CHA ƠI

Các bạn nhỉ, chúng ta xa gia đình từ lúc còn rất bé. Khi bước chân vào tiểu chủng viện, ta gặp ngay một gia đình mới. Tuổi thơ đã hồn nhiên giúp ta nhanh chóng hoà nhập đại gia đình mới này như một điều đương nhiên của cuộc sống… Thời gian này ta được các cha giáo yêu thương, dạy dỗ và chăm sóc từng ly từng tý.

CHA ƠI

[09.01.2007 19:41]

Các bạn nhỉ, chúng ta xa gia đình từ lúc còn rất bé. Khi bước chân vào tiểu chủng viện, ta gặp ngay một gia đình mới. Tuổi thơ đã hồn nhiên giúp ta nhanh chóng hoà nhập đại gia đình mới này như một điều đương nhiên của cuộc sống… Thời gian này ta được các cha giáo yêu thương, dạy dỗ và chăm sóc từng ly từng tý.

 

Vậy mà đã hơn 30 năm rồi ư? Ta như đang sờ vào được ký ức, những điều đang diễn ra trong tâm tưởng mình. Ôi, sao mà gần gũi thân thương quá. Những cậu bé cứ như đan quyện lại với nhau, như đang hoà tan ra cùng với các bạn của mình… Dễ thương quá các bạn nhỉ? Mỗi người một nết: Có anh chuyên khóc nhè, có bạn lại hay ăn quà vặt, có anh đái dầm nữa chứ. Có bạn hiền như thánh, lại có bạn nghịch như ranh, nghịch lắm… Vậy mà coi nhau như anh em ruột thịt.

 

Ba mươi năm đã trôi qua, quãng thời gian dài đấy chứ? Nhưng sao ta lại thấy mọi việc như mới diễn ra ngày hôm qua… Lúc ấy, những cậu bé cứ rúc rích: Mình vào đây là để đi tu, để làm cha đấy chứ!!!

 

Nhưng tất cả đã bị vỡ tan như làn đạn pháo xé nát đêm đen.

 

Các bạn chắc không quên được những ngày định mệnh ấy. Thảm họa của chiến tranh đổ ập xuống trên đầu mọi người. Tai mình ù đi vì tiếng đạn pháo gầm rú suốt đêm, hoả châu thắp sáng bầu trời. Ngày 09/03/1975 những dòng người hối hả, hoảng loạn từ thị xã Banmêthuột tuôn chạy về hướng quốc lộ 26, trong khi chủng viện vẫn nằm yên bất động. Trên nét mặt mọi người bộc lộ sự căng thẳng, từ cha giám đốc cho tới các cha giáo đều lo âu không biết nên có quyết định như thế nào? 

 

Ngày 10/03 người tị nạn tập trung vào chủng viện đông hơn. Tình hình chiến sự căng thẳng. Các cha cho mọi người và chủng sinh tập trung lại để giải tội chung. Lần đầu tiên những chú bé cận kề với cái chết, chỉ biết đặt hết niềm tin tưởng vào những người thầy cũng là những người cha thân yêu của mình. Trong giây phút tưởng chừng như cuối cùng của đời người, chúng ta mới cảm nhận được hết những tình cảm thiêng liêng đó… Những lằn đạn pháo đã bắn vào chủng viện, giữa những tiếng nổ long trời lở đất, cùng với những tiếng la hét. Một quả pháo bắn sập tường phòng cha giáo Stêphano Nguyễn Văn Đậu, vôi vữa, khói bụi mịt mù làm cho khung cảnh càng thêm hoảng loạn… Những họng súng đen ngòm và những người lạ bắt đầu xuất hiện làm cho không khí đã căng thẳng lại càng khủng hoảng thêm…

 

Trong cơn hoảng loạn, bỗng xuất hiện một lá cờ trắng cùng với tiếng la to: “Xin đừng bắn, ở đây tất cả là học sinh”. Chúng tôi nhận ra cha giáo Giuse Trịnh Văn Hân, cha giáo Giuse Trần Xuân Lãm và cùng nhau đồng thanh la to: “Xin đừng bắn, ở đây tất cả là học sinh”… Những hình ảnh chúng tôi không thể nào quên được, vóc người nhỏ bé của cha giáo nhạc và cha giám luật cùng với lá cờ trắng nổi bật lên giữa đám đông ô hợp, hai cha đã hét to ra lệnh cho chúng tôi chạy ra sân banh. Đoàn người chạy ra sân banh giống như phản xạ của bản năng. Những người bị thương được dìu ra. Tôi còn nhớ hình ảnh cha giáo Stêphano được hai anh lớn dìu, một chân kéo lê dưới đất bê bết đầy máu…

 

Ngay giữa sân banh, nắng tháng ba trời như đổ lửa, cả cha, cả con, tất cả chúng ta chơ vơ, trần trụi. Trên đầu, những oanh tạc cơ gầm thét chực nuốt chửng. Chung quanh những họng súng đen ngòm lăm lăm nhả đạn… Người ở đâu sao mà đông thế? Tất cả nằm úp mặt xuống đất, ngửa mặt lên có cảm giác là bom rơi giữa mặt.

 

Phút định mệnh đã đến, ai cũng có cảm giác là mình sẽ chết, như điềm báo của sự chia ly, để từ thời điểm này trở thành một vách ngăn của ký ức cùng với nỗi kinh hoàng lấn át cả tuổi thơ… Mình ngước mặt lên trời nhìn thấy chiếc phản lực cơ đang lao xuống, hai quả bom được phóng ra, tiếng nổ kinh hoàng và hai cột lửa khổng lồ như ụp xuống đầu mọi người. Ta có cảm giác bom nổ trên lưng mình, không ai bảo ai, tất cả ùa chạy như đàn ong vỡ tổ. Rõ ràng lúc ấy mình thấy một họng súng khạc ra ngọn lửa xanh lè nhắm vào mình… Sợ quá, vấp một mô đất và mình ngã xuống, có nhiều bàn chân đã xéo lên mình để chen vào khung cửa hẹp. Lúc ấy mình không có cảm giác đau nhưng lại có cảm giác rất lạ: cảm giác là mình đã chết…

 

Dòng người hoảng loạn chạy tứ tán mong được thoát thân, có những người kể từ độ ấy đến nay, anh em cũng chưa lần gặp lại… Khi đã vãn người, các anh lớn dìu cha Stêphano và các anh bị thương vào nhà. Mình thấy rõ ràng máu đâu mà nhiều thế, vậy là mình không chết nhưng cha và các anh ấy đã chết… và mình khóc cho những người đã chết. Không hiểu sao mình lại có cảm giác như vậy… Khi viết đến đây, nước mắt mình nhoè trang giấy. Mình cứ để mặc cho nước mắt trào ra và cảm thấy thoả mãn vì có được cảm xúc thực của hơn ba mươi năm về trước…

 

Đến bây giờ đã bao năm rồi các bạn nhỉ? những cậu bé con ngày nào đã trở thành những ông bố rồi đấy, con cái chúng mình cũng là những nam thanh nữ tú và có nhiều đứa cũng đã đi tu. Bạn bè mình làm cha cũng nhiều đấy chứ… ngay cả cha xứ cũng là bạn mình! Các cha giáo giờ đã cao niên mỗi lần gặp lại học trò các cha mừng lắm, nhắn nhủ đủ điều, mình có cảm giác luôn được sống trong giá trị thiêng liêng của tình phụ tử… Anh em chúng mình sống bậc gia đình, là những người cha, chúng mình cảm nghiệm được giá trị cao cả mà các cha giáo vẫn luôn dành cho chủng sinh thân yêu.

 

Trong tâm tình sâu nặng, nhớ về những tháng ngày xưa cũ, khi chúng con được các cha thương yêu chăm sóc, để giờ đây dẫu: “không thành thân cũng thành nhân”. Chúng con luôn hãnh diện vì mình đã được sống trong nhà Chúa. Ôi! Một ngày ở trong nhà Chúa là hạnh phúc của đời con. 

 

Xin tri ân những người cha của chúng con. Xin cảm ơn những người thầy đã truyền lại cho chúng con bao điều quý báu cho cuộc sống, để giờ đây chúng con hạnh phúc vì đã được đón nhận những tình cảm ấm áp, tình yêu thương của những người cha đối với con cái, để chúng con luôn được thốt lên hai tiếng: Cha ơi”.

 

JB Hoàng Công Huấn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây