Sức Mạnh của Lời Chúa

Thứ hai - 04/09/2023 06:49 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   463
“Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.
Sức Mạnh của Lời Chúa



Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat. Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. (Lc 4, 31 - 32)



“Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.13 Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.”[1]

Một hôm có người bạn trẻ đến hỏi tôi. “Thưa cha, cha nghĩ sao về Lời Chúa, có lúc con đọc con cảm thấy như Lời ấy lên án hành động của con, con không thích đọc Lời Chúa nữa”. 
Thật có lúc chúng ta cũng có cảm nghiệm như diễn tả của người thanh niên, Lời Chúa như thuốc đắng, đôi khi muốn chạy trồn nhưng chẳng sao chạy trốn được. Là Linh Mục, ngày nào cũng đọc, chẳng những đọc mà còn là công bố Lời Chúa. Lời Chúa từ một con người chưa sống được mà còn có nhiệm vụ chia sẻ Lời Chúa, thật là khó đối với thừa tác viên của Lời Chúa. 
Sự mâu thuẫn ấy cứ giằng co, đôi khi giống như tâm sự của Giêrêmia:“Có lần con tự nhủ: Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa." Nhưng nào có được, nếu không nói thì thật giống như Thánh Phao lô thổ lộ: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. 
Bởi Linh mục là người lãnh nhận sứ vụ rao giảng Tin Mừng một cách công khai trong ngày truyền chức, khi Giám Mục trao sách Thánh và tuyên xưng lại vào mỗi thứ Năm Tuần Thánh hằng năm:” Con hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và sống điều con dạy”. Một sứ vụ được trao, được nhắc đi nhắc lại thường xuyên cho thấy tầm quan trọng và không thể thoái thác hay chạy trốn trước sứ vụ.
Đón nhận sứ vụ với hết cả tình yêu của mình mới có thể thấy được niềm vui, khi đó, giống như một người trân trọng giữ lấy kỹ lưỡng và đọc đi đọc lại lá thư của tình yêu. Bằng trái tim mới hiểu được điều trái tim Thiên Chúa muốn viết. Lời Chúa có sức mạnh phân xẻ tâm hồn nhưng lại là một Lời ngọt ngào chữa lành cần thiết: “Lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt”[2]. Lời Chúa, nếu đã một lần nghiệm thấy sẽ thấy thật như Giêrêmia cảm nghiệm.
Hãy cảm nghiệm Lời Chúa bằng cách sống bắt đầu từ trái tim để thu hút tâm điểm đời ta và từ ấy, nguồn suối sự sống Lời Chúa tuôn chảy vào đời ta.
 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
 
 
[1] Dt4, 12 -13.
[2] Gr 20, 8.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây