Giê-su – Ngài là Vua đời tôi…

Thứ bảy - 21/11/2020 06:06 |   887
Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacop đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”


CHÚA NHẬT – LỄ CHÚA GIÊ-SU LÀ VUA

 
Giê-su – Ngài là Vua đời tôi…
 
Những ngày qua, cả thế giới đều theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ. Theo dõi những bản tin được đăng tải trên youtube, chúng ta được biết, đây là một cuộc bầu cử quái đản nhất trong lịch sử nước Mỹ.
 
Vâng, rất quái đản khi ứng cử viên thuộc đảng “con lừa”, dù chưa được ủy ban bầu cử liên bang tuyên bố ai đã thắng, thế mà y đã vung vít tuyên bố rằng thì-là-mà tôi là tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Chưa hết, y lại còn sửa soạn thành lập nội các, thế mới ghê chứ!
 
Ứng cử viên còn lại và cũng là đương kim tổng thống Hoa Kỳ, thuộc đảng “con voi”, đã tuyên bố rằng: “cuộc bầu cử còn lâu mới kết thúc”, chưa kết thúc vì còn trong vòng thưa kiện do có quá nhiều sự gian lận. Ông ta còn nói thêm rằng: “lần bầu cử này là vụ trộm cắp lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

Kết quả chung cuộc chưa biết thế nào, nhưng qua một số kết quả điều tra về sự gian lận đã được công bố, có thể nói rằng: thật khủng khiếp. Khủng khiếp về những kẻ có tham vọng, tham vọng hòng chiếm lấy quyền hành, chiếm lấy quyền lực, chiếm lấy chiếc ghế tổng thống.

Muốn có được quyền hành và quyền lực ư! Đức Giê-su có lời truyền dạy, rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. (x.Mc 9, 35). Phải “để phục vụ” chứ không phải “để được phục vụ”. Và, cuối cùng là “liều mạng sống mình vì người mình yêu”.

Từ cổ chí kim, có vị lãnh tụ nào đã làm như thế! Có vị vua, tổng thống, chủ tịch, v.v… nào đã “dám làm” như thế!

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã tuyên bố rằng: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”. Không tuyên bố xuông, nhưng Ngài đã thực hiện điều mình đã nói một cách tuyệt đối, không chê trách được.

Vâng, làm vua… làm tổng thống… làm thủ tướng… đó là điều không ít người mơ tưởng đến. Rất tiếc, theo dòng lịch sử con người, không ít người đã lên ngôi bằng những mưu toan chính trị, bằng trò hề phổ thông đầu phiếu, bằng sức mạnh của họng súng, bằng những gian dối lừa bịp, bằng sự khủng bố đàn áp.

Với Đức Giê-su, Ngài cũng là “Vua” đấy chứ. Chính Thiên Chúa đã có chương trình tôn vinh Ngài là vua, qua việc sai sứ thần Gabrien đến một thành miền Galilê gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ tên là Maria và báo tin rằng “bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacop đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 31-33).

Những người đầu tiên tôn vinh Đức Giê-su là vua chính là mấy nhà chiêm tinh. Kinh Thánh ghi lại rằng: Khi thấy “có vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông”, họ đã có một cuộc hành trình tìm kiếm để “bái lạy Người”.

Để lên ngôi, Ngài đã dùng sức mạnh của tình yêu thương, một thứ tình yêu, dám “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu”.

Và quả thật, lịch sử ghi lại rằng: Vua Giê-su đã hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu, trên thập giá tại “Đồi Sọ”, cho việc “lên ngôi” của Ngài.

Rất rõ ràng. Hôm ấy, nơi Đồi Sọ, với cảnh chiều lộng gió, người ta không nghe được một tiếng kèn, tiếng trống hay tiếng hoan hô, nhưng là với những “tiếng chày tiếng búa nện đinh”, nện không thương tiếc vào hai bàn tay và đôi chân của Đức Giê-su bằng những chiếc đinh, một cách để dán chặt cơ thể Ngài vào thập giá. Và cuối cùng thân xác Ngài được dương cao lên, người ta thấy trên thập giá có một dòng chữ: “Người này là Giê-su, vua dân Do Thái”.

Vây quanh đồi Sọ, thật đau lòng là hàng ngàn người với những tiếng hò hét “buông lời nhạo báng”, với những lời thách thức ngạo mạn “Nếu ông là Vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi”, v.v…

Trên thập giá, Vua Giê-su đã không xấu hổ về những lời nhục mạ đó. Trên thập giá, Vua Giê-su có thể kêu cứu Cha Ngài xin được “cấp ngay cho Ngài mười hai đạo binh thiên thần” để giải cứu Ngài.

Thế nhưng, “như thế thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được?” Như thế thì lời tuyên phán: “Như ông Môse đã giương cao con rắn trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”, làm sao trở thành hiện thực!

Hôm ấy, như là một vị Vua của tình yêu, Đức Giê-su đã có lời nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

**
Thế đấy! Cách lên ngôi của Ngài là thế đấy. Và, với cái nhìn của thế gian, thì cách lên ngôi của Đức Giê-su là một cách lên ngôi đầy nhục nhã.

Ai… ai sẽ lớn tiếng tôn vinh Ngài là Vua?… Ai sẽ dám là thần dân của Ngài?

Thưa có. Có một người đã dám. Người đó là một tên gian phi. Chuyện kể rằng: Hôm đó, cùng bị hành hình với Ngài là hai tên gian phi, một tên “cũng nhục mạ người”. Nhưng tên kia thì không. Người gian phi này đã thưa với Đức Giêsu, rằng: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”.

Trước lời khẩn cầu của tên gian phi, Vua Giê-su đã làm sao nhỉ? Thưa, hôm ấy Ngài đã nói với anh ta, rằng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Lời tuyên phán này chính là bằng chứng sống động, cho thấy Đức Giêsu đã thực hiện đúng lời rao giảng của mình, rằng: “Tôi đến là để chiên được sống và được sự sống sung mãn”…

***
Đừng… đừng cho rằng, những lời tường thuật trên hơi dài dòng. Chính sự dài dòng này đã đem đến cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh về một “Vua Giê-su”. Một Vua Giê-su “Người có quyền làm chủ trên mọi tạo vật. Chỉ có người mới xứng đáng ngự trị trong tâm hồn chúng ta. Mặc dù có nhiều quyền uy, Người không chiếm ngụ tâm hồn ta bằng vũ lực. Trái lại, Người mời gọi chúng ta nên những thần dân trong vương quốc vĩnh cửu và phổ cập của Người”.

Vâng, đó là sự cảm nghiệm của Lm. Charles E.Miller. Và, thật cần thiết để chúng ta nghe tiếp đôi lời chia sẻ của ngài, rằng: “Nước của Người không phải là một vương quốc của thói dối trá và hủy diệt, mà là của sự thánh đức và ơn sủng. Nước của Vua Giê-su không phải là một vương quốc của nạn bóc lột, hận thù và bạo lực, mà là của công lý, tình yêu và an bình”.

Cuối cùng, ngài Miller có lời khuyên, khuyên rằng: “Là thành viên của Giáo Hội, chúng ta được kêu gọi nên một bí tích của vương quốc này, một dấu chỉ cho thế giới thấy Nước Thiên Chúa thật sự như thế nào”.

Thật đúng là vậy. Nước-Thiên-Chúa của hiện tại, hôm nay, chính là Giáo Hội, một Giáo Hội được quy tụ với nhiều thành phần chưa phải là hoàn thiện. Và, đó là lý do mỗi chúng ta phải là “một dấu chỉ”, một dấu chỉ của: “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”.

Chính những “dấu chỉ” này sẽ giúp cho Nước Thiên Chúa của hiện tại hôm nay là Giáo Hội, mỗi ngày một thập toàn, cho tới lúc “Vua Giê-su lại đến trong vinh quang”.

Cuối cùng, và cũng là điều rất quan trọng mà mỗi chúng ta, ai cũng phải ghi khắc trong con tim mình. Đó là: “Khi (Vua Giê-su) đến trong vinh quang, (sẽ) có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái”.

Vâng, đó mới chỉ là sự khởi đầu, một sự khởi đầu cho một cuộc tuyển chọn. Nói, theo cách nói của “con nhà đạo”, đó là một cuộc “phán xét”.

Vua Giê-su phán xét như thế nào! Thưa, “Bấy giờ, Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ tạo thiên lập địa”.

Còn những người “đứng bên trái” thì sao nhỉ! Thưa, thật thảm hại. Đức Vua phán với họ rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành cho tên Ác Quỷ và sứ thần của nó”.

Cuộc phán xét của Đức Vua Giê-su là thế đó. Rất công bằng. Nguyên nhân mà những kẻ đứng bên trái, phải “vào lửa đời đời, nơi dành cho tên Ác Quỷ và sứ thần của nó”, là do cuộc sống của họ đã không “nên một bí tích… nên một dấu chỉ cho thế giới thấy Nước Thiên Chúa thật sự như thế nào”.

Cuộc sống của những con người này đã không có được dấu chỉ của lòng bác ái, sự nhân hậu và từ tâm. Họ đã không: “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới mặc”. Họ đã không: “viếng kẻ tù rạc”. Họ đã không: “cho khách đỗ nhà”.

Còn cuộc sống của những người “đứng bên phải” là một cuộc sống tỏa sáng dấu chỉ của lòng bác ái, sự nhân hậu và từ tâm. Những người này đã được Đức Vua gọi là “những người công chính”, là những người “xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước. Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc. Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han”. Những con người này đã nhận ra “Đức Vua” chính là “những người bé nhỏ nhất”.

Chính… chính Đức Vua Giê-su đã tuyên phán, rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (x.Mt 25, 40).

****
Chúa Nhật hôm nay (22/11/2020) toàn thể Giáo Hội cử hành Lễ Chúa Giê-su Ki-tô Vua. Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua được thiết lập vào năm 1925.

Trước trào lưu con người chủ trương tiêu diệt Thiên Chúa, con người hô hào trục xuất Thiên Chúa ra khỏi gia đình, ra khỏi xã hội, ra khỏi quốc gia, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập một ngày lễ tôn vinh CHÚA GIÊSU KITÔ VUA như một cách minh định rằng: Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, và là Thiên Chúa thật, Ngài là Vua vũ trụ, Vua muôn loài, là Vua của tất cả mọi người, của mọi dân tộc, của mọi quốc gia.

Từ 1925 cho đến hôm nay là chín mươi lăm năm. Vẫn còn đó tiếng hô hào trục xuất Thiên Chúa ra khỏi gia đình, ra khỏi xã hội, ra khỏi quốc gia. Một số lãnh tụ, dưới sự dẫn dắt của Satan, đã và đang làm đủ mọi cách tiêu diệt Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.

Là một Ki-tô hữu, sẽ là một Ki-tô hữu, hữu danh vô thực, nếu chúng ta để cho cuộc sống mình bị “cuốn theo chiều gió”, ngọn gió của những sắc luật vô nhân tính, vô luân… Luật cho phép phá thai, cho phép hôn nhân đồng tính, chẳng hạn.

Là một Ki-tô hữu, dù chỉ là một Ki-tô hữu vô danh tiểu tốt, cuộc sống của chúng ta vẫn không vô nghĩa. Nếu… nếu chúng ta để cho cuộc sống mình “thông dự vào một chuyển biến lịch sử hết sức trọng đại với tư cách là một thần dân trung thành của Đức Ki-tô Vua”.

Vâng, không khó lắm đâu. Chỉ cần chúng ta nhìn Đức Giê-su… chỉ một Giê-su Ki-tô như là “cội rễ và cuối cùng của đức tin” và xác tín rằng: “Giê-su – Ngài là Vua đời tôi”.

 
Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây