trinh nữ và là người Mẹ, đại diện cho mẫu mực và hình dáng hoàn hảo (xem Lumen gentium, 63); để dành không gian cho phụ nữ và trổ sinh ngang qua việc chăm sóc mục vụ được thực hiện bằng sự quan tâm và chăm sóc, sự kiên nhẫn và lòng can đảm của người mẹ. Nhưng thế giới cũng cần nhìn vào các bà mẹ và phụ nữ để tìm thấy sự bình an, thoát khỏi vòng xoáy bạo lực và hận thù, và trở về với những cái nhìn và trái tim con người nhìn thấy được. Và mọi xã hội cần đón nhận món quà của người phụ nữ, của mọi người phụ nữ: tôn trọng, bảo vệ, quý trọng người nữ, biết rằng ai làm tổn thương một người phụ nữ là xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng được sinh ra bởi một người phụ nữ.

Đức Maria, người phụ nữ, vừa là người mang tính quyết định trong thời gian viên mãn, vừa là người mang tính quyết định đối với cuộc sống của mỗi người; bởi vì không ai biết rõ thời cơ và sự cấp bách của con cái mình hơn Mẹ. Điều này một lần nữa được tỏ ra cho chúng ta qua “sự khởi đầu”, dấu lạ đầu tiên được Chúa Giêsu thực hiện tại tiệc cưới Cana. Ở đó, chính Mẹ Maria nhận thấy thiếu rượu và quay lại với Người (xem Ga 2,3). Chính nhu cầu của con cái đã động lòng Mẹ, Người Mẹ, để thúc đẩy Chúa Giêsu can thiệp. Và tại Cana, Chúa Giêsu nói: “Hãy đổ đầy nước vào các chum; và họ đổ đầy tới miệng” (Ga 2,7). Đức Maria, Đấng biết nhu cầu của chúng ta, cũng đổ đầy ân sủng cho chúng ta và đưa cuộc sống của chúng ta đến chỗ viên mãn. Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đều có những khuyết điểm, những nỗi cô đơn, những khoảng trống cần được lấp đầy. Mỗi người chúng ta biết về mình. Ai có thể lấp đầy được khoảng trống đó nếu không phải là Đức Maria, Mẹ của sự tràn đầy? Khi chúng ta bị cám dỗ vây kín, chúng ta đến với Mẹ; khi chúng ta không thể gỡ mình ra khỏi những nút thắt của cuộc sống, chúng ta tìm nơi nương tựa nơi Mẹ. Thời đại của chúng ta, thiếu vắng hòa bình, đang cần một Người Mẹ mang gia đình nhân loại lại với nhau. Chúng ta hãy nhìn lên Đức Maria để trở thành những người xây dựng sự hiệp nhất, và chúng ta hãy làm như vậy với sự sáng tạo của Mẹ như một Người Mẹ chăm sóc con cái mình: Mẹ tập hợp họ lại và an ủi họ, lắng nghe nỗi buồn của họ và lau khô nước mắt cho họ. Chúng ta nhìn vào tranh thánh Virgo lactans (Đức Trinh Nữ cho con bú) để thấy sự dịu dàng. Đó là người mẹ: biết bao sự dịu dàng bảo vệ chúng ta và gần gũi chúng ta. Mẹ bảo vệ và gần chúng ta.

Chúng ta hãy phó thác năm mới cho Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy thánh hiến cuộc đời mình cho Mẹ. Mẹ, với sự dịu dàng, biết cách làm cho nó đến sự tròn đầy. Bởi vì Mẹ sẽ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu và Chúa Giêsu là sự viên mãn của thời gian, của mọi thời gian, của thời đại chúng ta, thời gian của mỗi người chúng ta. Thực vậy, như có lời viết, “không phải thời gian viên mãn đã khiến Con Thiên Chúa được sai đến, nhưng trái lại, việc sai Con Thiên Chúa đã làm cho thời gian viên mãn” (xem M. LUTHER, Vorlesung über den Galaterbrief 1516-1517, 18). Anh chị em thân mến, cầu chúc cho năm nay được tràn đầy niềm an ủi của Chúa; Cầu chúc năm nay tràn đầy sự dịu hiền từ mẫu của Đức Maria, Mẹ Thánh của Thiên Chúa.

Giờ đây tôi mời gọi anh chị em cùng nay lặp lại ba lần: Mẹ Thánh của Thiên Chúa, Mẹ Thánh của Thiên Chúa, Mẹ Thánh của Thiên Chúa.

Bài giảng kết thúc, như thường lệ, mọi người thinh lặng trong giây lát để suy niệm. Sau đó, Thánh Lễ tiếp tục và kết thúc với phép lành đầu năm của Đức Thánh Cha cho những người hiện diện trong Thánh Lễ.

Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây