Tình con trong Tình Chúa

Ngày 22/06/2007 Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà đã viết LỜI GIỚI THIỆU cho kỷ yếu Lê Bảo Tịnh.

TÌNH CON TRONG TÌNH CHÚA

[08.07.2007 13:49]

Nguyễn Văn Thiện

Ngày 22/06/2007 Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà đã viết LỜI GIỚI THIỆU cho kỷ yếu Lê Bảo Tịnh.

Cảm nhận từ "Lời giới thiệu" này, những cựu chủng sinh Lê Bảo Tịnh đã viết một số ý kiến bày tỏ sự vui mừng.

 

Nhóm phụ trách xin giới thiệu bài viết TÌNH CON TRONG TÌNH CHÚA để cùng chia sẻ:

TÌNH CON TRONG TÌNH CHÚA

Xin ghi lại một vài cảm xúc khi đọc lời giới thiệu cuốn kỷ yếu Lê Bảo Tịnh của Đức Giám quản Phaolô:

1. Khi ở tuổi trên dưới 50 này, ngồi ngẫm nghĩ lại dòng đời, tự nhiên ta cảm thấy trào dâng lòng cảm tạ và tri ân Thiên Chúa nhân lành:

“Việc Chúa làm cho ta, ôi kỳ diệu! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui”.

Ta vui vì thấy rằng ở nơi ta, tất cả đều hữu lý, đều tròn đầy và đều có bàn tay Chúa quan phòng đưa dẫn.

…Tôi là một cá vị độc đáo và Thiên Chúa có chương trình dành riêng cho chính tôi… Thiên Chúa đã yêu tôi từ muôn thuở và khi đến thời đến buổi, tôi đã được hạ sinh vào đời… Kể từ lúc ấy, mọi sự xem ra đều bình thường và xảy ra theo những quy luật tự nhiên… Nhưng đến tuổi này, ngồi ngẫm nghĩ, ta nhận ra rằng: Tuổi thơ êm đềm, gia nhập Chủng Viện, được đào tạo, rồi bị tung vãi vào dòng đời… Mọi sự đều do bàn tay Cha nhân lành dìu dắt (Mọi chuyển vận của vũ hoàn - tinh tú xem ra là tự nhiên, nhưng tất thảy đều do Chúa định liệu).

Tạ ơn cuộc sống, dẫu không may

Tạ ơn sự chết, dẫu không hay. Tay Chúa an bài giữ gìn chẳng ngơi (Viết Chung)           

2. Với đa số anh em trong chúng ta, Lời Chúa dạy: “Con hãy về nhà và kể lại cho mọi người những điều kỳ diệu nơi con”; và với khoảng 50/450 người thì Lời Chúa lại phán: “Hãy theo Ta”. Lời phán nào cũng dịu ngọt và êm ái. Nhưng tất cả chúng ta đều có chung một lý tưởng: “Hãy ra khơi thả lưới, hãy truyền giảng Tin Mừng”… Đó là ơn gọi của Kitô hữu.

Sau những năm tháng đoàn tụ xum vầy, được học hành và giáo dục, tất cả (16 bề trên + giáo sư và 450 chủng sinh) được tung vãi đến khắp tứ phương thiên hạ, mỗi người mỗi cảnh… nhưng tất cả họ vẫn nhớ về nhau, vẫn tự hào về nhau, vẫn âm thầm hát “Mẹ ơi con yêu Mẹ, yêu tự hồi thơ bé, yêu mãi đến tuổi già, yêu tha thiết bao la… giờ chết Mẹ thương nhé! Chết trong tình yêu Mẹ”. Một điểm son của tông giống Lê Bảo Tịnh là vẫn giữ gìn được nhân cách đĩnh đạc, nhiệt tình tông đồ giáo dân, nếp sống bình dân và không gây rối trong các giáo xứ.

Biến cố ngày 29/6/1983, Chủng viện LBT hoàn toàn bị xoá sổ và hầu như không có người kế tục. Và nhất là từ khi các anh em lần lượt lãnh chức linh mục thì hầu như không ai còn nhắc đến “Chủng viện Lê bảo Tịnh”. Cũng giống như thời Giáo hội sơ khai, vì bị bắt bớ quá khốc liệt, các Kitô hữu bị phân tán khắp nơi, nhưng họ đi đến đâu thì hạt giống Tin Mừng được gieo vãi đến đó..

Rồi đến một ngày, lòng thương mến nhau đã biến thành hành động, anh em từng lớp vẫn tìm đến chia vui sẻ buồn, anh em từng hạt cũng tổ chức họp mặt, các địa chỉ mail càng ngày càng nhiều hơn qua sự miệt mài của anh Khôi, năm 2005 ca đoàn Lê Bảo Tịnh đã ra mắt và phục vụ tại nhà thờ chính toà BMT, năm 2006 trang Web lebaotinhbmt.com được Hoàng Công Huấn cho ra mắt, các cuộc hội ngộ mừng quan thầy 6/4 và chầu lượt vào Chúa nhật IV Phục sinh được bắt đầu từ năm 2004 và công trình lớn lao nhất sắp hoàn thành là cuốn kỷ yếu, nơi ghi lại những chứng tích hùng hồn của đời sống đạo và những tình cảm của con cháu Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh. Nơi đây sẽ lưu giữ lại những kỷ niệm vô giá và cuốn kỷ yếu này sẽ là sợi giây vô hình nối kết cha – con cùng anh em lại với nhau. Nơi đây ghi lại dòng chảy ân sủng của Thiên Chúa Tình yêu, cũng như tình nghĩa thầy trò suốt 40 năm qua (Lời ngỏ của Đức Giám quản). Và cũng rất may mắn, kể từ năm 2007, lớp chủng sinh được tuyển đi Đại chủng viện Sao Biển được mang tên Lê Bảo Tịnh, như vậy chúng ta đã có người nối dõi!.

3. Đức cha Giám quản cũng nhắc nhở: “chúng ta, hãy nhìn lại chính mình, xét xem sự đóng góp của mình cho Giáo Hội, giáo xứ và cộng đồng như thế nào .Chúng ta hãy giúp nhau vươn tới những tầm cao… cho đến sự vĩnh cửu.”    

Nguyễn Văn Thiện

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây