Giáo phận Ban Mê Thuột 55 năm nhìn lại

Thứ bảy - 14/01/2023 22:48 | Tác giả bài viết: Vũ Đình Bình |   283
Nhìn lại Giáo phận Ban Mê Thuột nhân dịp kỷ niệm 55 năm Thành lập (22.6.1967 - 22.6.2022), chúng con cảm tạ ơn Chúa vì muôn vàn Hồng Ân.

Giáo phận Ban Mê Thuột 55 năm nhìn lại (22.6.1967 - 22.6.2022) *
 

TGM 140622a


Ngày 22.6.1967, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã thiết lập Giáo Phận Ban Mê Thuột với Sắc chỉ “Qui Dei Benignitate”. Đồng thời, bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai làm Giám mục tiên khởi Giáo phận Ban Mê Thuột với Sắc chỉ “Qui Omnium Catholicae”. Lễ Tấn phong Giám mục được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn ngày 15.8.1967 và Lễ nhậm chức tại Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột ngày 22.8.1967.

Lúc bấy giờ, Giáo phận Ban Mê Thuột có 3 Giáo Hạt, gồm 33 giáo xứ với 56.719 giáo dân do 55 linh mục coi sóc.

Ranh giới địa lý bao gồm tỉnh Đăk Lăk, tỉnh Đăk Nông và một phần của tỉnh Bình Phước, diện tích là 21.723km2; phía Bắc giáp GP. Kon Tum, phía Đông giáp GP. Nha Trang, phía Đông Nam giáp GP. Đà Lạt, phía Nam giáp GP. Xuân Lộc, phía Tây Nam giáp GP. Phú Cường, còn phía Tây giáp tỉnh Mondunkini của Campuchia.

Thời kỳ sơ khai

Từ thời xa xưa, vùng đất thuộc Giáo phận Ban Mê Thuột ngày nay là nơi định cư của ba sắc tộc chính: Dân tộc Êđê ở vùng Đăk Lăk, dân tộc M’Nông ở Quảng Đức (Đăk Nông) và dân tộc S’Tiêng ở vùng Phước Long. Cả ba sắc tộc đều có thổ ngữ riêng. Họ thờ rất nhiều Thần linh, gọi chung là “Yang”.

Xưa kia, triều đình Việt Nam không mấy quan tâm đến vùng đất cao nguyên này nên ở đây chưa có cơ cấu hành chánh. Năm 1893, người Pháp lên chiếm đất ở vùng Đăk Lăk và xảy ra những cuộc xung đột đẫm máu với các bộ tộc Êđê. Đến năm 1923, Người Pháp đặt tỉnh Đăk Lăk dưới quyền cai trị của Công sứ Sabatier. Vào thời này, chưa có người Kinh cư trú tại đây.

Năm 1910, một chuyên viên khảo sát người Pháp là Henri Maitre và đội quân viễn chinh Pháp đã đặt chân đến vùng Tây Nam cao nguyên (Quảng Đức, Đăk Nông). Họ thẳng tay đàn áp những bộ tộc người M’Nông không quy phục. Năm 1932, người Pháp đặt cơ sở hành chánh tại Đăk Mil, đến năm 1950 thì chuyển qua Đăk Song và năm 1952, Đăk Song trở thành Quận của tỉnh Đăk Lăk. Năm 1959, quận Đăk Song được tách khỏi tỉnh Đăk Lăk để trở thành phần đất chính của tỉnh Quảng Đức (tỉnh Đăk Nông hiện nay).

Còn vùng Phước Long, vào thế kỷ 17 thời Chúa Nguyễn Phúc Chu là huyện Phước Long, có Dinh trấn biên để bảo vệ địa đầu biên giới. Vùng đất này có đồng bào S’Tiêng sinh sống. Năm 1929, người Pháp mở quốc lộ 14 ngang qua đây để bình định các buôn làng. Năm 1957, quận Sông Bé được tách khỏi tỉnh Biên Hòa và quận Bố Đức (Bù Đốp) tách ra khỏi tỉnh Thủ Dầu Một để lập thành tỉnh Phước Long. Ngày nay, Phước Long thuộc tỉnh Bình Phước.

Giáo phận Ban Mê Thuột nằm trong địa giới hành chính của ba tỉnh Đăk Lăk, Quảng Đức và Phước Long (trước 1975). Còn bây giờ là Đăk Lăk, Đăk Nông và một phần của tỉnh Bình Phước.

Sự hình thành và phát triển

- Nhà nguyện Giáo họ Ban Mê Thuột

Ngày 29.01.1934, Đức Cha Jannin Phước, Giám mục Kon Tum dẫn một phái đoàn đến Ban Mê Thuột để nghiên cứu tình hình và chọn địa điểm cho một cơ sở Công giáo tương lai. Khu đất được chọn để thành lập Giáo họ là một khu rừng thuộc đất quy hoạch, được Công sứ Pháp là Desteney nhường cho Địa phận Kon Tum.

Sau đó Đức Cha Jannin nhờ Thầy Hiền, một Thầy giảng có gia đình (nay gọi là Giáo phu) thuộc Họ đạo Mang Yang đi giúp lập Họ đạo Ban Mê Thuột. Thầy đến nhiệm sở ngày 15.5.1934. Thầy và bổn đạo Ban Mê Thuột cùng đồng tâm nhất trí để cất Nhà nguyện Giáo họ. Số giáo dân lúc này là 50 người Kinh và 28 ngoại kiều.

Ngày 15.8.1934, một Nhà nguyện mái tranh vách đất đã được dựng lên. (Sau này dòng Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn đã xây một Nhà nguyện mới trên nền Nhà nguyện tiên khởi này. Hiện nay nó thuộc phạm vi Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh).

Khu đất này Tòa Giám mục Kon Tum đã mua với giá 201 đồng. Quyết định cấp đất do ông Graffeuil, Khâm sứ Trung kỳ ký, số 195/942, ngày 29.11.1938. Diện tích 10.050m2.

- Thành lập Giáo xứ Ban Mê Thuột

Ngày 30.3.1937, Đức Cha Jannin, Giám mục Địa phận Kon Tum quyết định nâng Giáo họ Ban Mê Thuột lên hàng Giáo xứ và bổ nhiệm Cha Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn làm Cha sở tiên khởi.

Sau vài tháng mục vụ, do không hợp thủy thổ, Cha Cẩn bị bệnh sốt rét và thương hàn. Ngày 12.01.1938, Cha trở về Tòa Giám mục để chữa bệnh. Trong thời gian này, Giáo xứ Ban Mê Thuột không có linh mục suốt 4 năm rưỡi vì thời cuộc lúc ấy và vì Đức Cha Jannin Phước qua đời (ngày 14.7.1940 tại Kon Tum, hưởng thọ 73 tuổi, 42 năm Linh mục và 7 năm Giám mục).

Ngày 22.4.1942, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Sion Khâm làm Giám mục Kon Tum. Ngài nhậm chức tháng 5.1942. Hai tháng sau, ngày 26.7.1942, Đức Giám mục bổ nhiệm Cha Romeuf Phương làm Cha sở mới Giáo xứ Ban Mê Thuột.

Số giáo dân năm 1942 có khoảng 180 người Kinh, 200 ngoại kiều (kể cả công chức, quân nhân và thường dân).

Số giáo dân tại Ban Mê Thuột thời ấy tăng nhanh do hai yếu tố: Chế độ “Hoàng triều cương thổ” và làn sóng di cư của đồng bào Bắc Việt vào Nam.

Đầu năm 1946, quân đội viễn chinh Pháp trở lại Việt Nam. Năm 1948, Vua Bảo Đại về nước, ông thường qua Pháp để bàn việc quốc sự nhưng khi về Việt Nam thì hay ở Ban Mê Thuột hơn là kinh đô Huế. Cho nên Cao nguyên Trung phần, đặc biệt là Đăk Lăk được chọn làm “Đất của Hoàng đế” hay “Hoàng triều cương thổ”. Ban Mê Thuột do đó tăng triển nhanh về nhiều mặt, công chức và quân đội được đưa lên cùng với gia đình, sau đó kéo theo cả họ hàng đến định cư.

Sau Hiệp định Genève 21.7.1954, tỉnh Đăk Lăk có thêm rất nhiều đồng bào Miền Bắc di cư vào mà đa số là người Công giáo. Từ năm 1955, các trại định cư được thành lập như Kim Châu, Kim Phát, Giang Sơn, Đức Minh, Cung Kiệm, Hà Lan, Thọ Thành, Chi Lăng, Châu Sơn, Hưng Đạo, Trung Hòa, Gia Nghĩa,... Trong vòng hai năm số tín hữu từ 700-800 tăng lên 20.000. Các trại định cư đều có linh mục coi sóc.

Một yếu tố khác nữa làm tăng số giáo dân ở Đăk Lăk là chế độ di dân lập ấp tân sinh (năm 1957) thời Ngô Đình Diệm. Các địa điểm Quảng Nhiêu, Đạt Lý, Đạo Tế, Khuê Ngọc Điền, Từ Cung, Đạt Hiếu, Quảng Trạch có khoảng 700-800 người Công giáo. Tính đến năm 1960, số giáo dân Giáo phận Ban Mê Thuột đã lên đến 25.000 tín hữu.

Sau năm 1975, một đợt di dân lớn từ khắp các tỉnh thành lên vùng Tây nguyên lập nghiệp, làm ăn sinh sống. Từ các vùng kinh tế mới do Nhà nước tổ chức đến các vùng kinh tế mới do người dân tự phát, trong đó đều có rất nhiều tín hữu Công giáo. Thời gian này, cuộc sống người dân rất khó khăn, vất vả cả về vật chất, cả về tinh thần. Đời sống đức tin người tín hữu lâm vào tình trạng thử thách, cam go.

Năm 1985, Nhà nước ban hành chính sách mở cửa. Nhờ đó, cuộc sống người dân được đổi mới, kinh tế ổn định hơn. Đời sống đạo cũng có sự cải thiện từng bước.

Theo thống kê năm 2019, Giáo phận có 8 giáo hạt, 118 giáo xứ và 75 giáo họ biệt lập. Tổng số giáo dân là 459.227 tín hữu gồm 361.725 người Kinh và 97.502 người dân tộc thiểu số. Tổng số linh mục là 221, gồm 165 linh mục triều, và 56 linh mục dòng.

- Truyền giáo cho đồng bào sắc tộc

Trước năm 1954, tỉnh Đăk Lăk có khoảng 7.000 người Kinh và 115.000 người sắc tộc, thuộc các bộ tộc Êđê, M’Nông và S’Tiêng (khi đó Quảng Đức chưa lập thành tỉnh). Việc rao giảng Tin Mừng cho người sắc tộc cực kỳ khó khăn vì thiếu linh mục và thiếu sách giáo lý tiếng bản địa.

Năm 1952, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Seitz Kim làm Giám Mục Kon Tum. Ngày 15.12.1952, Đức Tân Giám Mục đến thăm Giáo xứ Ban Mê Thuột và bổ nhiệm Cha Bianchetti Bạch đặc trách mục vụ đồng bào Êđê.

Đầu năm 1958, Cha Bạch xây cất Trung tâm Công giáo Sắc tộc (bây giờ là Nhà thờ Mẫu Tâm), đồng thời Cha mở Ký túc xá để đón nhận học sinh các Buôn ở xa đến theo học các lớp chuyên môn, không phân biệt tôn giáo. Số tân tòng và dự tòng lúc ấy lên đến 300 người.

- Nhà thờ lớn Ban Mê Thuột

Nhà thờ cũ mà thầy Hiền và giáo dân cất dựng lên, tồn tại từ năm 1934 đến 1959. Năm 1954, vì có thêm một số bổn đạo từ Kon Tum di tản đến đây, Cha Romeuf nới thêm một căn 32m2 và thay thế mái tranh bằng mái tôn. Diện tích của cả nhà thờ chỉ có 160m2, kể cả hai chái trước và sau.

Dự định xây dựng Nhà thờ mới bị gián đoạn trong một khoảng thời gian dài vì lúc đó Địa phận trống tòa. Ngày 31.3.1953, Cha Romeuf làm đơn xin sử dụng khu đất trống hơn 2ha tại trung tâm thị xã Ban Mê Thuột để xây cất Nhà Thờ. Ông Nguyễn Đệ, Khâm Mạng Hoàng Triều Cương Thổ, ra lệnh cho Tòa Hành Chánh tỉnh Đăk Lăk làm các thủ tục, đăng trên Công báo và gửi các tỉnh để niêm yết trong vòng hai tháng, đã ký giấy bán khu đất trên cho Địa phận Kon Tum với giá tượng trưng là 1 đồng bạc Việt Nam. Hồ sơ khu đất đã được hoàn tất và đất được cấp vĩnh viễn.

Tháng 9 năm 1956, Đức Cha Seitz Kim mời cha GB. Trần Thanh Ngoạn, gốc Địa phận Vinh lên làm Quản xứ Ban Mê Thuột, kiêm Quản Hạt Ban Mê Thuột. Cha Ngoạn đã xây dựng Nhà thờ lớn Ban Mê Thuột, (nay là Nhà Thờ Chính tòa Ban Mê Thuột), có chiều dài 45m, rộng 12m, mỗi cánh Thánh Giá 12m x 12m. Tổng diện tích 828m2. Nhà thờ xây đúng một năm và được khánh thành vào ngày Chúa Nhật II sau Lễ Phục Sinh năm 1959.

- Nhà Chung Ban Mê Thuột (nay là Tòa Giám Mục)

Cơ sở này do các Nữ tu Dòng Biển Đức xây dựng. Năm 1966, để thuận lợi cho sự phát triển, Tu viện dời về Thủ Đức, Sài Gòn. Cơ sở Nhà Dòng đã được Đức Cha Kim mua lại để hội họp hàng tháng, như một sở quản lý và làm chỗ nghỉ vãng lai; gọi là Nhà Chung Ban Mê Thuột. Cha Võ Quốc Ngữ được bổ nhiệm làm Quản lý. Ngày 22.6.1967, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thiết lập Giáo phận Ban Mê Thuột với sắc chỉ “Qui Dei Benignitate”, cơ sở này được mang tên mới: “Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột.”

Trải qua các thời kỳ, hiện nay Cha Giuse Trần Văn Phúc là Quản lý đương nhiệm. Một số cơ sở đã xây dựng hoàn thành trong khuôn viên Tòa Giám mục, như: Nhà hưu dưỡng, Nhà Khách, Nhà Làm việc, Hội trường, v.v…

- Trung tâm Mục vụ Ban Mê Thuột

Mùa hè 1968, Đức cố giám mục PX. Nguyễn Văn Thuận tổ chức hội thảo về Công lý & Hòa bình tại Giáo phận Ban Mê Thuột. Sau đó, Cha Antôn Vũ Thanh Lịch được bổ nhiệm làm giám đốc Công giáo Tiến Hành và phụ trách chương trình phát thanh Tiếng nói Công giáo.

Năm 1972, được sự đồng ý của Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai, Cha Antôn Vũ Thanh Lịch tiến hành xây dựng Trung tâm Công giáo trên 2 hecta đất đồn điền cà phê Thánh Phêrô của Giáo phận.

Sau hơn một năm xây cất, công trình đã hoàn thành và trở thành trung tâm đào tạo các đoàn thể Công giáo Tiến hành, tổ chức các cuộc triển lãm như cuộc triển lãm kỷ niệm 100 năm thành lập Bộ Truyền giáo Đức tin, triển lãm về Công đồng Vatican II. Ngày 01.01.1974, tổ chức long trọng Thánh lễ cầu cho hòa bình, tổ chức tuần lễ “Ơn Thiên Triệu” và triển lãm về Truyền giáo tại Kon Tum – Ban Mê Thuột.

Năm 1975, Nhà nước trưng dụng Trung Tâm Công Giáo Tiến Hành làm trụ sở hành chính, trường Đảng, rồi thành trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm.

Ngày 09/09/2011, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã trao trả lại cơ sở này cho Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột, gồm nhà và đất. Tòa Giám Mục tiến hành trùng tu lại cơ sở đã xuống cấp, xây tường rào bảo vệ và cung cấp các trang thiết bị cần thiết để trung tâm có thể hoạt động lại.

Trung Tâm Mục Vụ bắt đầu tổ chức các buổi Đại Nhạc hội Giáng Sinh, tổ chức Kim Khánh Giáo phận, các sinh hoạt mục vụ của các Hội đoàn, các lớp giáo lý, v.v…

- Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh

Ngày 25.3.1968, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai thiết lập Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, bổ nhiệm Cha Augustinô Maria Nguyễn Văn Tra làm giám đốc. Ngày 08.9.1968, Chủng viện Lê Bảo Tịnh khai giảng khóa đầu tiên gồm 60 chủng sinh, tạm thời sinh hoạt tại Tòa Giám mục. Từ tháng 9.1969, Chủng viện dời về Cơ sở chính thức, được xây dựng trên thửa đất rộng hơn 18 hecta, cách thị xã Ban Mê Thuột khoảng 5 km, tọa lạc tại góc ngã 3 đường đi Nha Trang và Đà Lạt. Tính đến năm 1975, Chủng viện đã có 7 lớp và hơn 200 chủng sinh.

Sau biến cố 1975, Chủng viện phải sống ẩn dật, tạm ngưng các hoạt động. Từ tháng 10.1977, những chủng sinh còn lại bị buộc di dời về Toà Giám mục. Cơ sở này Nhà nước trưng dụng làm Trường Đảng (nay là Trường Chính trị tỉnh Đăk Lăk). Chủng viện Lê Bảo Tịnh (thuộc các khoá trước 1975) đã đào tạo cho Giáo hội 1 Giám mục và 34 linh mục đang mục vụ ở trong nước và hải ngoại.

Chương trình đào tạo linh mục của Giáo phận vẫn âm thầm hoạt động vì chưa có cơ sở chính thức. Hàng năm, Tòa Giám mục gửi các ứng sinh đi tu học tại Đại Chủng viện Sao Biển, Nha Trang.

- Các cơ sở Dòng Tu

1. Năm 1938, Đức Cha Jannin Phước mời các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn lên giúp Địa Phận Kon Tum. Năm 1953, Đức Cha Seitz Kim xin Nhà Mẹ tại Sài Gòn cho lập chi nhánh tại Ban Mê Thuột. Các Bà đã đến lập các cơ sở: mở trường nữ và cô nhi viện. (Địa điểm này hiện nay là Trường Mầm non và Trường cấp II Phan Chu Trinh).

2. Ngày 21.7.1954, theo lời mời của Đức Cha Seitz Kim, các Nữ Đan sĩ Dòng Thánh Biển Đức đến Ban Mê Thuột lập Dòng Nữ Biển Đức Thừa Sai. Vỏn vẹn có 5 tu sĩ với 4 quốc tịch khác nhau, các Bà cũng đã xây dựng cơ sở vật chất cho Đan viện sau này.

3. Dòng Nữ Thánh Phaolô thành Chartres: Dòng này được mời đến với mục đích huấn luyện tu đức cho các chị em Dòng Mến Thánh Giá theo từng cấp bậc. Các Nữ tu đã khấn còn được huấn luyện về cách quản trị Nhà Dòng hoặc các Cộng đoàn nhỏ tại các Giáo xứ.

4. Đức Cha Seitz Kim muốn có Dòng Mến Thánh Giá cải tổ, nên biệt phái Bà Honorine (Dòng Thánh Phaolô) và 12 đệ tử đến Ban Mê Thuột huấn luyện tu đức cho Dòng Địa Phận tương lai. Năm 1966, Ngài dời Dòng Mến Thánh Giá cải tổ từ Kon Tum về Ban Mê Thuột với hơn 60 nữ tu và thỉnh sinh. Sau này Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai đặt tên là: Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình.

5. Nhận lời mời của Đức Cha Kim, các Sư Huynh La San đến mở Trường Trung Tiểu học đầu tiên vào niên khóa 1959-1960. Ba năm sau, các Sư Huynh có 2 trường riêng biệt: Tiểu học La San trên đường Cường Để (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi) và Trung học La San đồi (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đăk Lăk).

6. Đan viện Thánh Biển Đức Thiên Hòa là chi nhánh Dòng Thiên An Huế, được mời đến lập Dòng vào năm 1959. Trụ sở Dòng tại cây số 30, trên đường đi Nha Trang. Đan viện khánh thành năm 1962, có 10 cha và tu sĩ. Sau biến cố 1975, Nhà nước sung công cơ sở Nhà Dòng. Các đan sĩ phải di chuyển vào cơ sở mới hiện nay.

Cùng với sự phát triển theo năm tháng của Giáo phận, nhiều Dòng tu khác cũng được mời lên Ban Mê Thuột phục vụ dân Chúa. Hiện nay, có 18 Cộng đoàn Dòng tu nam và 27 Cộng đoàn Dòng tu nữ đang hoạt động trong Giáo phận.

Riêng Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình là Hội dòng của Giáo phận, mang bản chất tông đồ thừa sai (HC 77). Với sứ mạng: “Sống và truyền rao Tin Mừng Hòa bình của Chúa Kitô cho mọi người, theo gương Mẹ Maria”. Và “Đoàn sủng riêng biệt của Dòng là truyền giáo giữa anh em dân tộc trên Cao nguyên”. Hoạt động của Dòng là: Cổ võ học hỏi Thánh kinh, dạy Giáo lý, làm việc mục vụ tại các giáo xứ, giáo điểm, tham gia công tác bác ái, giáo dục, dục anh, huấn nghệ, y tế, cứu tế… Hiện Hội dòng có 31 cộng đoàn hoạt động trên 3 tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông và Bình Phước. Có 4 cộng đoàn đào tạo, (03 cơ sở tại Tp. HCM và 01 ở Nha Trang). Trụ sở chính của Dòng: 204 Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP. Buôn Ma Thuột.

- Trung tâm Hành hương

Giáo phận Ban Mê Thuột có 3 Trung tâm Hành hương chính:

- TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ GIANG SƠN

TTHH Đức Mẹ Giang Sơn cách Thành phố Buôn Ma Thuột 30km về phía đông nam theo QL 27 đường đi Đà Lạt. Đài Đức Mẹ được Cha Giuse Nguyễn Hữu Nghị khởi công năm 1961. Tượng Đức Mẹ cao 6,32m do điêu khắc gia Đinh Văn Lượng thuộc giáo xứ Phát Diệm - Phú Nhuận, Giáo phận Sài Gòn đảm trách, nét mặt Mẹ hiền từ nhân hậu, trên đầu Đức Mẹ mang triều thiên 12 ngôi sao. Tượng đài xây dựng trên đồi cao 823m so với mặt biển. Đường từ quốc lộ lên đến tượng đài dốc đứng, rộng hơn 3m, dài khoảng 1,5km, lát đá hộc.

Năm 2000, cha Phêrô Bùi Văn Thục cho trùng tu, tôn tạo lại bệ tượng Đức Mẹ bằng đá hoa cương, mở rộng mặt bằng, đổ bê tông mặt đường, xây dựng bốn gian nhà và hai phòng cơm dành cho khách hành hương. Tháng 11.2002, xây dựng nhà Bát Phúc và hoàn thành công trình trùng tu vào ngày 31.12.2002.

Vào các ngày mồng 3 Tết Nguyên đán, 15.8 hàng năm và các ngày thứ bảy đầu tháng, có rất đông khách hành hương từ khắp nơi về dự Thánh lễ tôn vinh Mẹ.

- TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ THÁC MƠ

Ngày 08.12.1960, Đức Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đặt tượng và khánh thành TTHH Đức Mẹ Vô Nhiễm Thác Mơ. Đài Đức Mẹ Thác Mơ cách Trung tâm Thị trấn Thác Mơ huyện Phước Long khoảng 3 km về hướng Đông, được bao quanh bởi ngọn Bà Rá hùng vĩ và dòng sông Đăk R’lấp lượn lờ uốn quanh, nay được chặn lại để trở thành đập tràn thủy điện Thác Mơ.

Ngày 25.5.1995, Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ, Quản Hạt Phước Long tổ chức trùng tu, trồng thêm cây xanh, tân trang lối đi, sân vườn… Năm 2004, Cha quản xứ giáo xứ Phước Long, Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc đã xây dựng lễ đài, tường rào và cổng chính của Trung tâm Hành hương.

Ngày 13.9.2018, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - Giám Mục Giáo phận - long trọng dâng Thánh lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên, khởi động chương trình trùng tu xây dựng Trung Tâm Hành Hương.

Ngày 13.5.2022, TTHH Đức Mẹ Vô Nhiễm Thác Mơ đã khánh thành Lễ Đài, Tháp Chuông, Nhà Nguyện, và quảng trường đủ rộng cho khách hành hương xa gần về viếng Mẹ trong những dịp lễ lớn.

- TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG ĐỒI THÁNH TÂM

TTHH Đồi Thánh Tâm được xây dựng trên ngọn đồi thuộc nền đất cũ của Nhà thờ giáo xứ Xã Đoài, giáo hạt Đăk Mil, (Thôn Đức Đoài - xã Đức Minh - Huyện Đăk Mil), diện tích tổng thể 8.300 m2, cách Trung tâm huyện Đăk Mil (quốc lộ 14) 2400 mét về phía Nam.

Ngày 22.6.2017, nhân dịp kỷ niệm Kim Khánh Giáo phận Ban Mê Thuột, Đồi Thánh Tâm được chọn là một trong nhiều điểm hành hương Năm Thánh và chính thức trở thành Trung Tâm Hành Hương của Giáo Phận.

Ngày 01.01.2021, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - Giám Mục Giáo phận - chủ sự Thánh lễ Đặt Viên Đá Xây Dựng Trung Tâm Hành Hương. Đến nay, công trình xây dựng đã hoàn thành phần mái che, lễ đài, v.v… và đang chuẩn bị khánh thành vào ngày 24.6.2022.

Ngoài ra, Giáo phận còn nhiều điểm Hành hương khác như: Núi Chúa Châu Sơn, Đài Đức Mẹ Lộ Đức Thánh Linh, Đồi Thánh Giá Giang Sơn, Đền Thánh Giuse Kim Thành, Đồi Đức Mẹ Fatima Nam Xuân, v.v...

- Giáo phận Ban Mê Thuột “Trống Tòa”

Giáo phận “Trống Tòa” lần thứ nhất, từ ngày 17 tháng 5 năm 2006, khi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI chấp thuận đơn từ nhiệm của Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức vì lý do sức khỏe. Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa đảm nhiệm Giám quản Tông Tòa từ ngày 29 tháng 5 năm 2006 đến khi có Tân Giám mục. Ngày 21 tháng 02 năm 2009, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm linh mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Ban Mê Thuột.

Ngày 19 tháng 03 năm 2022, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo:

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Chính tòa Ban Mê Thuột làm Giám mục Chính tòa giáo phận Hải Phòng, đồng thời, kiêm Giám quản Tông tòa giáo phận Ban Mê Thuột “trống tòa và theo ý Toà Thánh” (sede vacante et ad nutum Sanctae Sedis).

Như vậy, đây là lần thứ hai Giáo phận Ban Mê Thuột “Trống Tòa”. Trong Thư Mục Vụ ngày 25.3.2022, Đức Cha Vinh Sơn kêu gọi: “Kể từ hôm nay, trong những giờ cử hành phụng vụ của cộng đoàn, xin quý cha và anh chị em đọc thêm 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, và 1 kinh Sáng Danh, để cầu xin Chúa sớm ban cho giáo phận có được Tân Giám Mục”.

Chúng con nài van Chúa. -Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Những vị chủ chăn qua các thời kỳ

1. Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai – Giám mục Tiên khởi

Khẩu hiệu: “Ngài cần phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại” 

Sinh ngày: 03.7.1913    

Linh mục: 19.6.1941     

Giám mục: 22.6.1967   

Nhậm chức Giám mục Ban Mê Thuột: 22.8.1967        

Qua đời: 04.8.1990

2. Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực      

Khẩu hiệu: “Chúa giàu lòng thương xót”   

Sinh ngày: 25.10.1925  

Linh mục: 31.5.1954     

Giám mục: 15.8.1981   

Giám mục Chính tòa: 04.8.1990      

Về hưu: 29.12.2000      

Qua đời: 23.9.2011

3. Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức        

Khẩu hiệu: “Đạt tới người mới”       

Sinh ngày: 22.02.1938  

Linh mục: 21.12.1967   

Giám mục: 21.4.1997   

Giám mục Chính tòa: 29.12.2000    

Về hưu: 17.5.2006        

Qua đời: 23.5.2011

4. Đức Cha Giám quản Phaolô Nguyễn Văn Hòa

Khẩu hiệu: “Trong tinh thần và chân lý”   

Sinh ngày: 02.02.1932  

Linh mục: 20.12.1959   

Giám mục: 30.01.1975

Giám mục Giám quản: 29.5.2006 đến 21.02.2009       

Qua đời: 14.02.2017

5. Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản 

Khẩu hiệu: “Bước Theo Thần Khí”  

Sinh ngày: 26.11.1956  

Linh mục: 16.9.1993     

Giám mục: 12.5.2009   

Giám mục Chính tòa: 21.02.2009

Giám mục Giám quản: từ ngày 19.3.2022

Với tư cách là Giám Mục Giám Quản Tông Tòa, Đức Cha Vinh Sơn bổ nhiệm cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu làm Tổng Đại Diện, với những quyền lợi và nghĩa vụ theo giáo luật điều 475, 478, 479, 480 và 481.

Các cha Quản Hạt, các cha có trách nhiệm và các cha Trưởng ban vẫn tiếp tục thi hành chức vụ cho đến khi Đức Tân Giám Mục nhận Tòa tại giáo phận Ban Mê Thuột.

Bổn mạng Giáo phận

Ngày 04.9.2007, theo đề nghị của đa số linh mục, Giáo phận Ban Mê Thuột chọn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam làm Bổn mạng của Giáo phận.

Lễ Bổn mạng Giáo phận được mừng kính trọng thể vào ngày 22.6 hàng năm tại Nhà thờ Chính Tòa, để kỷ niệm ngày thành lập Giáo phận (Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban sắc chỉ “Qui Dei Benignitate” thành lập Giáo phận BMT ngày 22.6.1967). Nếu ngày 22.6 trùng vào ngày thứ Bảy, Chúa nhật hoặc thứ Hai, thì sẽ chuyển qua một ngày khác trong tuần để mọi thành phần dân Chúa có thể dễ dàng tham dự.

Năm nay, Lễ Bổn mạng Giáo phận Ban Mê Thuột được mừng kính trọng thể vào ngày thứ Tư 22.6.2022, tại Nhà thờ Chính Tòa, cùng với việc Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản đặt tay Truyền chức Linh mục cho 14 Thầy phó tế Khóa XIV (2013-2021).

Nhìn lại Giáo phận Ban Mê Thuột nhân dịp kỷ niệm 55 năm Thành lập (22.6.1967 - 22.6.2022), chúng con cảm tạ ơn Chúa vì muôn vàn Hồng Ân. Xin tạ ơn Chúa, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chúng con tạ ơn Mẹ Hội Thánh, tạ ơn Hội đồng Giám mục Việt Nam, tạ ơn các vị Chủ Chăn đã hằng quan tâm, bằng mọi phương tiện giúp cho Giáo phận được hình thành, phát triển và vững mạnh như hiện nay. Xin tri ân các bậc tiền nhân, ông bà Tiên Tổ đã đổ bao mồ hôi nước mắt vất vả gieo vãi hạt giống Tin Mừng, như hạt lúa chịu mục nát, để hôm nay chúng con được hưởng mùa gặt phong phú dồi dào.

Ngàn lời ca vang mừng Chúa uy linh,

ngàn lời ca vang một khúc ca thanh bình.

Xin dâng Chúa trăm triệu lời ca,

trăm triệu lời ca,

trăm triệu lời ca… (Gm Phaolô Nguyễn Văn Hòa)

Vũ Đình Bình

* Bài viết có sử dụng tư liệu của Văn phòng Tòa Giám mục Ban Mê Thuột, tư liệu của Ban Văn Hóa - Truyền Thông Giáo phận Ban Mê Thuột và tư liệu của ông Lê Văn Triều.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây