Hãy là quản lý tài giỏi và trung thành

Thứ tư - 11/11/2020 16:52 |   736
“Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.” (1 Pr 4,10.)
Hãy là quản lý tài giỏi và trung thành


 
Bạn có bao giờ nghĩ Thiên Chúa thật “liều lĩnh” khi trao cho con người quản lý công trình sáng tạo của Ngài! Liều lĩnh vì Ngài biết con người có những giới hạn và có tự do để chu toàn hoặc trì hoãn công việc ấy. Chẳng hạn, sau khi sáng tạo muôn loài và con người, Chúa ưu ái giao cho con người “canh tác và canh giữ” khu vườn của thế giới (x. St 2,15). Có người yêu quý công trình sáng tạo ấy. Họ ra sức chăm sóc cho ngôi nhà chung, yêu mến thiên nhiên và cộng tác với Thiên Chúa trong mọi sự. Ngược lại, có những người tàn phá môi trường và làm cho nhiều thứ ngày càng tệ hại. Dù sao, chúng ta thấy Thiên Chúa đã yêu thương con người mà cho được hưởng quyền quản lý. Vấn đề là quản lý như thế nào cho đẹp ý Chúa?

Bài Tin Mừng Chúa Nhật 33 hôm nay cho ta câu trả lời[1]. Ông chủ giao cho các đầy tớ số vốn làm ăn. Mỗi người nhận được đồng vốn khác nhau. Kẻ được 5 yến, người được 2 yến, kẻ khác được 1 yến bạc. Đó là số tiền rất lớn, bởi một yến thời ấy tương đương với 6 ngàn ngày lương. Vậy, ba năm tiền lương đủ để người ta làm ăn và sinh lời. Đó là ước mong của ông chủ khi trao cho mỗi đầy tớ lượng tài sản lớn lao. Trong hậu kỳ của câu chuyện chúng ta thấy chỉ có người lãnh 1 yến bị ông chủ quở trách. Thay vì gửi vào ngân hàng, anh ta lại chôn giấu yến bạc của ông chủ xuống đất. Chúng ta cũng như ông chủ trách tên đầy tớ này thật tồi tệ và biếng nhác! Hậu quả là ông chủ quăng tên đầy tớ ấy ra nơi tối tăm bên ngoài Thiên Đàng (x. Mt 25,30). Bởi trong Thiên Đàng chỉ có những người biết sinh lời nén bạc Chúa trao.

Thực ra thánh sử Mátthêu không tường thuật câu chuyện này để chỉ cho người ta cách làm ăn kinh tế. Tuy từng làm trong lãnh vực kinh tế (thu thuế), nhưng Mátthêu cho thấy nén bạc trong câu chuyện này là những tài năng hay khả năng Thiên Chúa ban cho con người[2]. Đó là sức khỏe, trí khôn, cảm xúc, tình cảm, phán đoán, ngôn ngữ, môi trường, xã hội, tự do, v.v., để con người làm vinh danh Chúa hơn. Đó là những ơn huệ của Chúa. Ngài muốn ơn huệ ấy sinh nhiều hoa trái. Mỗi người là một chủ thể của ơn ấy, và có nhiệm vụ cho ơn ấy sinh ích cho Chúa, cho mình và cho người khác. Hoặc như thánh Catarina Siena được nghe Tiếng Chúa: “Ta muốn người này cần người kia, và mọi người là người thừa hành của Ta để phân phát các ơn, các quà tặng mà chúng đã nhận được nơi Ta.”[3]

Mỗi người có cả một đời người để khôn ngoan quản lý tài sản Chúa trao. Hy vọng đến một ngày ta gặp Thiên Chúa, và hạnh phúc nói: “Thưa Chúa, Ngài đã ban cho con năm yến, con sinh lời được năm yến khác đây!” Lúc đó sao nhỉ? Chắc chúng ta vui vì Chúa trìu mến ban lời: “Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành...hãy vào mà hưởng niềm vui Nước Trời.” (x. Mt 25,20-21). 

Nhiều bạn trẻ thành thật chia sẻ: “Con chẳng biết phải làm thế nào để phục vụ Chúa, con dốt lắm, chẳng có tài năng gì!” Chắc đã đến lúc chúng ta phải nghĩ khác. Không ai vô dụng, chẳng ai dốt nát, vì chúng ta được Thiên Chúa dựng nên. Hơn nữa ân sủng Chúa luôn ban nhưng không cho con người. Ai cũng có khả năng sống và quản lý ân sủng ấy; nghĩa là chúng ta có bổn phận cộng tác làm ân sủng ấy sinh nhiều hoa trái. Dù trong hoàn cảnh nào, bạn và tôi đều được mời gọi làm sáng danh Chúa.
Thử lấy hai ví dụ để chúng ta hiểu rõ hơn:

 
* Khôn ngoan thông thái. Phải thừa nhận Chúa ban cho thánh Augustinô nhiều nén bạc. Ngài thông minh ngay từ nhỏ. 19 tuổi Augustinô đã trở thành giáo sư triết học, tài giỏi trong thuật hùng biện, viết lách, giảng dạy và thuyết phục người ta. Chưa hết! Với lòng hăng say truy tìm tri thức và lòng mến Chúa thiết tha, thánh nhân đã dành quãng đời còn lại để phục vụ Thiên Chúa và giúp tha nhân đến gần với Đấng là nguồn mọi tri thức. Có thể nói, thánh nhân đã sinh lời những nén bạc Chúa trao.

Bài học là: Như có lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi người trẻ không nên chờ tới khi hoàn hảo rồi mới quảng đại thưa tiếng xin vâng. Đừng sợ hãi về những giới hạn và tội lỗi của mình; nhưng thay vào đó, hãy mở tâm hồn trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Hãy lắng nghe tiếng gọi này, hãy phân định sứ mạng của từng người trong Giáo Hội và thế giới. Sau cùng, như thánh Augustinô, hãy sống tiếng gọi ấy trong ngày hôm nay mà Thiên Chúa trao cho người trẻ Công giáo Việt Nam!

* Trên không gian mạng. Khi công nghệ thu hút người trẻ, chân phước Carlo Acutis của chúng ta đã biết cách thánh hóa không gian ấy (lễ phong chân phước ngày 10-10-2020). Bạn ấy là lập trình viên vốn rất yêu mến Thánh Lễ và Mình Thánh Chúa. Sau thời gian chịu đau khổ vì bệnh bạch cầu, Carlo đã qua đời ở tuổi 15 tuổi (2006). Tuy vậy, quãng thời gian trên dương thế lại nhiều niềm vui cho Carlo. Vui vì Carlo đã dâng đau khổ của mình để cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội. Hạnh phúc vì Carlo là một thiếu niên ngoan đạo, tham dự Thánh lễ hàng ngày, thường xuyên đọc kinh Mân côi và xưng tội. Với Carlo, Thánh Thể là “đại lộ dẫn đến Thiên Đàng.” Do đó, ban ấy đã thiết kế trang Web để trưng bày về những phép lạ Thánh Thể đang được lưu truyền khắp thế giới.[4]

Bài học là: Thú vị khi mỗi người đều có thể làm điều tốt cho người, cho đời và cho Chúa. Chúng ta muốn nên quản lý tốt của Thiên Chúa, chỉ khi chúng ta làm cho cuộc đời mình ý nghĩa. Điều ấy mời gọi mỗi người dấn thân trong môi trường rất cụ thể của mình. Từng ngày sống có những cơ hội và thách đố riêng để rèn luyện khả năng quản lý của mỗi người.

Tới đây chúng ta có thể nói mỗi người đều có một sứ mạng quản lý những gì Chúa trao. Sứ mạng nghĩa là Thiên Chúa đòi người ta phải sinh lời những nén bạc. Người quản lý tốt là người khôn ngoan, trung thành và nhân ái. Từ đó, nhà quản lý biết cách sử dụng các tài năng của mình trong cuộc đời. Đừng quên tham vấn với Thiên Chúa trong khi quản lý. Thiên Chúa là người chủ biết cách trợ giúp mỗi người thành công trong quản lý đời mình. Ngài tư vấn miễn phí với rất nhiều tình yêu. Hãy năng lui tới với ngài để học cách quản trị tài sản đời mình. Khi đó, chúng ta không sợ đi sai đường và không sợ tài năng bị thất thoát. Hoặc nói như thánh Phêrô: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.” (1 Pr 4,10.)

Để kết thúc, chúng ta nghe lại lời Giáo Hội muốn mỗi tín hữu, nhất là người trẻ: “Điều quan trọng là phải hỗ trợ và khích lệ các em phát huy tài năng, kỹ năng và óc sáng tạo, và khuyến khích tinh thần trách nhiệm của các em. Sự tham gia xã hội và tiếp xúc trực tiếp với những người nghèo vẫn là một cơ hội cơ bản để khám phá và đào sâu đức tin cùng phân định ơn gọi của chính mình.[5] Nhưng trước tiên, mỗi người cần nhận ra nén bạc Chúa trao, từ đó, hãy “tiêu xài” chúng một cách quảng đại với nhiều tình yêu. Khi đó Thiên Chúa sẽ mừng vui, Giáo Hội sẽ hạnh phúc và bạn sẽ phấn khởi vì tài năng của mình đang giúp ích cho nhiều người.

 
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
 
 

[1] Chúa Nhật 33 mùa TN. Mt 25,14-30.
[2] Thiên Chúa ban cho con người những ơn phúc và tài năng khác nhau, Chúa mời gọi họ chia sẻ cho nhau. Trong tình bác ái, người này phải chia cho người kia những gì họ còn thiếu thốn. [x. Giáo Lý 1936-1938)
[3] Xem Youcat số 331
[4] Đọc thêm: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/phong-chan-phuoc-cho-thieu-nien-lap-trinh-vien-carlo-acutis-40138
[5] Tông Huấn Chúa Kitô Sống số 170.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây