Trở về nguồn cội

Mỗi lần gặp gỡ nhau dịp giỗ Tổ, chầu lượt, tự nhiên lòng mình xôn xao...

Trở về nguồn cội

MỘT CHUYẾN ĐI TRỞ VỀ NGUỒN CỘI

[14.04.2006 23:13]

Trong một email gửi anh em, cha Nguyễn Thế Phương, lớp Giuse, có nhắc tới ý tưởng “nếu không nhớ về nguồn cội”. Ý nghĩa của cụm từ "nếu không nhớ về nguồn cội" muốn nói lên rằng tất cả những anh em đã từng sống dưới mái nhà Chủng Viện Lê Bảo Tịnh, dù ngắn ngủi hay lâu dài, đều thực sự là sống trong một gia đình: cũng có những người cha, người thầy tuyệt vời hết lòng dạy dỗ, chăm sóc để các con cái, học trò của mình khám phá ra Tình Yêu và Hồng Ân của Chúa, chỉ bảo cho con cái trưởng thành về mọi mặt trong cuộc sống nhân sinh là hoà đồng và yêu thương mọi người…

Trước đây tôi thường hiểu hai chữ “nguồn cội”, “gốc gác” một cách hạn hẹp, gói gọn trong mối liên hệ của một gia đình thuộc về huyết thống, rồi một dòng họ, một địa phương (nguyên quán)… Nhưng khi nhìn lại cuộc đời của mình, tôi mới nghiệm ra rằng có lẽ cái yếu tố “cội nguồn” định hình rõ nét đã "làm nên" con người chúng ta hôm nay phải kể đến thời gian được đào tạo trong Chủng viện Lê Bảo Tịnh. Sở dĩ cái "nguồn cội" bám rễ vào Chủng viện là vì vào thời điểm đào tạo đó, người chủng sinh đang trong giai đoạn thiếu niên, và nhân cách con người được hình thành và ảnh hưởng mãi về sau trong suốt cuộc đời…

Chắc chắn không phải là hoàn toàn “chủ quan” khi nói rằng mọi thành viên trong Gia đình Lê Bảo Tịnh đều có một nét gì đó đặc biệt, một “mẫu số chung” mà có lẽ ai tinh ý đều có thể nhận thấy. Đó là các linh mục đạo đức, năng nổ, hài hoà..., là những giáo dân hăng say trong công việc tông đồ tuỳ theo hoàn cảnh, môi trường cụ thể..., là những nhân tố tích cực trong đời sống gia đình và xã hội... Cho dù có nhiều anh em chỉ sống trong môi trường Chủng viện một thời gian không lâu, nhưng tôi vẫn nghĩ “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”... Mong rằng những đức tính ấy, nhân cách ấy, lối sống tốt đẹp ấy ngày càng thêm phát triển trong Gia đình Lê Bảo Tịnh chúng ta, kể cả vợ chồng, con cháu...

Xin cảm tạ Chúa vì những việc kỳ diệu Ngài đã làm cho chúng con! Chắc hẳn những kỳ công đó như tôi vẫn thường nghĩ và chia sẻ với một vài người là “dù có nằm mơ” chúng ta cũng khó tưởng tượng ra được. Ðó là một linh mục (trong Ban Giám Đốc, các Cha Giáo) đầy thánh thiện và khôn ngoan chuyên tâm chăm sóc cho từ 15 – 25 chủng sinh (năm 1968: 4 cha/60 chủng sinh và năm 1975: 8 cha/200 chủng sinh) để đào tạo họ trở nên những con người toàn diện về mọi mặt đạo đức, trí thức và nhân cách...

Mỗi lần gặp gỡ nhau dịp giỗ Tổ, chầu lượt, tự nhiên lòng mình xôn xao... Cảm động tri ân những người Cha, người Thầy, giờ đây có khi đã tuổi già sức yếu nhưng vẫn hiện diện với ánh mắt chan hòa yêu thương đến từng đứa con, từng học trò của mình... Bằng lời thăm hỏi ân cần, động viên nhắc nhở, và nhất là qua gương sống phục vụ trong nhiệm vụ hiện tại của các cha, chúng con cảm thấy thêm niềm tin, tăng sức sống mới để xây dựng cuộc đời tươi đẹp hơn!

Là anh em trong một gia đình, ai nấy đều tay bắt mặt mừng sau những năm tháng xa cách mới có cơ hội quý báu gặp lại nhau...

Cảm tạ Thiên Chúa, ghi nhớ “ơn thầy, nghĩa bạn”, đó là những gì tốt đẹp nhất mà trong suốt cuộc đời ta hằng luôn tâm niệm... Những buổi họp mặt trở về cội nguồn của Gia đình Lê Bảo Tịnh, đối với tôi cũng quan trọng như những ngày kỷ niệm của gia đình riêng mình, ngày họp tất niên của Họ Tộc, của bà con... bởi chưng chúng ta đều có chung một “cội nguồn”.

Ghi nhớ ngày giỗ Tổ Lê Bảo Tịnh 6/4/2006.
Nguyễn Văn Lương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây