BÀI 14 -Văn Hóa Ứng Xử

Thứ năm - 21/07/2022 06:41 | Tác giả bài viết: Lm Đan Vinh -HHTM |   452
“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các Ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
BÀI 14 -Văn Hóa Ứng Xử

BÀI 14
Văn Hóa Ứng Xử –NGHĨ ĐẾN NGƯỜI KHÁC

1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các Ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

2. CÂU CHUYỆN: CHIẾC GIÀY CỦA GĂNG-ĐI

Sau một tiếng còi vang lên báo hiệu tới giờ khời hành. Chiếc xe lửa từ từ chuyển bánh và GĂNG-ĐI (Gandhi) từ sân ga vội chạy đến toa và vừa kịp bước chân lên toa hành khách thì tàu bắt đầu chạy. Bất ngờ một chiếc giày của ông bị vướng vào bậc thang để lên tàu và bị rơi xuống đường ray. GĂNG-ĐI không thể nhảy xuống nhặt lại chiếc giày đắt tiền vừa bị rơi kia khi con tàu tăng tốc. Bấy giờ trước sự ngỡ ngàng của nhiều người gần đó, GĂNG-ĐI đã lập tức cúi xuống tháo luôn chiếc giày còn lại ném về phía chiếc giày vừa bị rớt xuống đường kia. Sau khi an vị, người hành khách ngồi bên cạnh đã thắc mắc hỏi ông tại sao làm như vậy, thì được GĂNG-ĐI trả lời: “Sở dĩ tôi ném chiếc giày còn lại xuống đường ray là để nếu có người nghèo nào đó lượm được chiếc giày thứ nhất, sẽ dễ tìm thấy chiếc thứ hai và có thể sử dụng được đôi giày của tôi!”.

3. SUY NIỆM:

- Có lẽ mỗi người chúng ta thường nghĩ đến mình hơn nghĩ đến người khác. Đó là thói ích kỷ cố hữu của con người. Có một trắc nghiệm để đánh giá trình độ trưởng thành của một người là: Bao lâu họ chỉ biết nghĩ đến ích lợi của bản thân, là họ vẫn còn trong tình trạng ấu trĩ về tâm lý. Chỉ khi họ biết quên mình để nghĩ đến người khác, thì mới thực sự nên người trưởng thành về nhân cách.

- Nghĩ đến người khác là thực hiện lời đức Khổng Tử: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Thánh kinh Cựu ước cũng đã ghi lại lời Tô-bi-a cha khuyên Tô-bi-a con như sau: “Điều con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,15a). Thánh Phao-lô khuyên tín hữu thành Phi-lip-phê như sau: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4).

- Chúng ta phải “nghĩ đến người khác” vì mọi cái chúng ta đang sử dụng đều do người khác mang lại và phải nhờ người khác mà ta mới có được như: cơm ăn, áo mặc, xe cộ, đồ dùng, điện nước, thuốc uống, kiến thức, luật pháp… Nếu không được người khác cung cấp giúp đỡ thì cuộc sống của chúng ta sẽ gặp nhiều bất hạnh. Do đó, đến lượt chúng ta, thật là công bình và chính đáng khi ta cũng phải biết nghĩ đến và phục vụ người khác theo khả năng của mình.

- Nghĩ đến người khác là cách ứng xử tốt đẹp: Nhưng để thực hiện được điều này, đòi người ta phải tập thành thói quen, thành một phong cách ứng xử có văn hóa. Sở dĩ GĂNG-ĐI lập tức cởi chiếc giày thứ hai quăng xuống đường ray bên dưới là do ông đã tập thành thói quen “nghĩ đến người khác”, nên khi có dịp là lập tức phản ứng ngay mà không cần thời gian suy nghĩ và bỏ lỡ cơ hội.

- Trong gia đình, cha mẹ công giáo cần tập “nghĩ đến người khác” theo gương Đức Giê-su. Cần giúp con cái ý thức và biết luôn “nghĩ đến người khác” ngay từ khi còn ấu thơ. Đây là điều kiện giúp chúng quên mình vị tha và hy sinh phục vụ tha nhân để nên người trưởng thành nhân cách, nên môn đệ đích thực của Đức Giê-su và chu toàn sứ vụ làm chứng cho Người.

4. SINH HOẠT: Để tạo thành thói quen ứng xử vị tha như GĂNG-ĐI, chúng ta cần phải làm gì ngay từ hôm nay? Bạn sẽ làm gì cụ thể để hình thành thói quen quên mình để nghĩ đến người khác ngay từ gia đình đến trường học và nơi sở làm?

5. LỜI CẦU:

Lạy Thiên Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin giúp mỗi người chúng con biết thực hành giới răn bác ái của Đức Giê-su Con yêu quí của Cha, bằng việc năng thực hành theo câu châm ngôn: Nghĩ Đến Người Khác và Đáp Ứng Nhu Cầu”. Nhờ đó chúng con sẽ ngày một nên người trưởng thành về nhân cách và trở thành chứng nhân của Chúa trước mặt mọi người.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây