Những Kỷ Niệm Đẹp
Tháng chín vào thu. Trời thu lành lạnh. Gió thu man mác. Lòng người chùng lại. Những nao nức của “Thời đi học” của Thanh Tịnh không còn. Buồn. Buồn vì sân trường không còn hoa phượng. Buồn vì Covid-19 đang lan khắp cộng đồng.
Tháng chín vào thu năm nay lại đến, đây cũng là lần giỗ thứ chín của Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực, một người cha nhân hậu, qua đời ngày 23 tháng 9 năm 2011.
Với ngài, tôi có khá nhiều kỷ niệm ... đẹp.
Năm 1972, ngài được bổ nhiệm làm giám đốc Tiểu Chủng viện Lê Bảo Tịnh, cũng năm “Mùa Hè Đỏ Lửa” này, tôi được bước chân vào mái trường Lê Bảo Tịnh thân yêu.
Thời gian đầu ở Tiểu Chủng viện, tôi chưa có ấn tượng gì về ngài. Tôi chỉ biết ngài với thân hình cao to, nhưng nhân hậu với tất cả mọi người. Cho tới những ngày đầu cuộc chiến năm 1975, ngài quyết định ở lại “giữ nhà” để tất cả mọi người đi “lánh nạn”. Từ đó, tôi bắt đầu để ý và yêu mến ngài hơn.
Chủng viện Lê Bảo Tịnh, trong những ngày sau chiến tranh rất khó khăn về mọi mặt. Nhất là những lần nhìn những học trò thân yêu phải trở về gia đình vào tháng 10 năm 1975, vào tháng 10 năm 1977, hay vào ngày 15 tháng 4 năm 1978 và lần cuối cùng, vào ngày 23 tháng 6 năm 1983. 16 người “trong sạch” còn lại cũng nối gót anh em ra khỏi Chủng viện Lê Bảo Tịnh, tọa lạc tại Tòa Giám Mục Giáo phận Ban Mê Thuột, 70 Phan Chu Trinh, tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đaklak. (1) Bao nhiêu nước mắt đã tuôn rơi!
Tôi may mắn là người nhỏ nhất (Lớp Têrêxa) được ở lại Chủng viện và cũng là người cuối cùng rời khỏi Chủng viện (Ngày 29 tháng 6 năm 1983).
Trong thời gian ở tại Chủng viện, cũng có khá nhiều kỷ niệm với ngài mà tôi không bao giờ quên.
Tôi còn nhớ, vì tôi hay nói ngọng nên có biệt danh là “mờ thì”. Để tập cho tôi có thể vượt qua khó khăn này, cứ mỗi tối, sau giờ ăn cơm, ngài gọi tôi lên phòng và trao cho tôi cuốn từ điển La-tinh và bắt đầu luyện giọng. Tiếng La-tinh cũng là môn học đầu tiên mà tôi được học với ngài từ năm đầu bước chân vào Chủng viện.
Tôi còn nhớ, cours “thần học” mà tôi được thụ giáo từ ngài là “Lịch Sử Ơn Cứu Độ”. Có lẽ, khi dạy Lịch Sử Ơn Cứu Độ, ngài đã nghiệm ra tình thương bao la của Thiên Chúa đổ xuống trên loài người và trên mỗi người, nên khi được bổ nhiệm làm giám mục vào ngày 19 tháng 6 năm 1981, ngài đã lấy khẩu hiệu “Dives In Misericordia” (Thiên Chúa giàu lòng xót thương) (2).
Tôi còn nhớ, khi lễ tấn phong diễn ra vào ngày 15 tháng 8 năm 1981, khi đó, tôi là Trưởng ban Phụng vụ Chủng viện Lê Bảo Tịnh, nên đã sắp xếp cho các thầy giúp lễ. Và trong đoàn rước, sau thánh giá, tôi được vinh dự giữ “chiếc nhẫn Giám mục” cho tới nghi thức trao nhẫn. Khi yên vị trên cung thánh, tôi nghe có nhiều tiếng lao xao sau lưng mình. Nhìn lại, tôi thấy nhiều người leo lên những bông cửa thông gió để được nhìn vào cung thánh, và bàn để lễ vật cùng “chiếc nhẫn Giám mục” long lanh đặt sát ngay những ô thông gió này.
Ngay lúc đó, tôi cảm thấy ớn lạnh, và một ý nghĩ thoáng qua: Nếu có một bàn tay nào đó “nhón” lấy chiếc nhẫn Giám mục long lanh thì chuyện gì sẽ xảy ra? Ai sẽ nghe tôi? Nhưng Chúa vẫn thương tôi. Và từ đó, tôi cẩn thận luôn giữ chiếc nhẫn trong tay mình.
Tôi còn nhớ, trong những ngày chiến tranh đang xảy ra, tôi có “cơ duyên” được vinh hạnh giúp lễ tấn phong Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa. Sau những ngày vào rừng với quý cha và anh em, chúng tôi được trả về thành phố trong một buổi sáng tinh mơ, tại nghĩa trang Tàu - Phan Bội Châu. Chủng viện thì xa. Tòa Giám Mục thì gần. Anh em dự tính về Tòa Giám Mục với vị Cha chung yêu dấu, Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai. Khi biết Ngài đang ở Dòng Nữ Vương Hòa Bình, trên một ngọn đồi, cuối đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh), anh em đến chào Ngài. Hôm sau, tôi được hân hạnh tháp tùng Cha lội bộ đi thăm Nhà thờ cha Bianchetti (nay là Nhà thờ Mẫu Tâm). Ở đó, Cha thu dọn Mình Thánh Chúa và rước về Nhà Dòng. Khi trở lại, anh em đã về chủng viện. Một mình bơ vơ giữa Dòng nữ. Chiến tranh đang diễn ra nên Cha không dám để tôi một mình trở lại chủng viện. Trong thời gian ở tại Dòng Nữ Vương Hòa Bình, thánh lễ tấn phong Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa đã diễn ra tại Nhà nguyện Dòng Nữ Vương Hòa Bình Ban Mê Thuột vào ngày 05 tháng 4 năm 1975 (3). Ít lâu sau, Cha trở về Tòa Giám Mục, tôi cũng đã theo Cha về đó. Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột, 70 Phan Chu Trinh, cũng là hộ khẩu thường trú đầu tiên của tôi.
Tôi còn nhớ, năm 2004, khi tuyển tập “Giữa Đời Thường Có Chút Gì để Nhớ” của Lớp Têrêxa - Banmêthuột do anh Trùng Dương Saviô Nguyễn Quốc Minh Đạo làm gần hoàn thành, anh nhờ tôi vào xin Đức Cha những lời nhắn nhủ, ngài đã ưu ái viết đôi dòng cảm tưởng như sau: “Những ghi nhớ trong Tập này vắn gọn và hữu ích, cũng là những lời mời gọi mọi thành phần trong Giáo phận Ban Mê Thuột tham gia vào công trình xây dựng Giáo Phận cùng phát triển trong những lãnh vực Đạo và Đời”(Ngày 10 tháng 6 năm 2004).
Tôi còn nhớ, trong những ngày làm đại diện Gia đình Lê Bảo Tịnh (2005-2012), tôi được hân hạnh gặp gỡ với ngài, được ngài hướng dẫn và bảo ban, nhất là khi hoàn thành tập Kỷ Yếu 40 năm Chủng Viện Lê Bảo Tịnh.
Trong những tháng ngày về hưu, qua những lần chuyện trò, ngài nói với tôi nhiều lần: “Anh hãy qui tụ những người yêu mến thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh”. Tôi không hiểu ý ngài lắm. Cho tới bây giờ, khi lễ giỗ ngài lần thứ 9 sắp đến, tôi vẫn chưa hiểu ý ngài trọn vẹn. Tôi không biết phải thực hiện như thế nào?
Một lần nữa, tôi đành lỗi hẹn với ngài.
Không biết đến bao giờ ý ngài mới được thực hiện trọn vẹn?
Và còn nhiều kỷ niệm khác nữa ...
Gb. Nguyễn Thái Hùng
Tháng 9 năm 2020